Theo số liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc đã nắm giữ 1.150 tỉ USD trái phiếu, tín phiếu và hối phiếu do Mỹ phát hành trong tháng 6.
1 năm sau quyết định Brexit, nước Anh thay đổi thế nào?
- Cập nhật : 23/06/2017
Cuộc trưng cầu dân ý bất ngờ của Anh để quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu EU ngày 23/6 năm ngoái đã làm rung chuyển thị trường tài chính, khiến đồng Bảng giảm hơn 11% so với đồng USD chỉ trong vài giờ đồng hồ và cổ phiếu cũng sụt giảm theo.
Kết quả của cuộc trưng cầu không mấy thuyết phục, 51,89% người dân ủng hộ rời đi trong khi 48,11% vẫn muốn ở lại. Nước Anh từng bị chia rẽ sâu sắc, thủ tướng khi đó là David Cameron quyết định từ chức. Người kế nhiệm ông là bà Theresa May, người đang chịu khá nhiều chỉ trích vì chính sách cứng nhắc và màn trình diễn không thuyết phục trong cuộc bầu cử quốc hội sớm vừa qua của Anh.
Không bàn đến chính trị, cái người dân quan tâm hơn là sự kiện chấn động ấy ảnh hưởng gì đến kinh tế Anh, và những ảnh hưởng ấy tích cực hay tiêu cực.
Nhân kỷ niệm tròn một năm Anh rời EU hãy cùng xem tác động của Brexit lên thị trường và nền kinh tế nước này là gì.
Đồng Bảng vẫn thấp hơn nhiều so với một năm trước
Đồng Bảng là thước đo chính về tâm lý nhà đầu tư đối với Brexit. Vào ngày bỏ phiếu, một Bảng đổi khoảng 1,50 USD còn giờ giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm, dưới 1,33 USD thậm chí có lúc giao dịch ở mức 1,2 USD hồi tháng 1.
"Bất ổn chính trị như một hòn đá níu đồng tiền của Anh", các nhà đầu tư nói.
Cổ phiếu ngân hàng trong nước tụt hậu
Cổ phiếu ngân hàng Anh phục hồi phần nào sau đợt trượt dốc hậu bỏ phiếu nhưng vẫn tụt hậu so với cổ phiếu ngân hàng ở châu Âu và Mỹ.
Lạm phát tăng cao, bán lẻ chịu nhiều áp lực
Sự sụt giảm mạnh của đồng Bảng đẩy lạm phát lên cao. Giá cả tăng khi các sản phẩm nhập khẩu như ô tô, hàng điện tử và một số sản phẩm thực phẩm trở nên đắt đỏ hơn cho người tiêu dùng nước này.
Điều này làm hạn chế chi tiêu tiêu dùng và đè nặng lên lĩnh vực bán lẻ. Tháng 10 năm ngoái, Apple tăng giá máy tính để bàn Apple Mac Pro lên 20% ở Anh trong khi Unilever yêu cầu các siêu thị tăng giá cho một số sản phẩm phổ biến như sốt mayonnaise của Hellman và kem của Ben & Jerry. Giá tiêu dùng tăng lên mức 2,9% trong tháng 5, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2013. Ngược lại, lương tăng nhưng vẫn ì ạch phía sau khiến người tiêu dùng không dám mở ví.
Ngân hàng trung ương Anh nhận thức rất rõ lạm phát cao hơn mức mục tiêu là 2%, nhưng vẫn do dự không dám tăng lãi suất, vì sợ làm chậm nền kinh tế và tổn thương các hộ gia đình.
Giá nhà xấu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính
Thị trường bất động sản của Anh đã bắt đầu cho thấy những vết nứt. Tháng 5 là tháng thứ 3 liên tiếp giá nhà giảm, mức giảm dài nhất kể từ năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính.
Thị trường bất động sản hạng sang ở London gặp cú sốc lớn vì bất ổn chính trị khiến các tỷ phú tránh xa những ngôi nhà đắt tiền trong thủ đô Anh.
Một vài điểm sáng
Tất nhiên, năm qua kinh tế Anh cũng có một số điểm sáng. Thị trường lao động nước này chứng tỏ được khả năng phục hồi đáng kinh ngạc khi tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4 giảm xuống 4,6%, mức thấp nhất kể từ năm 1975.
Cổ phiếu trong các công ty lớn nhất của Anh đang tăng, đặc biệt Chỉ số quốc tế FTSE 100 vượt trội hẳn so với chỉ số FTSE 250 hướng vào thị trường nội địa. Vì có nhiều nguồn thu ở nước ngoài, các công ty lớn trên FTSE 100 được hưởng lợi nhiều hơn từ đồng Bảng yếu hơn.
Tiếp theo là gì?
Các cuộc đàm phán giữa Anh và châu Âu khởi động hôm thứ 2 (19/6) và phải được hoàn tất đúng hạn để Anh có thể rời đi vào tháng 3/2019. Bà May thúc đẩy cái gọi là "Brexit cứng", trong đó Anh từ bỏ quyền tiếp cận thị trường duy nhất của EU để đổi lấy toàn bộ quyền kiểm soát biên giới.
Tuy nhiên, sau khi đảng Bảo thủ của bà mất đa số trong cuộc bầu cử quốc hội hồi đầu tháng 6, các nhà kinh tế nhận định thỏa thuận cuối cùng có thể sẽ không ảnh hưởng quá mạnh đến quan hệ thương mại 2 bên.
Câu hỏi bây giờ có lẽ là: "Số phận của Anh sẽ như thế nào ngày này năm sau nữa?"
Trang Hồ/ Theo Wall Street Journal, Market Watch, NDH.vn