Làng Jung Myeon (Hàn Quốc) nhỏ bé và hiu quạnh là nơi có thể cảm nhận rõ nhất mọi xung đột, căng thẳng giữa hai miền.
Tin thế giới đọc nhanh 09-02-2016
- Cập nhật : 09/02/2016
Hội đồng Bảo an quyết trừng phạt Triều Tiên
Hình ảnh vụ thử nghiệm tên lửa xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Hàn Quốc ngay sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm thành công - Ảnh: Reuters
Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc ngày 7-2 lên án mạnh mẽ động thái thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên và khẳng định sẽ có biện pháp trừng phạt thích đáng
Reuters ngày 7-2 dẫn lời Đại sứ Venezuela tại Liên Hiệp Quốc, ông Rafael Ramirez Dario Carreno - nước đang giữ ghế chủ tịch HĐBA tháng 2, khẳng định: “Các thành viên của HĐBA lên án mạnh mẽ vụ thử tên lửa và gọi đó là một sự vi phạm nghiêm trọng”.
Ông Carreno cũng tuyên bố HĐBA sẽ “làm việc khẩn trương” để “ra một nghị quyết mới phản ứng lại vụ thử hạt nhân hồi tháng 1 cũng như vụ bắn thử tên lửa hôm chủ nhật” của Triều Tiên.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power khẳng định: “Mỹ cam đoan HĐBA sẽ phải đưa ra những biện pháp trừng phạt thích đáng. Hành động vi phạm mới nhất của Triều Tiên chỉ khiến chúng tôi càng phải có những bước đi cứng rắn hơn nữa”.
Bà Power cam đoan Washington sẽ đề xuất những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ chưa từng có dành cho CHDCND Triều Tiên
“Tôi mong là Trung Quốc, cũng như tất cả các thành viên của HĐBA sẽ thấy được mối đe dọa nghiêm trọng đối với khu vực, hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như tầm quan trọng của việc áp đặt các biện pháp mới chưa có tiền lệ”, bà Power cho biết.
Trong một diễn biến mới khác có liên quan ngày 8-2, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida bày tỏ sự ủng hộ và khẳng định cần phải có các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nữa đối với CHDCND Triều Tiên. Tokyo cũng thông báo, ông Kishida sẽ có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga về vấn đề này.
Phía Hàn Quốc cũng lên tiếng hối thúc Mỹ nên sớm thảo luận với Seoul và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD để chống lại nguy cơ đe dọa từ tên lửa Triều Tiên.
Mỹ nói tên lửa Triều Tiên đưa hai vật thể vào quỹ đạo
Vụ phóng tên lửa tầm xa gây tranh cãi của Triều Tiên đã đưa hai vật thể vào không gian, Reuters dẫn thông báo từ Trung tâm các Chiến dịch Không gian Chung (JSPOC) của Mỹ cho biết.
Trên trang Space-Track.org, JSPOC, một chi nhánh trực thuộc Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, cho hay đơn vị này đang theo dõi hai vật thể trên quỹ đạo. Chúng có góc nghiêng 97,5 độ, gần như đồng bộ với quỹ đạo Mặt Trời.
Triều Tiên hôm qua thông báo phóng thành công một tên lửa tầm xa mà theo họ là mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-4 vào không gian. Vụ phóng được thực hiện sớm hơn so với dự đoán trước đó.
Dù Bình Nhưỡng tuyên bố chương trình của họ chỉ nhằm mục đích khoa học, một số quốc gia vẫn nghi ngờ vụ phóng là vỏ bọc cho việc thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo. Liên Hợp Quốc cấm Bình Nhưỡng sử dụng công nghệ này và áp đặt các lệnh trừng phạt từ tháng 12/2012.
Dựa trên quỹ đạo vệ tinh và một số chi tiết khác, ông John Schilling, kỹ sư hàng không kiêm chuyên gia về công nghệ tên lửa, đánh giá phương tiện phóng lần này có nhiều điểm tương đồng với thiết bị mà Triều Tiên sử dụng hồi tháng 12/2012.
Vệ tinh Triều Tiên phóng cách đây hơn ba năm nặng khoảng 100 kg, có trang bị camera để gửi hình ảnh về trung tâm và hoàn thành một vòng bay quanh Trái Đất trong 95 phút. Tuy nhiên, đến nay người ta chưa phát hiện bất kỳ tín hiệu nào từ vệ tinh này.
Hàn Quốc nã súng cảnh cáo tàu tuần tra Triều Tiên
Một tàu cá đi ngang qua tàu chiến Hàn Quốc gần vùng nước tranh chấp trên biển Hoàng Hải hồi năm 2009. Ảnh minh họa: MSN News
Yonhap đưa tin tàu trên vượt qua Đường Giới hạn phía Bắc (NLL) trên biển Hoàng Hải vào khoảng 6h55.
