tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Việt Nam nên lưu ý điều gì qua phát biểu của 2 ông Donald Trump và Tập Cận Bình?

  • Cập nhật : 14/11/2017

Với Việt Nam, phát biểu này của Tổng thống Donald Trump có ý nghĩa gợi mở rất lớn về cách tiếp cận "xu thế không thể đảo ngược" mà Chủ tịch Tập Cận Bình nêu.

Chiều này 10/11/2017, tại Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit) tại Đà Nẵng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng.

Đại diện của 2 nền kinh tế lớn thứ nhất, thứ 2 thế giới đã đưa ra quan điểm chính thức, chiến lược cụ thể của mình đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Do đó 2 bài phát biểu này có thể hàm chứa nhiều nội dung quan trọng mà chúng ta, một thành viên APEC và đối tác của cả 2 nước, cần nghiên cứu thấu đáo.

Chúng tôi xin chia sẻ một số bình luận, góc nhìn của mình cùng quý bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về những gì chúng ta cần lưu ý và học hỏi.

Xu thế toàn cầu hóa và Tổ quốc trên hết 

Cả hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc đều khẳng định về tầm quan trọng của tự do thương mại và hợp tác quốc tế, nhưng cách tiếp cận của mỗi người có sự khác biệt.

Tổng thống Donald Trump khẳng định:

"Tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên hàng đầu, như cách mà tôi mong muốn tất cả các bạn trong hội trường này đặt Tổ quốc mình lên trên hết."

Đây cũng chính là điều ông đã nhắc đến trong diễn văn nhậm chức của mình. 

Điều đó cho thấy về tư duy chiến lược, nhà lãnh đạo này thực sự nhất quán, nhưng chiến thuật thì rất linh hoạt để tối đa hóa lợi ích cho quốc gia mình.

tien si tran cong truc, anh do tac gia cung cap.

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định:

"Trong vài thập kỷ trở lại đây, toàn cầu hóa kinh tế có những đóng góp rất lớn cho phát triển toàn cầu. Và đây là xu thế không thể đảo ngược. 

Toàn cầu hóa cũng phải đối mặt với những điều chỉnh mới cả về dạng thức cũng như về bản chất. 

Trong quá trình theo đuổi toàn cầu hóa, chúng ta cần làm sao để quá trình này mở hơn, bao trùm hơn, cân bằng hơn, mang lại lợi ích, sự bình đẳng hơn có lợi cho tất cả mọi người."

Chúng tôi cho rằng thông điệp này đặc biệt có ý nghĩa với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, nhất là Việt Nam chúng ta đang nằm trong vòng cạnh tranh ảnh hưởng của các siêu cường.

2 lần nhấn mạnh thông điệp Tổ quốc là trên hết của ngài Donald Trump khiến chúng tôi phải trăn trở nhìn lại:

Phải chăng lâu nay người ta đã quen với lối sống dựa dẫm, ỷ lại, trong các liên minh, khối kinh tế, thị trường chung, trong các tổ chức, hiệp hội, cộng đồng mọc lên “như nấm” sau Chiến tranh Thế giới II và suốt cả thời kỳ Chiến tranh Lạnh mà sao nhãng tinh thần độc lập, tự cường?

Phải chăng "thế giới phẳng" có thể xóa nhòa biên giới, chủ quyền quốc gia, văn hóa dân tộc?

Chính bởi nếp nghĩ ấy, quán tính tư duy ấy nên không ít người bất ngờ khi Anh rời khỏi EU, hay ngài Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi TPP với khẩu hiệu tranh cử: nước Mỹ trên hết!

Chúng tôi không ngạc nhiên vì hiện tượng đó. Bởi lẽ, đó là diễn biến logic của đời sống kinh tế, xã hội loài người đang trong tình trạng có sự chênh lệch quá lớn;

Điều này khiến cho lực lượng sản xuất xã hội tụt hậu so với quan hệ sản xuất mới được hình thành không hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển của các phương thức sản xuất, nếu xét theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Vì vậy đối với Việt Nam, phát biểu này của Tổng thống Donald Trump có ý nghĩa gợi mở rất lớn về cách tiếp cận "xu thế không thể đảo ngược" mà Chủ tịch Tập Cận Bình nêu ra, hay sự công bằng trong thương mại mà ngài Tổng thống Mỹ đề xướng;

Đó là phải giữ cho được độc lập ngay từ trong tư duy, suy nghĩ và luôn đặt Tổ quốc lên trên hết trong mọi quan hệ bang giao, hợp tác.

