tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thế giới lên tiếng về phán quyết PCA

  • Cập nhật : 13/07/2016

Ngay sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ngày 12-7 công bố phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc ở biển Đông, một số nước và tổ chức quốc tế đã lên tiếng.

 

Lên tiếng sớm nhất chính là Trung Quốc, nước bị kiện trong vụ này. Hãng tin Tân Hoa Xã lập tức lặp lại luận điệu cũ tích mà Trung Quốc dùng để chống đỡ cho vụ kiện: "Phán quyết là không có căn cứ"!

Tân Hoa Xã một mực cho rằng PCA là một “tòa án lạm dụng luật pháp”, đã đưa ra phán quyết vô căn cứ. Tuy nhiên, hãng tin này chứng tỏ mình đuối lý khi không đưa bằng chứng cụ thể cho lập luận này.

Không lâu sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức lên tiếng. Cụ thể, Bắc Kinh nói không chấp nhận phán quyết do PCA đưa ra và vẫn khăng khăng nói họ có chủ quyền lịch sử ở biển Đông. Song song đó là luận điệu "sẵn sàng giải quyết các tranh chấp có liên quan một cách hòa bình thông qua đàm phán và tham vấn với các bên có liên quan trực tiếp trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và phù hợp với luật pháp quốc tế".

 

that chat an ninh tai duong vao dai su quan philippines o bac kinh. anh: twitter

Thắt chặt an ninh tại đường vào Đại sứ quán Philippines ở Bắc Kinh. Ảnh: Twitter

 

 

anh: reuters

Ảnh: Reuters

 

 

Đến tối cùng ngày (giờ Việt Nam), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bìnhtuyên bố Bắc Kinh muốn duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông nhưng không chấp nhận bất kỳ hành động hay quan điểm nào dựa trên phán quyết vừa nêu.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng cho rằng vụ kiện biển Đông là một “trò hề chính trị”.

Philippines

Ngoại trưởng Phillipines Perfecto Yasay tái khẳng định sự tôn trọng dành cho phán quyết mang tính bước ngoặt này. Theo Manila, phán quyết này sẽ duy trì luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng Philippinescho rằng các bên liên quan phải điềm tĩnh và phản ứng kiềm chế trước phán quyết.

Sau đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte triệu tập họp nội các ngay sau khi PCA ra phán quyết có lợi dành cho Manila. Phát biểu với các phóng viên hôm 12-7, phát ngôn viên của ông Duterte, Ernesto Abella, cho biết chính phủ Philippines sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất kỳ tuyên bố nào liên quan đến kết quả vụ kiện.

“Tất cả mọi thứ cần phải thảo luận. Quyết định sau cùng sẽ mang tính lâu dài” – ông Abella nói, đồng thời cho biết thêm Manila sẽ xem lợi ích quốc gia là một ưu tiên hàng đầu trước khi thực hiện các bước tiếp theo.

Nhật Bản

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ra tuyên bố cho rằng phán quyết của PCA là phán quyết cuối cùng, mang tính ràng buộc pháp lý và các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Kishida bày tỏ hy vọng việc các bên tuân thủ phán quyết cuối cùng sẽ dẫn đến giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở biển Đông.

 

 

nguoi dan philippines tuan hanh mung chien thang o manila. anh: reuters

Người dân Philippines tuần hành mừng chiến thắng ở Manila. Ảnh: Reuters

 

 

Các nhà quan sát cho rằng phán quyết có lợi cho Philippines và danh tiếng Trung Quốc sẽ bị tổn hại nếu nước này không tuân thủ nó. Họ cảnh báo tình huống Trung Quốc có thể phản ứng mạnh mẽ trước phán quyết không có lợi cho họ.

Khoảng thời gian trước khi phán quyết được đưa ra, Mỹ từng gửi một tàu sân bay và máy bay chiến đấu tới biển Đông. Động thái đó khiến tờ Thời báo Hoàn cầu tung võ mồm kêu gọi chuẩn bị cho “cuộc đối đầu quân sự”.

New Zealand

Ngoại trưởng New Zealand Murray McCully cũng kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết của PCA. Theo ông McCully, tranh chấp ở biển Đông cần được quản lý hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.

“Duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông đóng vai trò quan trọng đối với sự thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc bảo đảm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển được tôn trọng là lợi ích của tất cả các bên. Chúng tôi hy vọng phán quyết có thể cung cấp một nền tảng để giải quyết những vấn đề lâu dài và phức tạp ở biển Đông" - Ngoại trưởng New Zealand nói thêm.

Mỹ

Vài giờ sau phát quyết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết trong một tuyên bố: “Quyết định ngày hôm nay của Tòa trọng tài về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là một đóng góp quan trọng cho mục tiêu chung, đó là giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở biển Đông”.

Washington kêu gọi tất cả các bên tránh có tuyên bố hoặc hành động khiêu khích sau phán quyết của PCA, đồng thời thông báo nước này vẫn đang nghiên cứu phán quyết, tạm thời chưa đưa ra bình luận. Tuy nhiên, ông Kirby nhấn mạnh Mỹ sẽ hỗ trợ các nỗ lực giải quyết tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải một cách hòa bình.

Theo ông Kirby, các nước tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đều biết rằng phán quyết của PCA là phát quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý với cả Trung Quốc lẫn Philippines. "Mỹ mong muốn 2 bên tuân thủ nghĩa vụ" - ông nói.

Liên minh châu Âu (EU)

Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) Donald Tusk lưu ý Trung Quốc cần tôn trọng hệ thống quốc tế sau khi PCA ra phán quyết về "đường lưỡng bò".

Singapore

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Singapore khẳng định dù đứng trung lập về các tranh chấp ở biển Đông nhưng họ ủng hộ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, mà không cần đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

“Là một nước nhỏ, chúng tôi ủng hộ việc duy trì một trật tự dựa trên luật pháp cũng như bảo vệ quyền và đặc quyền của tất cả các nước” – một đoạn trong tuyên bố viết.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên phải tôn trọng đầy đủ quy trình pháp lý và ngoại giao, tránh tiến hành bất kỳ hoạt động có thể làm căng thẳng khu vực. Singapore sẽ hỗ trợ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiến tới COC”.

 

 

tau trung quoc xuat hien tai bai can scarborough hoi thang 6 anh: the new york times

Tàu Trung Quốc xuất hiện tại bãi cạn Scarborough hồi tháng 6 Ảnh: THE NEW YORK TIMES

 

 

Thái Lan

Bộ Ngoại giao Thái Lan ra thông cáo kêu gọi giải quyết vấn đề biển Đông bằng những nỗ lực và biện pháp vững chắc, dựa trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, lợi ích bình đẳng, phản ánh bản chất của mối quan hệ ASEAN - Trung Quốc.

Nước này cũng kêu gọi thực thi đầy đủ và có hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Trước khi có phán quyết không lâu, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố dù cho PCA phán quyết thế nào đi nữa thì cũng sẽ không ảnh hưởng đến chủ quyền của Trung Quốc.

Dường như biết trước sẽ thua kiện, Bộ Quốc phòng Trung Quốc vớt vát ngay trước khi có phán quyết PCA ngày 12-7: “Dù phán quyết ra sao, lượng vũ trang Trung Quốc sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh, lợi ích hàng hải, duy trì vững chắc hòa bình và ổn định khu vực, đối phó với tất mọi mối đe dọa và thách thức” -

Vào thời điểm trước khi có phán quyết, Thái Lan, Indonesia kêu gọi hòa bình và ổn định ở biển Đông.

Philippines chính thức kiện Trung Quốc ra PCA vào tháng 1-2013 bất chấp Bắc Kinh dọa có biện pháp trả đũa về ngoại giao và kinh tế.

Philippines yêu cầu PCA phán quyết cái gọi là “đường lưỡi bò” - được Bắc Kinh đơn phương vẽ ra hòng độc chiếm hầu hết biển Đông - là hoàn toàn phi lý, phi pháp và đi ngược lại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà hai nước này có tham gia.

H.Bình - P. Nghĩa 
Theo Người Lao Động

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục