Bộ trưởng Áo: Anh sẽ tiếp tục ở lại EU" trong 5 năm tới
IS có thể tấn công khủng bố trận chung kết Euro 2016
NATO chuẩn bị tham gia đánh IS
Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết về quyền tự do trên Internet
Liên minh châu Phi ra mắt hộ chiếu đi lại tự do 54 nước
Tin thế giới đọc nhanh sáng 06-07-2016
- Cập nhật : 06/07/2016
Tổng thống Philippines đề nghị Trung Quốc đàm phán về phán quyết từ PCA
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm nay đề nghị Trung Quốc cùng đàm phán hòa giải về phán quyết sắp tới từ tòa trọng tài.
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) thông báo sẽ ra phán quyết vào ngày 12/7 về vụ kiện của Philippines đối với "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc đưa ra nhằm chiếm gần như toàn bộ diện tích Biển Đông. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nhậm chức tuần trước, nói ông tin phán quyết từ PCA có lợi cho Philippines.
"Nếu điều đó có lợi cho chúng ta, hãy đàm phán", AFP dẫn lời ông Duterte cho biết trong bài phát biểu trước không quân Philippines tại căn cứ Clark, cách thủ đô Manila khoảng một giờ lái xe.
Duterte muốn có quan hệ thân thiện với Trung Quốc, khác với người tiền nhiệm Benigno Aquino, người quyết định có hành động pháp lý với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.
Chính quyền Aquino cho rằng việc Trung Quốc đòi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông và xây phi pháp các đảo nhân tạo là vi phạm luật pháp quốc tế. Ông Aquino cũng từ chối đàm phán trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề này, lo ngại đàm phán sẽ gây bất lợi cho Manila, vốn có ít nguồn lực ngoại giao.Ngược lại, Duterte tuyên bố để ngỏ đối thoại với Trung Quốc, thậm chí là cùng hợp tác, chia sẻ tài nguyên ở Biển Đông. Bình luận của Duterte hôm nay là lần đầu tiên ông xác nhận để ngỏ đối thoại sau khi nhậm chức. Ông nói sẽ không "ca ngợi hay chê bai" một phán quyết có lợi.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói Bắc Kinh "không ngại rắc rối" còn truyền thông nước này kêu gọi Trung Quốc chuẩn bị cho "đối đầu quân sự" ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines hôm nay tái khẳng định ông phản đối xung đột vũ trang. "Chúng tôi không muốn có chiến tranh. Chiến tranh là một từ bẩn thỉu", Duterte nói. Ông cũng khẳng định Philippines sẽ tuân thủ phán quyết từ PCA dù nó bất lợi cho nước này.(VNEX)
Lụt lớn ở Trung Quốc, 112 người chết và mất tích
Mưa lớn và lụt lội ở 11 tỉnh nằm dọc con sông Dương Tử - con sông dài nhất của Trung Quốc bốn ngày qua đã làm 93 người chết và 19 người mất tích, báoBeijing News (Trung Quốc) cho biết.
Mưa lụt đã làm một khu vực rộng lớn dọc theo sông Dương Tử chìm dưới mặt nước. Mực nước ở hồ Thái Hồ gần TP Thượng Hải đang ở mức cao nhất kể từ năm 1954.
Lụt trắng tỉnh Giang Tô ngày 4-7. (Ảnh: REUTERS)
Hơn 1 triệu người phải sơ tán, khoảng 16 triệu người bị ảnh hưởng, hàng ngàn gia súc gia cầm bị chết. Hơn 1,5 triệu ha hoa màu bị tàn phá. Thiệt hại kinh tế ước tính hơn 20 tỉ nhân dân tệ (khoảng 3 tỉ USD).
Một chủ trang trại ở tỉnh An Huy khóc vì không thể sơ tán heo ngày 4-7. Ảnh: REUTERS
Trong ngày 5-7 Thủ tướng Lý Khắc Cường đến thị sát tỉnh An Huy, một trong những địa phương thiệt hại nặng nề nhất.
Mưa dự kiến sẽ di chuyển về phía bắc hướng về sông Hoài trong tuần này.
Đường phố tỉnh An Huy biến thành sông ngày 3-7. Ảnh: REUTERS
Dự báo thiệt hại sẽ còn nhiều hơn khi một trận bão lớn đang hình thành và sẽ tràn vào khu vực vào cuối tuần này. Trung Quốc đã ban mức cảnh báo bão màu cam - mức cảnh báo cao thứ nhì - khắp miền Nam và Đông Trung Quốc từ tuần trước.
Một sân vận động ở tỉnh Hồ Bắc biến thành hồ nước ngày 2-7. Ảnh: REUTERS
Mưa lụt xảy ra khá thường trong mùa hè ở miền Nam Trung Quốc, tuy nhiên hiện tượng này năm nay lại xảy ra với mức độ đặc biệt nghiêm trọng, rất nhiều khu vực đã chìm trong mưa lớn suốt cả tuần qua.
