Nhật báo Wall Street Journal (Mỹ) ngày 4/12 dẫn nguồn tin tức các quan chức Phương Tây nói rằng mạng lưới khủng bố đứng sau các vụ thảm sát ở Pháp mới đây có mối liên hệ với một số đối tượng tại Anh, làm gia tăng thêm những lo ngại về mối đe dọa khủng bố mà châu Âu đang phải đối mặt.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 31-08-2015
- Cập nhật : 31/08/2015
Phát hiện mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất trên biển Địa Trung Hải
Trong một tuyên bố, Bộ Dầu mỏ Ai Cập đã xác nhận thông tin trên, đồng thời lưu ý mỏ này có khả năng chứa lượng khí đốt lên đến 850 tỷ m3 trong một khu vực khoảng 100km2.
Tuyên bố khẳng định dự án mang tên Zohr này "đã phát hiện trữ lượng khí đốt lớn nhất từ trước tới nay không chỉ tại Ai Cập mà ở cả Địa Trung Hải," đủ để đáp ứng nhu cầu khí đốt tự nhiên của Ai Cập trong nhiều thập kỷ
Nga, Pháp, Đức nhất trí gặp thượng đỉnh về khủng hoảng Ukraine
Trong cuộc điện đàm ba bên ngày 29/8, lãnh đạo Nga, Pháp và Đức đã thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine và nhất trí tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh trong những tuần tới.
Tuyên bố của Điện Elysee nêu rõ Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã một lần nữa xác nhận ủng hộ thỏa thuận hòa bình Minsk mà các bên xung đột tại miền Đông Ukraine đạt được tại Belarus hồi tháng 2 vừa qua.
Ba nhà lãnh đạo đồng thời cũng hối thúc các bên xung đột ngừng bắn hoàn toàn từ ngày 1/9 tới, thời điểm các trường học mở cửa cho một năm học mới. Các bên cũng hy vọng về một cuộc gặp thượng đỉnh theo thể thức "Normandy" (gồm Nga, Pháp, Đức và Ukraine) sẽ được tổ chức trong những tuần tới.
Theo Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Nga Putin đã bày tỏ quan ngại về việc quân đội Ukraine tiếp tục nã pháo các thị trấn ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine và sự tập trung binh sỹ tại đường giới tuyến.
Người đứng đầu nước Nga cũng kêu gọi chính quyền Kiev đối thoại trực tiếp với lực lượng đòi độc lập ở miền Đông, cũng như dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với khu vực này.
Kể từ tháng 4/2014, cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine đã khiến hơn 6.800 người thiệt mạng, hơn 17.000 người bị thương và hơn 1 triệu người phải dời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Lệnh ngừng bắn tại Donbass có hiệu lực từ ngày 15/2/2015 theo thỏa thuận được các bên ký kết tại thủ đô Minsk của Belarus. Tuy nhiên, những tuần qua, tình hình tại khu vực này diễn biến rất căng thẳng với số vụ nã pháo, tên lửa và số dân thường thiệt mạng không ngừng tăng lên.
Trong tuyên bố gần đây, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine phụ trách chiến dịch quân sự tại Donbass Alexdander Motuzyanik nêu rõ Kiev sẽ đưa trở lại giới tuyến những loại vũ khí đã được rút đi trước đây nếu an nguy của các binh sĩ Ukraine bị đe dọa.
Kinh tế Brazil rơi vào suy thoái
Nền kinh tế Brazil, xếp hàng thứ 7 của thế giới, đã rơi vào suy thoái trong quý hai năm nay, đúng vào thời điểm mà các nước đang trỗi dậy khác như Nga và Trung Quốc đang gặp nhiều rắc rối trong tăng trưởng khiến thu nhập quốc gia có thể bị co lại, RFI cho biết.
Theo thông báo ra hôm 28/08/2015 của Viện Địa lý Thống kê Brazil ( IBGE), lần đầu tiên kể từ 6 năm qua, Brazil rơi vào tình trạng suy thoái về mặt kỹ thuật, tức là liên tiếp trong hai quý thu nhập quốc gia bị sụt giảm.
Theo dự liệu của các chuyên gia phân tích kinh tế, giai đoạn thoái trào kinh tế như vậy sẽ có thể kéo dài ít nhất hai năm.
Thu nhập nội địa nền kinh tế lớn hàng đầu châu Mỹ Latinh ở quý hai năm nay đã giảm 1,9%, mức giảm này cao hơn dự liệu của các nhà phân tích ngân hàng của nước ngoài cũng như Brazil đưa ra trước đó. Quý trước GDP của Brazil cũng đã giảm 0,7%.
Theo các nhà phân tích kinh tế, tình hình này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó thâm hụt ngân sách tính đến tháng 7 vừa qua cũng tăng đến gần 3 tỉ euro, mức cao nhất của nước này.
Trong lúc tình trạng kinh tế báo hiệu ngày càng khó khăn, lạm phát tăng lên gần 10%, đồng thời ngân hàng trung ương cũng cho tăng lãi suất chỉ đạo lên tới 14,25%, mức cao nhất từ 9 năm qua. Đồng tiền riel bị mất giá tới 25%. Nạn thất nghiệp cũng tăng vọt.
