Cuộc chiến này không chỉ để đạt được thương mại tự do mà còn để chống lại làn sóng bảo hộ đang lên.
Mỹ mách Nga toan tính của Trung Quốc
- Cập nhật : 07/11/2017
Người Mỹ chỉ ra tham vọng của Trung Quốc và mưu đồ đưa Nga trở thành cường quốc số hai tại chính khu vực lợi thế của Moscow.
Hạ bệ nước Nga
Theo tờ The New York Times của Mỹ, sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc là một sáng kiến đầy tham vọng và có thể đẩy Nga trở thành “cường quốc số hai” trong khu vực.
Sáng kiến này, còn được biết đến với tên gọi “Con đường Tơ lụa mới”, thực chất là một chiến dịch “đặt tên” cho hệ thống cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đã xây dựng, nối quốc gia này với các nước Trung Á giàu năng lượng và vốn nằm dưới sự kiểm soát của Liên Xô trước kia.
Còn ở phía Tây, Bắc Kinh muốn thiết lập một liên minh thực chất với Iran, nước vốn đóng vai trò là điểm tựa cho khu vực Trung Đông và Trung Á nhờ vị trí địa chiến lược, quy mô dân số của Tehran.
Theo tờ báo Mỹ, mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc là thống trị toàn bộ khu vực Âu-Á, tức “hạ cấp” Nga trở thành một cường quốc số hai trong khu vực.
Trong khi đó, Trung Quốc đang chế ngự Nga ở Trung Á. Trong vòng 10 năm qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã trở thành “tay chơi” năng lượng chính của khu vực này. Tiền của Trung Quốc cũng đang “ve vãn” Trung Á cho các dự án xây dựng mạng lưới điện và cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, nhằm thay đổi diện mạo và tạo nên xương sống cho sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Liên minh Kinh tế Á-Âu, gồm Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan và Kyrgyzstan, được thành lập năm 2014 nhằm đối trọng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Âu-Á.
Nga không chỉ đang mất dần vị thế so với Trung Quốc ở khu vực Viễn Đông và Trung Á mà còn cả ở châu Âu. Báo Mỹ cho rằng trong khi Nga có quan hệ căng thẳng với các nước thuộc Liên Xô trước đây ở khu vực Baltic và Biển Đen thì Trung Quốc đã tăng cường mối quan hệ thương mại với toàn châu Âu.
Bên cạnh đó, sự thay đổi chính sách trong vấn đề tự do thương mại của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, cùng với thái độ mập mờ nước đôi về bảo vệ các đồng minh châu Âu, đã tạo khoảng trống cơ hội cho Bắc Kinh ở châu Âu, giúp Trung Quốc củng cố sức mạnh để hoàn thiện “tuyến cuối” cho sáng kiến “Vành đai và Con đường” ở phương Tây.
Nga và Trung Quốc thường xuyên tiến hành tập trận chung, trong đó có cả cuộc tập trận hải quân trên Baltic khiến Mỹ bất an
Những gì Trung Quốc đạt được sẽ không chỉ làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Âu mà còn làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Nga ở khu vực này.
Ví dụ, Hy Lạp, do căng thẳng với Liên minh châu Âu, đáng lẽ sẽ tiến gần hơn trong quan hệ với Nga. Tuy nhiên, Hy Lạp lại rơi vào “vòng tay” kinh tế của Bắc Kinh do cảng Piraeus trở thành một điểm cuối ở khu vực phương Tây trong hệ thống cơ sở hạ tầng của kế hoạch “Con đường Tơ lụa mới”.
Một minh chứng khác là Trung Quốc cũng đang giành giật các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở hạ tầng năng lượng khác ở Bulgaria, Romania, Ba Lan và Cộng hòa Czech.
Tờ báo Mỹ cũng chê bai rằng việc tự ép buộc vào vị thế chống phương Tây của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho thấy “tầm nhìn thiếu chiến lược” của ông Putin trong bối cảnh nền kinh tế Nga gặp khó khăn.
Ngư ông và chiêu bài cũ
Quan hệ Trung-Nga được nhắc đến là mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”, trong đó, Nga cung cấp dầu cho Trung Quốc và hai nước thường tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung.
Tuy nhiên, quan hệ thương mại lại trong tình trạng thâm hụt theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Ngoài ra, Moscow cũng bán vũ khí cho các đối địch của Bắc Kinh.
Với những “phân tích sâu” (theo cách nói của The New York Times - ND) về thực tế địa chính trị trên cho thấy Nga và Trung Quốc sẽ chỉ là đồng minh vẻ bên ngoài.
Trong mối quan hệ đối địch “thầm lặng” giữa Nga và Trung Quốc như vậy thì Mỹ được xem là “ngư ông đắc lợi”. Vì sự cạnh tranh Nga-Trung, vốn chủ yếu bị chi phối bởi yếu tố gần gũi về mặt địa lý, và theo đó cuộc cạnh tranh này sẽ còn kéo dài, nên Mỹ sẽ có nhiều khả năng hơn để chi phối tình hình, tỏ thái độ cứng rắn hoặc mềm dẻo đối với từng bên tùy thuộc vào từng tình huống nhất định.
Washington chỉ cần ngăn cản Trung Quốc chiếm vị trí thống trị bán cầu Đông như ở mức độ tương tự mà Bắc Kinh đã thống trị bán cầu Tây. Tuy nhiên, Mỹ cần làm điều này mà không “bán rẻ” Trung Âu và các khu vực của Trung Đông cho Nga.
Theo tờ báo Mỹ, giải pháp cho vấn đề hóc búa này nằm bên ngoài những lợi ích địa chính trị của Washington. Đó là vì Mỹ không hề có tham vọng lãnh thổ nào ở Âu-Á, khu vực mà người Mỹ không bị nhìn nhận với thái độ hoài nghi bởi người dân địa phương như cách mà họ nhìn nhận Trung Quốc và Nga.
Với luận điểm này, người Mỹ vẫn dựa vào những “chiêu” cũ khi The New York Times đề xuất “bằng cách không ngừng thúc đẩy tự do thương mại, nhân quyền và mô hình xã hội dân sự”, Mỹ sẽ giành được sự tín nhiệm với những nước đang trải qua những thay đổi xã hội nhanh chóng ở khu vực này.
Đây được cho là cách Washington xâm nhập khu vực Âu-Á mà không phải hành xử một cách thô thiển như kiểu dùng cường quốc này để “hạ bệ” cường quốc khác tại thời điểm mà sự đối đầu Trung-Nga mang tính khó nắm bắt hơn so với thời của Tổng thống Nixon.
Ngược lại, theo The New York Times, nếu Mỹ tiếp tục duy trì một chương trình nghị sự mang tính chất dân tộc - dân túy vốn giới hạn những lợi ích của Washington đối với khu vực Bắc Mỹ thì điều này sẽ “gạt Mỹ ra khỏi lề” của các khu vực khác trên thế giới.
Những nhận định của tờ báo Mỹ không phải hoàn toàn phi lý, nhưng với kết luận trên, rõ ràng Washington có lẽ là bên đang lo lắng hơn. Họ vừa lo bị Trung Quốc đánh bật khỏi cả châu Âu, Trung Á và Trung Đông bằng sức mạnh kinh tế, vừa lo liên minh Nga-Trung ngày càng bền chặt.
Với việc thể hiện lòng tốt khi "mách nước" Nga, Mỹ đang sử dụng chiến lược cũ từng giúp họ thành công là chia rẽ Nga với Trung Quốc.
Đông Triều
Theo Baodatviet.vn