Cuộc hôn nhân” 43 năm đầy sóng gió giữa Anh và EU chấm dứt không chỉ tổn thương người trong cuộc mà còn khiến cả thế giới gánh chịu hậu quả lớn về kinh tế, chính trị - xã hội.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 24-06-2016
- Cập nhật : 24/06/2016
Vòi rồng quét qua Trung Quốc, 78 người chết
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, 78 người thiệt mạng, 500 người bị thương do trúng sét, mưa đá và lốc xoáy ở tỉnh Giang Tô, miền đông nước này.
Theo Tân Hoa xã, lốc xoáy hình thành gần thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, lúc khoảng 14h30. 78 người thiệt mạng, 500 người bị thương, trong đó 200 người bị thương nặng và nhiều tòa nhà bị phá hủy. Hiện tượng thời tiết cực đoan cũng gây thương tích cho rất nhiều người, mất điện một số khu vực và gây ảnh hưởng tới giao thông trên các tuyến đường.
Xe cộ lật ngửa, cột điện gãy đôi
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV chiếu hình ảnh những người bị thương được chuyển tới bệnh viện, xe hơi và xe tải lật ngửa. Cột điện gãy đôi và đường dây điện nằm ngổn ngang dưới đất.
Theo CCTV, lốc xoáy quét qua quận Funing, thành phố Diêm Thành với tốc độ gió đạt 34,6 m mỗi giây. Nó phá hủy nhiều ngôi nhà, thổi bay xe cộ và san phẳng hoàn toàn xưởng của một nhà máy. Vòi rồng tấn công thành phố Hoài An chiều cùng ngày. Tại quận Lianshui, lượng mưa mỗi giờ đạt 102 mm.
Lực lượng cứu hộ tỉnh Giang Tô cho hay, cơn bão với vòi rồng còn kèm theo mưa đá, gió giật mạnh tới cấp 12. Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy các cây to của một trường học 3 tầng đổ xuống sân chơi.
Bị vòi rồng cuốn xuống sông
Một nạn nhân bị vòi rồng cuốn đi nhưng may mắn sống sót kể với Sina rằng anh đang lái xe trong mưa thì lốc xoáy cuốn cả người cả xe xuống sông. Anh bơi vào bờ và phải vài phút sau mới định thần được là chuyện gì đang xảy ra.
Khu dân cư trở nên tan hoang vì lốc xoáy và mưa đá tại Diên Thành. Ảnh: Weibo Đội cứu hỏa Diên Thành
Một người khác thì cho biết khi trời mưa, ông đang ở ngoài căn nhà thì trời tối đen khiến ông vội vã trở vào trong. "Từ cửa sổ nhìn ra ngoài, tôi thấy mái ngói bị quật bay tứ tung, tôi chỉ kịp chạy vào góc nhà để nấp. Tiếng nhà sập vang lên rất lớn, tôi bò từ trong đống gạch đá đi ra", người nông dân kể lại.
Trước đó, ít nhất 25 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải sơ tán do mưa lớn kéo dài suốt một tuần qua gây ngập lụt nghiêm trọng ở 10 tỉnh phía nam Trung Quốc.
Bão khiến mực nước sông dâng cao lên mức nguy hiểm, gây thiệt hại cho cây trồng, làm sập 10.500 căn nhà. Theo Tân Hoa xã, thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 7,34 tỷ nhân dân tệ (1,1 tỷ USD).
Trung Quốc thường xuyên bị tàn phá bởi thiên tai, đặc biệt là lũ lụt và động đất. Tốc độ phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng tại nhiều thành phố khiến tình hình ngày càng trầm trọng.
Các quan chức Trung Quốc cảnh báo về khả năng lũ lụt kỷ lục trong năm nay do El Nino, hiện tượng thời tiết cực đoan làm ấm nhiệt độ bề mặt biển ở Thái Bình Dương. El Nino cũng gây cháy rừng và lũ quét cùng hạn hán trên toàn cầu.
Báo Mỹ: Bị EU ghẻ lạnh, Nga quyết làm thân với Trung Quốc
Hôm 21/6, tạp chí Forbes (Mỹ) đăng tải một bài bình luận cho rằng, sắp tới Nga sẽ quyết tâm hơn nữa để gần gũi với Trung Quốc nhằm chứng minh rằng EU không thể cô lập được Nga...
Quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt Moscow của EU cho thấy các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất của EU đã hạ quyết tâm cứng rắn với Nga bất chấp việc nước này là nhà cung cấp năng lượng và đối tác kinh tế quan trọng trong khu vực.
Kể từ khi có mâu thuẫn với EU và Mỹ vì tình hình ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn luôn nỗ lực chuyển hướng sang Trung Quốc dù những nỗ lực đó chưa có kết quả gì đáng kể. Tuy nhiên, lần này có lẽ ông sẽ có những bước đi quyết đoán hơn về phía Bắc Kinh.
Vào ngày 25/6 tới, Tổng thống Nga sẽ bắt đầu chuyến thăm tới Trung Quốc. Dựa vào phát biểu của ông Putin tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg hàng năm vừa qua, nhiều người nhận xét, Nga đang hy vọng sẽ đưa Trung Quốc vào một mối quan hệ thương mại tương tự như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Washington.
Theo truyền thông Nga, chỉ vài giờ sau khi Brussels quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt về năng lượng, tài chính đối với Nga thêm 6 tháng nữa, ông Putin đã tuyên bố sẽ thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về các biện pháp thiết thực nhằm tăng cường mối quan hệ giữa hai nước. Một loạt các hiệp định song phương dự kiến sẽ được ký kết trong dịp này.
Chuyến công du của ông Putin tới Trung Quốc diễn ra ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) gồm 6 nước Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan ở Tashkent, Uzbekistan.
Ông Putin dự kiến cũng sẽ gặp ông Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh này.
Vấn đề đang được chú ý nhiều nhất trong mối quan hệ Nga – Trung là việc hai nước đang thảo luận kế hoạch xây dựng một Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU) mới với sự tham gia của cả Trung Quốc.
Liên minh này sẽ kết nối với các đối tác Ấn Độ, Iran, Pakistan, cũng như hoan nghênh các đối tác đến từ châu Âu. EEU hiện là một liên minh thương mại có 5 thành viên gồm Kazakhstan, Belarus, Armenia, Kyrgyzstan và Nga.
Trung Quốc sẽ tham gia EEU nếu cảm thấy có lợi cho xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng đang dư thừa ở nước này như than, xe hơi và thép.
Tuần trước (hôm 17/6), tờ Nước Nga Ngày nay đã dẫn lời Tổng thống Nga cho hay: “Chúng tôi tin rằng Cộng đồng Kinh tế Á Âu sẽ là một trong những trung tâm hòa nhập lớn hơn với châu Á.
Chúng tôi đang đề xuất thành lập mối quan hệ đối tác Á - Âu lớn hơn có liên quan đến EEU và các nước mà chúng tôi đã có quan hệ gần gũi như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Iran”.
Xoay trục sang châu Á được xem là một bước đi hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế Nga vẫn đang rất ảm đạm. Giá dầu tăng gần đây cũng không đủ để thay đổi các dữ liệu đáng buồn của nền kinh tế nước này.
Tháng 5/2016, Cơ quan Thống kê Rosstat của Nga cho hay, ngành xây dựng của nước này giảm 9%, doanh số bán lẻ giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lương thực tế còn ảm đạm, giảm 1% trong tháng 5/2016.
Dù vậy, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại. Việc Trung Quốc đang dư thừa nhiều mặt hàng sẽ không thể đem lại lợi ích cho những nước đang muốn phát triển ngành sản xuất của riêng mình, thay vì nhập khẩu hàng từ Trung Quốc.
Theo Forbes, đối với ông Putin, việc kéo Trung Quốc về phía Nga mang nhiều mục đích chính trị hơn là về kinh tế. Ông muốn chứng minh rằng, phương Tây không thể cô lập được Nga.
Hơn nữa, theo nhiều nhà phân tích, mặc dù EU quyết định gia hạn trừng phạt đối với Moscow nhưng tâm lý muốn hòa giải với Nga đang ngày càng tăng ở châu Âu.
Hôm 22/6, ông George Soros, một tỷ phú người Mỹ được mệnh danh là một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới, nhận định, ảnh hưởng của Nga ở châu Âu đang ngày càng lớn do EU đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư, những khó khăn về kinh tế và nguy cơ tan rã.
Ông Soros không phải là một người ủng hộ Nga, do vậy, bình luận trên của ông được xem như là một lời cảnh báo trên khắp châu Âu.
Trung Quốc: Trước hào phóng, sau lạnh lùng thôn tính
Đặc trưng chính sách của ông Tập Cận Bình là bắt nạt trong các vấn đề lãnh thổ và tỏ ra hào phóng có chọn lọc trong các vấn đề kinh tế, đồng thời tăng dần sức ép về địa - kinh tế.
Mục tiêu chiến lược then chốt của Trung Quốc thời hiện đại là trở thành một "cường quốc toàn diện", hùng mạnh trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế, quân sự đến công nghệ và ngoại giao. Mục tiêu này được nuôi dưỡng bởi niềm tin rằng, Trung Quốc, một nền văn minh lớn từng bị sự thù địch của những nước khác phá hoại, có thể không bao giờ nắm giữ được vận mệnh của mình nếu không thâu tóm sức mạnh cần thiết để đè bẹp sự chống đối của các quốc gia khác.
