Theo hãng tin Channel News Asia, một vụ nổ bom đã xảy ra ngay giữa thủ đô Jakarta của Indoneisa. Hãng tin ghi nhận đã có rượt đuổi và đấu súng giữa cảnh sát và các nghi phạm. Phía Indonesia cho biết từng nhận được lời đe dọa tấn công từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vào tháng 12 vừa qua.
Tin thế giới đọc nhanh 14-01-2016
- Cập nhật : 14/01/2016
Trung Quốc cải tổ cơ quan đầu não của quân đội
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (hàng đầu tiên, chính giữa) và các lãnh đạo mới của các cơ quan quân đội vừa được tái cơ cấu ngày 11/1. Ảnh: Xinhua
Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu xóa bỏ 4 cơ quan đầu não của quân đội Trung Quốc, gồm Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Quân bị, thay vào đó là thành lập 15 cơ quan mới dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Tập hôm nay với các chỉ huy rằng "hãy kiên định đi theo sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng với lực lượng vũ trang". Các chỉ huy nên "thường xuyên, tích cực và kiên quyết" điều chỉnh phương hướng của họ theo đúng đường lối của Ủy ban Trung ương đảng và Ủy ban Quân sự Trung ương, ông nói.
Theo AP, động thái này là một phần trong nỗ lực khẳng định quyền lực tuyệt đối của đảng Cộng sản Trung Quốc với quân đội, đồng thời nhằm hiện đại hóa cơ cấu tổ chức của lực lượng vũ trang. Ông Tập trước đó yêu cầu cắt giảm 300.000 quân nhân để loại bỏ nhiều chức năng không liên quan đến chiến đấu.
Dân Hong Kong đòi Bắc Kinh trả lời 5 vụ mất tích bí ẩn
Ngày 1-12 là hạn chót mà giới chức Trung Quốc phải trả lời về số phận của ông chủ nhà sách Lý Ba và bốn đồng nghiệp của ông ở nhà xuất bản Mighty Current mất tích.
Báo South China Morning Post đưa tin áp lực cũng đang đè nặng lên chính quyền đặc khu Hong Kong về việc yêu cầu chính phủ Trung Quốc trả lời hiện giờ ông Lý Ba đang ở đâu.
Theo cơ chế hiện hành, các cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc phải thông báo với cảnh sát địa phương trong vòng 14 ngày nếu bất kỳ cư dân Hong Kong nào bị bắt giữ xuyên biên giới.
Hôm 11-1, có khoảng 6.000 người Hong Kong đã xuống đường tuần hành, đòi chính phủ Trung Quốc phải tôn trọng nguyên tắc “một đất nước, hai chế độ” ở Hong Kong trong sự kiện 5 công dân của đặc khu này mất tích và được cho là đã bị bắt đưa về Trung Quốc.
Phó chủ tịch Liên minh ủng hộ các phong trào yêu dân chủ Hong Kong - Thái Diệu Xương cho biết, nếu Bắc Kinh không trả lời thích đáng về trường hợp 5 công dân Hong Kong trên thì liên minh này sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tuần hành trên qui mô lớn để phản đối sau ngày hôm nay.
Nghị sĩ đảng Lao động Lý Trác Nhân cho biết đại diện cảnh sát Hong Kong xác nhận đã có liên hệ với Sở công an tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc về vụ việc nhưng không chắc phía Trung Quốc có phản hồi hay chưa.
"Song, tôi cho rằng cá nhân đặc khu trưởng Hong Kong Lương Chấn Anh nên liên lạc riêng với giới chức Trung Quốc về vấn đề này" - ông Lý nói.
Tòa Thái Lan bác đơn yêu cầu cấp lại hộ chiếu của ông Thaksin
Tòa hành chính Thái Lan hôm 11-1 đã bác đơn của cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra yêu cầu cấp lại hộ chiếu cho ông.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã tước hộ chiếu của ông Thaksin, người đang sống lưu vong ở nước ngoài từ năm 2008.
Theo Bangkok Post, ông Thaksin đã đâm đơn kiện Bộ Ngoại giao Thái Lan.
Cụ thể, bên bị đơn là Cục lãnh sự và bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan đã giải trình rằng các hộ chiếu đã bị tước không thể sử dụng trở lại vì hành động này không phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế về phát hành hộ chiếu.
Bên bị đơn cũng cho rằng việc tước hộ chiếu của ông Thaksin cũng dựa trên các báo cáo của cảnh sát và quan điểm của nội các rằng cuộc phỏng vấn của ông Thaksin với báo giới ở Hàn Quốc ngày 20-5-2015 gây ảnh hưởng đến hình ảnh và an ninh quốc gia.
Tòa ra phán quyết rằng trong khi chính phủ đang điều tra thêm về vụ việc, nếu tòa ban hành lệnh đảo ngược việc tước hộ chiếu cho ông Thaksin thì sẽ dẫn đến các tác động không mong muốn.
Luật sư của ông Thaksin là Watthana Tiangkun nói rằng hiện ông đang đợi phán quyết cuối cùng của tòa đối với cáo buộc Bộ Ngoại giao Thái Lan tước hộ chiếu sai luật.