Chúng tôi hoan nghênh và đặc biệt chia sẻ về những lời phát biểu thẳng thắn, rõ ràng và đầy tâm huyết của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch nước Tập Cận Bình.

Cả 2 ông dường như đều có chung mục tiêu là mong muốn thúc đẩy nền kinh tế vì lợi ích chung của khu vực, mang lại lợi ích, sự bình đẳng hơn có lợi cho tất cả mọi người. 

Hợp tác bình đẳng, cùng có lợi

Đây là thông điệp thứ hai từ bài phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mà chúng tôi thiết nghĩ, nó rất hữu ích đối với Việt Nam mình, và chúng ta phải nghiên cứu thấu đáo.

Tại sao chúng tôi lại đặt vấn đề như vậy, trong khi "hợp tác bình đẳng, cùng có lợi" dường như đã trở thành câu cửa miệng?

Ngài Donald Trump tuyên bố tại Đà Nẵng:

"Từ hôm nay trở đi, chúng ta sẽ cạnh tranh một cách công bằng và bình đẳng. Chúng tôi sẽ không để nước Mỹ bị lợi dụng thêm nữa. 

Tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên hàng đầu, như cách mà tôi mong muốn tất cả các bạn trong hội trường này đặt Tổ quốc mình lên trên hết.

Mỹ sẵn sàng phối hợp với từng lãnh đạo trong hội trường này hôm nay để đạt được thương mại cùng có lợi mang lại lợi ích cho cả nước bạn lẫn nước tôi. 

Đó là thông điệp mà tôi muốn truyền tải ở đây.

Tôi sẽ ký các thỏa thuận thương mại song phương với bất cứ quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương nào muốn trở thành đối tác của Mỹ và sẽ tuân thủ nguyên tắc thương mại công bằng và có đi có lại.

Điều chúng tôi không tiếp tục làm là tham gia vào những thỏa thuận lớn trói tay nước Mỹ, ảnh hưởng đến chủ quyền, cũng như khiến việc thực thi điều đó một cách có ý nghĩa trở nên bất khả thi trong thực tế.

Thay vào đó, chúng tôi sẽ thương thảo trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Chúng tôi sẽ tôn trọng độc lập và chủ quyền của các bạn.

Chúng tôi muốn các bạn mạnh mẽ, thịnh vượng và tự tin, giữ vững bản sắc lịch sử và vươn tới tương lai.

Đó là cách chúng ta cùng thịnh vượng và tăng trưởng, trong mối quan hệ đối tác với giá trị thực tế và lâu bền."

Thông điệp này cũng hoàn toàn rõ ràng và nhất quán kể từ khi ngài tỉ phú Donald Trump tranh cử Tổng thống, đắc cử và điều hành nước Mỹ.

Có nhiều tranh cãi xung quanh quan điểm này, ngay từ chính lòng xã hội Mỹ. Còn thực tế thay đổi thế nào từ khi ngài Donald Trump làm chủ Nhà Trắng? Tổng thống Hoa Kỳ cho biết:

"Một tinh thần lạc quan mới đang lan tỏa khắp đất nước chúng tôi. Tăng trưởng kinh tế đạt 3,2% và đang tiếp tục tăng lên. 

Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 17 năm qua. Thị trường chứng khoán đang ở mức cao chưa từng có." 

Như vậy, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang thay đổi luật chơi và cuộc chơi. Đương nhiên các đồng minh và đối tác của Mỹ cũng không thể không thay đổi.

Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump sẽ không lo chuyện "bao đồng", đồng minh hay đối tác cũng đều phải sòng phẳng.

Hãy nhìn những "món quà" là các hợp đồng trị giá hàng tỉ USD lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, một số quốc gia Đông Nam Á mang sang Mỹ khi gặp ông Donald Trump là có thể thấy.

Do đó, điều này đặc biệt có ý nghĩa với Việt Nam trong việc xác định rõ những lợi ích chung khi hợp tác với Hoa Kỳ.

Chỉ có trên nền tảng chung lợi ích, hợp tác mới bền vững.

Một điều khác chúng tôi cho rằng người Việt ta có thể học, nên học và cần học ở ngài Donald Trump, chính là lấy hiệu quả làm thước đo, chứ không phải những thứ viển vông.

Chúng tôi rất vui mừng, tâm đắc với phát biểu dưới đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đà Nẵng:

"Chúng tôi sẽ hội nhập và tiếp tục mở cửa nền kinh tế với chất lượng cao hơn, hợp tác với các nước tạo động lực phát triển thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường; 

Tiếp tục đàm phán hiệp định tự do thương mại với các đối tác; tạo ra mạng lưới thuận lợi hóa thương mại trên phạm vi toàn cầu."

