tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 06-07-2016

  • Cập nhật : 06/07/2016

FBI công bố kết quả điều tra bà Hillary Clinton

Cục Điều tra Liên bang Mỹ cho rằng không nên truy tố bà Hillary Clinton, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, về việc bà sử dụng email cá nhân trong thời gian còn là ngoại trưởng.

ba hillary clinton. anh: reuters.

Bà Hillary Clinton. Ảnh: Reuters.

"Dù có bằng chứng về khả năng vi phạm quy định liên quan đến quản lý thông tin mật, kết luận của chúng tôi là không có lý do phù hợp để truy tố vụ này", AFP dẫn lời James Comey, giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), phát biểu trong cuộc họp báo hôm nay.

Ông Comey cho biết Bộ Tư pháp Mỹ sẽ có quyết định cuối cùng nhưng ông muốn nêu rõ quan điểm của FBI rằng "không có cáo buộc phù hợp".

Các nhà điều tra liên bang không thấy dấu hiệu của sai phạm cố ý nhưng có bằng chứng cho thấy cựu ngoại trưởng Mỹ và nhân viên đã "cực kỳ bất cẩn". Theo ông Comey, 110 email bà Clinton gửi đi hoặc nhận có chứa thông tin mật. Ông cũng lo ngại khả năng có "nhân tố thù địch" truy cập email của bà.

Donald Trump, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, chỉ trích quyết định của FBI, cho rằng "hệ thống đã bị gian lận".

"Rất rất không công bằng! Vẫn như mọi khi, sự kết luận tồi", ông Trump viết trên Twitter cá nhân ngay sau khi ông Comey thông báo. "Giám đốc FBI nói Clinton gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Không có cáo buộc. Wow!".

Bà Clinton sáng ngày 2/7 đã được FBI thẩm vấn về việc bà sử dụng email cá nhân trong thời gian còn là ngoại trưởng. Bộ Tư pháp Mỹ muốn hoàn tất cuộc điều tra trước khi đại hội đảng Dân chủ và Cộng hòa diễn ra. Đại hội đảng Cộng hòa bắt đầu vào ngày 18/7 tại Cleveland còn đại hội đảng Dân chủ khởi động vào ngày 25/7 tại Philadelphia.

FBI trước đó thẩm vấn một số cố vấn hàng đầu cho bà Clinton, bao gồm Cheryl Mills và Huma Abedin, chánh văn phòng và phó chánh văn phòng cựu ngoại trưởng Mỹ, nhằm xem xét liệu ứng viên tổng thống đảng Dân chủ có xử lý sai các thông tin tuyệt mật hay không.


TT Putin đưa tàu chiến "khủng" sang Syria diệt IS

Một nguồn tin quân sự - ngoại giao tiết lộ với hãng tin TASS rằng Tổng thống Vladimir Putin vừa quyết định điều tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đến Syria để t"iêu diệt khủng bố".

Con tàu “chở theo 15 chiến đấu cơ Su-33, MiG-29K/KUB và hơn 10 trực thăng Ka-52K, Ka-27 và Ka-31” sẽ tham gia không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ phía Đông Địa Trung Hải từ tháng 10-2016 đến tháng 1-2017.

“Bộ Tổng tham mưu có kế hoạch cho tàu sân bay tham gia không kích các nhóm khủng bố ở Syria. Các chiến đấu cơ sẽ cất cánh từ tàu Đô đốc Kuznetsov để tấn công các mục tiêu dưới đất” – nguồn tin quân sự cho hay.

 

 Một chiến đấu cơ MiG-29K trên tàu Đô đốc Kuznetsov. Ảnh: TASS

Một chiến đấu cơ MiG-29K trên tàu Đô đốc Kuznetsov. Ảnh: TASS

 

Đến mùa thu-đông, lực lượng quân Nga đóng tại căn cứ Hmeymim ở tỉnh Latakia – Syria cũng sẽ tham gia không kích và “phối hợp chặt chẽ nhất”. Tàu Đô đốc Kuznetsov “dẫn đầu hải quân Nga tại Địa Trung Hải” được neo đậu gần bờ biển Syria “để các máy bay có đủ nhiên liệu hoàn thành nhiệm vụ và quay về” - nguồn tin trên tiết lộ thêm.

