Ngay cả các chuyên gia kinh tế của Trung Quốc cũng thừa nhận trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lan rộng, tình trạng kinh tế của Trung Quốc đã xuất hiện “đèn đỏ”.
IEA dự báo ảm đạm về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu
- Cập nhật : 03/12/2015
(Thi truong)
Theo nhà phân tích hàng đầu Neil Atkinson tại Lloyd's List Intelligence, 2015 là năm rất khó khăn đối với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và ít dấu hiệu "cơn đau" sẽ sớm kết thúc.
Ông Atkinson cho biết thu nhập từ dầu thô đạt đỉnh điểm vào năm 2012 với 1.600 tỷ USD khi giá dầu thô Brent trung bình ở mức 112 USD/thùng. Năm nay giá dầu thô Brent trung bình chỉ là 50 USD/thùng và OPEC sẽ phải khó khăn mới kiếm được 750 triệu USD.
Các bộ trưởng dầu mỏ từ các nước thành viên OPEC sẽ nhóm họp vào ngày 4/12 tới để đánh giá tình hình thị trường dầu mỏ và xem xét triển vọng năm 2016. Ông Atkinson cho rằng bước sang năm 2016, tốc độ tăng nhu cầu dầu thô vẫn yếu kém và ít có khả quan, khi mà tình trạng dư cung đã đeo bám các thị trường kể từ năm 2014.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ giảm xuống 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2016, sau khi tăng 1,8 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Nguồn cung dầu toàn cầu đã lên tới 97 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2015, theo số liệu của IEA. Mặc dù khả năng phục hồi của các nước sản xuất như Nga, nhưng nguồn cung ngoài OPEC được dự báo sẽ sụt hơn 0,6 triệu thùng/ngày vào năm tới. Dầu ngọt nhẹ, động lực thúc đẩy tăng trưởng của các nước ngoài OPEC, dự kiến sẽ giảm 0,6 triệu thùng/ngày vào năm 2016.
Nhà phân tích Atkinson đã đề cập đến cuộc họp lịch sử hồi tháng 11/2014, khi các nước thành viên OPEC quyết định từ bỏ phản ứng truyền thống của họ khi giá giảm thì cắt giảm sản xuất, và thay vào đó là việc tập trung vào bảo vệ thị phần.
Giá dầu đã trải qua giai đoạn sụt giảm mạnh kể từ giữa năm 2014. Vị trí của Saudi Arabia, nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất trong OPEC, đã là một trở ngại trong việc giảm hạn ngạch của OPEC. OPEC nhóm họp gần đây vào mùa Hè tại Vienna, Áo và đã đồng ý duy trì mức trần sản lượng 30 triệu thùng/ngày.
Ông Atkinson cũng đề cập đến kế hoạch của Iran gia tăng xuất khẩu sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Iran tin rằng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt có thể tăng nguồn cung cấp dầu của Iran ra thị trường năng lượng thế giới thêm nửa triệu thùng mỗi ngày vào năm tới. Vì vấn đề này mà Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh trước cuộc họp sắp tới của OPEC đã đề nghị tổ chức này giảm sản lượng thêm ít nhất 1,3 triệu thùng/ngày.
Chuyên gia Atkinson tin rằng cho dù kế hoạch của Iran có thành công hay không thì chiến lược của OPEC do Saudi Arabia dẫn đầu vẫn là giữ giá dầu ở mức thấp để hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất với chi phí cao.
Ông Atkinson dự báo ít có khả năng đạt được sự cân bằng về cung cầu trên thị trường dầu mỏ năm 2016, khi Mỹ và một số quốc gia ngoài OPEC khác giảm sản lượng, nhưng vẫn ít hơn so với khả năng tăng nguồn cung của Iran. Điều này sẽ đảm bảo rằng giá dầu vẫn ở mức thấp trong một thời gian dài.