'Mỹ triển khai lá chắn tên lửa đến Hàn Quốc để nhắm vào Trung Quốc'
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 12-2 tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh về việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tân tiến ở Hàn Quốc, nói rằng công nghệ này có thể được sử dụng để nhắm vào Trung Quốc.
Sputnik đưa tin, phát biểu tại Munich (Đức), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho hay Bắc Kinh đã kêu gọi Mỹ từ bỏ kế hoạch triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.
Hệ thống THAAD của Mỹ (Nguồn: Sputnik)
“Sự thật rất rõ ràng. Việc Mỹ triển khai THAAD tới Hàn Quốc vượt xa nhu cầu phòng thủ của bán đảo Triều Tiên và điều này có nghĩa là Mỹ sẽ can thiệp sâu hơn vào lục địa châu Á” – ông Vương Nghị nói.
Theo ông Vương, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc và các quốc gia châu Á.
Ông Vương nói rằng Washington có những động cơ xa hơn khi triển khai hệ thống tên lửa hiện đại này, trong đó có thể nhằm vào Trung Quốc – đối trọng với Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
“Điều này không cần tới chuyên gia. Những người bình thường cũng biết rằng việc triển khai hệ thống THAAD không chỉ bảo vệ Hàn Quốc mà còn là một vấn đề rộng lớn, thậm chí có thể để nhắm vào Trung Quốc” – ông Vương nói.
Ngoại trưởng Trung Quốc nói thêm Trung Quốc ủng hộ Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chống lại Bình Nhưỡng ở phạm vi sâu rộng hơn.
“Chúng tôi ủng hộ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn để Triều Tiên phải trả giá và nhận hậu quả thích đáng cho hành vi của nước này” – ông Vương nhấn mạnh.
Mỹ thông báo kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại ở Hàn Quốc sau khi Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa, đưa vệ tinh vào quỹ đạo hôm 7-2.
Mỹ và các quốc gia khác ngay lập tức lên tiếng chỉ trích kịch liệt. Mỹ nói rằng Triều Tiên đã phớt lờ Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cấm Bình Nhưỡng phóng tên lửa mà cộng đồng quốc tế nghi ngại đó có thể là tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân.
Một ngày sau đợt phóng tên lửa trên của Triều Tiên, Lầu Năm Góc tuyên bố thông báo kế hoạch triển khai THAAD ở Hàn Quốc “sớm nhất có thể” để bảo vệ khu vực trước những gì được mô tả là mối đe dọa về khả năng vũ khí ngày càng tăng của Triều Tiên.
Trung Quốc lên tiếng về khả năng can dự tại Trung Đông
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 12-2 khẳng định Trung Quốc sẽ không tham gia bất kỳ liên minh chống "các nhóm khủng bố" nào ở Trung Đông, nhưng Bắc Kinh sẵn sàng giúp Iraq.
Gần gũi hơn với thế giới Ả Rập
Hồi tháng trước, Bắc Kinh tuyên bố Trung Quốc muốn phát triển sâu hơn mối quan hệ quốc phòng và chống khủng bố với thế giới Ả Rập, trong đó bao gồm các cuộc tập trận chung, chia sẻ thông tin tình báo, và huấn luyện.
Tờ Business Insider nhận định trong khi dựa vào Trung Đông để tìm nguồn cung dầu mỏ, Trung Quốc có xu hướng rời con đường ngoại giao đối với khu vực này cho các thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Mỹ, Anh, Pháp và Nga.
Sau một cuộc họp của các cường quốc lớn ở Munich nhằm phá vỡ tình hình bế tắc ở Syria hôm 12-2, trong một cuộc phỏng với hãng tin Reuters, ông Vương khẳng định rằng Bắc Kinh sẽ không tham gia các liên minh quốc tế chống lại các lực lượng khủng bố trong khu vực.
"Có một truyền thống trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Chúng tôi không tham gia vào các nhóm mang tính chất quân sự và nguyên tắc này cũng áp dụng đối với việc hợp tác chống khủng bố quốc tế" - ông Vương nhấn mạnh.
Một cuộc diễu binh của quân đội Trung Quốc vào ngày 3-9-2015. (Ảnh: Business Insider)
Trung Quốc hứa sẽ giúp nhưng theo 'cách riêng'
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Điều này không có nghĩa Trung Quốc sẽ không giữ vai trò trong cuộc chiến chống khủng bố. Trung Quốc sẽ làm nhưng theo những cách riêng của mình".
