Khả năng hạt nhân của Triều Tiên đã đủ đe dọa Mỹ?
Nga cấm nhập khẩu từ 4 nước vì dám 'ăn theo' EU
Fidel Castro nói Mỹ cần bồi thường cho Cuba
Israel phát triển hệ thống phòng thủ bằng laser
Tin thế giới đọc nhanh 05-08-2015
- Cập nhật : 05/08/2015
Hai tuần, IS hành quyết 2.000 người ở Iraq
Chỉ trong vòng 2 tuần qua, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đã hành quyết khoảng 2.000 người làm việc cho chính phủ Iraq tại thành phố Mosul, trong đó có nhiều binh sĩ và cảnh sát.
Ảnh chụp từ video clip cho thấy IS đang hành quyết những người chống đối ở Iraq- Ảnh: sheikyermami.com
Press TV ngày 4-8 dẫn lời ông Ghiyath Surji, giám đốc truyền thông của Liên minh yêu nước của người Kurd, cho biết IS đã công bố danh sách những người bị chúng giết, và nói người thân họ không yêu cầu bàn giao thi thể họ.
Trong số nạn nhân, hầu hết là binh sĩ, cảnh sát và nhân viên chính phủ. Ông cũng cho biết tình hình ở thành phố hiện rất căng thẳng do bầu không khí đầy đe dọa mà IS gây ra.
Thành phố này rơi vào tay IS từ tháng 6 năm ngoái. Tháng 3 vừa qua, quân chính phủ Iraq được sự ủng hộ của lực lượng chiến đấu tình nguyện người Sunni và Shiite đã mở chiến dịch đánh chiếm lại thành phố Tikrit với hi vọng từ đó có thể giành lại Mosul, tuy nhiên đến nay Mosul vẫn nằm dưới sự kiểm soát của IS.
Cũng trong ngày 4-8, Mỹ và liên minh tiếp tục không kích IS tại Iraq và Syria, phá hủy nhiều căn cứ và vũ khi của nhóm này, tuy nhiên chưa có báo cáo thương vong.
Cùng ngày, quân đội Iraq cho biết họ tiếp tục chiếm ưu thế trong cuộc chiến chống IS tại tỉnh Anbar, khẳng định trong 6 tháng qua họ đã gây nhiều thiệt hại cho nhóm này khiến chúng không có cơ hội giành thêm thắng lợi mới trên lãnh thổ Iraq.
Nhật tạm ngừng xây dựng căn cứ quân sự mới của Mỹ tại Okinawa
Tokyo cho biết sẽ tạm ngừng việc xây dựng căn cứ quân sự Mỹ ở phía nam Okinawa để chính phủ Nhật bàn bạc thêm với chính quyền địa phương về việc này.
Các máy bay quân sự Mỹ đang đậu tại căn cứ Futenma giữa khu dân cư đông đúc Ginowan tỉnh Okinawa - Ảnh: AFP
Theo AFP, thông báo được đưa ra hôm qua (4-8) trong bối cảnh các điều tra dư luận xã hội cho thấy uy tín của thủ tướng Shinzo Abe đang giảm sút nhiều kể từ sau khi chính phủ của ông quyết định mở rộng năng lực phòng vệ của quân đội Nhật.
Theo phát ngôn viên chính phủ, ông Yoshihide Suga, thời gian ngừng xây dựng sẽ là 1 tháng, từ 10-8 đến 9-9.
Kế hoạch di dời căn cứ quân sự Futenma vốn đã được đề cập từ năm 1996, thời gian qua đã luôn là nỗi bức xúc của những người dân địa phương. Họ muốn đóng cửa hoặc di dời nó đến một khu vực khác của Nhật hoặc nước ngoài.
Ông Yoshihide Suga nói: “Một lần nữa chúng tôi sẽ giải thích với Okinawa về tầm nhìn của chúng tôi trong vấn đề di dời căn cứ quân sự Mỹ… và sẽ tổ chức những cuộc trao đổi tập trung nhất để giải quyết các vấn đề này”.