Ông Watthana cho rằng việc tước hộ chiếu của ông Thaksin là hành động phân biệt đối xử, gây ra vấn đề cho ông Thaksin không thể thực hiện các giao dịch tài chính ở nước ngoài hay thậm chí là quay về Thái Lan.
Hai hộ chiếu của ông Thaksin, một hộ chiếu ngoại giao và một hộ chiếu thường, đã bị chính phủ Thái Lan tước hồi tháng 5-2015 sau khi ông trả lời phỏng vấn báo giới ở Hàn Quốc, cáo cuộc các ủy viên hội đồng cơ mật (cố vấn của nhà vua) hậu thuẫn cuộc đảo chính năm 2014 lật đổ em gái ông, cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Ông Thaksin cũng bị lật đổ trong cuộc đảo chính tháng 9-2006 khi ông đang dự cuộc họp của Liên Hiệp Quốc tại New York (Mỹ).
Năm 2008, ông bị tòa án tuyên án 2 năm tù vì tội lạm quyền. Hiện ông đang lưu vong ở nước ngoài.
Nga không kích trúng trường học Syria, ít nhất 8 trẻ thiệt mạng
Nguồn tin từ Tổ chức giám sát nhân quyền tại Syria, ngoài số người thiệt mạng, đợt không kích vào thị trấn Anjara còn làm ít nhất 20 người khác bị thương, tất cả đều là trẻ em và giáo viên.
Theo DNA India, ít nhất có 8 trẻ em đã thiệt mạng cùng các giáo viên trong một vụ bom không kích của Nga đánh trúng vào một trường học ở tỉnh Aleppo của Syria ngày thứ hai, 11-1.
Tổ chức giám sát nhân quyền tại Syria cho biết những đợt không kích ác liệt và các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy diễn ra liên tiếp kể từ chiều ngày 10-1 ở tỉnh Aleppo, khu vực bị kiểm soát lẫn lộn bởi cả lực lượng nổi dậy ôn hòa lẫn những kẻ Hồi giáo cực đoan.
Tại một quận do lực lượng chính phủ kiểm soát ở thành phố Aleppo, ba đứa trẻ chết vì đạn rocket của quân nổi dậy. Việc kiểm soát thành phố này đã bị chia đôi giữa lực lượng chính phủ ở phía tây và lực lượng nổi dậy ở phía đông kể từ sau khi nổ ra xung đột vào giữa năm 2012.
Quân đội chính phủ thường tiến hành các đợt không kích ở phía đông, trong khi đó lực lượng nổi dậy nã rocket về phía tây.
Tuy nhiên tình thế lại gần như đảo ngược ở những khu vực nông thôn quanh thành phố khi lực lượng nổi dậy kiểm soát phần lớn khu vực tây Aleppo còn quân chính phủ lại hiện diện ở phía đông.
Theo tổ chức giám sát nhân quyền tại Syria, tính đến cuối tháng 12-2015, các đợt không kích của Nga tại Syria (bắt đầu từ 30-9-2015) đã làm hơn 2.300 người thiệt mạng, 792 người trong đó là dân thường.
Phá đường dây đưa hàng nghìn người di cư vào Anh
Ngày 11-1, cảnh sát Bỉ thông báo đã hợp tác với lực lượng an ninh Anh để phá vỡ một đường dây đã đưa lậu hàng nghìn người di cư Trung Đông vào Anh.
Theo AFP, cảnh sát Bỉ cho biết đường dây này là một nhóm người Kurd gốc Iraq. Từ tháng 5 đến tháng 11-2015, nhóm này đã đưa hàng nghìn người di cư xâm nhập nước Anh. Với mỗi người di cư, chúng thu tiền “lộ phí” 2.000 euro (2.180 USD).
Người di cư được nhét vào trong container xe tải đi vào Anh. “Băng đảng này hoạt động hàng ngày, mỗi đêm chở 20 người và mỗi tháng đưa tới hàng trăm người vào Anh. Cuộc điều tra là cú đòn mạnh giáng vào hoạt động buôn người có tổ chức” - cảnh sát Bỉ khẳng định.
Nguồn tin của báo Bỉ De Standard cho biết băng đảng này đã đưa thành công 3.000 người di cư vào Anh. Chúng giấu người di cư trong các container xe tải đỗ dọc đường cao tốc gần thủ đô Brussels hoặc giữa Ghent và Antwerp, cảng chính của Bỉ.
Cơ quan Tội phạm quốc gia Anh đã tóm cổ hai tay thủ lĩnh băng đảng này ở Anh tuần trước. Và mới đây cảnh sát Bỉ đã bắt giữ 10 nghi can khác, tất cả đều là người Kurd gốc Iraq.
Theo Cảnh sát châu Âu (Europol), ước tính trong năm ngoái có khoảng 30.000 người có dính líu tới hoạt động đưa người di cư và tị nạn vào châu Âu. Ngành kinh doanh buôn người ở châu Âu có giá trị lên tới hàng tỷ USD.