Những người ủng hộ toàn cầu hóa cho rằng, hội nhập là điều tốt, nhưng vẫn còn không ít người hoài nghi về điều này.
Toàn cầu hóa có thể sụp đổ vì yếu tố nào?
- Cập nhật : 27/10/2017
Có một cản trở lớn đối với toàn cầu hóa. Đó không phải lời đe dọa về cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump hay nguy cơ khủng bố, đó chính là Trung Quốc.
Sau khi bức tường Berlin sụp đổ cách đây hơn một phần tư thế kỷ, nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách trên thế giới cho rằng hẳn thế giới sẽ trở nên một thế giới giàu có và hạnh phúc.
Khi chủ nghĩa tư bản và công nghệ ngày một phát triển trên thế giới, thế giới sẽ trở nên ràng buộc với nhau bởi thương mại, tài chính và mạng Internet.
Khi khủng hoảng xảy ra giống như thời năm 2008, người ta nghĩ rằng xu thế trên sẽ đảo ngược. Cuối cùng xu thế toàn cầu hóa sẽ vẫn diễn ra bất chấp các cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, có một cản trở lớn đối với toàn cầu hóa. Đó không phải lời đe dọa về cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump hay nguy cơ khủng bố, đó chính là Trung Quốc.
Nếu chúng ta nhìn vào mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và nhiều nước phát triển khác trên thế giới, chúng ta có thể dự đoán được một xu thế đang hình thành và thậm chí sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh trên thế giới trong những năm tới. Kinh tế toàn cầu sẽ bị chia thành hai phần. Một phần sẽ có trọng tâm là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), phần còn lại sẽ xoay quanh quỹ đạo Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ vẫn hội nhập mạnh mẽ vào kinh tế toàn cầu. Trong bài phát biểu trước Đại hội Đảng Trung Quốc vừa mới đây, Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã hứa sẽ mở rộng thị trường Trung Quốc đón các công ty nước ngoài, cùng lúc đó vẫn bảo vệ quyền lợi cho họ. Ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Trung Quốc sẽ không đóng cửa với thế giới. Trung Quốc sẽ chỉ ngày một cởi mở hơn”
Ông Tập Cận Bình cũng tuyên bố ông sẽ luôn ủng hộ thương mại tự do, khẳng định Trung Quốc sẽ tham gia nhiều hơn và các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, cách nhìn của ông Tập Cận Bình với toàn cầu hóa khác với cách nhìn của nhiều chính trị gia khác. Thay cho việc chỉ tham gia như một mắt xích trong toàn cầu hóa, Trung Quốc muốn dẫn đầu làn sóng toàn cầu hóa do mình tạo ra, với những quy định, luật lệ, cách thức làm việc của riêng Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đang trong quá trình cố gắng để tạo ra công nghệ riêng của mình và khuyến khích các công ty Trung Quốc cạnh tranh ngày một nhiều với các công ty phương Tây trong mọi ngành nghề, từ công nghệ robot cho đến sản xuất xe ô tô điện. Chính phủ Trung Quốc cũng không ngại ngần cung cấp tài chính dồi dào cho các công ty này.
Tham vọng của Trung Quốc từng được nhắc đến trong chương trình “Made in China 2025”, theo đó Trung Quốc sẽ không ngừng hỗ trợ cho các tập đoàn nhà nước trở nên lớn mạnh hơn, biến các doanh nghiệp Trung Quốc thành các doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.
Hậu quả tất yếu của chính sách như vậy sẽ là một thị trường đặc chất Trung Quốc phát triển mạnh hơn. Dù Trung Quốc có thể thành công trong việc đuổi bớt các đối thủ cạnh tranh ra khỏi Trung Quốc, thị trường nơi chính phủ Trung Quốc hoàn toàn có quyền kiểm soát, thì việc người Trung Quốc muốn làm chủ cả người tiêu dùng toàn cầu sẽ không thể xảy ra.
Với uy tín vốn không cao và không có tiến bộ gì về công nghệ, các thương hiệu Trung Quốc sẽ gặp khó trong việc muốn cạnh tranh để có chỗ đứng tại các thị trường nước ngoài, nơi vấn đề bảo mật và an ninh sẽ cản trở các công ty nước ngoài mua sản phẩm công nghệ của Trung Quốc.