Hồi tháng 12-2015, Trung Quốc đã thông qua một đạo luật chống khủng bố mà theo đó cho phép triển khai quân đội nước này ra nước ngoài để tham gia các hoạt động chống khủng bố, mặc dù giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các vấn đề thực tiễn và ngoại giao khá "nhức nhói" nếu muốn làm điều này.
Chính quyền Trung Quốc hiện cũng có những lo lắng của riêng nước này khi tình trạng cực đoan của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ sống ở Tân Cương trong những năm gần đây đang khuấy với các vụ tấn công khủng bố.
"Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ Iraq xây dựng năng lực chống khủng bố và tiến hành chia sẻ thông tin tình báo với một số quốc gia" – ông Vương tuyên bố nhưng không cung cấp chi tiết.
"Chúng tôi (cũng) đang phối hợp với các nước để cắt các nguồn tài chính và hoạt động của những kẻ khủng bố", vị này cho biết thêm.
Trung Quốc cho biết một số người Duy Ngô Nhĩ đã đi đến Syria và Iraq để gia nhập các nhóm chiến binh tại đây.
Hồi tháng 11 năm ngoái, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cho biết đã xử tử một công dân Trung Quốc sau khi nhóm này bắt công dân trên làm con tin ở Trung Đông.
Ông Vương Nghị nói rằng ông hy vọng thỏa thuận hôm 12-2 giữa các cường quốc về một cuộc "đình chiến" ở Syria sẽ thành công bởi tất cả các bên hiện nhất trí rằng cuộc khủng hoảng cần phải đi đến hồi kết thúc.
Dân Mỹ chết vì súng hơn chết vì chiến tranh
Kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị ám sát vào năm 1963, số lượng người Mỹ thiệt mạng vì các vụ liên quan đến súng nhiều hơn so với số người chết trong các cuộc chiến của Mỹ.
Thông tin trên đã được Trung tâm An toàn Cộng đồng Virginia, một tổ chức ủng hộ kiểm soát việc dùng súng công bố và được tổ chức PolitiFact mới đây xác nhận sau khi tiến hành so sánh dựa trên những dữ liệu mới nhất.
PolitiFact cho biết từ thời Cách mạng Mỹ đến tháng 12-2014, có 1,2 triệu người Mỹ đã chết trong các cuộc chiến tranh.
Tuy nhiên, báo cáo của một nhà sử học thuộc Đại học Binghamton hồi năm 2012 lại ước tính số người chết trong Nội chiến Mỹ nhiều hơn 20%, từ đó có thể rút ra được số người chết vì chiến tranh sẽ tăng lên mức 1,4 triệu.
Trong khi đó, số người chết vì súng từ năm 1968 đến năm 2014 đã lên đến gần 1.5 triệu người. Trong số đó có 63% số người chết là do dùng súng tự tử và 33% người bị giết bằng súng.
Chính quyền Mỹ đang thắt chặt việc mua bán và sử dụng súng tại nước này. (Ảnh: Opposingviews)
PolitiFact không tìm được số liệu người chết do súng trước năm 1968. Do đó, cộng với những năm không tìm thấy số liệu đó thì tổng số người chết do súng kể từ vụ ám sát cựu Tổng thống John F. Kennedy chắc chắn sẽ lớn hơn 1,5 triệu (lớn hơn 1,4 triệu).
Hồi đầu tháng hai này, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp chống bạo lực, trong đó có việc xóa bỏ những kẻ hở trong việc mua súng mà cho phép người mua sở hữu súng mặc dù không cần cung cấp thông tin cá nhân.
Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng vụ Mỹ-Ấn đề xuất tuần tra biển Đông
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định hiện không có kế hoạch cho bất kỳ cuộc tuần tra hải quân chung nào giữa Mỹ và Ấn Độ.
"Mỹ và Ấn Độ có tầm nhìn chung về hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng ở châu Á" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner phát biểu trong cuộc họp báo ngày 11-2 (giờ Mỹ).
"Tại thời điểm này, không có kế hoạch cho bất kỳ cuộc tuần tra hải quân chung nào" - ông khẳng định.
Trước đó, hôm 10-2, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ báo cáo rằng Mỹ và Ấn Độ đã tổ chức các cuộc hội đàm về tiến hành tuần tra hải quân chung trên các vùng biển, trong đó có thể bao gồm biển Đông.
"Phản pháo" lại, Trung Quốc hôm 11-2 cảnh báo rằng sự can thiệp từ các nước ngoài khu vực gây đe dọa đến hòa bình và ổn định. "Không có sự hợp tác giữa bất cứ quốc gia nào nên nhắm đến bên thứ ba" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết trong một tuyên bố gửi đến Reuters.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner. (Ảnh: Youtube)
Được biết, Mỹ và Ấn Độ đã tăng cường quan hệ quân sự trong những năm gần đây, trong đó có việc tổ chức tập trận hải quân chung ở Ấn Độ Dương với sự tham gia của hải quân Nhật Bản. Tuy nhiên, cho đến nay hải quân Ấn Độ chưa từng thực hiện tuần tra chung với một nước khác.
Do đó, việc Ấn Độ sẽ tiến hành tuần tra chung với Mỹ ở biển Đông trong tương lai hay không thì hiện vẫn chưa biết được. Hôm 30-1, tàu khu trục USS Curtis Wilbur của hải quân Mỹ đã áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Phía Trung Quốc đã phản đối kịch liệt động thái này. Tuy nhiên, Mỹ khẳng định Mỹ sẽ tiến hành tuần tra tự do hàng hải ở bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép và biển Đông là không ngoại trừ.
Nga tập trận bất ngờ tại Biển Đen trước kế hoạch mới của NATO
Quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tập trận bất ngờ ở Biển Đen trong tuần này, động thái sau quyết định của NATO về việc tăng cường hiện diện quân sự ở vùng biển khu vực.
Quân đội Nga đã hoàn thành cuộc tập trận hôm 11-2 sau khi Tổng thống Vladimir Putin đầu tuần này ra lệnh quân đội miền Nam của Nga đang đóng giữa Biển Đen và biển Caspi tiến hành tập trận bất ngờ.
Mặc dù không lớn bằng các cuộc tập trận của Nga hồi tháng trước nhưng cuộc tập trận mới đây đã nhận được nhiều sự quan tâm. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và ông Putin thậm chí đã bàn về cuộc tập trận trong một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp hôm 11-2.
Tổng thống Putin tuyên bố ông hứng thú với những gì ông đã chứng kiến, và nói thêm rằng các binh sĩ đã "thể hiện thế mạnh của họ, hành động một cách chuyên nghiệp và khẳng định sự sẵn sàng đáng tin cậy để bảo vệ khu vực Tây Nam nước Nga, bao gồm cả bán đảo Crimea".
Một tàu chiến Nga hoạt động ở Biển Đen vào ngày 26-7-2015. (Ảnh: Newsweek)
"Việc tiến hành các cuộc tập trận không báo trước như vậy phải được tiếp tục" - ông Putin nói. "Chúng tôi nhận thấy rằng hoạt động này được chứng minh có hiệu quả, cho phép tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội và hải quân, và sự gắn kết giữa các đơn vị khác nhau".
NATO đã nhiều lần chỉ trích Nga tổ chức các cuộc tập trận không thông báo trước, đặc biệt gần biên giới với các nước thành viên NATO. Nhóm chuyên gia Mạng Lãnh đạo châu Âu tại Anh hồi cuối năm 2015 cảnh báo rằng các cuộc tập trận quân sự bất ngờ của Nga và NATO làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột.
Cuộc tập trận của quân đội Nga diễn ra không lâu sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 10-2 cho biết các bộ trưởng quốc phòng NATO đã nhất trí về việc "tăng cường hiện diện ở khu vực phía Đông của liên minh chúng ta".
Tuy nhiên, ông không cung cấp chi tiết về quy mô của việc triển khai. Trong khi đó, AFP dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên cho biết NATO có thể sẽ triển khai 6.000 quân.
Ông Stoltenberg nói rằng sự hiện diện sẽ luân chuyển và được tăng cường thông qua các cuộc tập trận quân sự thường xuyên. Đây sẽ là "một tín hiệu rõ ràng" cảnh báo Nga ở Đông Âu cũng như Địa Trung Hải và khu vực Biển Đen.
Sau thông báo của ông Stoltenberg, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố một tài liệu phân tích chi tiết về các loại hình chiến đấu Nga đang tiến hành, trong đó có chiến tranh chống tàu, chống máy bay, chống tàu ngầm và chiến đấu chống lại các lực lượng đổ bộ.
(
Tinkinhte
tổng hợp)