Chính phủ Malaysia khuyến cáo người dân cảnh giác trước nguy cơ bị lừa gạt khi tham gia các chương trình “làm giàu nhanh chóng”.
Tin thế giới đọc nhanh 02-09-2015
- Cập nhật : 02/09/2015
Trung Quốc thắt chặt quy định về giao dịch nhân dân tệ kỳ hạn
Động thái trên đưa ra trong bối cảnh nhà đầu tư tiếp tục mặc định nhân dân tệ sẽ suy yếu hơn nữa sau động thái phá giá của PBOC hôm 11/8.
Trong một động thái nhằm giảm sức ép mất giá với nhân dân tệ, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa ban hành quy định mới yêu cầu các ngân hàng xử lý các hợp đồng giao dịch bằng nhân dân tệ phải có khoản dự phòng.
Cụ thể, bắt đầu từ ngày 15/10, các ngân hàng khi mua, bán các hợp đồng giao dịch tiền tệ kỳ hạn cho khách hàng sẽ phải đặt cọc 20% giá trị hợp đồng tại PBOC. Lãi suất cho khoản đặt cọc này là 0% và sẽ bị giữ lại trong vòng 1 năm.
Tại Hong Kong – thị trường mà tại đó nhân dân tệ được giao dịch với tên gọi giao dịch quốc tế, nhân dân tệ hiện thấp hơn khoảng 1% so với nhân dân tệ thị trường đại lục – thị trường vẫn do PBOC kiểm soát.
PBOC đang tìm cách để thu hẹp chênh lệch giá nhân dân tệ giữa 2 thị trường, và động thái thắt chặt quy định hôm nay có thể là một phần trong mục đích đó.
Trung Quốc mở đường sắt cao tốc tới biên giới Triều Tiên
Trung Quốc sẽ khánh thành một tuyến đường sắt cao tốc tới biên giới Triều Tiên vào hôm nay 1/9, hãng thông tấn Xinhua đưa tin, trong nỗ lực mới nhất nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế bât chấp các căng thẳng giữa hai nước.
Tuyến đường sắt, được thi công kể từ năm 2010 với chiều dài 207 km, sẽ chạy từ Thẩm Dương tới thành phố biên giới Đan Đông, nằm đối diện Triều Tiên bên kia sông Yalu. Tuyến đường sẽ giảm thời gian đi lại giữa hai thành phố từ 3,5 giờ xuống còn hơn 1 giờ.
Tuyến đường sắt mới sẽ "nâng cao tính cạnh tranh kinh tế của khu vực", Xinhua đưa tin, trích lời một quan chức đường sắt giấu tên.
Có tới 80% thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên đi qua Đan Đông. Thành phố này cũng nằm gần một trong những đặc khu kinh tế của Triều Tiên trên đảo Hwanggumpyong.
Trung Quốc đã hỗ trợ việc phát triển 3 đặc khu kinh tế tại Triều Tiên, với hi vọng tận dụng được nguồn nhân công giá rẻ và khuyến khích Bình Nhưỡng nhìn thấy các lợi ích của việc cải cách kinh tế, dù vẫn công khai phải đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Mặc dù không có nhiều dấu hiệu về sự phát triển các khu kinh tế mới, Trung Quốc tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng ở bên này biên giới, trong đó có việc xây dựng một cây cầu từ Đan Đông vào bên trong Triều Tiên.
Trong bối cảnh quan hệ Trung-Triều trở nên căng thẳng trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng thân thiết hơn với Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á và là đối thủ chính của Triều Tiên.
Bỉ chi gần 80 triệu euro nhằm vực dậy ngành bơ sữa và chăn nuôi
Sau nhiều tuần thương lượng, Cơ quan điều phối các chuỗi nông sản thực phẩm của Bỉ đã đạt được thỏa thuận hỗ trợ ngắn hạn cho ngành sữa và chăn nuôi lợn nước này với số tiền tương ứng 46 triệu euro và 30 triệu euro.
Cơ quan điều phối trên cũng sẽ làm việc để phát triển một cơ chế liên ngành nhằm ổn định giá trong dài hạn. Gói hỗ trợ ngắn hạn này kéo dài sáu tháng và sẽ được cung cấp hàng tháng cho các nhà sản xuất sữa, tương đương với khoản hỗ trợ bổ sung khoảng 0,027 euro cho mỗi lít sữa.
Các biện pháp này tương tự sáng kiến đã được Bỉ triển khai hồi năm 2009 nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong ngành sữa.
Đối với ngành chăn nuôi, việc hỗ trợ được thực hiện trong sáu tháng dưới hình thức khoản tiền khoán cho mỗi con lợn nái có tại các trang trại chăn nuôi.
Đây là khoản hỗ trợ đầu tiên đối với ngành thịt lợn của Bỉ, vốn có truyền thống xuất khẩu và bị ảnh hưởng nặng nề từ lệnh cấm vận của Nga.
