Philippines cần thận trọng khi đàm phán với Trung Quốc
Lộ diện người phụ nữ quyền lực nhất thế giới
Trung Quốc từ chối thay đổi lập trường về Biển Đông
Mỹ, Philippines tập trận trên vịnh Subic
Triều Tiên tuyên bố phát triển thêm vũ khí hạt nhân
Tin thế giới đọc nhanh 08-08-2015
- Cập nhật : 08/08/2015
Nợ xấu của ngân hàng Trung Quốc tăng mạnh trong nửa đầu năm
Chủ tịch Ủy ban Giám sát và quản lý ngân hàng Trung Quốc nói rằng nợ xấu của các ngân hàng nước này tăng hơn 322 tỷ nhân dân tệ lên 1.800 tỷ nhân dân tệ trong nửa đầu năm nay.
Hãng tin Reuters ngày 6/8 dẫn một nguồn tin cho biết số nợ khó đòi của các ngân hàng Trung Quốc đã tăng gần 36% trong sáu tháng đầu năm nay, trong bối cảnh nhịp độ tăng trưởng kinh tế của nước này chậm lại và lĩnh vực chế tạo sa sút.
Theo văn bản một cuộc họp mới đây, Chủ tịch Ủy ban Giám sát và quản lý ngân hàng Trung Quốc (CBRC) Shang Fulin nói rằng nợ xấu(NPL) của các ngân hàng nước này tăng hơn 322 tỷ nhân dân tệ lên 1.800 tỷ nhân dân tệ (gần 290 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, tỷ lệ NPL trong tổng số tiền cho vay tại nước này ở mức hơn 1,8% vào cuối tháng Sáu, tăng 0,22 điểm phần trăm so với hồi đầu năm.
Ông Shang cho hay lợi nhuận ròng của các ngân hàng Trung Quốc đạt 1.100 nhân dân tệ trong sáu tháng đầu năm, và mức tăng lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa đầu năm nay đã giảm 13,03 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2014. Điều này cho thấy các rủi ro liên quan đến tín dụng ngân hàng bắt đầu xuất hiện trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc.
Năm ngân hàng nhà nước lớn nhất Trung Quốc, bao gồm Ngân hàng Công Thương Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc dự kiến sẽ công bố báo cáo lợi nhuận sáu tháng đầu năm trong những ngày tới.
Trong một nội dung khác, ông Shang nói rằng Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Exim Bank) đã được rót thêm gần 569 tỷ nhân dân tệ.
CBRC từ chối bình luận về thông tin trên./.
Nổ bom ở thủ đô Afghanistan, 10 người chết, 400 người bị thương
“Một xe tải chở bom đã phát nổ gần một khu quân đội”, cảnh sát trưởng Kabul Abdul Rahman Rahimi nói. Ông cũng cho Guardian biết đến nay đã có ít nhất 10 thiệt mạng.
Phía Bộ Y tế Afghanistan cũng xác nhận khoảng 400 người bị thương. Người phát ngôn Bộ Y tế Wahidullha Mayar nói hầu hết nạn nhân là dân thường, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, đa số bị mảnh kính vỡ bay trúng.
Theo Reuters, vụ nổ làm rung chuyển khu trung tâm thủ đô, phá hủy nhiều ngôi nhà và cửa hàng. Nhiều ôtô đậu cách đó hàng trăm mét cũng bị hư hại.
Một nhân chứng nói rất nhiều người bị mảnh vỡ và mảnh thủy tinh rơi trúng. Cảnh sát dự báo số người chết sẽ còn tăng lên do vụ nổ khiến nhiều tòa nhà đổ sụp và nhiều người được cho là đã bị vùi dưới đống đổ nát.
Hiện chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm vụ việc, nhưng các vụ nổ lớn ở Kabul thường do Taliban và các nhóm phiến quân khác muốn gây bất ổn cho Chính phủ Afghanistan.
Hôm qua 6-8, một xe bom cũng phát nổ gần căn cứ một lực lượng đặc biệt tại tỉnh Logar đông, giết chết ít nhất 3 binh sĩ Afghanistan và làm bị thương hàng chục người.
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, chỉ trong nửa đầu năm nay, các vụ xung đột ở Afghanistan đã khiến gần 5.000 dân thường thiệt mạng hoặc bị thương.
Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị đánh lớn với Nhà nước Hồi giáo
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhận xét như trên sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry hôm 5-8 bên lề hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Kuala Lumpur (Malaysia).
Ông Sergei Lavrov giải thích Nga và Mỹ đã nhất trí Nhà nước Hồi giáo là hiểm họa chung cần hợp tác tiêu diệt nhưng không thể nhất trí cách tiếp cận chung với nhiều yếu tố đối kháng trên địa bàn như các đơn vị của phe nổi dậy Syria.
Đây là cuộc hội đàm thứ hai bàn về hợp tác Nga-Mỹ chống Nhà nước Hồi giáo sau hội đàm ở Qatar hôm 3-8. Nga đề xuất hình thành liên minh khu vực chống Nhà nước Hồi giáo, trong đó bao gồm Syria cùng hợp tác với các nước lớn trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia. Ngược lại, Mỹ và một số đồng minh Ả Rập cứ đòi tổng thống Syria phải ra đi. Syria tuyên bố sẵn sàng ủng hộ mọi sáng kiến chống Nhà nước Hồi giáo với điều kiện các sáng kiến phải được điều phối với Syria.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, sau cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ John Kerry hôm 5-8 bên lề hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Malaysia, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thông báo Thổ Nhĩ Kỳ sắp mở chiến dịch quy mô tấn công Nhà nước Hồi giáo ở miền Bắc Syria. Ông cho biết các máy bay Mỹ đã bắt đầu tập trung về Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cũng thông báo Thổ Nhĩ Kỳ đã huấn luyện và trang bị cho quân nổi dậy ôn hòa Syria.