Thống đốc tỉnh Okinawa, Takeshi Onaga, cho rằng, việc tạm ngừng xây dựng là “một bước tích cực”.
Cả Tokyo và Washington đều ủng hộ kế hoạch di dời căn cứ quân sự. Thủ tướng Abe gọi đó là “giải pháp duy nhất”. Cả hai bên đều nhất trí rằng căn cứ quân sự hiện nay ở Futenma nằm giữa khu dân cư đô thị đông đúc là không phù hợp. Tuy nhiên Mỹ sẽ không đóng cửa nó cho tới khi căn cứ mới thay thế hoàn thành.
Phó phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Mark Toner hôm qua (4-8) cho biết, Washington “rất tự tin là hai bên vẫn sẽ quyết tâm thực hiện việc di dời căn cứ không quân ra khỏi Futenma tới vịnh Henoko ở Okinawa”.
Anh mạnh tay ngăn làn sóng nhập cư
Chính quyền Anh vừa công bố các biện pháp mới trấn áp nạn nhập cư lậu, trong đó phạt tù các chủ nhà cho người nhập cư trái phép thuê.
Các biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh làn sóng người nhập cư bất hợp pháp đang ồ ạt đổ về cảng Calais, thuộc miền bắc nước Pháp, điểm đến trước khi trốn vào Anh bằng tuyến đường hầm qua eo biển Manche.
Từ nay, các chủ nhà cho thuê không kiểm tra tình trạng pháp lý của người nhập cư có thể phải đối mặt với mức án mới 5 năm tù giam. Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May cho biết “đường phố Anh không lót vàng” và khẳng định chính phủ sẽ sửa luật để cho phép chủ nhà đuổi người nhập cư trái phép mà không cần lệnh của tòa.
Bộ trưởng Cộng đồng và chính quyền địa phương Anh Greg Clark cho biết chính quyền sẽ lập danh sách đen những chủ nhà ngoan cố để trấn áp. Tuy nhiên hiệp hội các chủ nhà cho thuê ở Anh lo ngại biện pháp mới có thể khiến họ bị người nhập cư phản ứng bằng bạo lực. Ngoài ra, London cũng sẽ chi tiền để triển khai thêm 100 nhân viên bảo vệ biên giới tại các chốt đầu đường hầm bên Pháp, theo báo Guardian. Dự luật nhập cư mới dự kiến sẽ được thảo luận tại Quốc hội Anh trong vài tháng tới.
Hơn 2.000 di dân thiệt mạng trên Địa Trung Hải
Tính từ đầu năm đến nay đã có hơn 2.000 di dân thiệt mạng trên hành trình vượt biển Địa Trung Hải đến châu Âu.
Theo DW, đây là số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức di dân quốc tế (IOM) công bố hôm qua (4-8). Tỉ lệ này cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nó cho thấy Địa Trung Hải đang trở thành lộ trình nhập cư nguy hiểm và chết chóc nhất hiện nay.
Cũng theo IOM, từ đầu năm đến nay có 188.000 di dân được cứu sống trong hành trình vượt Địa Trung Hải. Lượng di dân đến được Hi Lạp và Italy bằng thuyền cũng gần bằng số đó.
Tuy nhiên gần như tất cả các trường hợp di dân thiệt mạng trong năm nay đều xảy ra trên hành trình từ Libya đến đảo Sicily của Italy.
Theo IOM, rất có thể vì các tổ chức đưa người vượt biên trái phép đến Italy cố tình dùng các loại tàu bè không đủ điều kiện đi biển để vận chuyển di dân, dẫn tới tình trạng số người thiệt mạng lớn như vậy.
Chỉ riêng trong tuần trước, 19 người chết ở eo biển Sicily. Ngày thứ hai 3-8, 550 di dân được tổ chức Bác sĩ không biên giới cứu sống khi vượt Địa Trung Hải tới Sicily.