Cứu hộ người dân kẹt lụt ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Ảnh: AFP
Theo Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương thì nguyên nhân là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Nhiều năm gần đây El Nino đã gây ra nhiều trận lụt rất nghiêm trọng ở Trung Quốc. Trận lụt năm 1998 dọc sông Dương Tử đã làm hơn 4.000 người chết.
Tháng trước cầu vồng từ trận lốc xoáy kinh khủng nhất trong 50 năm qua ở Trung Quốc đã giết chết gần 100 người ở tỉnh Giang Tô ở miền Đông.
Ngoài Trung Quốc mưa lụt cũng đang hoành hành nhiều nơi ở khu vực Nam Á trong tuần qua, giết chết 33 người ở Pakistan và 25 người ở Ấn Độ.(PLO)
NATO - Nga: Cơm không dễ lành...
Nga cảnh báo việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ dẫn đến “phản ứng quân sự” của Moscow
Căng thẳng với Nga dự kiến đứng đầu chương trình nghị sự khi lãnh đạo 28 nước thành viên NATO và đại diện các quốc gia đối tác họp tại Ba Lan ngày 8 và 9-7.
Lực lượng răn đe Nga
Trả lời AP hôm 4-7, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước chủ nhà Antoni Macierewicz khẳng định hội nghị sẽ cho ra đời một lực lượng răn đe khiến Nga phải quên đi ý định “đe dọa” Ba Lan và những nước khác. Lực lượng mà ông Macierewicz nói đến không gì khác ngoài 4 tiểu đoàn tại Ba Lan và 3 nước Baltic - Estonia, Latvia, Lithuania - mà NATO điều động theo yêu cầu của các nước này, vốn lo ngại sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và ủng hộ phe ly khai ở miền Đông Ukraine.
Hiện chưa rõ thời điểm 4 tiểu đoàn trên - chịu sự chỉ huy của Mỹ, Anh, Đức, Canada - được triển khai. Ngoài ra, một lữ đoàn của Mỹ sẽ đóng tại sườn Đông NATO, tiếp giáp tỉnh Kaliningrad - Nga. Moscow không ít lần cảnh báo sẽ đáp trả bước đi trên nhưng không nói rõ sẽ làm gì. Ngoài động thái quân sự, Nga còn lo ngại NATO tiếp tục kết nạp thành viên sát biên giới mình.
Phần Lan hôm 4-7 xác nhận tổng thống, bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng nước này sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO, khiến Nga lo ngại láng giềng sẽ “đầu quân” cho NATO. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng ngày cảnh báo việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ dẫn đến “phản ứng quân sự” của Moscow. Trước đó, cuối tuần rồi, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng dọa triển khai binh sĩ tới gần biên giới Phần Lan nếu Helsinki từ bỏ “sự trung lập” hiện nay.
Còn nhiều bất đồng
Một cái tên khác có thể khiến Nga mất ăn mất ngủ là đồng minh Serbia - một trong vài nước Balkan chưa gia nhập NATO. Quan hệ liên minh chính trị Nga - Serbia được duy trì suốt thời gian dài. Nhiều người Serbia không có thiện cảm với NATO sau chiến dịch ném bom năm 1999 nhằm đánh đuổi lực lượng nước này khỏi Kosovo. Tuy nhiên, theo Reuters, những rào cản này không ngăn được Serbia tiến lại gần NATO.
Năm 2006, Serbia đã gia nhập chương trình Đối tác Hòa bình của NATO. Đến năm 2015, Belgrade tiếp tục ký Kế hoạch Hành động Đối tác cá nhân - hình thức hợp tác cao nhất giữa NATO với một nước không muốn tham gia liên minh. “Mục tiêu của Serbia là gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và tiến trình này sẽ bao gồm chương trình nghị sự của Chính sách An ninh và Quốc phòng chung EU. Hầu hết chính sách của NATO phù hợp với chương trình nghị sự này. Nga vẫn là đối tác và Serbia không gia nhập NATO nhưng đường đi của chúng tôi hướng về phương Tây” - một quan chức quốc phòng Serbia giấu tên đúc kết về tương lai mối quan hệ tay 4 này.
Phía NATO dù dè chừng Nga nhưng không muốn giữa hai bên lúc nào cũng “căng như dây đàn”. Bằng chứng là Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 4-7 cho biết khối này đang làm việc với phía Moscow để tổ chức cuộc gặp Hội đồng NATO - Nga ngay sau hội nghị thượng đỉnh nói trên. Theo ông Stoltenberg, cuộc gặp tập trung vào sự minh bạch và giảm rủi ro, nhất là sau vụ chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga tại biên giới Syria cuối năm ngoái hoặc vụ máy bay Nga lượn sát tàu khu trục Mỹ trên biển Baltic gần đây.
Cuộc họp gần đây nhất của Hội đồng NATO - Nga diễn ra vào tháng 4-2016 nhưng kết thúc trong bất đồng về nhiều vấn đề, bao gồm tình hình Ukraine. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai bên kể từ tháng 6-2014, thời điểm NATO - Nga chính thức đóng băng do khủng hoảng Ukraine.(NLĐ)
Tân ngoại trưởng Philippines: 'Chúng tôi chẳng sợ ai'
Ngoại trưởng mới của Philippines cho biết nước này chẳng sợ ai và cũng không sợ thương lượng với Trung Quốc, khi PCA chuẩn bị ra phán quyết lịch sử về vụ kiện "đường lưỡi bò".