Đô đốc Kuznetsov sẽ có mặt ở Địa Trung Hải đến cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2, sau đó quay về Nga để được bảo trì và hiện đại hóa ở TP Severodvinsk.

Tuy nhiên, theo hãng tin TASS, thông tin trên chưa được xác nhận chính thức.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ KỳMevlut Cavusoglu hôm 4-7 cho biết có thể bật đèn xanh cho Nga sử dụng căn cứ không quân Incirlik để tấn công các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.

Cho đến giờ, máy bay chiến đấu Nga xuất kích từ căn cứ không quân Hmeymim. Trong khi đó, căn cứ Icirlik đang được lực lượng Mỹ, Đức, Anh, Qatar và Ả Rập Saudi sử dụng trong cuộc chiến chống IS.


Trung Quốc đính chính thông tin kêu gọi chuẩn bị cho xung đột ở Biển Đông

Trung Quốc hôm nay khẳng định "luôn vì hòa bình" sau khi một tờ báo nước này kêu gọi Bắc Kinh chuẩn bị cho xung đột vũ trang ở Biển Đông.

phat ngon vien bo ngoai giao trung quoc hong loi. anh: xinhua.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi. Ảnh: Xinhua.

Tờ Global Times, ấn phẩm phụ thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh chuẩn bị cho cuộc đối đầu quân sự có thể xảy ra ở Biển Đông. Tờ này đổ lỗi cho Mỹ can thiệp tranh chấp Biển Đông làm phức tạp tình hình và cho rằng căng thẳng có thể leo thang do phán quyết sắp tới từ Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện "đường lưỡi bò".

Khi được hỏi về thông tin trên và khả năng xảy ra xung đột ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi trả lời Bắc Kinh "ủng hộ hòa bình".

"Trung Quốc sẽ phối hợp với các nước ASEAN để bảo vệ hòa bình và ổn định" ở Biển Đông, Reuters dẫn lời ông Hồng phát biểu tại phiên họp báo thường ngày, nhắc đến Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.

Ông Hồng tiếp tục khẳng định Trung Quốc "không coi bất kỳ phán quyết nào từ bên thứ ba là giải pháp".

Căng thẳng đang gia tăng khi PCA chuẩn bị ra phán quyết vào ngày 12/7 về vụ Philippines kiện yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý do Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông. Trung Quốc kiên quyết không theo kiện và dọa phớt lờ phán quyết từ PCA.

Trước thềm phán quyết từ PCA, Trung Quốc đã phát động chiến dịch lôi kéo sự ủng hộ của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Bắc Kinh nói rằng có 60 nước ủng hộ lập trường của họ về Biển Đông, trong đó chủ yếu là các nước ở châu Phi, Trung Đông và Trung Á. Tuy nhiên, nhiều quốc gia có tên trong danh sách đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.


Anh có thể sẽ có nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử

Hai ứng viên nổi bật là hai nữ Bộ trưởng Nội vụ Theresa May và Bộ trưởng Năng lượng Andrea Leadsom.

Ngày 5-7, đảng cầm quyền Bảo thủ bắt đầu tiến trình chọn lãnh đạo thay thế ông David Cameron vốn đã tuyên bố sẽ từ chức Thủ tướng vào đầu tháng 9 tới sau khi có kết quả trưng cầu Brexit.

Có năm ứng viên đăng ký lựa chọn. Đó là Bộ trưởng Nội vụ Theresa May, Bộ trưởng Năng lượng Andrea Leadsom, Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove ủng hộ Brexit, Bộ trưởng Lao động Stephen Crabb, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Liam Fox. Trong số này có hai ứng viên nổi bật là hai Bộ trưởng Theresa May và Andrea Leadsom.