Hải quân Hàn Quốc đã bắn 5 phát súng cảnh cáo. 20 phút sau, tàu Triều Tiên rút lui về phía bắc.
"Quân đội Hàn Quốc đang ở trong tình trạng báo động cao, tăng cường giám sát gần NLL và theo dõi bất kỳ động thái nào bất thường từ binh sĩ Triều Tiên", một quan chức quân đội Hàn Quốc nói.
Tàu Triều Tiên thường xuyên bị tố vượt qua NLL. Đường này do phái bộ Liên Hiệp Quốc vạch ra sau Chiến tranh Triều Tiên 1953-1955. Tuy nhiên Bình Nhưỡng không chấp nhận hải giới này và cho rằng nó phải lùi sâu hơn nữa về phía nam.
Đây từng là nơi diễn ra nhiều vụ đụng độ giữa hai miền. Năm 2010, Triều Tiên từng bắn pháo sang một hòn đảo tiền tiêu của Hàn Quốc khiến 4 người chết.
Đường Giới hạn phía Bắc (màu đỏ) giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Ảnh: Korea Herald
Hôm qua, Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa tầm xa và tuyên bố đã đưa thành công vệ tinh vào quỹ đạo, khiến Hàn Quốc, Mỹ và các nước khác phản ứng gay gắt.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye kêu gọi đề cao cảnh giác trước các hành động khiêu khích của Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng hôm 6/1 và vụ phóng tên lửa mới nhất.
Thiên thạch rơi xuống Ấn Độ, 1 người chết
Nạn nhân là tài xế xe buýt. Đây được xem là trường hợp đầu tiên thiệt mạng do thiên thạch rơi trúng.
Ngoài ra 3 người khác cũng bị thương. Vụ việc đã được nhà chức trách Ấn Độ xác nhận.
Theo RT ngày 8-2, thiên thạch rơi xuống gần 1 trường học ở TP Vellore, bang Tamil (miền nam Ấn Độ) hôm qua 7-2. Người đứng đầu bang J Jayalalithaa cho biết lúc đầu mọi người tưởng đó là vụ nổ bom, nhưng qua kiểm tra các nhà khoa học pháp y không tìm thấy dấu vết của thuốc nổ mà lại tìm thấy 1 mảnh vỡ thiên thạch gần hiện trường.
Nạn nhân thiệt mạng tên Kamaraj. Nhân chứng kể họ nhìn thấy 1 vật thể lạ rơi từ trên trời xuống. Tác động của cú va chạm khiến Kamaraj văng lên cao 3m, và ông được thông báo đã chết khi được chở đến bệnh viện.
Nhiều xe buýt và các tòa nhà gần đó cũng bị hư hại do cú va chạm.
Chính quyền hứa sẽ chi trả viện phí cho gia đình các nạn nhân cũng như bồi thường cho họ.
Thiên thạch thỉnh thoảng rơi trúng xe cộ và các tòa nhà có người ở song đến nay chưa có ai chết vì bị thiên thạch rơi trúng, và Kamaraj được xem là trường hợp tử vong đầu tiên.
Theo tính toán của nhà thiên văn học Alan Harris, nguy cơ 1 người bị thiệt mạng do thiên thạch rơi trúng là 1/700.000.
UAE sẵn sàng đưa bộ binh đánh IS ở Syria
Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) tuyên bố sẵn lòng gửi quân bộ tham gia hỗ trợ liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.
Ngoại trưởng UAE khẳng định sẽ theo dõi diễn biến cuộc chiến chống IS để cân nhắc các hành động tiếp theo - Ảnh: AFP
Trả lời phỏng vấn Reuters ngày 7-2, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash cho rằng “chiến dịch chống lại IS nên bao gồm cả những đơn vị trên mặt đất”.
Tuy nhiên, ông Gargash khẳng định sự tham gia của UAE sẽ được giới hạn ở một số lượng nhất định.
“Chúng tôi không đề cập đến những binh đoàn hàng nghìn quân, chúng tôi sẽ chỉ nói về những binh sĩ trên bộ làm nhiệm vụ dẫn đường, hỗ trợ và huấn luyện. Sự lãnh đạo của Mỹ trong những nỗ lực này là điều kiện tiên quyết”, ông Gargash nói.
Ngoại trưởng UAE cũng bày tỏ sự thất vọng trước những nỗ lực chậm chạp của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại IS bất chấp một vài tiến bộ đạt được gần đây ở Iraq.
Hồi tuần trước, Saudi Arabia cũng tuyên bố sẵn sàng gửi quân tham chiến cùng Mỹ ở Syria để chống lại IS.
Trong một diễn biến khác có liên quan, sau tuyên bố gửi quân của các nước Ả rập, Ngoại trưởng Syria ngày 6-2 nhấn mạnh, Damascus sẽ chống lại bất cứ hành động xâm lấn lãnh thổ nào và sẽ gửi những kẻ xâm lược về nhà “trong những chiếc quan tài”.