Các thỏa thuận thương mại song phương trị giá 250 tỷ USD mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký kết hôm 9/11 hoàn toàn có thể bị thay đổi nội dung hoặc xóa bỏ nếu cần.
Chuyên gia phân tích sức mạnh Tập Cận Bình và dàn lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc
- Cập nhật : 26/10/2017
GS.TS Đỗ Tiến Sâm, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc đưa ra những bình luận sâu sắc về Đại hội 19 và nhân sự Bộ Chính trị mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Sau Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vấn đề được dư luận quan tâm nhất là việc đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình" vào điều lệ Đảng và bầu các thành viên của Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới bao gồm các ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hộ Ninh, Triệu Lạc Tế và Hàn Chính.
Trả lời phỏng vấn VTC News về vấn đề này, GS.TS Đỗ Tiến Sâm, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc cho rằng: "Việc đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình" vào điều lệ Đảng sẽ tạo điều kiện cho ông Tập chủ động hơn trong quyết định của mình, chịu trách nhiệm trước quyết định của mình trong việc định ra chiến lược phát triển đất nước, giống như hình tượng cây gậy điều khiển của người nhạc trưởng".
Ngoài ra, GS.TS Đỗ Tiến Sâm cũng khẳng định, mặc dù có thay đổi về 5 nhân sự trong Thường vụ Bộ Chính trị nhưng quyết tâm phát triển đất nước và chống tham nhũng của Trung Quốc sẽ không thay đổi.
- Giáo sư nhận định thế nào về kết quả Đại hội 19 vừa qua của Đảng Cộng sản Trung Quốc?
Theo tôi, kết quả Đại hội 19 cần nhìn theo 2 góc độ, thứ nhất là đường lối, thứ hai là nhân sự.
Điểm nhấn đầu tiên của Đại hội 19 là thông qua đường lối phát triển của Trung Quốc không chỉ trong 5 năm tới, mà còn vạch ra mục tiêu đến năm 2050, gồm 2 giai đoạn.
Từ năm 2020 đến 2035 là cơ bản hoàn thành hiện đại hóa, sau đó 15 năm nữa, từ năm 2035 đến 2050 biến Trung Quốc thành cường quốc hiện đại hóa.
Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc xác định lấy “Tư tưởng xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình" làm tư tưởng chỉ đạo, kim chỉ nam hành động.
Ở đây có một số từ khóa, thứ nhất là "Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc". "Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc" được nêu lên ngay khi Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa.
Năm 1982, tại Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vấn đề xây dựng "Chủ nghĩa xã hội có đặc sắc Trung Quốc" đã được đặt ra. Đến năm 2002, tại Đại hội lần thứ 16, bỏ từ "có", viết thành "Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc".
Việc có hay không có từ "có" thể hiện sự thay đổi về chất "có đặc sắc Trung Quốc" nghĩa là còn các yếu tố khác, nhưng "Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc" nghĩa là Chủ nghĩa xã hội Trung Quốc hoàn toàn mang tính đặc thù.
Giữa "Chủ nghĩa xã hội có đặc sắc Trung Quốc" và "Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc" có sự khác nhau. Đại hội lần này xác định Trung Quốc tiếp tục giương cao ngọn cờ Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Từ khóa thứ hai là "Thời đại mới". Năm nay tròn 96 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, 68 năm cầm quyền, 39 năm lãnh đạo cải cách mở cửa.
Các nhà khoa học Trung Quốc chia quá trình thành lập và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc thành 3 thời kỳ: Thời kỳ cách mạng, Thời kỳ xây dựng và Thời kỳ cải cách mở cửa.
Tương ứng với 3 thời kỳ có 3 thế hệ lãnh đạo tiêu biểu. Thế hệ lãnh đạo đầu tiên với Chủ tịch Mao Trạch Đông là đại biểu đã giúp Trung Quốc đứng dậy từ một nước phong kiến nửa thuộc địa. Khi ấy Chủ tịch Mao Trạch Đông tuyên bố nước Trung Quốc đã đứng dậy, xây dựng nước Trung Quốc mới theo con đường Xã hội chủ nghĩa.
Sau đó, đến thời kỳ cải cách mở cửa với các thế hệ lãnh đạo khác nhau do Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào làm đại biểu đã làm cho Trung Quốc giàu lên. Bây giờ đến thế hệ lãnh đạo thứ 5 do ông Tập Cận Bình làm hạt nhân mong muốn chuyển từ Trung Quốc giàu lên sang mạnh lên.
