Philippines tính đàm phán với Trung Quốc nếu thắng vụ kiện Biển Đông
Philippines có thể cân nhắc đàm phán song phương với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng chỉ sau khi Manila thắng vụ kiện Bắc Kinh tại toà quốc tế.
Bãi cạn Scaborough, nơi tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: Rappler
"Cách tiếp cận song phương bản thân nó cũng tốt", Albert de Rosario, Ngoại trưởng Philippines hôm nay cho biết trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ba năm sau khi Manila đệ đơn kiện tại toà trọng tài quốc tế ở The Hague (La Haye) và bác bỏ đề nghị đàm phán song phương của Bắc Kinh.
"Khi phiên xử kết thúc và nếu kết quả có lợi cho chúng ta, tôi nghĩ chúng ta nên thảo luận song phương vì chúng ta đã có nền tảng để có cách tiếp cận cứng rắn trên bàn đàm phán. Nếu nó không có lợi cho chúng ta, họ sẽ tiếp cận chúng ta", Reuters dẫn lời ông del Rosario nói.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với hầu hết Biển Đông, kể cả những vùng biển gần các nước láng giềng Đông Nam Á hơn. Bắc Kinh từ chối công nhận vụ kiện của Philippines tại toà trọng tài, cho rằng mọi tranh chấp cần được giải quyết thông qua đàm phán song phương.
Ông Rosario đã xin nghỉ hưu do vấn đề sức khoẻ và quyết định sẽ có hiệu lực vào tháng tới. Ông cho biết toà án có thể ra phán quyết trước tháng 5.
Tên lửa Triều Tiên chưa đủ sức đe dọa Mỹ
Ngày 13-2, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định CHDCND Triều Tiên quyết tâm phát triển tên lửa hạt nhân để tấn công Mỹ, nhưng chưa đủ trình độ công nghệ để thực hiện mục tiêu này.
Các mảnh vỡ của quả tên lửa CHDCND Triều Tiên mới phóng, được lực lượng Hàn Quốc thu thập - Ảnh: Reuters
Theo AFP, báo cáo của Lầu Năm Góc trình lên Quốc hội Mỹ cho biết tên lửa đạn đạo xuyên lục địa KN-08 của CHDCND Triều Tiên có thể bắn tới Mỹ nếu được thiết kế và phát triển đúng cách. Tuy nhiên, đến nay Bình Nhưỡng chưa thể bắn thử loại tên lửa này.
“Tốc độ phát triển công nghệ tên lửa KN-08 của CHDCND Triều Tiên phụ thuộc vào việc nước này có mua được công nghệ từ các quốc gia khác hay không” - Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá.
Hiện Bình Nhưỡng đang thử nghiệm một công nghệ khác để tấn công Mỹ bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bắn lên không gian, nhưng thiếu thiết bị để điều khiển tên lửa lao vào bầu khí quyển. Thử nghiệm bắn tên lửa từ tàu ngầm hồi tháng 11-2015 đã thất bại.
Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc CHDCND Triều Tiên đang tiếp tục bán vũ khí cho các nước khác, qua mặt các biện pháp cấm vận của Liên Hiệp Quốc bằng việc sử dụng giấy tờ giả và các công ty trung gian.
“Bình Nhưỡng sử dụng một mạng lưới toàn cầu để mua bán vũ khí” - Lầu Năm Góc nhấn mạnh.
Mới đây Quốc hội Mỹ đã thông qua các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo hơn đối với CHDCND Triều Tiên. Nhật cũng đã công bố các biện pháp cấm vận Bình Nhưỡng.
Bà Aung San Suu Kyi bị dọa ám sát
Bà Suu Kyi bị dọa ám sát, cảnh sát tăng cường an ninh cho bà - Ảnh: AFP
Cảnh sát Myanmar điều động một đội đặc nhiệm bảo vệ bà Aung San Suu Kyi sau khi có đe dọa giết nhà lãnh đạo của đảng đối lập này.
Một lãnh đạo của cảnh sát Myanmar nói với BBC rằng một đội đặc nhiệm đã được điều động bám sát bà Suu Kyi để bảo đảm sự an toàn cho nữ lãnh đạo của NLD, đảng đã giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử hồi tháng 11.2015 vì có lời đe dọa giết bà.
Một người đàn ông được nói là đã đưa ra lời đe dọa trên trang Facbook “Mr Ye Lwin Myint” mà theo cảnh sát Myanmar là lời đe doạ "nghiêm trọng". Kẻ mưu sát “Mr Ye Lwin Myint” muốn ám hại bà Suu Kyi vì không muốn bà trở thành tổng thống của Myanmar dù rằng hiến pháp hiện hành không cho bà quyền này.
“Mr Ye Lwin Myint” không đề cập đến tên của bà Suu Kyi trong lời đe dọa nhưng nói sẽ bắn bất kỳ người nào muốn thay đổi hiến pháp, điều mà NLD và bà Suu Kyi muốn làm để mở đường cho nữ lãnh đạo 70 tuổi này có thể trở thành tổng thống của Myanmar. Người đàn ông này còn đăng rất nhiều hình ảnh của mình, tay cầm một khẩu súng trường.
“Tôi đã chỉ đạo cảnh sát địa phương phải đảm bảo an ninh cho bà khi nhìn thấy lời đe dọa. Chúng tôi không cho phép bất kỳ chuyện gì xảy ra đối với một người như bà ấy”, lãnh đạo cảnh sát nói trên nói với BBC.
Đây là lần đầu tiên cảnh sát Myanmar điều động đội cảnh vệ đặc biệt bảo vệ một lãnh đạo của đảng chính trị. Ngoài đội đặc nhiệm của cảnh sát, NLD cũng có nhóm bảo vệ đối với bà Suu Kyi, người đã từng đoạt giải Nobel Hòa bình.
Cha của bà, vị anh hùng dân tộc Aung San từng bị ám sát vài tháng trước khi Myanmar tuyên bố độc lập hồi năm 1947. Quốc hội Myanmar đang chuẩn bị lựa chọn tổng thống tiếp theo cho quốc gia này vào giữa tháng 3.2016.
Mỹ đồng ý bán 8 tiêm kích F-16 cho Pakistan
Hợp đồng F-16 và các khí tài khác mà Mỹ đồng ý bán cho Pakistan được ước tính có giá 699 triệu USD - Ảnh: Không quân Mỹ
Chính quyền Mỹ đã đồng ý bán 8 chiếc máy bay chiến đấu F-16, radar và các khí tài khác với giá 699 triệu USD cho Pakistan.
Cơ quan hợp tác an ninh phòng thủ thuộc Lầu Năm Góc, chuyên quản lý các hợp đồng bán vũ khí ra nước ngoài, cho biết đã thông tin về hợp đồng này đến các nghị sĩ Mỹ, theo Reuters ngày 12.2.
Cơ quan trên nói rằng tiêm kích F-16 do hãng Lockheed Martin sản xuất sẽ giúp Không quân Pakistan hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết cả ngày lẫn đêm. Bên cạnh đó còn giúp cải thiện khả năng phòng thủ và nâng cao năng lực chống khủng bố của nước này.
Các nghị sĩ Mỹ sẽ có 30 ngày để bác bỏ hợp đồng trên. Tuy nhiên Reuters cho hay, điều này hiếm khi xảy ra nếu như hợp đồng đã được xem xét kỹ lưỡng và thông báo chính thức.
Thượng nghị sĩ Bob Corker, chủ tịch Uỷ ban quan hệ ngoại giao Thượng viện Mỹ, thông báo với chính quyền Tổng thống Barack Obama rằng có thể sẽ không sử dụng quỹ hỗ trợ của Mỹ để chi trả cho số máy bay F-16 này theo chương trình FMF của Mỹ. Chương trình FMF được lập ra nhằm hỗ trợ các khoản vay cho các nước mua vũ khí do Mỹ sản xuất. Do đó, Pakistan sẽ phải tự chi trả thay vì được tài trợ đến 46% theo quỹ FMF.
Reuters dẫn nguồn tin cho hay, Pakistan có thể nhận tài trợ nếu chỉ mua 4 chiếc F-16 và các radar, khí tài tác chiến điện tử khác. Ông Corker lý giải việc không hỗ trợ cho Pakistan trong hợp đồng mua F-16 là vì lo ngại Pakistan có liên quan đến mạng lưới vũ trang Haqqani. Các quan chức Mỹ cho rằng nhóm này đứng đằng sau nhiều vụ đánh bom và tấn công tại Afghanistan.
Trung Quốc bực tức nói Mỹ-Ấn Độ không quân sự hóa Biển Đông
Trung Quốc đã phản ứng tức tối trước thông tin Mỹ và Ấn Độ cân nhắc tuần tra chung trên Biển Đông, cho rằng “các nước bên ngoài khu vực” không nên quân sự hóa Biển Đông.
Reuters hôm 10.2 dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên tiết lộ Washington và New Delhi đã thảo luận về việc tuần tra chung trên biển trong năm 2016.
“Các quốc gia không nên có sự hợp tác nào nhằm vào bên thứ ba”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho hay trong email gửi cho Reuters ngày 12.2.
“Những nước bên ngoài khu vực phải chấm dứt đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, chấm dứt những hành động mượn danh tự do hàng hải đe dọa chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia những nước ven biển, làm ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực. Chúng tôi kỳ vọng các bên có liên quan thảo luận và hành động một cách thận trọng, tránh can thiệp vào vấn đề Biển Đông, nhất là tránh bị một số quốc gia khác kích động để phục vụ lợi ích cho những quốc gia này”, ông Hồng cho biết thêm.
Trong khi đó, tờ Hindustan Times (Ấn Độ) cũng dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết Ấn Độ-Mỹ đã “hội đàm chính thức” về việc tiến hành những cuộc tuần tra chung trên biển, nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức. Thông tin của Hindustan Times đưa ra hoàn toàn trái ngược với thông tin của Reuters.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 1.2 cũng đã cáo buộc Mỹ mượn cớ tự do hàng hải để giành quyền bá chủ Biển Đông, sau vụ tàu khu trục Mỹ USS Curtis Wilbur hôm 30.1 áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng.
Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục gia tăng các hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, với những đường băng trên đảo nhân tạo mà theo Mỹ là nhằm phục vụ quân đội Trung Quốc, bất chấp sự phản đối từ Mỹ, Việt Nam và một số quốc gia khác.
(
Tinkinhte
tổng hợp)