Thoả thuận "tháo ngòi nổ" chiến tranh mà Hàn Quốc và Triều Tiên vừa đạt được trong đêm qua 24/8 là một thoả thuận mang tính bước ngoặt, giúp giảm căng thẳng vốn đã tăng lên mức “nghiêm trọng” giữa hai miền. Ngay lập tức, thoả thuận này đã nhận được sự ủng hộ từ dư luận Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế.
Anh rời EU: Tiếp theo sẽ là Pháp, Hà Lan, Áo?
- Cập nhật : 24/06/2016
Quyết định rời EU của Anh đã làm thay đổi Liên minh châu Âu (EU). EU sẽ chỉ còn 27 thành viên. Nhưng liệu đây có phải là con số cuối cùng, hay sẽ còn giảm nữa, khi Brexit - Anh rời EU đã tạo thách thức lớn lên các chính phủ Pháp, Đức, Hà Lan và các nước khác ở châu lục, đặc biệt ở Bắc Âu.
Không trưng cầu dân ý như ở Anh nhưng khảo sát khả năng rời EU được thực hiện ở rất nhiều nước EU như Ý, Pháp, Đức, Thụy Điển, Hà Lan, Cộng hòa Czech, Hungary. Kết quả đều cho thấy người dân các nước có thể sẽ theo gương Anh nếu cuộc trưng cầu ở Anh cho kết quả Brexit. Các chính trị gia hoài nghi về EU dĩ nhiên không bỏ qua cơ hội này để vận động nước mình rời EU.
Lãnh đạo đảng UKIP ủng hộ Brexit Nigel Farage mừng chiến thắng sau khi người Anh chọn rời EU. (Ảnh: REUTERS)
Hãy tìm hiểu tác động của Brexit với EU như thế nào, theo phân tích của báoFinancial Times (Anh). Tại Pháp, sau khi có kết quả trưng cầu Brexit, Tổng thống François Hollande đã triệu tập một cuộc họp khẩn bàn phản ứng với quyết định của Anh.
Brexit gây chấn động lớn khắp các đảng phái chính trị ở Pháp. Rất có thể đảng Mặt trận Quốc gia (NFP) cực hữu sẽ ra mặt vận động một Frexit - Pháp rời EU, đặc biệt khi thời điểm bầu cử tổng thống Pháp chỉ còn chưa đầy một năm nữa.
NFP vốn có quan điểm phản đối đồng tiền chung euro, phản đối nhập cư đã thu hút sự ủng hộ của số lượng cử tri rất lớn tại các cuộc bầu cử địa phương và châu Âu trong hai năm qua. Lãnh đạo NFP Marine Le Pen, người được cho là ứng viên nặng ký trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới đã từng tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khả năng Pháp rời EU giống như Anh đã làm một khi bà đắc cử tổng thống.
Phát biểu trên truyền hình ngày 21-6, bà Le Pen nói “Pháp có hàng ngàn lý do rời EU hơn cả Anh”. Khác Anh, ngoài là thành viên EU Pháp còn là thành viên khối sử dụng đồng tiền chung euro và tham gia khu vực đi lại chung Schengen - vốn đối mặt nhiều phản đối ở Pháp từ nhiều năm nay.
Tổng thống Pháp François Hollande triệu tập một cuộc họp khẩn bàn phản ứng sau Brexit. (Ảnh: GETTY IMAGES)
Ngoài bà Le Pen, ông Nicolas Sacozy đang có ý định sẽ chạy đua vào chức tổng thống Pháp lần thứ hai cũng có quan điểm muốn Pháp rời EU. Lo lắng Brexit sẽ gây phản ứng dây chuyền lên toàn khối trong đó có Pháp, Tổng thống François Hollande vốn phản đối Brexit đã khẳng định Anh sẽ nhận hậu quả tiêu cực nếu rời EU.
Với Hà Lan, Brexit sẽ kéo theo Nexit – Hà Lan rời EU. Đây là tuyên bố của ông Geert Wilders, lãnh đạo đảng cánh hữu PVV vốn có tư tưởng chống EU. “Hoan hô nước Anh! Giờ đến lượt chúng ta. Đã đến lúc Hà Lan trưng cầu dân ý.”, ông Geert Wilders viết trên mạng xã hội Twitter sáng 24-6.
Thời gian qua ông Geert Wilders đã rất tích cực vận động truyền thông Hà Lan lan truyền thông điệp: dân Hà Lan cần nói lên nguyện vọng của mình như dân Anh.
Với việc Anh rời EU chắc chắn lời kêu gọi này sẽ mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong hoàn cảnh Hà Lan sẽ tổng tuyển cử vào năm tới. Chưa nói tới ảnh hưởng của việc Anh rời EU, hiện chính phủ Hà Lan cũng đã rất đau đầu với cuộc trưng cầu dân ý phản đối một thỏa thuận thương mại EU-Ukraine.