Nội hàm của "Thời đại mới" là như vậy.
Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là ngọn cờ, tức phương tiện, giúp Trung Quốc từ nước giàu thành nước mạnh, với 2 bước đi là cơ bản hoàn thành hiện đại hóa và sau đó trở thành cường quốc hiện đại hóa.
Video: Các thành viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới của Trung Quốc ra mắt
- Đó là đường lối, vậy vấn đề nhân sự cụ thể ra sao ạ?
Trên cơ sở đường lối trên, Trung Quốc sẽ tìm kiếm nhân sự đảm nhận được nhiệm vụ này.
Nhân sự của Đại hội 19 cũng như các đại hội khác, đều những người có trình độ, có tầm nhìn toàn cục, có tầm nhìn lâu dài vì mục tiêu phục hưng Trung Hoa vào giữa thế kỷ này. 376 Ủy viên Trung ương (bao gồm chính thức và dự khuyết) khóa 19 của Đảng Công sản Trung Quốc đều có trình độ đại học trở lên. Tuy nhiên, điểm khác biệt là từ sau Đại hội 16 năm 2002 đến nay, số Ủy viên Trung ương xuất thân từ các ngành khoa học xã hội tăng nhanh.
Các cán bộ chuyên về kinh tế, luật pháp dần có số lượng nhiều hơn cán bộ học khoa học tự nhiên. Có thể nói, điều này thể hiện nhu cầu quản lý kinh tế, xã hội của Trung Quốc hiện nay. Nhu cầu mới hiện nay là quản trị xã hội, quản trị đảng, quản trị đất nước tốt.
Trong các thành viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương và Thường vụ Bộ Chính trị công bố sáng 25/10, nhiều người có trình độ sau đại học, thạc sĩ, nghiên cứu sinh hoặc tiến sỹ.
Nhìn chung thứ nhất họ phải là những người có trình độ cao, thứ hai là phải có tư duy toàn cục, thứ ba là phải có tầm nhìn lâu dài chứ không phải ngắn hạn kiểu tư duy nhiệm kỳ và thứ tư là phải có kinh nghiệm thực tiễn, bề dày hoạt động ở địa phương.
- Còn "Giấc mộng Trung Quốc" về đất nước có môi trường sạch đẹp, người dân có cuộc sống sung túc và hạnh phúc thì sao, thưa giáo sư?
Trước hết phải làm rõ về mặt câu chữ, đây là "Giấc mộng Trung Quốc" hay "Trung Quốc mộng" để thực hiện mục tiêu phục hưng Trung Hoa. Đó là cách nói hình ảnh, được ông Tập nêu ra từ năm 2012.
"Giấc mộng Trung Quốc" thực chất là coi chủ nghĩa dân tộc là một động lực phát triển.
GS.TS Đỗ Tiến Sâm
Sau khi trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại hội 18, ông Tập nêu lên "Giấc mộng Trung Quốc". Các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây cũng đã từng nêu lên nhưng vì các điều kiện khác nhau mà chưa thực hiện được. Giờ đây với vị thế thứ 2 về kinh tế, giấc mộng này đang ngày càng có khả năng trở thành hiện thực.
Ngoài ra, với thời gian 39 năm từ 2012 - 2050, giấc mộng này sẽ có tác dụng thôi thúc thế hệ trẻ vì nó không quá dài. Điều này cũng giúp khích lệ người dân cùng nhau đứng lên xây dựng đất nước biến Trung Quốc trở thành cường quốc số 1 thế giới.
Văn kiện Đại hội 19 còn đề cập đến việc Đảng phải quan tâm thanh niên, yêu mến thanh niên, vì đây là lực lượng sẽ thực hiện "Giấc mộng Trung Quốc". Điều này cũng tạo ra sức khích lệ lớn đối với thế hệ trẻ Trung Quốc.
Theo tôi, việc nêu lên "Giấc mộng Trung Quốc" thực chất là coi chủ nghĩa dân tộc là một động lực phát triển, nhưng chỉ chủ nghĩa dân tộc thôi thì chưa đủ.
- Vậy còn cần thêm yếu tố nào nữa, thưa ông?
