Muốn trở thành một trong những lãnh đạo thế giới, Bắc Kinh buộc phải tuân thủ những luật chơi chung.
Biển Đông trong cuộc gặp thượng đỉnh Obama-Tập Cận Bình
- Cập nhật : 14/09/2015
(Bien dong)
Trung Quốc dường như đang thực hiện các bước đi mới nhằm xây dựng các đường băng trên 2 đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, ngay trước chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Washington vào ngày 24/9.
Theo Washington Post, các bức ảnh vệ tinh được chụp ngày 7/9 cho Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington cho thấy Trung Quốc đang san phẳng nền đất để phục vụ việc xây dựng một đường băng tại bãi Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trên bãi Vành Khăn, Trung Quốc cũng san lấp một khu vực dài khoảng 3.000 m, một tiến trình y hệt như những gì Trung Quốc đã làm trước đó tại bãi Xu Bi và đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa), nơi một sân bay đã được hoàn thành.
Việc xây dựng mới chắc chắn sẽ gây căng thẳng trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng này. Washington đã hối thúc Bắc Kinh ngừng hoạt động trong khu vực, và Bắc Kinh cho biết hồi tháng 8 rằng đã ngừng cải tạo đất. Tuy nhiên, các bức ảnh vệ tinh cho thấy việc xây dựng vẫn tiếp tục.
"Chính phủ Trung Quốc nói đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo đất, nhưng rõ ràng là không", Washington Post dẫn lời ông Michael J. Green, một phó giám đốc tại CSIS và cựu lãnh đạo cấp cao về các vấn đề châu Á tại Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush.
"Đây là một thách thức với Nhà Trắng", ông Green cho biết thêm. "Họ có thể nói về vấn đề này như thế nào? Liệu họ có nói "Đừng quân sự hóa các đảo", nếu biết rằng Trung Quốc vẫn làm vậy? Liệu họ sẽ nói: "Đừng tiếp tục xây dựng", khi rõ ràng Bắc Kinh sẽ tiếp tục?".
Ông Green cho hay, các quan chức Trung Quốc đã chia sẻ một cách riêng tư với ông rằng Trung Quốc có ý định sẽ quân sự hóa các đảo bằng máy bay, các vũ khí phòng không và các tàu quân sự. Điều này sẽ cho phép không quân Trung Quốc "có khả năng kiểm soát trên không chồng lấn ở Biển Đông, và không chỉ từ một sân bay mà là 3".
"Trung Quốc sẽ không ngăn chặn chính sách khẳng định tự do hàng hải của Mỹ, nhưng sẽ biến nó trở thành một hoạt động phức tạp hơn nhiều", ông Green nhận định.
Nhà Trắng hiện chưa có bình luận gì về các thông tin trên.
"Chúng tôi lưu ý tới một tuyên bố của Trung Quốc hồi tháng 8 rằng nước này đã ngừng việc cải tạo đất. Cùng lúc đó, cũng Trung Quốc cũng khẳng định ý định tiếp tục xây dựng các cơ sở, trong đó có phục vụ mục đích phòng thủ quân sự", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Bill Urban nói. "Chúng tôi chưa rõ liệu họ đã ngừng hay chưa, và sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình".
"Nhưng cách duy nhất để giảm căng thẳng là ngừng các hành động đơn phương, gây mất ổn định. Các ý định công khai của Trung Quốc với trình này, và việc tiếp tục xây dựng, sẽ không giảm căng thẳng và không đi đến một giải pháp ngoại giao có ý nghĩa", ông Urban nhấn mạnh.
Các ứng viên tổng thống kêu gọi hủy quốc tiệc
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn lên các tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng. Chính quyền Obama đã hối thúc Trung Quốc giải quyết các tranh chấp này bằng biện pháp hòa bình thông qua ASEAN.
Việc Trung Quốc xây dựng công trình mới ở Trường Sa diễn ra trong bối cảnh các chỉ trích chính trị ngày càng gia tăng tại Mỹ về chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Vài ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa nói rằng bữa quốc tiệc chiêu đãi ông Tập nên bị hủy bỏ, do các bất đồng liên quan tới Biển Đông, tấn công mạng, các luật hạn chế mới đối với các tổ chức phi chính phủ hoạt động ở Trung Quốc, đánh cắp sỡ hữu trí tuệ, và những bất đồng chưa được giải quyết về nhân quyền.
Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ có kế hoạch tổ chức các cuộc điều trần vào tuần tới, với sự tham gia của ông David Shear, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương, và Đô đốc Harry B. Harris, người đứng đầu Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ.
"Nếu Trung Quốc đang xây thêm 2 đường băng tại bãi Xu Bi và Vành Khăn, điều đó chứng tỏ 2 điều", Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, cho hay. "Thứ nhất, việc cải tạo đất vẫn tiếp tục dù Bắc Kinh khẳng định điều ngược lại. Thứ hai, điều đó cho thấy ý định rõ ràng của Trung Quốc nhằm quân sự hóa quần đảo Trường Sa với sức mạnh không quân, sử dụng 3 đảo nhân tạo khác nhau", ông McCain nói.
"Với các radar và tên lửa đất đối không, Trung Quốc sẽ có khả năng thực thi một vùng nhận dạng phòng không và khiến Biển Đông trở nên nguy hiểm nếu Trung Quốc muốn làm vậy", ông McCain nhấn mạnh.
Cùng lúc đó, 5 tàu hải quân Trung Quốc hồi tuần trước đã đi qua eo biển Bering, ngay gần bờ biển Alaska, đúng vào dịp Tổng thống Obama đang ở thăm bang này.
Lầu Năm Góc đã đi đầu trong việc chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter và Đô đốc Harris trước đó đều đưa ra các tuyên bố cứng rắn đối với Bắc Kinh.
Đô đốc Harris và các quan chức khác của Lầu Năm Góc nói rằng Trung Quốc nên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải bằng cách đi tàu hoặc bay vào vùng giới hạn 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Nhà Trắng được cho là phản đối các biện pháp cứng rắn như vậy vào lúc này.
"Chúng ta không thể tiếp tục hạn chế hải quân hoạt động trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc", Thượng nghị sĩ McCain nói. "Điều này tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, cho phép công nhận các đảo nhân tạo của Trung Quốc".
"Chính quyền Obama sẽ làm gì khi ông Tập Cận Bình tới đây?", ông Green đặt câu hỏi. "Tôi đoán rằng phía Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không chịu lùi bước và ngừng xây dựng".