Báo Deutsche Wirtschafts Nachrichten (DWN – Đức) hôm 26-9 cho biết Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc “chiến tranh lai” có sự tham gia của Nga tại khu vực Baltic ở châu Âu.
Tin thế giới đọc nhanh trưa 07-06-2016
- Cập nhật : 07/06/2016
Nga nói Mỹ không chịu đàm phán về lá chắn tên lửa
Phía Mỹ đã nhiều lần từ chối đề xuất của Nga về việc tổ chức đàm phán giữa hai bên liên quan đến chương trình phòng thủ tên lửa của Washington.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov phát biểu tại diễn đàn an ninh Shangri-La, Singapore - Ảnh: AFP
Theo Reuters, đó là thông tin do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov đưa ra ngày 5-6 tại diễn đàn Shangri-La ở Singapore. Ông Anatoly Antonov cho rằng việc khởi động hệ thống lá chắn tên lửa này là “rất nguy hiểm”.
Tháng trước Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Romania và Ba Lan về việc họ có thể nằm trong tầm ngắm các tên lửa của Nga khi hai quốc gia này đang quản lý các thành tố trong hệ thống lá chắn tên lửa của Washington mà Matxcơva xem như mối đe dọa an ninh với họ.
Phát biểu tại diễn đàn an ninh ở Singapore, ông Antonov nói chương trình lá chắn tên lửa do Mỹ bảo trợ đang gây ra nhiều rắc rối cho cả Nga và Trung Quốc.
Hãng thông tấn Interfax dẫn lời thứ trưởng quốc phòng Nga phàn nàn rằng đã rất nhiều lần Matxcơva kêu gọi Mỹ suy nghĩ lại về những kế hoạch của họ.
Ông Antonov nói: “Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất hợp tác với họ và tìm ra các cách thức để hai bên có thể giải quyết vấn đề nhưng không thuyết phục được họ tiếp tục đối thoại về vấn đề này. Theo như tôi hiểu, lúc này chưa phải là thời điểm tốt nhất để họ tiến hành đàm phán”.
Ông Antonov không nói kỹ hơn, song tại thời điểm này, nước Mỹ đang trong giai đoạn chuẩn bị sôi nổi nhất cho cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 8-11 tới.
Quân đội Mỹ cho rằng hệ thống lá chắn tên lửa của họ kích hoạt một phần tại Romania tháng trước là nhằm bảo vệ Mỹ và các đồng minh châu Âu khỏi Iran chứ không nhằm đe dọa Nga. Hệ thống này sẽ tiếp tục được triển khai một phần khác tại Ba Lan.
Hãng Interfax dẫn lời thứ trưởng quốc phòng Nga nói: “Thật nguy hiểm khi một quốc gia tăng cường an ninh của họ bằng việc gây ảnh hưởng tới an ninh của một quốc gia khác”.
Nổ kho vũ khí rúng động Sri Lanka, hàng ngàn người sơ tán
Hãng AFP hôm nay (6-6) đưa tin một loạt các vụ nổ đã xảy ra tại một kho vũ khí nằm ở khu vực cách không xa thủ đô của Sri Lanka từ tối 5-6. Vụ nổ gây ra các đám cháy lớn và hàng ngàn người dân buộc phải sơ tán do các mảnh vỡ rơi vào khu vực dân cư.
Cảnh sát cho biết các vụ nổ xảy ra tại kho chứa vũ khí của quân đội Sri Lanka ở Salawa, cách thủ đô Colombo khoảng 36 km về phía đông. Hàng ngàn người đã được cảnh báo tránh xa khu vực khi các vụ nổ liên tiếp vẫn diễn ra, 10 giờ sau khi vụ nổ đầu tiên được báo cáo tối 5-6.
Lực lượng chức năng gần như khống chế được đám cháy. Tuy nhiên, khu vực trên hiện còn bị bao phủ bởi các đám khói dày đặc trong bối cảnh các quan chức cố gắng xác định nguyên nhân vụ nổ.
Bầu trời đêm tại Salawa, Sri Lanka tối 5-6 sáng rực với quầng lửa màu cam khi các vụ nổ lớn xảy ra liên tiếp. Ảnh: AFP
Giới chức Sri Lanka hiện không xác nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào. Tuy nhiên, theo kênh truyền hình tư nhân Sirasa, ít nhất một người lính đã thiệt mạng vì bỏng và hai người khác bị thương.