Tại Áo, một cuộc khảo sát mới đây của tổ chức phi lợi nhuận Peter Hajek Opinion Strategies cho thấy 40% người Áo muốn có cuộc trưng cầu dân ý rời EU, 38% muốn Auxit – Áo rời EU.
Auxit là mong muốn của đảng cực hữu Tự do. Gần đây, lãnh đạo đảng Tự do Robert Marschall nói nước Áo cần tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý rời EU cho người Áo. Tỉ lệ người Áo muốn ở lại EU thời điểm này là 53%, tuy nhiên khoảng cách này không lớn. Năm 2014 tỉ lệ này chỉ là 25%.
Ngoài Pháp, Hà Lan, Áo, Brexit cũng sẽ tác động đến các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển – vốn từ lâu đã luôn xem Anh như lãnh đạo trong khối EU, chịu ảnh hưởng lớn từ Anh trong nhiều vấn đề từ thương mại đến văn hóa, đến thể thao.
Rất nhiều nước EU, đặc biệt Bắc Âu có thể sẽ theo chân Anh vì vốn chịu ảnh hưởng từ các quyết định của Anh. (Ảnh: REUTERS)
Các cuộc khảo sát cho thấy Thụy Điển và Đan Mạch sẽ là hai nước chịu tác động tiêu cực nhất từ việc Anh rời EU. Với kết quả trưng cầu Brexit này, chính phủ các nước này sẽ có rất nhiều việc phải làm để đè nén được chủ nghĩa dân túy, tư tưởng chống EU tại nước mình, để có thể duy trì vị trí thành viên của mình tại EU.
Các đảng theo chủ nghĩa dân túy như đảng Nhân dân (Đan Mạch) và đảng Dân chủ (Thụy Điển) đang cố gắng khai thác lợi ích từ kết quả trưng cầu Brexit. Các cuộc khảo sát cho thấy phần lớn người dân Thụy Điển và Đan Mạch vẫn chưa muốn rời EU. Tuy nhiên các chính trị gia hai nước cho rằng Brexit sẽ làm người dân hai nước sẽ muốn có một cuộc trưng cầu, vì “tại sao người Anh được trưng cầu còn họ thì không”.
Trong khi đó các quan chức Đức vẫn tin chắc nước Đức có thể đứng vững trước bất kỳ cuộc khủng hoảng tài chính nào mà Brexit gây ra trong thời gian tới, tự tin rằng các doanh nhân Đức có thể kiểm soát các nguy cơ trong quan hệ thương mại với Anh – thị trường xuất khẩu lớn thứ ha của Đức.
Tuy nhiên về chính trị, Brexit sẽ gây đổ vỡ trong nội bộ EU. Đức đặc biệt lo ngại về sự gia tăng tư tưởng phản đối EU trong nội bộ EU, trong đó có Pháp và Hà Lan. Sự thống nhất hàng thập kỷ nay của EU đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Các quan chức EU đang bàn chiến dịch củng cố lại sự thống nhất EU. Tất cả vấn đề có nguy cơ gây chia rẽ lớn như an ninh, chính sách đối ngoại, nhập cư đang được xem xét kỹ.
Nhiều chính trị gia Đức đang băn khoăn có nên để Bỉ – trung tâm đầu não EU - lãnh đạo chiến dịch này. Thật ra mấy năm nay vai trò lãnh đạo EU thuộc về Thủ tướng Đức Angela Merkel với việc bà trực tiếp tham gia giải quyết bốn vấn đề chính của EU: khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giải cứu Hy Lạp, giải quyết xung đột Ukraine, giải quyết khủng hoảng nhập cư.
Không thể phủ nhận vai trò của bà Merkel đã gây bất mãn lớn trong nội bộ EU. Sức mạnh, sự lãnh đạo của Đức giờ trở nên rất dễ bị tổn thương. Với các nước Nam Âu thì là bất mãn chủ trương thắt lưng buộc bụng của Đức, với các nước đông Âu thì bất mãn chủ trương chào đón người nhập cư của Đức.
Bà Merkel trông chờ vào sự ủng hộ và che chở của các đồng minh. Anh dù vốn không có chủ trương ủng hộ nhập cư nhưng sự ra đi của Anh đã tạo áp lực lên các thành viên EU còn lại. Không còn Anh, EU không những mất một trong ba nước lớn mà còn mất một quốc gia giàu kinh nghiệm về ngoại giao và quân sự cũng như có tiếng nói mạnh với các chính sách kinh tế.
Chưa hết, bà Merkel cũng đang đối mặt với áp lực từ trong nước khi có đến 1/3 dân Đức muốn Đức rời EU, theo khảo sát của báo Handelsblatt (Đức). Nước Đức trước giờ vẫn có truyền thống ủng hộ EU, tuy nhiên kết quả khảo sát này đã cho thấy có sự chia rẽ trong thành viên lớn nhất EU này.
Theo Plo.vn