Theo hãng tin Reuters (Mỹ), vòng bỏ phiếu đầu tiên chọn lãnh đạo đảng Bảo thủ diễn ra ngày 5-7 với sự tham gia của 331 nghị sĩ. Kết quả sẽ có sau tám giờ. Ứng viên có số phiếu ủng hộ thấp nhất sẽ bị loại trừ.

hai ung vien hang dau se thay the thu tuong david cameron, ba theresa may (trai) va andrea leadsom. (anh: reuters)

Hai ứng viên hàng đầu sẽ thay thế Thủ tướng David Cameron, bà Theresa May (trái) và Andrea Leadsom. (Ảnh: REUTERS)

Vòng bỏ phiếu tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 7-7 tới và sẽ tiếp tục tới khi chỉ còn hai ứng viên có số phiếu cao. Người được chọn cuối cùng phải đạt được sự ủng hộ của 150.000 thành viên đảng Bảo thủ trên cả nước.

Dù được xem là ứng viên sáng giá nhất nhưng bà Theresa May đang gặp một trở ngại lớn vì nhiều thành viên đảng Bảo thủ cho rằng thủ tướng mới phải có chủ trương ủng hộ Brexit để có thể dẫn dắt Anh thương lượng rời EU suôn sẻ, trong khi đó quan điểm của bà May lại là phản đối Brexit.

Một cuộc thăm dò trên trang web ConservativeHome của đảng Bảo thủ cho thấy tỉ lệ ủng hộ bà Leadsom - có quan điểm ủng hộ Brexit - đang trội hơn bà May (38% so với 37%).

Nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Anh chính là bà Margaret Hilda Thatcher - người được mệnh danh là "Bà đầm thép" của thế giới. Bà là lãnh tụ Đảng Bảo thủ Anh từ năm 1975 đến 1990, Thủ tướng Anh trong suốt thập niên 1980 (1979 - 1990) và là người phụ nữ duy nhất đến nay giữ hai chức vụ đó. Bà cũng là thủ tướng giữ nhiệm kỳ dài nhất trong lịch sử Anh kể từ năm 1827. Người nữ chính trị gia nổi tiếng của nước Anh đã qua đời vào năm 2013.


Xét lại Brexit, người Anh có thể hủy hoại EU

Mọi nỗ lực nhằm đảo ngược Brexit của người Anh có thể sẽ hủy hoại nền tảng dân chủ và niềm tin vào Liên minh châu Âu (EU).

nguoi dan ung ho viec anh o lai eu bieu tinh tai london. anh: ap

Người dân ủng hộ việc Anh ở lại EU biểu tình tại London. Ảnh: AP

Chỉ trong vòng một tuần, lá đơn kêu gọi quốc hội Anh tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lại về việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) đã nhận được khoảng 4 triệu chữ ký ủng hộ, làm dấy lên hy vọng rằng đây có lẽ chưa phải là thất bại cuối cùng của phe "ở lại", bởi luật pháp Anh quy định Quốc hội có trách nhiệm xem xét tất cả thỉnh nguyện thư có 100.000 chữ ký trở lên. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đảo ngược Brexit đều có hủy hoại hoàn toàn Liên minh châu Âu (EU), theo Fortune.

Phó giáo sư khoa học chính trị Liubomir K.Topaloff, thuộc đại học Meiji, Nhật Bản, cho rằng trưng cầu dân ý chính là nền tảng của dân chủ, là biểu hiện của việc trao quyền cho người dân. Với một quốc gia dân chủ điển hình như nước Anh, cuộc trưng cầu ý dân sẽ giúp phe đa số nắm chiến thắng trong tay. Việc đảo ngược kết quả dường như là không thể đối với những cử tri nằm trong số 48% số người lựa chọn "ở lại".

Các chuyên gia pháp lý ủng hộ việc "ở lại" lập luận rằng kết quả cuộc trưng cầu ý dân vừa qua đã đẩy Quốc hội Anh vào vòng luẩn quẩn "con gà và quả trứng", khi chính phủ Anh sẽ không thể khởi động quá trình đàm phán rời khỏi EU theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon chừng nào quốc hội chưa chính thức thông qua kết quả bỏ phiếu này.

Việc quốc hội chấp thuận kết quả bỏ phiếu đồng nghĩa với việc cho phép chính phủ tiếp theo toàn quyền triển khai những điều khoản của thỏa thuận mà họ đàm phán thành công với EU dù không biết rõ nội dung của những điều khoản này. Nhưng, kịch bản này khó có khả năng xảy ra. Thay vào đó, sau các cuộc bầu cử, chính phủ mới có thể sẽ tìm cách tái đàm phán các điều khoản với EU mà không cần phải rời khối.