Cảnh sát cho biết ít nhất ba người đã bị thương và được đưa tới bệnh viện gần đó để chữa trị. “Một trong số họ đã bị mảnh vỡ rơi vào đầu nhưng vật thể lúc đó không còn nguy hiểm” - AFP dẫn lời một quan chức cảnh sát.
Ngay sau vụ nổ đầu tiên, người dân tại khu vực Salawa đã chạy khỏi nhà. Cảnh sát địa phương thời điểm đó cho biết các mảnh vỡ rơi vào đường cao tốc chính và các khu dân cư gần hiện trường vụ nổ.
Bầu trời đêm tại Salawa tối 5-6 sáng rực với quầng lửa màu cam khi các vụ nổ lớn xảy ra. Theo báo cáo, mảnh vỡ từ kho vũ khí bay tung tóe và có thể được thấy từ khoảng cách 3 km.
Tại kho vũ khí trên ở Salawa, quân đội Sri Lanka lưu trữ các vũ khí hạng nặng và đạn dược, bao gồm cả tên lửa. Khu vực này trước đây là một nhà máy gỗ dán, cách thủ đô Colombo khoảng 36 km về phía đông.
Bộ trưởng Luật pháp và Trật tự Sagala Ratnayake cho biết Cục Điều tra hình sự đã được yêu cầu xem xét nguyên nhân vụ nổ.
Palitha Mahipala, người đứng đầu Bộ Y tế thủ đô Colombo, cho biết tất cả bệnh viện đều được đặt trong tình trạng báo động đỏ và 35 xe cứu thương đã được triển khai đến khu vực gần hiện trường để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng.
Đây là vụ nổ tồi tệ nhất xảy ra tại một khu vực quân sự kể từ khi Sri Lanka kết thúc cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập niên vào tháng 5-2009. Hồi tháng 6-2009, một vụ nổ tương tự đã xảy ra tại Vavuniya, cách Colombo khoảng 250 km về phía bắc khiến một số binh sĩ bị thương.
Mỹ thử nghiệm vũ khí laser trên trực thăng Diều hâu Đen
Bộ Tư lệnh Các chiến dịch Đặc biệt của Mỹ (SOCOM) đang triển khai dự án thử nghiệm một loại vũ khí laser lắp đặt trên trực thăng tấn công AH-64 Apache, theo Defense Media.
Đại tá John Vannoy, người phụ trách dự án của SOCOM cho biết vũ khí laser không chỉ rẻ hơn mà còn cho phép thực hiện nhiều phát bắn hơn so với vũ khí thông thường. Mỗi trực thăng Apache hiện chỉ có thể mang tối đa 16 tên lửa chống tăng Hellfire, trong khi số lượt bắn của vũ khí laser chỉ phụ thuộc vào mức năng lượng của máy bay.
Tuy nhiên, việc trang bị vũ khí laser trên trực thăng vẫn còn một số khó khăn, như bụi do hoạt động của cánh quạt tạo nên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chùm laser. Những rung động của cánh, giá treo tên lửa Hellfire và các thùng rocket cũng sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của loại vũ khí này.
Cùng với việc nghiên cứu, thử nghiệm trên trực thăng, SOCOM cũng đang thử nghiệm vũ khí laser đặt trên máy bay cường kích AC-130J Ghostrider.
Pháp kêu gọi châu Âu tham gia tuần tra biển Đông
Straitstimes đưa tin phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 5-6, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã giải thích tại sao tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông cũng là mối quan ngại với châu Âu và thế giới.
Theo ông Le Drian, nếu luật biển không được tôn trọng tại khu vực vày thì luật biển cũng có thể bị thách thức tại Địa Trung Hải hay Bắc Băng Dương. Vì vậy, Pháp sẽ hối thúc các hải quân châu Âu đảm bảo sự hiện diện “thường xuyên và rõ ràng” ở biển Đông.
“Nếu chúng tôi muốn kiểm soát nguy cơ xung đột, chúng tôi phải bảo vệ lợi ích này, bảo vệ chính mình” - Bộ trưởng Pháp nhấn mạnh. Hải quân Pháp đã được triển khai ở biển Đông ba lần trong năm nay.
Cũng phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Singh Sajjan đã cam kết tăng cường sự tham gia của Canada tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
“Chúng tôi cam kết tăng cường sự kết nối so với trước đây trong bối cảnh chúng tôi điều chuyển sang một đường hướng năng động hơn và ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.