Bốn công ty sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc hiện nay giờ đang nắm đến hai phần ba thị phần toàn thị trường điện thoại Trung Quốc, tuy nhiên tính trên quy mô toàn cầu, họ mới có được chưa đến 15%, theo tính toán của Strategy Analytics. Và dù chính phủ Trung Quốc trợ cấp mạnh tay cho ngành ô tô, số lượng xe ô tô Trung Quốc xuất khẩu được trong năm 2016 vẫn thấp hơn so với năm 2014.
Trong lĩnh vực công nghệ, chính phủ Trung Quốc đang duy trì quá nhiều tường lửa. Chính nhờ yếu tố này mà các công ty công nghệ Trung Quốc có thêm điều kiện phát triển khi mà các đối thủ ngoại không thể tiếp cận thị trường.
Thế nhưng khi đã quen với sân chơi thênh thang ở nội địa với đủ các ưu đãi, chắc chắn họ sẽ gặp khó khi muốn vươn ra nước ngoài cạnh tranh. Alibaba đã muốn phát triển tại Mỹ nhưng không thành công. WeChat với hơn nửa tỷ người sử dụng tại Trung Quốc gặp khó khi muốn mở rộng ra ngoài cộng đồng nói tiếng Trung Quốc dù đã rất cố gắng quảng cáo tiếp thị.
Phương Tây cũng đang ngày một “rụt lại” trước Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ thường nói về việc sự cởi mở về kinh tế sẽ được coi như ưu tiên hàng đầu, thế nhưng khi mà những mối lo từ phía Trung Quốc ngày một lớn hơn, người Mỹ cũng cảm thấy họ cần phải bảo vệ quyền lợi của người Mỹ trước.
Tháng Chín năm nay, chính quyền Tổng thống Trump đã từ chối việc một nhà đầu tư Trung Quốc muốn mua lại một công ty sản xuất chip của Mỹ, cùng lúc đó một cơ quan an ninh của Mỹ chuyên xem xét các rủi ro từ hoạt động thâu tóm sáp nhập doanh nghiệp vẫn chưa chấp nhận cho tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma mua lại MoneyGram International.
Cùng lúc đó, các công ty Mỹ cũng nhận ra rằng họ không được chào đón tại Trung Quốc như họ vẫn tưởng. Phòng Thương mại Mỹ mới đây công bố khoảng 56% doanh nghiệp thành viên coi Trung Quốc như điểm đến đầu tư lý tưởng, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với con số 78% vào năm 2012. Cùng lúc đó, đến 25% thành viên khẳng định họ đã và sẽ rời khỏi Trung Quốc trong ba năm.
Chắc chắn cả Trung Quốc và phương Tây sẽ không bao giờ để tình trạng chia rẽ trở nên tồi tệ như thời kỳ Chiến tranh Lạnh Người Trung Quốc sẽ vẫn uống cafe Starbucks, đi giày Nike, người Mỹ cùng lúc đó sẽ vẫn xài hàng Made in China.
Thế nhưng khi tham vọng của Trung Quốc ngày một lớn và chính phủ Mỹ cũng như châu Âu muốn bảo vệ nhiều hơn nữa các doanh nghiệp, công nghệ của họ, khoảng cách giữa hai bên sẽ ngày một lớn dần hơn. Những nước gặp vấn đề trong quan hệ với Nga sẽ rơi vào quỹ đạo Trung Quốc. Những nước lo sợ về mối nguy khi tham vọng của người Trung Quốc ngày một lớn dần ví như Ấn Độ hay Nhật sẽ tiến gần hơn vào Mỹ.
Thế giới bị phân cực quá rõ ràng sẽ gây ra nhiều hậu quả tồi tệ lên kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp của hai bên sẽ gặp khó khi muốn tiếp cận thị trường, lợi nhuận, năng suất lao động và việc làm của người lao động hai bên sẽ đều ảnh hưởng.
Nếu không tiếp cận được công nghệ cao, chính phủ Trung Quốc sẽ khó tạo ra được việc làm và thu nhập để nuôi sống 1,4 tỷ dân mà phần đông trong số đó cho đến tận hiện tại đang quá nghèo và già nhanh. Rủi ro đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và phương Tây tăng cao. Nếu rào cản ngày một lớn lên, tất cả các bên đều thiệt.
TRUNG MẾN
Theo Bizlive.vn