Ông Perfecto Yasay nhậm chức ngoại trưởng Philippines từ hôm 30/6, thay người tiền nhiệm Del Rosario. Ảnh: Rappler
Phát biểu tại diễn đàn truyền thông ở thủ đô Manila hôm qua, Ngoại trưởng Perfecto Yasay nhắc lại một câu hỏi tại cuộc họp báo chính thức đầu tiên của ông hồi tuần trước. "Ông có sợ Trung Quốc không?", một phóng viên hỏi.
"Đáp lại, tôi trả lời bằng câu hỏi tu từ: 'Vì sao chúng ta phải sợ Trung Quốc?'. Cả hội trường chợt yên lặng khi suy nghĩ về cách đáp lại", cổng thông tin InterAksyon dẫn lời ông Yasay nói. Ngoại trưởng Philippines cho biết những từ ngữ vụt xuất hiện trong tâm trí ông, rằng chẳng có gì phải sợ hãi, ngoại trừ bản thân nỗi sợ đó.
Yasay cho biết ông phát biểu không phải nhằm đưa ra chính sách hay đề ra kế hoạch cụ thể mà các quan chức Philippines sẽ thực hiện. Ông chỉ muốn "nhấn mạnh điều quan trọng là phải đảm bảo trước khi có bất cứ tuyên bố nào, chúng ta phải chờ quyết định của tòa trọng tài".
Dù kết quả có là gì, ông Yasay nói: "Chúng tôi không sợ bất cứ ai. Chúng tôi không thể, chúng tôi sẽ không nhượng bộ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của chúng tôi".
Tân bộ trưởng Ngoại giao Philippines cho rằng nước này phải thể hiện ngoại giao trong "nhiều lĩnh vực hợp tác với tất cả các nước". Ông nhấn mạnh sự cần thiết của các cuộc thương lượng song phương và đa phương, trong đó ủng hộ một cách không nhượng bộ vì hòa bình và pháp quyền. "Và để diễn giải lại lời một lãnh đạo thế giới, hãy để tôi nói rằng chúng tôi không sợ thương lượng và chúng tôi không thương lượng vì chúng tôi sợ hãi", Yasay nói thêm.
Ngoại trưởng Philippines cũng từ chối phỏng đoán về phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan. Năm 2013, Philippines gửi đơn kiện lên PCA ề yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông.
Căng thẳng đang gia tăng khi PCA chuẩn bị ra phán quyết vào ngày 12/7 về vụ kiện. Trung Quốc khăng khăng không theo kiện và đòi bác bỏ quyết định của tòa.(VNEX)
Tổng thống Philippines “trảm” 5 tướng cảnh sát
Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 5-7 cáo buộc 5 tướng cảnh sát về hưu và tại chức dính líu đến các hoạt động mua bán ma túy.
Năm tướng cảnh sát kể trên bị cáo buộc chống lưng cho một số băng đảng ma túy địa phương. Trong một bài phát biểu hôm 5-7, ông Duterte ra lệnh mở cuộc điều tra, đồng thời miêu tả những người phạm tội giống như những “kẻ phản quốc”.
Nhà lãnh đạo Philippines cho biết thêm chiến dịch chống ma túy bất hợp pháp sẽ là một “cuộc chiến đẫm máu”. Ông nhắc nhở các sĩ quan và nhân viên cảnh sát phải tuân thủ pháp luật, chỉ bắn tội phạm khi đối mặt tình thế nguy hiểm đến tính mạng.
Theo hãng tin AP, 2 trong số 5 tướng cảnh sát đã nghỉ hưu, 3 người còn lại vẫn còn tại chức. Danh tính một nghi phạm được tiết lộ là cựu Giám đốc Cơ quan Huấn luyện Cảnh sát quốc gia Vicente Loot, hiện làm thị trưởng một thành phố.
Trong cuộc phỏng vấn với mạng ABS-CBN, ông Loot nói rằng các cáo buộc nhằm vào mình là sai sự thật. Giới chức Manila thừa nhận kể từ khi ông Duterte tuyên thệ nhậm chức vào ngày 30-6 qua, ít nhất 30 kẻ mua bán ma túy đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát. Thống kê cho thấy tổng cộng hơn 100 tội phạm ma túy đã bị giết kể từ cuộc bầu cử ngày 9-5.
Nhà lãnh đạo Philippines từng tuyên bố sẽ đàn áp và giết chết 100.000 tên tội phạm, sau đó vùi thi thể họ vào vịnh Manila trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2016. Ông Duterte còn kêu gọi người dân nước này “xông lên và giết” những kẻ nghiện ma túy.
Do đường lối chống tội phạm cứng rắn nên một số ông trùm ma túy bị giam giữ trong nhà tù New Bilibid, TP Muntinlupa đã nâng số tiền thưởng cho cái đầu của ông Duterte từ 10 triệu peso (217.000 USD) lên 50 triệu peso (hơn 1 triệu USD).