Có thể nhìn thấy vài điểm rất giống nhau trong tình thế của OPEC ở thời điểm hiện tại và thời kỳ 1997 – 1999. Khi đó OPEC cũng mất quyền kiểm soát thị trường và giá dầu giảm xuống dưới mức 10 USD/thùng.
“Tứ cường mới nổi” hết thời nổi trội
- Cập nhật : 05/12/2015
(The gioi)
Brazil và Nga suy thoái sâu. Trung Quốc cố ngân giảm tốc. Ấn Độ đang chật vật...
BRIC - nhóm những nền kinh tế mới nổi một thời tăng trưởng mạnh nhất thế giới gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc - đang gặp khó.
Brazil và Nga đang suy thoái sâu. Trung Quốc cố ngăn tăng trưởng giảm tốc mạnh. Ấn Độ - dù vẫn được giới đầu tư toàn cầu quan tâm - đang chật vật thúc đẩy các cải cách kinh tế để đạt tốc độ tăng trưởng tương xứng với tiềm năng.
Bởi vậy, không có gì là ngạc nhiên khi ngân hàng Goldman Sachs lặng lẽ đóng cửa quỹ BRIC của mình sau khi quỹ này chứng kiến giá trị tài sản “bốc hơi” 88% kể từ năm 2010. Chính Jim O’Neill, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Goldman Sachs, là người đã đưa ra thuật ngữ BRIC khi còn đang nắm giữ cương vị này.
Có vẻ như, BRIC đã hết thời nổi trội - tạp chí Time nhận định. Nhưng điều gì đã dẫn tới sự sa sút của các nền kinh tế mới nổi nói chung?
Thực ra, sự kết thúc của kỷ nguyên BRIC không phải là điều gì đáng ngạc nhiên.
Vào năm 2012, Ruchir Sharma, trưởng bộ phận các thị trường mới nổi của Morgan Stanley Investment Management, đã dự báo về điều này trong cuốn sách “Breakout Nations” (tạm dịch: “Các quốc gia đột phá”). Trong cuốn sách, Sharma nói sự giảm tốc tăng trưởng của khối BRIC không phải là điều khó hiểu.
“... vì rất khó để duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong hơn một thập kỷ. Những điều kiện hiếm thấy trong thập kỷ qua đã khiến việc đạt tốc độ tăng trưởng cao trở nên dễ dàng: thế giới ra khỏi thập niên 1990 đầy rẫy các cuộc khủng hoảng, và các dòng vốn giá rẻ chảy khắp nơi. Trong bối cảnh đó, các thị trường mới nổi đã đồng loạt cất cánh và hầu như tất cả các nền kinh tế trên thế giới đều hưởng lợi. Đến năm 2007, năm mà chỉ có 3 quốc gia trên thế giới chứng kiến nền kinh tế suy giảm, suy thoái kinh tế toàn toàn biến mất.
Nhưng giờ đây, khi các dòng tiền chảy vào các nền kinh tế mới nổi giảm mạnh, nền kinh tế toàn cầu trở lại trạng thái bình thường, nhiều nền kinh tế chững lại, và chỉ có một số ít nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao. Ảnh hưởng của xu hướng này là rất lớn, bởi động lực tăng trưởng kinh tế là sức mạnh, và bởi thế dòng tiền chảy vào các ngôi sao mới nổi sẽ định hình hình lại cán cân quyền lực toàn cầu”.
Nói tóm lại, câu chuyện của các nền kinh tế mới nổi không còn là một câu chuyện duy nhất và chỉ có tốc độ tăng trưởng cao, mà là một tập hợp những câu chuyện đa dạng: Brazil suy thoái, Mexico khởi sắc, Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó, Philippines khả quan...
Trước kia, các nền kinh tế mới nổi thường thăng-trầm cùng nhau, nhưng giờ đây, tăng trưởng ở mỗi nước đã đi theo một hướng, và cơ hội đầu tư tại các nền kinh tế mới nổi khác nhau cũng không còn giống nhau nữa.
Một phần nguyên nhân dẫn tới sự phân hóa này là do sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng chậm lại đã kéo theo sự giảm giá của các loại hàng hóa cơ bản, khiến các quốc gia xuất khẩu các mặt hàng này như Nga và Brazil chịu tổn thất nặng. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác lại hưởng lợi từ việc hàng hóa cơ bản rẻ hơn nhiều so với trước kia.
Trung Quốc là nền kinh tế đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng toàn cầu kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và suy thoái sau đó. Bởi vậy, điều gì xảy ra với kinh tế Trung Quốc hiện nay có ảnh hưởng lớn hơn bao giờ hết đối với nền kinh tế thế giới. “Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp theo sẽ bắt nguồn từ Trung Quốc”, chuyên gia Sharma nhận định mới đây.
Dù thị trường chứng khoán Trung Quốc đã hồi phục một phần kể từ sau đợt sụt giảm vào mùa hè vừa qua, điều này không có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc nói chung đã hồi phục. Trên thực tế, Sharma và các chuyên gia khác tin rằng, mấu chốt của vấn đề nằm ở việc liệu Trung Quốc có thể thực thi được các cải cách để trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình. Đây là bước nhảy kinh tế khó nhất mà đến nay mới chỉ có 3 nước châu Á khác đạt được là Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Từ việc BRIC hết thời, có thể thấy không một quốc gia nào có thể duy trì mãi tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số. Khi các nước BRIC trở nên giàu hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ tất yếu phải giảm và sẽ bị “qua mặt” bởi những nền kinh tế mới nổi “nóng” khác. Trong khi đó, các nước giàu như Mỹ vẫn tiếp tục giữ ảnh hưởng lớn trong nền kinh tế toàn cầu.
Những gì xảy ra ở BRIC và các nền kinh tế mới nổi khác trong mấy tháng qua thực sự có liên quan nhiều đến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Trung Quốc. Việc FED tiến tới tăng lãi suất đẩy tỷ giá đồng USD tăng, dẫn tới việc các nền kinh tế mới nổi vay nợ nhiều bằng đồng tiền này chịu sức ép lớn.