Trong báo cáo tại Đại hội 19, ông Tập Cận Bình còn nhấn rất mạnh vào việc xây dựng quốc gia sáng tạo, có thể hiểu ông Tập đang tìm thêm một động lực nữa là sáng tạo.
Hiện nay, khi cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão, nếu không nhanh chóng đón nhận thì sẽ lỡ nhịp. Xây dựng một chính đảng sáng tạo, một quốc gia sáng tạo và sau này đòi hỏi từng đơn vị, từng gia đình, từng con người đều phải sáng tạo.
Nước Mỹ vượt qua được những cuộc khủng hoảng đều nhờ vào sáng tạo. Thể chế của nước Mỹ buộc mọi người từ bé đến lớn phải sáng tạo, không sáng tạo thì không thể tồn tại được ở nước Mỹ.
Bây giờ, Trung Quốc khích lệ xây dựng quốc gia sáng tạo, nếu không sáng tạo Trung Quốc sẽ không thể vươn lên hàng đầu thế giới.
Theo tôi nội dung này khi đi vào cuộc sống nó sẽ góp phần tạo ra khí thế mới, ngoài động lực là chủ nghĩa dân tộc có thêm động lực mới là sáng tạo để hướng đến mục tiêu "Giấc mộng Trung Quốc", phục hưng Trung Hoa.
- Theo giáo sư, trong Ban thường vụ mới ai sẽ là người có ảnh hưởng mạnh nhất với quá trình lãnh đạo của ông Tập Cận Bình trong tương lai?
Trước hết, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn theo nguyên tắc tập trung dân chủ nên 7 thành viên Thường vụ Bộ Chính trị phải là người có tiếng nói đáp ứng được các yêu cầu trên: Có tư duy toàn cục, có tầm nhìn lâu dài, có trình độ học vấn cao, từng trải qua các công tác từ địa phương trở lên, có kinh nghiệm.
Với nguyên tắc "Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách", Đại hội 19, trên cơ sở Hội nghị Trung ương 6 khóa 18 xác lập địa vị hạt nhân lãnh đạo của Tổng bí thư Tập Cận Bình. Về vai trò của hạt nhân lãnh đạo, qua tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu và trao đổi với các nhà khoa học Trung Quốc, hạt nhân lãnh đạo không chỉ là vấn đề đoàn kết, mà là sau khi nghe ý kiến của các ủy viên thường vụ khác ông Tập sẽ có ý kiến cuối cùng và chịu trách nhiệm với quyết định đó.
Việc chịu trách nhiệm ở đây rất quan trọng và có thể ví Tổng bí thư như người nhạc trưởng và tư tưởng mới của ông như gậy chỉ huy dàn nhạc.
Tổng bí thư sẽ quan sát mọi mặt sau đó điều phối, người có địa vị hạt nhân lãnh đạo về mặt chính trị như người thủ lĩnh chính trị, còn về mặt dân sự thì như người nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc.
Video: Ông Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ không nao núng trong chống tham nhũng
- "Tư tưởng Tập Cận Bình" với hình tượng chiếc gậy của nhạc trưởng được hiểu ra sao, thưa giáo sư?
Văn kiện Đại hội 19 đã chính thức xác định địa vị hạt nhân lãnh đạo là ông Tập Cận Bình và chỉ nam hành động là "Tư tưởng XHCN đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình".
Giao cho ông Tập vai trò hạt nhân lãnh đạo mà không có tư tưởng là điều không thể, ông Tập không thể lãnh đạo bằng tư tưởng của người khác, cũng như người nhạc trưởng không thể mượn gậy người khác để chỉ huy dàn nhạc của mình.
Do đó không phải ngẫu nhiên mà Đại hội 19 vừa tiếp tục xác lập địa vị hạt nhân lãnh đạo của ông Tập Cận Bình vừa xác lập tư tưởng của ông Tập. Điều này sẽ tạo điều kiện cho ông Tập chủ động hơn trong quyết định của mình, chịu trách nhiệm trước quyết định của mình trong việc phát triển đất nước.
- Vậy tại sao Trung Quốc lại đưa ra quan điểm này trong giai đoạn hiện nay?
Phải nói rằng, cải cách mở cửa của Trung Quốc trải qua 39 năm đã đạt được nhiều thành tựu, Trung Quốc trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới. Nhưng cải cách ở Trung Quốc cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Các nhà khoa học Trung Quốc và bản thân Tổng bí thư Tập Cận Bình cũng nói “thế tình” tức tình hình thế giới, “quốc tình” tức tình hình đất nước, “đảng tình” tức tình hình của Đảng đang có những biến đổi mới ,sâu sắc, thậm chí trước nay chưa từng có.
Về tình hình cải cách mở cửa, qua 39 năm ĐCS Trung Quốc như con thuyền ở giữa dòng, sóng cũng to mà gió cũng lớn. Sóng ở đây là những yêu cầu đòi hỏi của người dân, còn gió ở đây là những sức ép từ bên ngoài. Sóng to mà gặp gió lớn thì thuyền sẽ lật.
Tiếp đến, cải cách mở cửa đang ở vùng nước sâu, không thể vừa đi vừa dò đường như giai đoạn đầu. Trung Quốc đang ở thời kỳ "công kiên", khi các tập đoàn lợi ích đã hình thành, văn hóa Trung Quốc là văn hóa tông tộc tức dòng họ, các tập đoàn lợi ích gắn bó với tập đoàn gia tộc đã làm cản trở các biện pháp cải cách.
Nếu muốn đột phá vào khu vực này, phải có các giải pháp mạnh. Tập đoàn lợi ích và tập đoàn gia tộc gắn bó chặt chẽ với nhau, "công kiên" nghĩa là như vậy, cần phải có những giải pháp mạnh mới giải quyết được.
Có thể nói đó là đặc trưng của giai đoạn lịch sử mới của Trung Quốc. Thời kỳ lịch sử mới, giai đoạn phát triển mới, muốn đi lên phía trước và thực hiện mục tiêu "Giấc mộng Trung Quốc", biến Trung Quốc thành cường quốc hiện đại hóa vào giữa thế kỷ 21 phải làm những việc như vậy.
Theo tôi, mặc dù Thường vụ Bộ Chính trị là 7 người nhưng Đại hội xác định vị trí hạt nhân lãnh đạo của Tổng bí thư Tập Cận Bình, đồng thời đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình" vào điều lệ Đảng như cấp cho ông Tập chiếc gậy điều khiển dàn nhạc.
Đó là đặc trưng của thiết chế lãnh đạo mới hiện nay ở Trung Quốc.
- Trong nhiệm kỳ trước, ông Vương Kỳ Sơn được đánh giá là người có vai trò rất quan trọng trong hoạt động chống tham nhũng của Trung Quốc, sau Đại hội 19 ông Vương Kỳ Sơn sẽ có người thay thế, điều này ảnh hưởng thế nào đến cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc?
Chống tham nhũng ở Trung Quốc là quyết tâm chính trị không chỉ của ông Tập Cận Bình mà còn là cả hệ thống chính trị của Trung Quốc, được người dân đồng tình ủng hộ. Hiện nay vấn đề tham nhũng là một trong những vấn đề người dân quan tâm nhất, trực tiếp nhất và thiết thực nhất.
Vì vậy, sau Đại hội 19, dù người đảm nhận nhiệm vụ thay ông Vương Kỳ Sơn là ai, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn tiếp tục vì đây là quyết tâm chính trị.
Trung Quốc gọi là trừng trị tham nhũng bởi tham nhũng hiện nay không còn là vấn đề nhỏ, rời rạc, lẻ tẻ mà nó mang tính chất hệ thống.
Vấn đề đầu tiên hiện nay là trừng trị quan tham, khiến những kẻ bị phát hiện, tố giác sẽ bị khuynh gia bại sản, thân bại danh liệt.
Trong diễn văn trước Đại hội 19 của ông Tập Cận Bình có câu: "Dù tham nhũng có chạy đến đâu cũng bắt về quy án". Đây là phát biểu gây được xúc động và tăng thêm quyết tâm trừng trị tham nhũng của Đảng.
Nội dung thứ hai là hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật cả về mặt Đảng và Nhà nước để các phần tử tham nhũng không thể hành động. Với việc trừng trị nghiêm khắc và hệ thống pháp luật, điều lệ Đảng hoàn thiện, các tham quan sẽ không dám và không thể tham nhũng.
