Để tránh những hậu quả đáng sợ khi bị “nghiền nát” dưới hai gọng kìm khủng hoảng, châu Âu chỉ còn cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Nga.
Ai thiệt hại khi đồng Nhân dân tệ vào giỏ dự trữ của IMF?
- Cập nhật : 04/12/2015
(Kinh te)
Việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) quyết định đưa đồng nhân dân tệ (NDT) vào giỏ tiền dự trữ của tổ chức này đã làm ảnh hưởng đến “miếng bánh” thị phần của một số đồng tiền thành viên như đồng Euro và bảng Anh.
Khi NDT được thêm vào giỏ tiền dự trữ quốc tế hay còn gọi là giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) thì đồng tiền này được sánh vai cùng với các đồng tiền khác như USD, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật.
Tỷ trọng của đồng Euro và bảng Anh trong giỏ dư trữ quốc tế khi đồng nhân dân tệ được bổ sung vào giỏ này
Theo quyết định này, từ ngày 1/10/2016, NDT sẽ chiếm tỷ trọng 10,92% trong giỏ SDR, so với tỷ trọng của USD là 41,73%, của Euro là 30,93%, của Yen Nhật là 8,33% và của bảng Anh là 8,1%.
Tuy nhiên, chuyên gia của IMF nhận định, tỷ trọng của NDT có thể sẽ tăng dần lên mức 14-16%.
Quyết định này của IMF đã làm tăng giá trị của NDT và sẽ làm tăng nhu cầu đối với đồng tiền này nhưng cũng đồng nghĩa với việc một số đồng tiền, nhất là Euro và bảng Anh, sẽ bị giảm bớt “miếng bánh” thị phần trong SDR. Cụ thể, tỷ trọng của đồng Euro sẽ giảm 6,5% và đồng bảng Anh sẽ giảm 3,2%.
Đồng bảng Anh là đồng tiền dự quốc tế hàng đầu từ những năm 1970, và bị soán ngôi bởi đồng USD từ năm 1920. Trong giỏ SDR, đồng bảng Anh có tỷ trọng 11% trong nhiều thập kỷ, và đạt đến 11,3% trong năm 2010. Theo dữ liệu của IMF, đồng bảng Anh giờ đây chỉ chiếm 4% hoặc 5% trong dự trữ ngoại hối chính thức của thế giới.
Đồng Euro tham gia giỏ SDR từ năm 1999, thay thế vị trí của đồng franc Pháp và đồng Mác Đức, chiếm tỷ trọng 37,4% trong năm 2010. Đây là lần đầu tiên đồng Euro bị giảm tỷ trọng từ khi gia nhập giỏ tiền tệ dự trữ của IMF. Đồng tiền này cũng liên tiếp ghi nhận sự sụt giảm về tỷ trọng trong dự trữ ngoại hối của thế giới từ năm 2010, giảm từ 27% xuống còn 20% vào năm 2015.
Cả đồng bảng Anh và đồng Euro đã giảm dần tỷ trọng kể từ khi IMF công bố quyết định về việc bổ sung đồng NDT hôm Thứ 2 (30/11) vừa rồi.
Mặc dù sự thay đổi thị phần này không phải là lớn, nhưng khi một đồng tiền có vị trí trong giỏ dự trữ của thế giới thì quốc gia ấy sẽ có nhiều lợi ích về kinh tế. Morgan Stanley dự tính sẽ có dòng tiền trị giá khoảng 2.000 tỷ USD trở thành tài sản bằng đồng NDT trong 10 năm tới vì đồng tiền này sẽ ngày càng giữ vai trò quan trọng hơn trên thị trường tiền tệ quốc tế.
Tuy nhiên, tỷ trọng của đồng NDT vẫn còn rất thấp so với đồng USD. Hiện đồng USD chiếm 60% trong dự trữ ngoại hối thế giới và chiếm 42% trong giỏ SDR.
Hiện, đã có 40 ngân hàng trung ương trên thế giới bổ sung đồng NDT vào quỹ dự trữ của họ trong giai đoạn 2010-2014. Một số nước đã làm vậy với động cơ chính trị nhằm tạo đối trọng với đồng USD – đồng tiền quyền lực nhất thế giới.
Căn cứ vào thực tế đồng NDT ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn trong giao dịch quốc tế và tỷ trọng các đồng tiền khác bị giảm trên thị trường thế giới, có những dự báo rằng, rất có thể đồng USD sẽ bị giảm tỷ trọng trong giỏ SDR trong 5 năm tới.