Cùng ngày, một máy bay không người lái Mỹ xuất kích từ căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công quân Nhà nước Hồi giáo ở miền Bắc Syria. AFP ghi nhận đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ thực hiện phi vụ máy bay không người lái ở Syria. Ngày 23-7, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã đạt được thỏa thuận với Mỹ về phối hợp chống Nhà nước Hồi giáo. Máy bay Mỹ tăng cường sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ để tấn công Nhà nước Hồi giáo nằm trong khuôn khổ thỏa thuận này.
Đêm 5-8, quân Nhà nước Hồi giáo đã đánh chiếm thành phố chiến lược Al-Qaryatain ở tỉnh Homs (miền Trung Syria). Trong khi đó, Nhà nước Hồi giáo đã phát trên Internet băng video đe dọa thủ tướng Đức và nước Đức. Báo Die Welt (Đức) cho biết đây là băng video đầu tiên nói bằng tiếng Đức của Nhà nước Hồi giáo.
NIESR: Nền kinh tế Hy Lạp sẽ tiếp tục suy giảm trong năm 2016
Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia Anh dự báo GDP của Hy Lạp trong năm nay và năm tới sẽ thu hẹp lần lượt là 3% và 2,3%, chủ yếu do chi tiêu tiêu dùng đình trệ.
Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia Anh (NIESR) ngày 5/8 dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hy Lạp trong năm nay và năm tới sẽ thu hẹp lần lượt là 3% và 2,3%, chủ yếu do chi tiêu tiêu dùng đình trệ.
Theo NIESR, GDP của Xứ sở các vị thần trong thời gian này sẽ thấp hơn 30% so với mức đỉnh được thiết lập vào năm 2007 và 7% so với thời điểm Athens gia nhập Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào năm 2001.
Chuyên gia nghiên cứu Jack Meaning thuộc NIESR nói rằng những dự báo trên cho thấy một sự suy giảm nghiêm trọng kéo dài đối với Hy Lạp. Tuy nhiên, đây không phải là điều đáng ngạc nhiên do Athens đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
NIESR ước tính tỷ lệ thất nghiệp của nước này có thể lên đến trên 27% trong năm 2016.
Cũng theo chuyên gia này, kinh tế Hy Lạp suy giảm nhiều nhất trong quý 2 và quý 3 năm nay, sau đó cải thiện dần trong quý 4 và cuối cùng sẽ thoát khỏi suy thoái về mặt kỹ thuật vào quý 2/2016.
Tại Hy Lạp, nhu cầu tiêu dùng yếu, hậu quả của những kỳ nghỉ lễ dài ngày và động thái tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) của chính phủ được cho là nguyên nhân chính khiến kinh tế suy thoái.
Nợ công được dự báo sẽ tăng lên 184,3% GDP vào năm 2017 từ mức hiện tại là 177,4% GDP.
Chuyên gia Jack Meaning nhận định nếu Hy Lạp được xóa nợ hoặc có thể thực hiện tái cơ cấu nợ để giảm thiểu số nợ hiện tại thì sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế, trong đó có niềm tin kinh doanh./.
Xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đạt mức kỷ lục
Xuất khẩu khí đốt của Gazprom sang thị trường châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đạt 14,29 tỷ m3 trong tháng Bảy - mức cao kỷ lục tính theo tháng trong 1 năm rưỡi qua.
Gazprom, tập đoàn khí đốt độc quyền của Nga, thông báo xuất khẩu khí đốt trong tháng Bảy của Nga sang thị trường châu Âu đạt mức cao kỷ lục, do các khách hàng ở “lục địa già” tận dụng việc giá năng lượng giảm mạnh để mua tích trữ.
Theo số liệu công bố ngày 3/8 của Gazprom, xuất khẩu khí đốt của tập đoàn này sang thị trường châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đạt 14,29 tỷ m3 trong tháng Bảy - mức cao kỷ lục tính theo tháng trong 1 năm rưỡi qua.
Giá khí đốt của Gazprom đang được gắn kết theo giá dầu thô.
Xuất khẩu khí đốt tăng sẽ giúp Gazprom vượt qua một trong những năm làm ăn bết bát nhất trong lịch sử của doanh nghiệp này.
Hồi đầu năm nay, Gazprom đã để mất “ngôi vị” là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho Tây Âu vào tay đối thủ Gassco (Na Uy).
Theo báo The Local, trong quý 1, Gassco đã xuất khẩu sang Tây Âu 29,2 tỷ m3 khí đốt, bỏ xa Gazprom với 20,29 tỷ m3.
Hoạt động sản xuất của Gazprom đang đối mặt với nguy cơ giảm xuống mức “đáy” trong lịch sử, do nhu cầu trong cũng như ngoài nước và đầu tư đều yếu.
Gazprom hiện đang bị “nội công ngoại kích” khi thị trường nội địa đón nhận một loạt nhân tố tiêu cực như kinh tế ảm đạm, do tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp đặt lên Xứ sở Bạch dương liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine và giá “vàng đen” sụt giảm mạnh.
Tại thị trường châu Âu, tình hình kinh doanh của tập đoàn cũng khá ế ẩm do nền kinh tế châu lục ảm đạm và vụ tranh chấp với Ukraine về giá bán khí đốt.
Gazprom hi vọng tình hình kinh doanh nửa cuối năm nay sẽ sáng hơn khi vào tháng Chín tới, lần đầu tiên họ tổ chức bán đấu giá khí đốt cho thị trường Tây Bắc Âu./