Thúc đẩy trái phiếu doanh nghiệp phát triển; Nhiều quan chức Fed lo lắng về lạm phát, kêu gọi ngừng tăng lãi suất; Cà chua, kẻ thù mới trong cuộc chiến chống lạm phát ở Ấn Độ; Chuyến tàu dầu thô đầu tiên của Mỹ đến Ấn Độ sau 40 năm cấm vận
Tin kinh tế đọc nhanh 23-06-2017
- Cập nhật : 23/06/2017
Malaysia sẽ công khai giá bán lẻ dược phẩm
Theo đề xuất của chính phủ Malaysia, tất cả hãng dược phải in giá bán lẻ trên bao bì nhằm ngăn chặn các nhà bán lẻ và hiệu thuốc tăng giá bất hợp lý gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đề xuất này là một phần trong dự luật kinh doanh dược phẩm của Malaysia.
Tất cả hãng dược đăng ký giá bán lẻ với Bộ Y tế, sau đó sẽ được nhập vào cơ sở dữ liệu và công bố trên website chính phủ để người dân tham khảo, đối chiếu.
“Hiện cơ sở dữ liệu của chính phủ đang lưu giữ danh mục khoảng 23.000 loại thuốc, nhưng không có giá. Chính phủ cũng đề xuất phạt bất kỳ hãng dược không đăng ký giá bán lẻ”, tờ The Star dẫn lời Giám đốc Cơ quan phụ trách về dược phẩm thuộc Bộ Y tế, bà Salmah Bahri cho biết.
“Đề xuất sẽ làm minh bạch hóa giá bán lẻ dược phẩm, giúp ổn định giá thuốc. Nhưng nếu nhà bán lẻ muốn bán rẻ hơn giá in trên bao bì thì không vấn đề gì”, quan chức cấp cao Bộ Y tế Jeyaindran Sinnadurai cho hay. “Nhiều quốc gia như Ấn Độ và Úc đã thực hiện minh bạch giá dược phẩm. Malaysia đang nỗ lực đi theo xu hướng này”, ông Jeyaindran lưu ý.
Bảo vệ bệnh nhân
Nhiều hiệp hội ở Malaysia cho rằng dự luật nếu được quốc hội thông qua sẽ giúp bảo vệ quyền lợi cho bệnh nhân và ngăn chặn tình trạng giá thuốc bị đẩy lên cao. Phó chủ tịch Hiệp hội Người hành nghề y Malaysia, ông Raj Kumar Maharajah cho biết: “Đề xuất này áp dụng đối với thuốc bán trong bệnh viện. Công khai giá bán lẻ có lợi cho bệnh nhân”.
Ông Raj Kumar đồng thời chỉ ra một số vướng mắc, chẳng hạn liệu Bộ Y tế có thể đảm bảo danh sách giá thuốc luôn cập nhật, chính xác và bệnh nhân chuyển sang tập trung quá nhiều vào giá cả hơn là chất lượng thuốc. “Bác sĩ kê toa thuốc dựa trên đánh giá về bệnh án và giá cả sao cho phù hợp với bệnh nhân. Trong một số trường hợp, họ buộc phải kê toa thuốc giá cao nhưng chất lượng tốt, an toàn cho bệnh nhân và ít tác dụng phụ. Một khi chính phủ công khai giá thuốc, bệnh nhân có thể chỉ muốn dùng loại thuốc rẻ nhất. Thuốc rẻ chưa chắc hiệu quả và có chất lượng tốt”, ông Raj Kumar nói.
Bình luận về vấn đề này, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Malaysia, ông Mohd Yusof Abdul Rahman lưu ý bệnh nhân có quyền lựa chọn dược phẩm phù hợp khả năng tài chính. Nhưng đối với người bị bệnh mãn tính như tiểu đường hay cao huyết áp, ông Mohd cho rằng họ được điều trị bằng thuốc kê toa của bệnh viện nên sẽ phải tư vấn với bác sĩ trước khi chọn thuốc rẻ hơn bên ngoài.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Mohamed Azmi Hassali thuộc Đại học Khoa học Malaysia, hệ thống y tế Malaysia bao gồm hai khối nhà nước và tư nhân. “Chính phủ Malaysia lâu nay thả nổi giá thuốc theo thị trường nhằm thúc đẩy cạnh tranh. Trong khối nhà nước, tức bao gồm hệ thống bệnh viện và nhà thuốc công, Bộ Y tế áp dụng một số biện pháp kiểm soát giá thuốc. Nhưng ở khối tư nhân, các nhà bán lẻ và bệnh viện tư thường phớt lờ giá bán lẻ do Bộ Y tế đề xuất”, tiến sĩ Mohamed cho hay.