Tuy nhiên, theo Topaloff, vấn đề mà chính phủ mới tại Anh sẽ phải đương đầu là kết quả bỏ phiếu về Brexit là điều không thể bác bỏ. Số cử tri ủng hộ Anh rời khỏi EU nhiều hơn số cử tri ủng hộ ở lại tới gần 1,3 triệu người.

Phe ủng hộ "ở lại" biết rõ điều này song họ vẫn cho rằng chiến thắng của phe Brexit chủ yếu là do số đông những cử tri cao tuổi, trình độ giáo dục thấp bỏ phiếu rời khỏi EU, chứ không phải do những cử tri trẻ tuổi mà lợi ích của họ gắn liền với tiến trình hội nhập ở châu Âu.

Ông Topaloff cho rằng đây là một sai lầm bởi họ thực sự chỉ đang tìm cách đổ lỗi cho cuộc bỏ phiếu vừa qua là không công bằng. Việc đánh giá và phát xét quyết định của một cử tri dựa trên giới tính, lứa tuổi, thu nhập, trình độ học vấn, địa vị xã hội hoặc nhiều lý do khác chính là hành động không công bằng và làm xói mòn nền dân chủ.Theo họ, cách tốt nhất để thoát khỏi vòng luần quẩn này là tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân khác. Tuy nhiên, việc này là không khả thi chừng nào người ta chưa đàm phán về điều mà nhiều người gọi là "cuộc chia ly vội vã", việc sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của khoảng ba triệu công dân EU hiện đang sinh sống và làm việc tại Anh.

nhieu nguoi gia o anh ung ho phuong an brexit. anh: afp

Nhiều người già ở Anh ủng hộ phương án Brexit. Ảnh: AFP

Theo các nhà phân tích, mục đích của EU là xây dựng một khu vực tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ, tiền tệ và con người. Việc phe ủng hộ Brexit chiến thắng chủ yếu là do những bất mãn trong vấn đề tự do lưu thông con người. Rõ ràng nếu Anh có thể đàm phán để buộc EU phải nhượng bộ các yêu cầu của mình trong vấn đề này mà vẫn giữ được tư cách thành viên liên minh thì đây sẽ là tiền lệ xấu, khiến nhiều quốc gia khác cũng muốn làm theo. Điều này chắc chắn không phải là lựa chọn mà EU muốn, và có lẽ cũng là kịch bản ít khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay.

Phản ứng của các nước châu Âu đối với kết quả cuộc trưng cầu ý dân vừa qua cũng rất đa dạng. Một nhóm, gồm 3 quan chức cấp cao trong EU là Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker, cùng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte kêu gọi nước Anh nhanh chóng chính thức triển khai tiến trình Brexit.

Họ lo ngại nguy cơ có thêm một cuộc trưng cầu ý dân nữa sẽ dẫn đến hiệu ứng domino vốn có nguy cơ bùng phát do sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của các luồng quan điểm hoài nghi tính hội nhập và thống nhất châu Âu tại các quốc gia của châu lục này.

Một nhóm khác, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble, lại cho rằng việc cần làm trước hết là trấn an các thị trường sau cú sốc Brexit. Thực tế là cả hai nhóm ý kiến này đều có chung một mục đích là ngăn chặn sự tan vỡ của EU trước sức ép của các nhân tố toàn cầu hóa.

Theo Topaloff, dù EU sẽ suy yếu đáng kể do Brexit, liên minh với 27 thành viên còn lại vẫn có thể hội nhập sâu sắc hơn trong các lĩnh vực như an ninh, kinh tế và tự do lưu thông con người, đặc biệt khi không có những cản trở từ phía Anh. Tuy nhiên, một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai chắc chắn sẽ hủy hoại EU bởi nó không thể giải quyết tận gốc những hạn chế của liên minh mà Brexit phơi bày.

"Rõ ràng, một cuộc trưng cầu ý dân ý thứ hai sẽ càng khiến luồng quan điểm cho rằng hội nhập châu Âu là một ý tưởng sai lầm, kể cả ở những nước thành viên không có thành kiến, thêm mạnh mẽ", giáo sư Topaloff nhận định.(VNEX)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục