Trước bối cảnh Trung Quốc và Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc Cực, các cơ quan tình báo Mỹ đang gấp rút nghiên cứu những mối đe dọa tiềm tàng.
Người Mỹ ngại gì nhất từ Trung Quốc?
- Cập nhật : 14/09/2015
(Tin kinh te)
Khi nhắc đến Trung Quốc, người Mỹ lo ngại nhất hai vấn đề: kinh tế và an ninh mạng.
Theo một báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew, có 67% người Mỹ trưởng thành cho biết việc Bắc Kinh là chủ nợ lớn của Mỹ là một vấn đề “rất nghiêm trọng”, trong khi 60% cảm thấy hoang mang vì việc Mỹ đánh mất việc làm vào tay các nền kinh tế châu Á.
Đứng thứ ba trong danh sách quan ngại là những cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc. Ngay cả trước thời điểm hồi tháng 6 với phát hiện nhân viên liên bang Mỹ là nạn nhân của một cuộc tấn công mạng nhằm vào kho dữ liệu, và các chuyên gia tin rằng cuộc tấn công này xuất phát từ Trung Quốc, có 54% số người tham gia khảo sát cho biết tấn công mạng từ Trung Quốc là một mối quan ngại lớn.
Sự xuất hiện của những số liệu này trước thời điểm diễn ra chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến trong tháng này đã tô đậm sự chuyển đổi lớn trong danh sách những điều làm người Mỹ ái ngại.
Năm 2012, lần lượt 78% và 71% công chúng Mỹ xem việc Trung Quốc là chủ nợ của Mỹ và việc mất việc làm vào tay Trung Quốc là các vấn đề nghiêm trọng, trong khi chỉ 50% cho rằng các cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc cũng là một vấn đề nghiêm trọng.
Cùng với việc ngày càng có nhiều vụ tấn công mạng được báo đài đưa tin, sự chú ý của công chúng cũng hướng đến mối nguy hiểm này. Năm 2014, 70% người Mỹ coi tấn công mạng nhìn chung là một mối đe dọa hàng đầu với an ninh quốc gia. Tháng 12/2014, kênh truyền hình Al Jazeera đưa tin “với công nghệ phát triển nhanh chưa từng thấy, an ninh mạng đã trở thành một mối quan ngại lớn”.
Trong năm qua, Trung Quốc nằm trong tâm điểm của những cuộc tranh cãi an ninh mạng liên quan đến chính phủ và các công ty của Mỹ.
Tháng 12 năm ngoái, sau nhiều tháng truy cập khó khăn, người sử dụng ở Trung Quốc cuối cùng hoàn toàn không thể truy cập vào dịch vụ Gmail của Google, thậm chí Microsoft Outlook hay Apple Mail cũng hoàn toàn tê liệt.
“Nhiều bài báo về sự cố này kiến giải rằng bức ‘Đại tường lửa’ của Trung Quốc là nguyên nhân của vấn đề. Cái gọi là ‘Đại tường lửa’ chặn đường truyền tới các website nhất định, trong đó bao gồm những trang web bị chính phủ Trung Quốc coi là trở lực về mặt chính trị, đồng thời giám sát hoạt động Internet của mọi người trên lãnh thổ quốc gia”.
Hồi tháng 3 năm nay, website kho mã GitHub vốn được các lập trình viên cá nhân hay công ty phần mềm sử dụng rộng rãi để cộng tác trong các dự án cũng bị tấn công. Các chuyên gia an ninh nhận định Trung Quốc là tác giả của vụ việc, và mục đích của việc này là nhằm phá hỏng những công cụ chống kiểm duyệt.
Tháng 6/2015, vụ tấn công lớn nhằm vào dữ liệu liên quan đến 21 triệu người tại văn phòng quản lý nhân sự của chính phủ Mỹ, theo một số quan chức, là do phía Trung Quốc thực hiện. Mặc dù vậy, chính quyền Obama đã kiềm chế trong việc công khai đổ lỗi vụ tấn công này.
Tháng 8/2015, một số nguồn tin cho biết điệp viên mạng của Trung Quốc đã truy cập vào hộp thư cá nhân của các quan chức hàng đầu Mỹ ít nhất là kể từ năm 2010.
Những sự cố kể trên đã dẫn tới những cuộc tranh luận về việc Mỹ nên làm gì để phản ứng lại trước các vụ tấn công mạng và hoạt động gián điệp. Một số chuyên gia kêu gọi chính phủ Mỹ cần hành động mạnh tay hơn.
Tại một sự kiện an ninh mạng được các chuyên gia tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức ở Washington hồi tháng trước, chuyên gia chính sách mạng Robert Knake cảnh báo, thông qua cách hành xử hiện tại Mỹ đang gửi đến các nước khác thông điệp: “Nếu bạn dự định đánh cắp thông tin vì những mục đích gián điệp truyền thống, điều đó không vượt quá giới hạn đỏ… và đó không phải là vấn đề khiến chúng tôi áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế”.
Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được nhận định có thể tạo ra cơ hội để “xóa bỏ cuộc xung đột mạng đang tăng lên giữa Washington và Bắc Kinh”.
Nếu chính quyền Obama áp dụng những chính sách ngoại giao khôn khéo, đồng thời bỏ qua những lời kêu gọi “báo thù”, một hiệp ước hòa bình nhằm giảm căng thẳng và tăng cường ổn định giữa hai quốc gia là thứ có thể đạt được. Trong trường hợp Mỹ muốn trả đũa hay trừng phạt Trung Quốc, tình hình có thể leo thang ra ngoài tầm kiểm soát.
Lịch sử xung đột mạng cho thấy sự nóng giận chỉ làm tồi tệ hơn tình hình an ninh quốc gia. Trong trường hợp này, nếu Washington rắn với Bắc Kinh bằng sự đe dọa hay biện pháp trừng phạt, không thể trông đợi Trung Quốc phản ứng lại một cách tích cực, và tình thế an ninh tiến thoái lưỡng nan sẽ chỉ tiếp tục leo thang.
Trước mắt, Tổng thống Obama được cho là nên xử lý những căng thẳng trên mặt trận số. Và nếu nỗ lực đó của ông không thành, cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lẫn cộng đồng quốc tế sau đó sẽ nhận thấy rằng Mỹ chỉ ra tay sau khi đã cố thử phương án hòa bình.