Mỹ và Ấn Độ cân nhắc tuần tra chung trên Biển Đông
Hai tàu chiến Mỹ gồm tuần dương hạm lớp Ticonderoga, chiếc USS Antietam (CG 54) đậu gần khu trục hạm USS McCampbell (DDG 85) trong khi tham gia buổi thao diễn hải quân quốc tế (IFR 2016) ở Visakhapatnam, Ấn Độ, ngày 4.2.2016. Mỹ và Ấn Độ đang bàn việc tuần tra chung ở Biển Đông và Ấn Độ Dương - Ảnh: Hải quân Mỹ
Các quan chức Mỹ và Ấn Độ đã có những buổi hội đàm về việc tuần tra chung trên Biển Đông, một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ ngày 10.2.
Quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho Reuters biết hai bên đã thảo luận về việc tuần tra chung trên biển trong năm 2016. Những cuộc tuần tra chung Mỹ-Ấn Độ có thể được thực hiện trên Ấn Độ Dương và cả Biển Đông, theo quan chức quốc phòng Mỹ.
Tuy nhiên, quan chức này không cung cấp thông tin chi tiết về quy mô những đợt tuần tra chung.
Ấn Độ và Mỹ không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nhưng hai bên ủng hộ việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Ấn Độ vào tháng 1.2015, ông Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhất trí về “việc xác định những lĩnh vực cụ thể để mở rộng hợp tác hàng hải song phương”.
Vào tháng 12.2015, vấn đề tuần tra chung được nêu lên khi Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đến thăm Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ở bang Hawaii, một nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho Reuters biết.
Trước đó, Philippines từng đề xuất tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông và một nhà ngoại giao Mỹ tiết lộ cuộc tuần tra chung Mỹ-Philippines có thể diễn trong thời gian tới.
Ấn Độ và Mỹ tăng cường hợp tác quân sự trong những năm gần đây, từng tiến hành tập chung với hải quân Nhật Bản trên Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, Hải quân Ấn Độ chưa từng tuần tra chung với bất kỳ quốc gia nào, Reuters dẫn lời một người phát ngôn Hải quân Ấn Độ cho hay.
Một chỉ huy quân đội Ấn Độ giấu tên cho hay nơi có số lượng tàu hải quân Ấn Độ đến thăm nhiều nhất ở Biển Đông là Việt Nam.
Hiện Trung Quốc chưa có phản ứng gì trước thông tin trên. Trước đó, Trung Quốc ngày 1.2 cáo buộc Mỹ mượn cớ tự do hàng hải để giành quyền bá chủ Biển Đông, sau vụ tàu khu trục Mỹ USS Curtis Wilbur áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng hôm 30.1.
Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục gia tăng các hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, với những đường băng trên đảo nhân tạo mà theo Mỹ là nhằm phục vụ quân đội Trung Quốc, bất chấp sự phản đối từ Mỹ, Việt Nam và một số quốc gia khác.
Rơi máy bay quân sự ở Myanmar, Indonesia
Ít nhất 4 binh sĩ Myanmar thiệt mạng sau khi máy bay Beechcraft của không quân nước này rơi ngay sau khi cất cánh từ thủ đô Naypyidaw ngày 10.2. Cũng trong ngày này, một máy bay quân sự rơi ở tỉnh Đông Java, Indonesia.
Chiếc Beechcraft (do Mỹ sản xuất) chở tổng cộng năm người được cho là đang bay tuần tra thì rơi xuống một cánh đồng gần sân bay ở Naypyidaw, theo AFP. Hàng trăm người dân hiếu kỳ tập trung ở hiện trường rơi máy bay và lực lượng cứu hỏa nỗ lực dập tắt ngọn lửa từ xác máy bay.
“Bốn người thiệt mạng và chúng tôi nghĩ rằng một người sống sót”, AFP dẫn lời một quan chức cảnh sát Myanmar giấu tên cho hay.
Một quan chức sân bay đề nghị giấu tên tiết lộ máy bay đã bốc cháy ngay sau khi rời khỏi đường băng. Hiện quân đội Myanmar vẫn chưa có bình luận gì.
Một máy bay huấn luyện Super Tucano - Ảnh: AFP
Cũng trong ngày 10.2, một máy bay huấn luyện Super Tucano (loại máy bay cánh quạt, Brazil sản xuất) của quân đội Indonesia rơi xuống một căn nhà trong khu vực đông dân cư ở tỉnh Đông Java. Máy bay rơi ngay sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Abdul Rachman Saleh ở thành phố Malang, tỉnh Đông Java, chỉ huy căn cứ Djoko Senoputro cho biết.
“Sau khi tiến hành bay thử nghiệm khoảng 45 phút, chúng tôi mất liên lạc với máy bay sau khi họ đề nghị hạ độ cao”, ông Senoputro nói.
Theo New York Times, cả hai người trên máy bay đều thiệt mạng, gồm một kỹ sư cơ khí và phi công.
Bất chấp cam kết, gián điệp mạng Trung Quốc tiếp tục nhắm vào Mỹ
Giám đốc cơ quan tình báo James Clapper: Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động gián điệp mạng nhắm vào Mỹ - Ảnh minh hoạ: Reuters
Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động gián điệp mạng nhằm vào Mỹ mặc dù Bắc Kinh cam kết với Washington sẽ kiểm soát hoạt động này.
Trong cuộc điều trần trước ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 9.2, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia James Clapper cảnh báo mối đe dọa an ninh mạng đối với nước Mỹ đến từ Trung Quốc và những cam kết của chính phủ nước này là điều đáng đặt nghi vấn.
“Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động gián điệp mạng và những gì Trung Quốc hứa sẽ kiểm soát gián điệp mạng vẫn chỉ là cam kết”, ông Clapper phát biểu trước các thượng nghị sĩ Mỹ, theo Washington Free Beacon ngày 9.2.
Giám đốc cơ quan tình báo Mỹ xác định Trung Quốc nằm trong những quốc gia bao gồm cả Nga, Triều Tiên và Iran có hoạt động gián điệp mạng đang đe dọa nước Mỹ.
"Trung Quốc tiếp tục có những thành công trong hoạt động gián điệp mạng chống lại chính phủ Mỹ, các đồng minh của chúng ta và các công ty Mỹ”, ông Clapper nói tiếp.
Nhân chuyến thăm nước Mỹ hồi tháng 9.2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ không thực hiện các hoạt động gián điệp mạng và không đánh cắp thông tin thương mại của doanh nghiệp Mỹ.
Tuy nhiên, báo cáo của các cơ quan an ninh mạng tư nhân của Mỹ vẫn khẳng định hoạt động gián điệp xuất phát từ Trung Quốc vẫn được tiến hành nhắm vào nước Mỹ. Các cơ quan an ninh mạng này không rõ hoạt động gián điệp mạng có sự tham gia hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc hay không, theo người đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ.
"Trách nhiệm của chúng tôi là đảm bảo các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là Bộ Quốc phòng nhận thức được vấn đề là thông tin công nghệ đang bị người Trung Quốc đánh cắp", ông nói.
NATO tăng cường hiện diện về phía gần Nga
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương hôm qua cho biết liên minh quân sự có kế hoạch gia tăng sự hiện diện tại các quốc gia thành viên phía đông đang lo sợ trước một nước Nga ngày càng quyết đoán hơn.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg. Ảnh:Reuters.
Bộ trưởng quốc phòng 28 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhất trí về kế hoạch nhằm "tăng cường sự hiện diện ở phần phía đông liên minh" trong một cuộc họp tại Brussels, Bỉ.
"Điều này gửi đi tín hiệu rõ ràng. NATO sẽ đáp trả khi có sự xâm lược nhằm vào bất cứ đồng minh nào", AFP dẫn lời ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO, phát biểu với báo giới. "Đây sẽ là (lực lượng) đa quốc gia để chứng tỏ rằng tấn công một thành viên cũng có nghĩa là tấn công tất cả".
Ông Stoltenberg còn nói về một "Nga ngày càng quyết đoán hơn, sử dụng vũ lực để thay đổi các biên giới" và NATO đang đối mặt với "môi trường an ninh thách thức nhất".
Lực lượng đa quốc gia của NATO dự kiến bao gồm từ 3.000 đến 6.000 binh sĩ, theo các nguồn tin ngoại giao. Binh sĩ sẽ luân phiên liên tục tại ba quốc gia Baltic, gồm Litva, Latvia và Estonia, Ba Lan, Romania và Bulgaria.
Từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine và sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tăng cường nguồn lực và sự sẵn sàng để đối phó với những mối đe dọa mới nhưng các quốc gia đồng minh từng thuộc Liên Xô ở phía đông yêu cầu liên minh phải làm nhiều hơn thế.
Ông Stoltenberg cho biết NATO đã thiết lập lực lượng phản ứng cực nhanh cùng các trung tâm chỉ huy, bố trí trước nhiều thiết bị. Những biện pháp trên thuộc học thuyết được NATO gọi là "răn đe hiện đại" cho phép liên minh phản ứng nhanh và linh hoạt trước mọi đe dọa.
Các lãnh đạo NATO dự kiến chính thức thông qua kế hoạch trong cuộc gặp thượng đỉnh tổ chức tại thủ đô Warsaw, Ba Lan, vào tháng 7 tới.
John McCain muốn biết tại sao Mỹ vẫn dùng động cơ tên lửa Nga
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain hôm qua tiếp tục hối thúc Lầu Năm Góc và Không quân giải thích lý do Mỹ vẫn sử dụng động cơ tên lửa Nga trong các lần phóng vệ tinh.
Động cơ tên lửa RD-180. Ảnh: ULA/NASA.
Thượng nghị sĩ John McCain, trong bức thư ghi ngày 10/2, đề nghị Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah James và Frank Kendall, đứng đầu bộ phận mua vũ khí Lầu Năm Góc, giải thích tại sao Mỹ vẫn tiếp tục giao dịch với NPO Energomash, công ty Nga chế tạo động cơ tên lửa RD-180,Reuters đưa tin.
Ông McCain muốn được trả lời về tính hợp pháp khi giao dịch với NPO Energomash do hiện có lệnh trừng phạt áp đặt với Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cùng các cá nhân khác, đang kiểm soát công ty sau một đợt cải tổ gần đây.
Thượng nghị sĩ McCain đặt câu hỏi về việc Không quân Mỹ tiếp tục chi trả một hợp đồng hỗ trợ phóng cho United Launch Alliance (ULA), liên doanh giữa Lockheed Martin và Boeing, dù vẫn còn có một nhà thầu cạnh tranh khác là SpaceX.
Ngoài ra, ông muốn Không quân nêu rõ họ có những lựa chọn gì để trừng phạt ULA vì không tham gia đợt đấu thầu phóng gần đây dù nhận hỗ trợ từ 800 triệu đến 1 tỷ USD một năm kể từ năm 2006. Ông yêu cầu có các câu trả lời vào ngày 22/2.
Quốc hội Mỹ cấm sử dụng động cơ tên lửa Nga RD-180 cho mục đích quân sự sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Mỹ đã nới lỏng lệnh cấm này vào cuối năm ngoái do lo ngại nó sẽ loại bỏ ULA và chỉ còn SpaceX có thể đưa vệ tinh lên không gian.
James cùng những quan chức khác kêu gọi quốc hội cho phép tiếp tục sử dụng động cơ Nga cho tên lửa Atlas 5 của ULA thêm vài năm cho đến khi có phương án thay thế.
(
Tinkinhte
tổng hợp)