Sau bước nhảy vọt ngoạn mục tăng trưởng 7,5% trong năm 2010, Brazil trở thành mảnh đất đầy hấp dẫn của các nhà đầu tư. Kinh tế nước này vẫn đều đặn tăng trưởng ở mức 1 đến 2,7% cho đến năm 2013. Năm 2014, tăng trưởng có giảm nhưng vẫn ở mức 0,1%. Thị trường tài chính dự báo, suy thoái sẽ còn kéo dài cả năm nay đối với Brazil với mức thâm hụt GDP khoảng hơn 2%.
Nhật trước sức ép phải tung thêm các biện pháp hỗ trợ kinh tế
Theo số liệu thống kê chính thức vừa được công bố, tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản trong tháng Bảy “đứng yên” trong khi chi tiêu hộ gia đình giảm. Các số liệu kém khả quan trên củng cố thêm kỳ vọng về khả năng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ sớm đưa ra thêm chính sách kích thích kinh tế.
Cụ thể, tỷ lệ lạm phát cơ bản (không tính giá thực phẩm tươi sống) trong tháng 7/2015 của Nhật Bản không thay đổi so với cùng kỳ năm 2014, trong bối cảnh giá nhiên liệu và chi phí năng lượng thấp đi.
Chi tiêu của hộ gia đình nước này cũng giảm 0,2% trong tháng Bảy, sau khi đã giảm 2% trong tháng trước đó. Hồi tháng Năm, chỉ số này đã tăng mạnh (4,8%) khiến giới quan sát từng kỳ vọng người dân nước này sẽ “mở hầu bao” sau một thời gian thắt chặt mua sắm khi thuế tiêu dùng tăng trong năm ngoái.
Động thái tăng thuế tiêu dùng của Chính phủ Nhật Bản (với mục tiêu làm giảm bớt khối nợ công khổng lồ của nước này) đã kìm hãm chi tiêu tiêu dùng và đẩy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tình trạng suy thoái ngắn.
Mặc dù kinh tế Nhật Bản đã phục hồi trong quý IV/2014, nhưng GDP quý 2/2015 đã suy giảm trở lại do một loạt nhân tố: ảnh hưởng từ xu hướng đi xuống của kinh tế Trung Quốc (đối tác thương mại lớn của Nhật Bản), tiêu dùng nội địa yếu và xuất khẩu chậm lại.
Với tỷ lệ lạm phát nằm cách xa mục tiêu 2% của BoJ, giới phân tích nhận định BoJ sẽ mở rộng quy mô chương trình mua tài sản hiện đang ở mức 80.000 tỷ yen (640 tỷ USD) để thúc đẩy kinh tế. Hồi đầu tuần này, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda đã để ngỏ khả năng tăng cường chính sách nới lỏng tiền tệ.
Trong một thông tin khác, báo cáo công bố cùng ngày cho hay tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản đã giảm 0,1% xuống 3,3% trong tháng Bảy.
Trung Quốc-Nhật Bản lại căng thẳng vì dự án đường sắt Indonesia
Nhật Bản đã sửa lại những đề xuất trong dự án xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc đầu tiên ở Indonesia và Trung Quốc bày tỏ sự thất vọng về điều này.
Kyodo đưa tin cuộc cạnh tranh gắt gao giữa Nhật Bản và Trung Quốcđể giành thầu xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc đầu tiên ở Indonesia đã trở nên nóng hơn trong tuần này khi Bắc Kinh bày tỏ sự thất vọng về việc Tokyo sửa lại những đề xuất của họ.
Những đề xuất mới, được đưa vào bản luận chứng khả thi của Nhật Bản về dự án này, đã đề xuất tăng thành phần địa phương từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến phát triển hệ thống tàu.
Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Tạ Phong chiều 28/8 đã gặp Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Darmin Nasution để yêu cầu giải thích về những đề xuất mới mà ông Hiroto Izumi, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đưa ra với Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 26/8.
Ông Tạ Phong bày tỏ sự thất vọng: "Chúng tôi hy vọng tất cả các bên tôn trọng luật lệ đã được Chính phủ Indonesia đề ra. Chỉ một luận chứng khả thi! Không hơn!"
Trả lời báo giới, ông Nasution tiết lộ Đại sứ Trung Quốc đã chỉ trích việc Indonesia chấp nhận đề xuất của Nhật Bản là "không công bằng."
Theo Bộ trưởng Nasution, ông đã hỏi liệu Trung Quốc có muốn đưa ra những đề xuất mới trong luận chứng khả thi của họ hay không, song Đại sứ Tạ Phong đã từ chối và lạc quan rằng Trung Quốc đã đề xuất kế hoạch tốt nhất cho dự án.
Bộ trưởng Nasution cho hay Tổng thống Indonesia sẽ tự đưa ra quyết định chọn Trung Quốc hay Nhật Bản và công bố bên thắng thầu vào ngày 1/9 tới.
Theo luận chứng khả thi của Nhật Bản, nước này sẵn sàng bắt đầu xây dựng hệ thống đường sắt dài 145km, nối Jakarta và thủ phủ Bandung của tỉnh Tây Java, vào năm 2016 và cần 5 năm để thoàn thành, trong đó có giai đoạn 1 năm hoạt động thử nghiệm.
Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ bắt đầu xây dựng vào tháng sau và chỉ mất 3 năm để hoàn thành.