Chính vì thế, Bộ Y tế sẽ sớm tổ chức cuộc họp với Cục Quản lý dược phẩm quốc gia cùng các hãng dược để lấy ý kiến về dự luật. Bộ trưởng Y tế S.Subramaniam cho biết một loại thuốc cùng công dụng nhưng mỗi hãng dược ra giá bán lẻ khác nhau, nên chính phủ phải thiết lập một cơ chế niêm yết giá trước khi công khai dữ liệu. “Chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận để tìm ra một cơ chế phù hợp nhằm đảm bảo bệnh nhân mua thuốc chất lượng tốt với giá cả phù hợp nhất, tránh tình trạng đội giá”, ông Subramaniam cho biết thêm. (Thanhnien)
----------------------
APEC sẽ tập trung bàn về toàn cầu hóa
Sự kiện tại Việt Nam cuối năm nay diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt là ở nhiều nước lớn.
Tại buổi họp báo chiều 21/6, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tháng 11 năm nay tại Việt Nam sẽ rất khác so với các năm trước. Vì nó diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên toàn cầu, thể hiện qua các sự kiện như Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu và kế hoạch "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump.
Ông nhận xét quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra một cách "ngập ngừng", do nhiều nước thay đổi quan điểm về việc này. Họ cho rằng nó đang tạo ra sự bất bình đẳng, gây bất lợi cho việc làm và thu nhập của người dân.
Tuy nhiên, ông Lộc đánh giá hội nhập vẫn là xu hướng hiện nay và đang dần thay đổi. Vì vậy, các lãnh đạo APEC sẽ bàn bạc về toàn cầu hóa bao trùm – các bên đều có lợi, toàn cầu hóa mới – tập trung vào dịch vụ thay vì chỉ sản xuất và toàn cầu hóa mềm – trên tinh thần tự nguyện.
Lãnh đạo VCCI cho rằng "Việt Nam là điển hình thành công của toàn cầu hóa". Việt Nam có quan điểm ủng hộ hội nhập, nền kinh tế có độ mở cao, tăng trưởng tốt và sở hữu rất nhiều hiệp định thương mại tự do.
Dù vậy, thách thức với Việt Nam hiện tại là tình trạng "một nền kinh tế, hai tốc độ", khi khu vực FDI không kết nối được với doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, giá trị gia tăng của nền kinh tế cũng không lớn, khi tại rất nhiều ngành hàng, "để tạo ra 10 đồng xuất khẩu, Việt Nam phải nhập khẩu đến 9 đồng". Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không tham gia được vào nền kinh tế toàn cầu. Ông cho rằng đó là mặt trái của toàn cầu hóa.
Vì vậy, ông Lộc kỳ vọng APEC sẽ giúp Việt Nam tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn, tăng trưởng tốt hơn. Hiện các nước APEC chiếm khoảng 70% quan hệ kinh tế đối ngoại với Việt Nam. Trong Tuần lễ cấp cao APEC cuối năm nay, nhiều sự kiện kết nối sẽ được tổ chức, với sự góp mặt của 800-1.000 doanh nghiệp, cả Việt Nam và thế giới.
Cũng tại buổi họp báo, ông Hoàng Văn Dũng – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) năm nay đã thông báo kết quả kỳ họp lần 2 của ABAC tại Hàn Quốc. Theo đó, các đại biểu tham gia đã đồng ý thúc đẩy thương mại tự do, tăng cường kết nối trong khu vực, phát triển bao trùm, hỗ trợ doanh nghiệp vừa - nhỏ - siêu nhỏ và phát triển bền vững, an ninh lương thực và an ninh năng lượng. (Vnexpress)
--------------------------------------
Jack Ma: 30 năm tới, con người sẽ chỉ làm 4 giờ một ngày
Bên lề hội thảo Gateway '17 của Alibaba tại Detroit (Mỹ) hôm qua, Jack Ma dự báo rằng với tự động hóa, trong 3 thập kỷ tới, con người sẽ chỉ làm 4 giờ một ngày và có thể 4 ngày mỗi tuần. "Ông tôi đã làm 16 tiếng một ngày trên đồng và nghĩ rằng ông ấy rất bận rộn. Chúng ta thì làm 8 giờ một ngày, 5 ngày một tuần và cũng nghĩ là mình rất bận rộn".
