Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa hình thành năm 2017. Nhưng năm 2018 có thể là một câu chuyện khác.
Sự thật đằng sau các thỏa thuận trị giá 250 tỷ USD của Mỹ - Trung
- Cập nhật : 14/11/2017
Các thỏa thuận thương mại song phương trị giá 250 tỷ USD mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký kết hôm 9/11 hoàn toàn có thể bị thay đổi nội dung hoặc xóa bỏ nếu cần.
Hôm 9/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận thương mại song phương liên quan tới lĩnh vực năng lượng, công nghệ và hàng không có tổng trị giá 250 tỷ USD nhân chuyến thăm chính thức của ông Trump tới quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Theo CNN, giống như những thỏa thuận mà hai nước từng ký kết trong chuyến thăm tới nước bạn của các nhà lãnh đạo, nội dung bản thỏa thuận trị giá 250 tỷ USD không được công bố chi tiết cụ thể. Đáng nói, hàng loạt thỏa thuận không mang tính ràng buộc này hoàn toàn có thể thay đổi hoặc bị xóa bỏ trước khi bản hợp đồng chính thức được ký kết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng phu nhân Melania Trump tham quan Tử Cấm Thành với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện.
Dưới đây là một số nội dung chính trong bản thỏa thuận thương mại 250 tỷ của Mỹ và Trung Quốc:
Năng lượng
Hai trong số nội dung của bản thỏa thuận trị giá 250 tỷ cho hay, Trung Quốc có thể đầu tư hơn 100 tỷ USD vào các dự án năng lượng tại Mỹ trong những năm tới.
Đầu tiên là khoản tiền trị giá 84 tỷ USD của Tập đoàn Đầu tư Năng lượng Trung Quốc đầu tư vào các dự án sản xuất hóa chất và khí đá phiến tại West Virginia. Kế hoạch đầu tư này có giá trị hơn 20 năm, nhưng phía Trung Quốc và Mỹ mới chỉ ký kết văn bản ghi nhớ chứ chưa phải là hợp đồng chính thức.
Thứ hai là khoản đầu tư 43 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng tại Alaska giữa Tập đoàn Xăng dầu và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) và chính quyền Alaska để phát triển ngành công nghiệp khí tự nhiên hóa lỏng tại bang này. Thông qua thương vụ hợp tác với Trung Quốc, chính quyền bang Alaska sẽ tạo thêm 12.000 việc làm.
Cả hai thỏa thuận trên nằm trong chiến lược của chính phủ Trung Quốc nhằm giúp quốc gia này thoát khỏi cảnh phụ thuộc vào nguồn năng lượng đến từ than đá vốn gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng để chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn. Hiện tại, Trung Quốc cũng đã nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ nhiều quốc gia trong đó có Qatar.
"Hoạt động nhập khẩu từ Mỹ sẽ giúp Bắc Kinh tránh cảnh lệ thuộc vào một nước cung cấp duy nhất. Song Trung Quốc vẫn có thể xóa bỏ thỏa thuận nếu cần", nhà phân tích tại công ty tư vấn Verisk Maplecroft, ông Hugo Brennan chia sẻ.
Máy bay thương mại
Hãng Boeing cho hay, tập đoàn này đã bán số máy bay trị giá 37 tỷ USD cho Trung Quốc nhưng lại không nói rõ số máy bay mới sẽ được bán cho Trung Quốc là bao nhiêu.
Bản thỏa thuận này liên quan tới hoạt động cung cấp 300 chiếc máy bay mới cho một công ty do chính phủ Trung Quốc nắm quyền điều hành. Công ty này chính là đơn vị bán máy bay cho các hãng hàng không của chính phủ Trung Quốc như Air China và China Southern Airlines. Do đó, việc theo dõi số máy bay Boeing cung cấp cho phía đối tác Trung Quốc là vô cùng khó khăn.
Vào năm 2015, trong chuyến thăm của ông Tập tới nhà máy lớn nhất của hãng Boeing tại Washington, một bản thỏa thuận cung cấp máy bay cho Trung Quốc trị giá 38 tỷ USD cũng đã được ký kết.
Trên thực tế, Trung Quốc hiện "rất khát" máy bay mới bởi quốc gia này đặt mục tiêu vượt qua Mỹ để trở thành "thị trường hàng không lớn nhất thế giới" trong 5 năm tới. Do đó, nhu cầu mua máy bay mới đang gia tăng nhanh chóng.
Vào mùa hè năm nay, hãng Airbus đã giành được bản hợp đồng 22 tỷ USD cung cấp 140 chiếc máy bay mới cho thị trường Trung Quốc.
Chip điện thoại
Nhà sản xuất chip điện tử của Mỹ là Qualcomm đã ký các thỏa thuận không ràng buộc trị giá 12 tỷ USD để cung cấp linh kiện cho các nhà sản xuất điện thoại di động của Trung Quốc là Xiaomi, Oppo và Vivo.
Hiện tại, Trung Quốc đang là đối tác vô cùng lớn đối với Qualcomm khi mà thị trường Trung Quốc chiếm tới một nửa doanh số của tập đoàn Mỹ. Đáng nói trong năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã phạt Qualcomm 975 triệu USD vì vi phạm luật chống độc quyền.
Đặc biệt, đối thủ cạnh tranh của Qualcomm là Broadcom còn đang có ý định thâu tóm tập đoàn này với giá 130 tỷ USD.
Một số chuyên gia nhận định, Trung Quốc có thể rút lại thỏa thuận ký với Qualcomm bởi Bắc Kinh đang có kế hoạch mở rộng ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.
Minh Thu (Lược dịch)
Theo Infonet.vn