Bình luận của bộ trưởng Quốc phòng Pháp và Canada được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar hối thúc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một liên minh an ninh bao gồm các quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ, cũng đưa ra kêu gọi tương tự. Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, tướng Petr Pavel, cho hay NATO ủng hộ các quốc gia trong khu vực muốn cải thiện năng lực quốc phòng hoặc chia sẻ thông tin tình báo và các kinh nghiệm tốt nhất về an ninh hàng hải.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho hay mối quan tâm ngày càng gia tăng từ các bên khác nhau có nguy cơ biến tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông thành một cuộc tranh giành sự ảnh hưởng chiến lược và ngoại giao rộng lớn hơn vốn có thể phủ bóng vai trò của ASEAN. “Dường như tình hình ngày càng đi xa khỏi sự kiểm soát của ASEAN” - học giả Phuong Nguyen, từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, nhận định.
TS Zhu Feng, người đứng đầu Trung tâm Phối hợp nghiên cứu về biển Đông tại ĐH Nanjing, đã kêu gọi ASEAN đóng vao trò ngoại giao chủ động bằng cách nỗ lực làm trung gian hòa giải và thúc đẩy đối thoại. Cựu Tổng Thư ký ASEAN Ong Keng Yong cho rằng thách thức ngay lúc này của ASEAN là “hạ nhiệt căng thẳng”.
Ông này cũng nói thêm ASEAN đang vô tình bị buộc rơi vào vòng xoáy giữa Mỹ và Trung Quốc. “Chúng tôi không muốn tham gia bất kỳ cuộc đối đầu nào giữa hai cường quốc... Chúng tôi tốt hơn là nên ở vị trí quan sát” - ông nói.
Bắc Kinh gần đây đã cải tạo đất ồ ạt để gia tăng đòi hỏi các tuyên bố chủ quyền phi lý đó. Trung Quốc còn tuyên bố sẽ không chấp nhận phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài quốc tế The Hague (Hà Lan) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò” phi pháp.
Trước các hành động đó của Trung Quốc, Mỹ đã điều tàu áp sát các đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng phi pháp nhằm đẩy mạnh nguyên tắc tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế.
Bà Hillary tiến sát chiến thắng ở Đảng Dân chủ
Với chiến thắng ở Puerto Rico trong ngày 6-6, bà Hillary Clinton chỉ cần thêm 29 phiếu đại biểu nữa để trở thành đại diện Đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống Mỹ.
Trước khi bước vào cuộc bỏ phiếu tại Puerto Rico, bà Clinton chỉ cần thêm 60 phiếu đại biểu để giành chiến thắng chung cuộc. Chiến thắng tại Puerto Rico giúp bà Clinton có thêm ít nhất 31 phiếu đại biểu.
Như vậy trong các cuộc bỏ phiếu ở những bang sắp tới, bà Clinton chỉ cần thêm 29 phiếu đại biểu nữa để giành chiến thắng trước nghị sĩ Bernie Sanders.
Vào ngày thứ tư 8-6 (giờ VN), Đảng Dân chủ bỏ phiếu ở nhiều bang như California, New Jersey, Motana, New Mexico, North Dakota, South Dakota và theo tính toán bà Hillary sẽ chính thức giành chiến thắng sau khi kiểm phiếu tại bang New Jersey (trong buổi sáng 8-6).
Tính tới thời điểm này, bà Hillary Clinton hơn ông Bernie Sanders cả về tổng số phiếu bầu lẫn số bang giành chiến thắng.
Tính tới nay, nhờ chiến thắng ở các cuộc bỏ phiếu bang, bà Hillary có 1.776 phiếu đại biểu, trong khi ông Sanders có 1.501 phiếu.
Tuy nhiên, bà Hillary có thêm 548 đại biểu tín nhiệm, so với 46 của ông Sanders. Tổng cộng, bà Hillary có 2.355 trong tổng số 2.383 phiếu đại biểu cần thiết để giành chiến thắng ở Đảng Dân chủ.
Theo luật của Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton và ông Bernie Sanders còn phải trải qua cuộc bỏ phiếu tại đại hội của Đảng vào tháng 7. Khi đó số đại biểu tín nhiệm - 548 hiện chọn bà Hillary và 46 chọn ông Sanders - có thể bỏ phiếu tùy thích, khác với những gì họ nói hiện nay.
Chính vì vậy, ông Sanders khẳng định sẽ "chiến đấu" đến phút chót, thuyết phục những đại biểu tín nhiệm này bỏ bà Hillary để chọn ông hòng làm cú lội ngược dòng vào phút chót. Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra.
Puerto Rico là một trong vài vùng lãnh thổ bên ngoài nước Mỹ bỏ phiếu chọn ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ nhưng sẽ không được bỏ phiếu bầu Tổng thống.