Những năm gần đây, chính quyền của Tổng thống Putin đã ban hành một số lệnh cấm trên các lĩnh vực như văn hóa, xã hội, công nghệ thông tin...
Tin thế giới đọc nhanh 31-08-2015
- Cập nhật : 31/08/2015
Thái Lan cam kết ủng hộ bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Thái Lan sẽ tiếp tục đảm bạo việc thực thi một bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam, trong bối cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông vẫn tiếp diễn.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã khẳng định điều đó trong cuộc hội đàm với Tổng thống Philippines Benigno Aquino tại Manila ngày 28/8.
Thái Lan đã đóng vai trò điều phối quan hệ ASEAN và Trung Quốc trong giai đoạn 2012-2015.
Ông Prayut, người đang có chuyến thăm Manila lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi năm ngoái, cho hay ông và Tổng thống Aquino đã thảo luận quan điểm của họ về vấn đề Biển Đông trong cuộc họp đàm được tổ chức tại dinh tổng thống Malacanang vào sáng qua.
"Tôi đã bày tỏ sự cảm kích đối với Philippines vì ủng hộ Thái Lan trong vai trò điều phối quan hệ Trung-Quốc-ASEAN. Thái Lan cam kết hợp tác với Philippines và các nước ASEAN trong việc thực thi đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
ASEAN và Trung Quốc từ lâu đã thảo luận một bộ quy tắc ứng xử để giải quyết các vấn đề mà các quốc gia cùng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông gặp phải. Tuy nhiên, cho tới nay chỉ có DOC được nhất trí và ký kết vào năm 2002.
DOC tái khẳng định cam kết của các kết đối với Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc và các điều luật quốc tế khác. Tuyên bố cũng nói rằng các quốc gia ASEAN và Trung Quốc nên giải quyết các tranh chấp bằng "biện pháp hòa bình, không sử dụng đe dọa hoặc vũ lực, thông qua các cuộc đàm phán và tham vấn".
Thủ tướng Prayut cho hay chính phủ của ông sẽ ủng hộ Singapore khi nước này tiếp quản cương vị điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc trong năm nay.
Về phần mình, Tổng thống Aquino chúc mừng Thái Lan vì thành công trong vai trò nước điều phối. "Thái Lan thực sự là một người bạn tin cậy của Philippines trong việc thúc đẩy sự hiểu biết, hòa bình và ổn định", ông Aquino nói.
Nghi phạm bị Thái Lan bắt giữ thuộc nhóm buôn người
Phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Prawut Thavornsiri cho biết nhóm buôn người trên chuyên làm giấy tờ giả cho người nhập cư bất hợp pháp. Vụ đánh bom Bangkok hôm 17/8 là cách chúng trả đũa cuộc trấn áp gần đây của giới chức Thái Lan.
"Bọn chúng bức xúc trước việc cảnh sát bắt giữ những người nhập cư trái phép", AFP dẫn lời ông nói với Kênh 3. "Y (nghi phạm) tàng trữ hơn 200 hộ chiếu giả. Đó là một mạng lưới làm giả quốc tịch và đưa những người nhập cư trái phép đến nước thứ ba".
Bangkok từ lâu đã đối mặt với các băng nhóm sản xuất giấy tờ giả mạo. Thái Lan là trung tâm lớn về nạn buôn bán người trong khu vực.Nghi phạm 28 tuổi bị bắt giữ vào sáng qua khi cảnh sát đột kích vào một căn chung cư ở ngoại ô phía đông Bangkok. Họ phát hiện nhiều hộ chiếu giả và nguyên liệu chế tạo bom trong nhà của y. Y hiện bị giam ở một nhà tù quân sự bí mật.
Tuy nhiên, Tư lệnh Lục quân Thái Lan Udomdej Sitabutr cho hay y không hợp tác với các nhà điều tra.
"Cuộc thẩm vấn hiện không có tiến triển gì vì nghi phạm không thực sự cung cấp những thông tin hữu ích", ông Sitabutr nói. "Chúng tôi phải tiến hành thêm các cuộc thẩm vấn và giúp y hiểu rõ hơn để y hợp tác hơn, trong khi chúng tôi cũng phải cẩn trọng để không vi phạm quyền của nghi phạm".
Cảnh sát chưa xác nhận danh tính và quốc tịch của kẻ bị bắt. Y có tên trên hộ chiếu là Adem Karadag và được cho là người Thổ Nhĩ Kỳ.
Y được xác định là nghi phạm chính bị truy nã lâu nay, một người đàn ông mặc áo vàng, để lại balô ở đền Erawan và rời đi trước khi quả bom phát nổ làm 20 người thiệt mạng.
Thái Lan truy tìm thêm nghi phạm đánh bom
Người đàn ông 28 tuổi bị bắt trong cuộc đột kích của cảnh sát vào một tòa chung cư ở Bangkok hôm qua. Tại căn hộ của y, họ tịch thu nhiều hộ chiếu giả và nguyên liệu chế tạo bom.
Giới chức từ chối tiết lộ liệu y có cung cấp thông tin mới hay không, nhưng phó cảnh sát trưởng quốc gia Chaktip Chaijinda nói với truyền hình Thái Lan rằng họ đang truy tìm thêm các nghi phạm khác.
Nghi phạm này đã ở Thái Lan từ tháng 1/2014. Cảnh sát và người dân ở quận Nong Chok nói rằng y thuê tới 4 căn hộ trong cùng một tầng.
Reuters dẫn lời một người đàn ông và một người phụ nữ sống cùng tầng cho hay y không sống một mình. Họ từng nhìn thấy một người cao to hơn với ngoại hình tương tự ra vào đây vài lần mỗi ngày. Tuy nhiên, từ hôm 28/8, họ không còn gặp gã này.
Kẻ đã bị bắt sống ẩn dật nhưng luôn tỏ ra đăm chiêu. Họ nhiều lần thấy y quỳ gối cầu nguyện ở bên ngoài phòng."Tôi vẫn sợ gặp nguy hiểm. Chúng tôi không biết liệu có bắt được gã kia không", người phụ nữ nói.
Nghi phạm trên hiện bị giam giữ với cáo buộc tàng trữ chất nổ trái phép. Cảnh sát chưa xác nhận danh tính và quốc tịch của y. Y có tên trên hộ chiếu là Adem Karadag và được cho là người Thổ Nhĩ Kỳ.
Cảnh sát xác định y là nghi phạm chính bị truy nã lâu nay, một người đàn ông mặc áo vàng, để lại balô ở đền Erawan và rời đi trước khi quả bom phát nổ tối 17/8, làm 20 người thiệt mạng.
Myanmar sẽ áp dụng mức lương tối thiểu 2,8 USD/ngày từ 1/9
Chính phủ Myanmar đã lần đầu tiên thông qua mức lương tối thiểu sau nhiều tháng đàm phán với người lao động và người sử dụng lao động.
Ủy ban Tiền lương tối thiểu quốc gia đã công bố quyết định về mức lương tối thiểu hôm 28/8 sau nhiều cuộc đàm phán giữa Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động kể từ khi đạo luật về lương tối thiểu được ban hành hồi năm 2013. Đây được xem là hệ quả tất yếu của tiến trình cải cách chính trị và kinh tế của Chính phủ dân sự Myanmar.
Một nguyên nhân khác là sự tăng trưởng đầu tư nước ngoài cùng với việc những tập đoàn lớn đang tìm cách thâm nhập thị trường Myanmar sau khi hầu hết các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với nước này đã được nới lỏng.
Kể từ năm 2011, sau khi các luật lệ của chế độ cũ (luật junta) bị xóa bỏ, những người công nhân, chủ yếu tập trung tại các nhà máy dệt may Myanmar đã biểu tình đòi mức thu nhập cao hơn cùng với các điều kiện lao động tốt hơn. Họ đã đưa ra yêu cầu đòi hỏi mức lương tối thiểu 4.000 kyat (3,1 USD)/ngày.
Tại quốc gia láng giềng Thái Lan, nơi có gần hai triệu lao động Myanmar, lương tối thiểu được quy định ở mức 300 baht (8 USD)/ngày.
Singapore: Đảng PAP và đảng WP công bố cương lĩnh tranh cử
Nội dung của cương lĩnh nêu bật những thành tựu, thách thức phía trước và tầm nhìn của PAP, theo đó, PAP khẳng định những vấn đề mà người dân Singapore đang phải đối mặt mà họ tìm cách giải quyết là chi phí y tế, nhà ở, việc làm, tuyển dụng lao động, giáo dục và sức ép thu nhập trung bình.
Bên cạnh đó, các mối đe dọa trong tương lai với Singapore là những thách thức trong nước khi xã hội trở nên khác biệt hơn, những thách thức bên ngoài như triển vọng kinh tế toàn cầu bất định, sự cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, tác động của công nghệ đối với việc làm và những mối đe dọa như cực đoan và khủng bố.
Theo PAP, để giải quyết những thách thức này, người Singapore “cần phải thực tế, dám đối mặt với thực tại, và đưa ra những giải pháp mới.”
Cùng ngày, WP cũng công bố cương lĩnh tranh cử dài 48 trang, gồm 6 chương và hơn 130 đề xuất mới. Theo WP, cương lĩnh tranh cử này, có tên “Tiếp sức cho tương lai của các bạn,” được đưa ra sau nhiều năm nghiên cứu và tranh luận trong và ngoài WP.
Cương lĩnh tập trung vào những vấn đề như giá trị cốt lõi của Singapore, an ninh kinh tế, củng cố giáo dục, gia đình và phúc lợi xã hội, nhà ở và đô thị, vấn đề quản trị cũng như quan hệ đối ngoại.
Bên cạnh đó, WP cũng công bố ứng dụng điện thoại mới để phục vụ cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới, qua đó trở thành chính đảng thứ hai đưa ra ứng dụng kiểu này, sau PAP.
Dự kiến, WP sẽ tranh cử 28 ghế nghị sỹ tại 5 khu vực đại diện nhóm (GRC) và 5 khu vực một thành viên (SMC).