Đây cũng là điều nhà kinh tế học nổi tiếng - John Maynard Keynes từng dự báo năm 1930. Ông nói rằng 100 năm tới, tuần làm việc sẽ ngắn hơn nhiều, khoảng 15 giờ mỗi tuần, do máy móc sẽ thay thế công việc của con người.
Jack Ma tại hội thảo Gateway '17. Ảnh: Alizila
Cũng trong hội thảo, Jack Ma cho rằng trí tuệ nhân tạo có thể châm ngòi cho Đại chiến Thế giới III. "Cuộc cách mạng công nghệ đầu tiên đã dẫn đến Đại chiến I. Cuộc cách mạng lần thứ 2 gây ra Đại chiến 2. Và hiện tại là cuộc cách mạng lần thứ 3", ông nói.
Tuy nhiên, con người sẽ chiến thắng trí tuệ nhân tạo. Vì máy móc không bao giờ có trí tuệ và kinh nghiệm như loài người.
"Trí tuệ đến từ trái tim. Sự thông minh của máy móc thì đến từ bộ não. Anh có thể bắt máy móc học thêm kiến thức mới. Tuy nhiên, nó rất khó có được trái tim như con người", ông nói.
Mục tiêu của trí tuệ nhân tạo là khiến máy móc làm những việc con người không thể làm, thay vì khiến chúng giống như con người, Ma cho biết. Vì thế, dù "máy móc có sức mạnh rất lớn, con người vẫn sẽ vượt qua được trí tuệ nhân tạo".(Vnexpress)
----------------------------
Đan Mạch mạnh tay với hoạt động rửa tiền
Theo Russia Today, cuộc điều tra Hồ sơ Panama năm ngoái tiết lộ khoảng 500 ngân hàng toàn cầu có thể giúp hành vi trốn thuế bằng cách hỗ trợ khách hàng tạo ra nhiều doanh nghiệp ở những thiên đường thuế. Chính phủ các nước sau đó thắt chặt yêu cầu báo cáo giao dịch xuyên biên giới đối với giới ngân hàng như một phần của nỗ lực chống nạn rửa tiền.
“Chúng tôi không chấp nhận hành vi này ở Đan Mạch”, Bộ trưởng Kinh doanh Brian Mikkelsen cho biết trên kênh TV2 sau khi đạt được thỏa thuận với đại diện liên minh cầm quyền và phe đối lập. Ông Mikkelsen cho hay Bộ Tư pháp Đan Mạch sẽ đảm bảo rằng nhân viên ngành tài chính tham gia rửa tiền “không chỉ mất việc mà còn đối mặt án tù tương đối dài”.
Theo Bộ Kinh doanh, luật mới tăng án phạt tối đa dành cho tội rửa tiền từ 6 lên 8 năm tù giam, tăng tiền phạt và thêm quyền cho nhà chức trách để họ hủy bỏ giấy phép ngân hàng của các nhà băng phạm tội nhiều lần. Các nhà quản lý ngân hàng được yêu cầu ngừng rửa tiền. Thành viên hội đồng quản trị giám sát công ty phạm luật cũng sẽ bị phạt nếu không can thiệp.
Nhiều ngân hàng lớn nhất hoạt động ở Đan Mạch, trong đó có Danske Bank và nhà băng ở Đan Mạch của Nordea Bank, cũng bị giới chức cảnh báo về hoạt động rửa tiền và đưa lời khuyên xấu cho khách hàng. Nordea Bank là ngân hàng Thụy Điển có dính vào bê bối Hồ sơ Panama hồi tháng 7.2016. Nhà băng đã chặn 68 tài khoản ngân hàng đáng ngờ sau cuộc điều tra trên.(Thanhnien)