Vì việc đạt được mục tiêu nói trên đồng nghĩa Trung Quốc vừa phải tăng cường sự kiểm soát nhà nước đối với xã hội của mình, vừa phải tối đa hóa các khả năng toàn diện so với các nước đối thủ, nên kể từ sau cách mạng, chính quyền Bắc Kinh đã kiên định theo đuổi 4 mục tiêu hành động cụ thể sau đây, dù các công cụ thực thi có thể thay đổi theo thời gian:
(1) duy trì trật tự trong nước và sự cầm quyền của đảng Cộng sản Trung Quốc; (2) duy trì mức tăng triển kinh tế cao; (3) bình định các vùng địa lý mở rộng bên ngoài thông qua thắt chặt các mối quan hệ kinh tế với các quốc gia châu Á láng giềng để "giảm lo ngại trong khu vực" về sự trỗi dậy của TQ, tạo mục tiêu quan tâm chung với một số nước khác, chẳng hạn như Nga, để họ có lí do từ chối tham gia quá trình thiết lập cán cân chống TQ quy mô hơn đang diễn ra ở châu Á, xúc tiến kế hoạch hiện đại hóa PLA cũng như khôi phục các nỗ lực trước đây nhằm làm mất đi tính hợp pháp của hệ thống liên minh của Mỹ ở châu Á; và (4) củng cố địa vị của TQ như thế lực then chốt trong hệ thống quốc tế.
Vì vậy, TQ không cho là các quyền lợi của mình được thỏa mãn khi chỉ trở thành một "đối tác thương mại" của các nước khác, dù kết quả thu được có thể giúp giải quyết những căng thẳng lớn hơn giữa các chiến lược kinh tế và địa chính trị của Bắc Kinh. Thay vào đó, nước này sẽ tiếp tục con đường trở thành một cường quốc như thông lệ với đầy đủ sức mạnh chính trị và quân sự, nhằm hiện thực hóa tham vọng giành lại vị thế ảnh hưởng số 1 ở châu Á từ tay Mỹ, tiến tới đạt được tầm ảnh hưởng khắp toàn cầu trong tương lai.
Điều tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong chính sách ngoại giao là ông Tập sẵn sàng sử dụng mọi công cụ của nghệ thuật lãnh đạo đất nước, từ sức mạnh quân sự đến việc đe dọa địa - kinh tế cũng như các phần thưởng kinh tế để theo đuổi những mục tiêu địa - chính trị của mình. Nhìn chung, đặc trưng chính sách của ông Tập là bắt nạt trong các vấn đề lãnh thổ và tỏ ra hào phóng có chọn lọc trong các vấn đề kinh tế, đồng thời tăng dần sức ép về địa - kinh tế.Cách tiếp cận này rõ nhất trong mối quan hệ của Trung Quốc với các nước ở Đông Nam Á, nơi chính quyền Bắc Kinh đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với một số quốc gia láng giềng. Lập trường cứng rắn của Bắc Kinh đối với các tranh chấp lãnh thổ đi kèm với những khoản đầu tư và gói thương mại hào phóng dành cho các nước Đông Nam Á, dường như được dàn xếp vì các mục tiêu địa - chính trị.
TQ cũng áp dụng hỗn hợp các chính sách "cứng" và "mềm" như trên trong mối quan hệ song phương với Ấn Độ. Trong thời gian diễn ra chuyến thăm đầu tiên của ông Tập tới Ấn Độ, binh lính Trung Quốc đã tiến hành một trong các cuộc xâm nhập lớn nhất của họ từ trước tới nay vào vùng lãnh thổ tranh chấp với quốc gia láng giềng. TQ đã tìm cách sử dụng vấn đề biên giới để khiến Ấn Độ mất cân bằng và giảm các đầu tư quân sự đường biển. Đây ít nhất là lí do khiến Bắc Kinh không sẵn lòng vạch ra Đường kiểm soát thực sự (LAC) giữa hai nước, bất chấp đề nghị công khai của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về việc đó.
Với Nhật Bản, Trung Quốc theo đuổi một chính sách cứng rắn, theo chủ nghĩa dân tộc. Dưới thời Tập Cận Bình, nước này đã làm leo thang đáng kể tranh chấp lãnh thổ với Nhật thông qua tuyên bố thành lập một Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.
Ngoài việc phát triển các mối ràng buộc bền chặt hơn với những nước khác, một thành tố quan trọng trong chiến lược đa diện của Tập Cận Bình là hăng hái thành lập cũng như tham gia các tổ chức đa phương. Một vài trong số những tổ chức này, chẳng hạn như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), sẽ được sử dụng để cấp phát các khoản vay theo định hướng địa - chính trị cho các nước láng giềng.