Trung Quốc vừa là láng giềng, vừa là đối tác thương mại vô cùng quan trọng của Việt Nam. 

Chúng tôi hy vọng rằng, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ sớm cùng Việt Nam đàm phán thiết lập cơ chế giao lưu thương mại chính ngạch cho các mặt hàng nông lâm sản, thủy hải sản, khoáng sản và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Đây chính là cách hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và tạo đà cho các hợp tác bình đẳng, cùng có lợi trong các lĩnh vực khác.

tong thong hoa ky donald trump phat bieu tai da nang hom qua 10/11, anh: vov.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu tại Đà Nẵng hôm qua 10/11, ảnh: VOV.

Chủ tịch cũng biết đấy, với cách giao dịch tiểu ngạch như hiện nay, chỉ cần các địa phương bên kia biên giới ngừng nhập khẩu một mặt hàng nào đó, thì người sản xuất Việt Nam lao đao.

Tất nhiên, về phần mình, chúng tôi cũng phải có chiến lược đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, minh bạch nguồn gốc các sản phẩm xuất khẩu.

Vành đai và con đường là một chiến lược lớn, chúng tôi nghĩ rằng Trung Quốc cũng mong muốn Việt Nam tham gia sáng kiến này.

Chúng tôi đánh giá rất cao sự giúp đỡ chí tình của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Trung Quốc trước kia, cũng như hoạt động hợp tác hữu nghị hiện nay.

Tuy nhiên, để hợp tác thực sự bình đẳng, cùng có lợi và bền vững lâu dài trong hợp tác kinh tế - thương mại Việt - Trung, chúng tôi hy vọng rằng nếu có các dự án hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến này thì:

Chất lượng - hiệu quả sẽ luôn là thước đo các dự án cơ sở hạ tầng sử dụng vốn từ các định chế tài chính Vành đai và con đường, đồng thời mang lại công ăn việc làm cho lao động các địa phương, sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ, cạnh tranh công bằng trong đấu thầu dự án.

Môi trường hòa bình - ổn định và thượng tôn pháp luật là lợi ích chung cần bảo vệ

Chúng tôi tâm đắc với kết luận bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, rằng:

"Chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, sạch đẹp, an toàn và thịnh vượng chung. Trung Quốc luôn coi trọng hòa bình và coi đây là giá trị quan trọng nhất. 

Chúng tôi cam kết tạo ra sự phát triển hòa bình ổn định ở khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, tạo ra khuôn khổ hợp tác quốc tế bình đẳng, cùng có lợi.

Người dân trong khu vực cần được luôn luôn sống trong môi trường hòa bình ổn định. Chúng ta cần sự hợp tác, hành động hiệu quả để tạo ra tương lai tốt đẹp hơn cho khu vực chúng ta."

Chúng tôi càng tâm đắc và trân trọng cam kết của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong bài phát biểu tại Đà Nẵng hôm qua:

"Chúng ta phải tôn trọng các nguyên tắc đã đem lại lợi ích cho tất cả chúng ta, như tôn trọng thượng tôn pháp luật, các quyền cá nhân, tự do hàng hải và trên không, bao gồm các tuyến vận chuyển mở. 

Ba nguyên tắc này tạo ra sự ổn định và xây dựng lòng tin, an ninh, và thịnh vượng giữa các quốc gia có cùng chí hướng."

Thiết nghĩ những nguyên tắc ngài Donald Trump nêu ra cũng chính là phương tiện phù hợp nhất, hiệu quả nhất để thực hiện mục tiêu mà ngài Tập Cận Bình đặt ra, chúng tôi vừa dẫn lại.

Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai siêu cường có ảnh hưởng toàn cầu, hợp tác và cạnh tranh giữa hai quốc gia này ảnh hưởng rất lớn đến phần còn lại của thế giới, nhất là châu Á - Thái Bình Dương.

Do đó chúng tôi rất hy vọng hai nhà lãnh đạo sẽ luôn luôn lấy hòa bình - ổn định và thượng tôn pháp luật quốc tế làm trọng, để mang lại hòa bình, ổn định, cùng phát triển phồn vinh cho khu vực.

Tài liệu tham khảo:

Phát biểu của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump:

https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-thong-trump-tai-apec-3668679.html

Phát biểu của Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình:

http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/apec-2017/bai-phat-bieu-cua-chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh-tai-apec-2017-410217.html


Tiến sĩ Trần Công Trục
Theo Giáo Dục Việt Nam

Trở về

Bài cùng chuyên mục