Ba chuyên gia hàng đầu đã nêu ra những nhận định về những điều mà Trung Quốc cũng như Hoa Kỳ mong muốn sẽ đạt được trong cuộc hội đàm song phương.
Nhật loay hoay với bài toán dân số già
- Cập nhật : 08/05/2017
Những nỗ lực gia tăng dân số ở Nhật Bản lại gặp trở ngại từ chính thói quen và quan niệm truyền thống của người dân nơi đây, cũng như thiếu hỗ trợ về mặt luật pháp.
Dân số Nhật Bản vẫn ở mốc khoảng 127 triệu người. Nhưng nhu cầu công việc lại vượt xa tỉ lệ người trẻ có thể đảm đương. Cơn ác mộng này không thể chấm dứt trong tương lai, vì đơn giản thế hệ trẻ đang ngày một ít đi.
Số lượng trẻ em giảm liên tục 36 năm
Số lượng trẻ em tại Nhật đã rơi xuống một mức thấp kỷ lục tiếp theo. Điều này đang đe dọa tới các kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trong nước mà Thủ tướng Shinzo Abe muốn thúc đẩy.
Hãng tin Kyodo ngày 4-5 dẫn dữ liệu cho thấy tính tới ngày 1-4, số trẻ em từ 14 tuổi trở xuống tại Nhật chỉ còn 15,71 triệu. Đây là con số đã bao gồm người nước ngoài và đã giảm 170.000 người so với thống kê cùng kỳ năm ngoái - mức thấp nhất kể từ khi các dữ liệu này được công bố từ năm 1950 - Bộ Nội vụ và truyền thông cho biết.
Cũng theo thống kê, số lượng trẻ em ở Nhật đã giảm liên tục trong 36 năm và tỉ lệ của nhóm này trong tổng số dân giảm 43 năm liền. Dữ liệu mới nhất cho thấy tỉ lệ trẻ em chỉ chiếm 12,4% số dân với 8,05 triệu bé trai và 7,67 triệu bé gái.
Trong 31 quốc gia có dân số từ 40 triệu người trở lên, Nhật Bản là nước có tỉ lệ trẻ em trên tổng số dân thấp nhất, theo điều tra nhân khẩu học của Liên Hiệp Quốc. Ngay cả ở Đức tỉ lệ này là 13,2%, trong khi Nhật chỉ có 12,4%.
Năm 1954, số lượng trẻ em bằng hoặc dưới 14 tuổi đạt mốc kỷ lục 29,89 triệu người. Tuy nhiên từ thời điểm ấy, số lượng này liên tục suy giảm. Đến năm 1997, tỉ lệ người già từ 65 tuổi trở lên đã lần đầu tiên vượt qua nhóm người từ 14 tuổi trở xuống, tạo ra hình tượng về một nước Nhật của những người già.
Chưa thấy lối ra
Bất chấp dân số là vấn đề nhức nhối, cả chính phủ lẫn bản thân người dân Nhật Bản vẫn chưa cho thấy nỗ lực thích hợp để giải quyết tình trạng sụt giảm này.
Nhật Bản là nước đứng đầu thế giới về số lượng phụ nữ phải điều trị hiếm muộn, và cũng là nước có tỉ lệ thụ thai thành công thấp nhất ở các trường hợp điều trị này. Lý do được hiểu khá đơn giản là phụ nữ Nhật Bản quyết định có con ở độ tuổi quá cao, hoặc kết hôn quá muộn.
Thậm chí vào năm 2016, một thống kê cho thấy hơn 50% số người dưới 34 tuổi ở Nhật vẫn chưa hề quan hệ tình dục lần nào.
Nhưng khi các nỗ lực cứu vãn dành cho phụ nữ Nhật hiếm muộn được đưa ra lại vấp phải rào cản về truyền thống và pháp lý. Các luồng ý kiến chống đối chỉ trích cách thụ tinh giữa tinh trùng của người cha với trứng của một người hiến tặng xa lạ, cho rằng điều này dẫn tới vấn đề đạo đức và mối quan hệ của đứa trẻ với cha mẹ và người hiến tặng. Trong khi đó, luật pháp Nhật Bản còn khiếm khuyết trong trường hợp này.
Một phán quyết của Tòa án tối cao Nhật năm 2007 tuyên bố rằng một người phụ nữ hạ sinh đứa trẻ sẽ là người mẹ hợp pháp của đứa trẻ ấy. Nhưng Luật dân sự không nói rõ tình trạng pháp lý của người mẹ nếu đứa trẻ ấy sinh ra bằng trứng của người hiến tặng.
Tháng 3-2016, cơ quan làm chính sách của Đảng Dân chủ tự do cầm quyền soạn thảo dự luật quy định rằng người mẹ hạ sinh đứa trẻ trong trường hợp này vẫn là bà mẹ hợp pháp. Tuy nhiên, dự thảo ấy chưa được trình lên Quốc hội.
Nhiều bất cập xã hội
Trong khi Nhật Bản cần nhân lực rất nhiều, xã hội nước này lại không đáp ứng kỳ vọng của chính phủ do người dân vướng mắc nhiều vấn đề. Thứ nhất là thói quen tình dục. Ngày càng nhiều người trẻ ở Nhật Bản không thích kết hôn, thậm chí không màng tới tình dục do áp lực sự nghiệp quá lớn.
Một nguyên nhân khác là biểu hiện lệch lạc về người phối ngẫu, đơn cử như The Guardian (Anh) có bài viết về tình trạng nam nữ ở Nhật thích “kết hôn” với các nhân vật ảo trong truyện tranh, hoạt hình, trò chơi điện tử... thay vì tìm đối tác ngoài đời thực.
Thứ hai, Chính phủ Nhật Bản muốn giải quyết nhu cầu lao động bằng cách nới lỏng cho lao động nhập cư. Tuy nhiên, người dân Nhật Bản vẫn bị cho cảm thấy phiền hà với người nước ngoài, tạo rào cản không nhỏ cho khả năng hòa nhập cuộc sống của lao động nhập cư.
Thủ tướng Shinzo Abe muốn đẩy tỉ lệ sinh sản lên 1,8% (số lượng người mang thai trên mỗi 1.000 phụ nữ ở độ tuổi sinh sản) đến năm 2025 từ tỉ lệ 1,45% của năm 2015. Chính phủ cam kết dân số Nhật Bản sẽ trên mức 100 triệu người sau 50 năm nữa, tuy nhiên dữ liệu chính phủ lại cho ra kết quả bi quan rằng tính tới năm 2065, dân số Nhật sẽ chỉ còn 88,1 triệu người.
NHẬT ĐĂNG
Theo Tuổi Trẻ