Theo các nhà phân tích, sẽ là thiếu thực tế khi cho rằng, chiến lược tổng thể của Trung Quốc đối với Mỹ, ít nhất trong 10 năm tới, sẽ tiến triển theo hướng chấp nhận sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ như các nhân tố cốt yếu cho hòa bình và an ninh của châu Á. Thay vào đó, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ tìm cách cắt giảm chúng một cách có hệ thống. Câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu Washington có đủ quyết tâm chính trị, các khả năng địa - kinh tế, quân sự cũng như ngoại giao và quan trọng là một chiến lược tổng thể đúng đắn để đối phó với âm mưu hất cẳng Mỹ, xưng hùng, xưng bá của Trung Quốc ở châu Á trong tương lai hay không.
Anh ở lại EU: Đã không còn khe cửa hẹp
Chỉ còn 4/382 khu vực bỏ phiếu chưa kiểm xong phiếu, nhưng số cử tri ủng hộ Brexit đã chiếm hơn 51,82%
Tính tới 12h30 giờ Việt Nam, kết quả kiểm phiếu 378/382 khu vực bỏ phiếu cho thấy có 51,82% cử tri ủng hộ Brexit.
Trong khi đó, tỉ lệ ủng hộ Anh ở lại châu Âu tiếp tục giảm thêm 0,01%, so với kết quả kiểm phiếu tại 363/382 khu vực bỏ phiếu, chỉ còn 48,18%.
Trong một dự báo nêu ra trên CNN, sử gia Simon Schame cho rằng thảm họa Anh rời EU sẽ xảy ra và thế giới chuẩn bị bước vào giai đoạn rất đen tối và nguy hiểm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử châu Âu và lịch sử thế giới.
Nga “thảng thốt” trước cảnh báo của Nhật Bản
Không phải Nhật Bản “im lặng” trước sự xuất hiện của 3 tàu quân sự Nga ở gần quần đảo tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư, “cảnh báo chú ý” đã được phát đi qua kênh ngoại giao, khiến Nga “tròn mắt”.
Tàu CCG số hiệu 31239 của Trung Quốc tại vùng biển gần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông ngày 3/3/2014. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Reuters, 2 giờ sáng cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo, bày tỏ quan ngại sâu sắc trước vụ việc mà truyền thông Nhật Bản cho là lần đầu tiên tàu hải quân Trung Quốc tới gần lãnh hải Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Thêm một điều đáng nói là khi tàu khu trục Trung Quốc di chuyển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư), lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng phát hiện 3 tàu quân sự Nga hoạt động ở khu vực này.
Lúc đó, người ta chỉ biết là Tokyo đã phát “cảnh báo chú ý” với Nga, nhưng nội dung cảnh báo này ra sao, không ai biết. Vì thế, có cơ quan truyền thông đưa tin rằng “Nhật Bản dường như im lặng với Nga” sau vụ việc ngày 9/6. Trên thực tế, Tokyo đã làm Moskva “tròn mắt”.
Trong bản tin vừa phát đi, hãng Kyodo dẫn nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản ngày 22/6 cho biết sau vụ việc, thông qua kênh ngoại giao, phía Nhật Bản đã chỉ rõ với phía Nga rằng nếu Moskva không cẩn trọng, tiếp tục đi qua vùng biển quanh Senkaku/Điếu Ngư, e rằng sẽ bị cuốn vào vấn đề giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Theo Kyodo, thông tin trên cũng được tiết lộ bởi nhiều nhà ngoại giao của cả phía Nhật Bản lẫn phía Nga.
Do Chính phủ Nhật Bản cho rằng tàu chiến Nga-Trung không hợp tác với nhau trong sự kiện ngày 9/6 và hành động của Nga đã bị Trung Quốc lợi dụng phục vụ tuyên bố chủ quyền, cho nên, việc Tokyo quyết định cảnh tỉnh Moskva đã thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận.
Kyodo cho rằng mục đích của Chính phủ Nhật Bản là phát đi tín hiệu cảnh báo với phía Nga rằng vấn đề Senkaku/Điếu Ngư đang phức tạp hóa, Nga cần phải giữ khoảng cách trong vấn đề này.
Sau đó, khi trả lời phỏng vấn bằng văn bản của Kyodo, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ cảm thấy “kinh ngạc” trước phản ứng của Chính phủ Nhật Bản bởi chiến hạm của Nga hoạt động ở “vùng biển quốc tế” mà luật pháp quốc tế cho phép tự do hàng hải.