Vấn đề của hoạt động sản xuất thịt bò cũng được Cơ quan điều phối đề cập, tuy nhiên phải chờ đến cuối tháng Mười mới có câu trả lời chính thức. Thỏa thuận hỗ trợ ngành sữa và thịt lợn được thông qua sau hàng loạt hành động phản đối của nông dân trong những tuần qua.
Hiện, các bộ phận liên quan đã cam kết "kiềm chế mọi hành vi hoặc thông điệp làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng hoặc làm tổn hại nghiêm trọng đến các nhà khai thác hoặc các mắt xích liên quan."
Ông Piet Vanthemsche, Chủ tịch Cơ quan điều phối các chuỗi nông sản Bỉ cho biết: "Những gì mà chúng tôi làm là duy nhất tại châu Âu. Trong dài hạn, chúng tôi sẽ cố gắng đổi mới ở mức liên ngành và tìm ra cơ chế cho phép ổn định hơn thu nhập của nông dân."
Trong khi đó, ông Yvan Hayez, Thư ký Liên đoàn nông nghiệp vùng Wallonie chia sẻ: "Toàn bộ các liên kết trong chuỗi sản xuất đã ý thức được những khó khăn mà các ngành phải đối mặt, đồng thời đang cố gắng tìm giải pháp." Tuy nhiên, theo ông Erwin Schöpges, thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất sữa của Bỉ, khoản tiền 46 triệu euro không thể giải quyết vấn đề hiện nay của ngành.
Theo tính toán của Bộ Kinh tế Bỉ, việc sụt giảm giá sữa và thịt lợn thời gian qua khiến nhà sản xuất sũa thiệt hại 53 triệu euro và người chăn nuôi lợn mất 55 triệu euro.
Nhiều tổ chức nông nghiệp của Bỉ đã soạn thảo những kiến nghị chung gửi tới EU, đồng thời dự kiến sẽ biểu tình ở Brussels nhân dịp các Bộ trưởng Nông nghiệp EU họp ở Brussels vào ngày 14/9 tới.
Kinh tế Trung Quốc đón thêm tin xấu
Các chính sách nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc đã thất bại trong việc hồi sinh đà tăng trưởng của nền kinh tế đang bị đè nặng bởi tình trạng sản xuất dư thừa và giá hàng hóa sụt giảm.
Theo báo cáo vừa được Trung Quốc công bố sáng nay (1/9), chỉ số PMIchính thức ở mức 49,7 điểm trong tháng 8, bằng với mức dự đoán trước đó và giảm so với mức 50 điểm của tháng 7. Mức điểm dưới 50 thể hiện hoạt động sản xuất bị thu hẹp.
Sau khi phá giá nhân dân tệ hôm 11/8, tuần trước, NHTW Trung Quốc (PBOC) đã hạ lãi suất cơ bản lần thứ 5 kể từ tháng 11 năm ngoái. Với chỉ số giá sản xuất suy giảm sâu hơn và lực cầu yếu ớt, các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn chưa thể đón nhận những tác động từ nới lỏng tiền tệ.
Theo Tommy Xie, chuyên gia đến từ Oversea-Chinese Banking Corp (Singapore), lực cầu ở cả nội địa và nước ngoài đều yếu ớt. “Niềm tin của thị trường đang rất yếu và vẫn còn quá sớm để nói rằng kinh tế Trung Quốc đang chạm đáy”.
Xie nhận định đà lao dốc của TTCK và động thái phá giá nhân dân tệ đã tăng thêm rủi ro cho các nhà sản xuất.
Chỉ số PMI chính thức có cùng xu hướng với chỉ số PMI tạm tính do tạp chí Tài Tân và Markit Economics công bố. Chỉ số này giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm.
Để chuẩn bị cho lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Phát xít, một số nhà máy ở quanh Bắc Kinh phải đóng cửa để đảm bảo bầu trời trong xanh trong ngày 3/9 tới. Đồng thời vụ nổ lớn ở Thiên Tân cũng làm gián đoạn hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa.
Ai Cập ngưng nhập khẩu khí đốt sau khi phát hiện mỏ lớn
Ai Cập sẽ đình chỉ có 3-5 năm nhập khẩu gas sau khi phát hiện một mỏ khí lớn ở biển Địa Trung Hải, hãng tin Nga RIA Novosti cho biết.
Đại diện chính thức của Bộ Dầu khí và Khoáng sản Ai Cập Hamdi Abdelaziz cho biết, đây là mỏ lớn nhất từ năm 1967 và đủ cho Ai Cập dùng ít nhất là 10 năm.
"Điều quan trọng là trong trường hợp này chúng tôi không cần phải nhập khẩu khí đốt từ các nước khác", ông Abdelaziz nói.
Cần lưu ý rằng phát hiện này có thể ảnh hưởng đến thị trường Israel, vì trước đây Ai Cập có kế hoạch nhập khẩu khí đốt từ mỏ Leviathan của Israel.