Nội dung thứ ba là nâng cao đời sống của cán bộ công chức để họ không cần tham nhũng vẫn đủ sống, tuy nhiên đây là việc lâu dài .
Ba nội dung này đã được thực hiện rất tốt trong Đại hội 18 dưới sự chỉ đạo của ông Tập Cận Bình và sự hỗ trợ rất tốt của ông Vương Kỳ Sơn.
Ông Vương Kỳ Sơn từng giúp Chủ tịch Tập Cận Bình rất nhiều trong quá trình chống tham nhũng ở Trung Quốc.
Trước đây, ngoài yếu tố quyết tâm chưa cao, cách chống tham nhũng nhằm trực tiếp vào tham quan vốn nắm rất rõ luật pháp nên phần nào còn phải hạn chế.
Nhưng với Vương Kỳ Sơn, ông đã sáng tạo ra phương pháp điều tra tham nhũng từ các gian thương, thành phần thường câu kết với quan tham để trục lợi. Không nắm rõ luật và tìm cách lách luật như quan tham, gian thương thường tìm cách lưu lại mọi bằng chứng đưa hối lộ và đây là lời giải cho các vụ án tham nhũng.
Bên cạnh đó, việc khuyến khích người dân tố giác tham nhũng, đúng thì được thưởng, sai không bị truy cứu, cũng góp phần nâng cao quyết tâm chống tệ nạn này trong nhân dân.
Với dân số 1,3 tỷ người, việc thu hút được sự quan tâm của người dân giúp cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc có được hệ thống tai mắt ở khắp nơi, đủ sức răn đe với những kẻ hòng âm mưu trục lợi.
Trung Quốc chống tham nhũng và không sợ mất cán bộ, thứ nhất là có nguồn nhân lực dồi dào, thứ hai là loại bỏ những phần tử suy thoái nên không cần phải nuối tiếc.
Tuy nhiên, ngoài quan tham và gian thương, Trung Quốc hiện này còn tập trung vào việc thanh lọc lực lượng an ninh nội địa, những người có thể nắm cả gian thương và quan tham trong tay. Lực lượng này cần được làm trong sạch trong quá trình chống tham nhũng, cũng góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng.
Vì vậy có thể nói rằng, chống tham nhũng là việc làm lâu dài, từ cao xuống thấp. Dù ai thay thế ông Vương Kỳ Sơn, quyết tâm này của Trung Quốc vẫn sẽ không thay đổi.
- Vậy theo giáo sư, những thay đổi sau Đại hội 19 sẽ tác động thế nào đến sáng kiến "Vành đai, con đường" của ông Tập Cận Bình và sáng kiến này có được tiếp tục thực hiện sau khi ông Tập Cận Bình không còn làm Chủ tịch Trung Quốc nữa hay không?
Trước hết, "Một vành đai, một con đường" gọi là sáng kiến về mặt đối ngoại. Thực tế, Trung Quốc coi đây là một trong ba chiến lược lớn hay "Tam đại chiến lược", bao gồm Chiến lược phát triển Vành đai kinh tế Trường Giang, Chiến lược phát triển hài hòa giữa Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc và Chiến lược một vành đai, một con đường.
Sáng kiến này do ông Tập Cận Bình nêu ra nhưng nó thể hiện tầm nhìn toàn cầu và lâu dài.
Vành đai kinh tế trên đất liền, thực chất là Trung Quốc muốn gia tăng ảnh hưởng trên đất liền, còn gọi là "lục quyền". Lâu nay Mỹ và phương Tây bỏ qua, ít đầu tư cơ sở hạ tầng trên đất liền và sáng kiến này góp phần kết nối các nền kinh tế thông qua vành đai .
Còn "hải quyền", tức quyền lực trên biển, thông qua con đường tơ lụa trên biển cũng góp phần kết nối các châu lục như châu Á, châu Phi, châu Âu và thậm chí sang cả châu Mỹ.
Khi đã là tầm nhìn lâu dài mang tính chất toàn cầu như vậy, thì sau khi ông Tập Cận Bình về hưu, những thế hệ khác vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy sáng kiến này.
Sáng kiến này dùng kinh tế gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở bên ngoài, phá thế bao vây kiềm chế của Mỹ, cạnh tranh với Mỹ và phương Tây trên cả đất liền và trên biển.
