Một cuộc chiến tranh mạng giữa Mỹ và Bắc Triều tiên có thể xảy ra, gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế và thị trường tài chính Mỹ.
Nguy cơ 'già nhưng chưa kịp giàu' ở châu Á
- Cập nhật : 09/05/2017
Quỹ Tiền tệ Thế giới kêu gọi các nền kinh tế châu Á hãy học hỏi từ kinh nghiệm của Nhật Bản và sớm hành động để đối phó tình trạng dân số già đang gia tăng nhanh chóng.
Người lớn tuổi làm tình nguyện viên hỗ trợ công tác nhập cảnh ở phi trường quốc tế Narita, Nhật Bản. THỤY MIÊN
Châu Á vẫn đang tận hưởng sự phân bổ nhân khẩu học hợp lý trong những thập niên qua, nhưng tỷ lệ dân số già tăng dần được dự kiến sẽ tạo nên cái gọi là “thuế” nhân khẩu áp lên triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nước, theo Reuters dẫn báo cáo Triển vọng Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương do Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) công bố vào ngày 9/5.
“Việc thích ứng với tình trạng trên có thể là thách thức đặc biệt đối với châu Á, do các cộng đồng dân cư có thu nhập thấp dựa trên đầu người tại nhiều nơi của khu vực đang già đi nhanh chóng”, theo báo cáo. “Một số nước ở châu Á đang già đi trước khi trở nên giàu có”.
Tỉ lệ tăng trưởng dân số ở châu Á được dự kiến sẽ rơi xuống mức zero vào năm 2050, và số dân trong độ tuổi lao động, hiện ở mức đỉnh điểm, sẽ giảm sút trong những thập niên tới.
Số dân tuổi 65 trở đi sẽ gia tăng nhanh chóng và đạt gần đến ngưỡng gấp 2,5 lần vào năm 2050 so với mức hiện tại, theo báo cáo.
Điều này có nghĩa là nhân khẩu học có thể tước mất 0,1 điểm phần trăm trong tỷ lệ tăng trưởng thường niên của toàn cầu trong 3 thập niên tới.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản
Đây là thách thức đặc biệt nghiêm trọng đối với Nhật Bản, quốc gia đang đối mặt với tỷ lệ dân số già gia tăng và dân số chung bị thu hẹp. Lực lượng lao động của nước này đã sụt giảm hơn 7% trong 2 thập niên, theo IMF.
Tỉ lệ dân số Nhật Bản sống dựa vào lương hưu có thể là nguyên nhân đằng sau thói quen tiết kiệm quá mức và đầu tư thấp, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng và bị cho là góp phần khiến tỷ lệ lạm phát không đạt mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương nước này.
“Kinh nghiệm từ Nhật Bản đặc biệt cho thấy xu hướng già đi của dân số có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng, động lực lạm phát và chính sách tiền tệ hiệu quả”, theo IMF.
Báo động cho Việt Nam
Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới hồi đầu năm, Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới, nhanh hơn bất cứ quốc gia nào, theo Reuters. Đặc biệt hơn, người Việt Nam già nhưng chưa kịp giàu.
Cụ thể, dân số Việt Nam đang già hóa nhanh chóng nhưng mức thu nhập lại thấp hơn so với hầu hết các nước có dân số già hiện nay.
Bên lề hội nghị thường niên của Hội đồng các thống đốc do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức tại TP.Yokohama, Nhật Bản, đề tài châu Á già đi cũng nằm trong nghị trình được thảo luận sôi nổi vào ngày 4/5. Câu hỏi được nhiều người quan tâm là làm sao đối mặt với xu hướng lão hóa gia tăng tại các nước để duy trì sự phát triển kinh tế bền vững ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Cũng như hội nghị ADB, IMF kêu gọi các nước châu Á học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản và giải quyết tình trạng sụt giảm nhân khẩu học ngay từ sớm, như là giới thiệu các kế hoạch củng cố tài chính đáng tin cậy, tăng cường sự tham gia của lực lượng lao động phụ nữ và người lớn tuổi, và đổi mới các mạng lưới an sinh xã hội, nhằm đảm bảo mức tối thiểu cho cá nhân và hộ gia đình về các nhu cầu thiết yếu như lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục, nhà ở…
Theo Báo Thanh Niên