"Một vành đai, một con đường" còn là sự giao lưu về văn hóa, giao lưu về kinh tế, khi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang trỗi dậy cũng là thời cơ để Trung Quốc triển khai chiến lược này.
Trong thường vụ Bộ Chính trị mới có 7 người thì vấn đề này chủ yếu tập trung vào vị trí thủ tướng vì là người thực hiện và ông Lý Khắc Cường không có lý do gì để ngừng phát triển sáng kiến này.
Ngoài ra, ông Tập Cận Bình là vị trí hạt nhân và ông Lý Khắc Cường từng kêu gọi phải xác lập ý thức hạt nhân. Vì vậy, theo tôi, cho dù sau này ông Tập Cận Bình có nghỉ hưu thì sáng kiến này vẫn tiếp tục được thực hiện.
- Thưa giáo sư, các mục tiêu kinh tế và quân sự Trung Quốc đưa ra trong Đại hội 19 sẽ ảnh hưởng gì đến cục diện của thế giới trong tương lai?
Ngoài kinh tế, hướng tới thực hiện mục tiêu "Giấc mộng Trung Quốc" hiện đại hóa vào giữa thế kỷ, trong văn kiện Đại hội 19 còn đặt vấn đề xây dựng quân đội Trung Quốc thành quân đội hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ 21 và được chia làm nhiều giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất, đến năm 2020 cơ bản hoàn thành cơ giới hóa, thông tin hóa. Giai đoạn hai, đến năm 2035 tiếp tục phát triển các binh chủng, quân chủng theo hướng cơ bản hiện đại. Giai đoạn cuối cùng, đến năm 2050 trở thành quân đội hàng đầu thế giới. Đây là những mục tiêu rất lớn.
Trong quan hệ quốc tế, khi tương quan lực lượng thay đổi, cục diện thế giới sẽ thay đổi.
Theo dự đoán của tôi, sau Đại hội 19, Trung Quốc sẽ tập trung vào xây dựng Đảng, quản trị Đảng, tiếp theo là xây dựng quân đội và xây dựng kinh tế để đạt mục tiêu hiện đại hóa.
GS.TS Đỗ Tiến Sâm
Dù mới vươn lên vị trí thứ 2 nhưng đóng góp của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế thế giới đã lên đến 30%. Nếu Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế, đóng góp của nước này với phát triển kinh tế thế giới sẽ ngày càng tăng.
Với xu hướng phát triển mở cửa, tạo điều kiện cho nước ngoài tham gia thị trường, các nước đang phát triển dựa nhiều vào xuất khẩu sẽ có thêm cơ hội ở Trung Quốc.
Với đặc điểm nhu cầu thị trường đa dạng, Trung Quốc có thể chấp nhận nhiều mặt hàng từ sản phẩm thấp cấp đến cao cấp. Nhu cầu này với con số 1,3 tỷ dân sẽ biến Trung Quốc thành thị trường có sức hấp dẫn rất lớn.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang đứng trước rất nhiều thách thức an ninh. Vấn đề an ninh nội địa với các loại chủ nghĩa ly khai dân tộc, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa khủng bố buộc phải có một lực lượng mạnh đủ sức răn đe.
Thêm vào đó, an ninh bên ngoài cũng có nhiều điểm nóng buộc Trung Quốc phải củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng.
Theo dự đoán của tôi, sau Đại hội 19, Trung Quốc sẽ tập trung vào xây dựng Đảng, quản trị Đảng. Tiếp theo là xây dựng quân đội và xây dựng kinh tế để đạt mục tiêu hiện đại hóa. Đây là 3 trụ cột của Trung Quốc trong thời gian tới.
Quản trị Đảng nghiêm minh toàn diện để Đảng đủ sức đảm nhận vai trò hạt nhân lãnh đạo. Kinh tế phát phát triển làm nền tảng cho sự cầm quyền lâu dài của Đảng. Quân đội mạnh để đảm bảo an ninh nội địa và có khả năng răn đe.
Hiện nay, Trung Quốc đã đứng thứ 2 thế giới về kinh tế nhưng về quân sự cần có thời gian và quá trình. Đến giữa thế kỷ 21 nếu trở thành cường quốc, vị thế của Bắc Kinh sẽ có sự thay đổi trên trường quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN TIẾN - TÙNG ĐINH (Thực hiện)
Theo VTC.VN