Nếu yêu sách "đường lưỡi bò" Trung Quốc nêu ra ở Biển Đông bị Tòa bác bỏ, đây sẽ là cơ sở khiến Bắc Kinh phải điều chỉnh các hành vi với các nước liên quan trong thời gian tới.
Phải ngăn chặn Trung Quốc biến "đường 9 đoạn" thành "Bức tường Berlin trên biển"
- Cập nhật : 06/12/2015
(The gioi)
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario mới đây thúc giục Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan) ngăn chặn Trung Quốc biến “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò” vô căn cứ thành “Bức tường Berlin” trên Biển Đông, trang mạng Diplomat đưa tin ngày 4/12.
Ngoại trưởng del Rosario đã phát biểu như vậy hôm 30/11, khép lại một tuần Philippines trình bày luận chứng để bác bỏ tính vô căn cứ và phi lý của “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh và chứng minh quyền của Manila đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nằm trong khu vực 200 hải lý trên Biển Đông.
“Nếu PCA ra phán quyết rằng bất kỳ cấu trúc nào (ám chỉ đảo nhân tạo) dùng để làm căn cứ xác định vùng 12 hải lý, thì điều này sẽ biến đường 9 đoạn của Trung Quốc thành "Bức tường Berlin" trên Biển Đông”, Ngoại trưởng del Rosario phát biểu. Nếu điều đó xảy ra, Philippines sẽ nghiễm nhiên bị loại khỏi việc tiếp cận bất kỳ nguồn tài nguyên nào nằm trong vùng EEZ của nước này.
Tại phiên tòa, ông del Rosario cho hay viện đệ đơn kiện Trung Quốc là vũ khí cuối cùng mà Philippines có trong tay để theo đuổi lẽ phải và vụ kiện này sẽ là phép thử để chứng minh sức mạnh của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.
“Những hành động đơn phương của Trung Quốc và một bầu không khí đe dọa do Bắc Kinh tạo ra bấy nay đang xâm hại đến quyền và lợi ích của nhân dân các nước thuộc khu vực Đông Nam Á và rộng hơn nữa”, Ngoại trưởng del Rosario phát biểu.
“Không một quốc gia nào có quyền viết lại luật pháp (quốc tế) chỉ để phục vụ cho kế hoạch bành trướng riêng của họ. Nếu những hành vi sai trái mà không được ngăn chặn, thì UNCLOS chỉ còn là công cụ vô giá trị”, Ngoại trưởng Philippines phát biểu.
Philippines lên án các hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc, gọi đây là các bằng chứng mà Trung Quốc đã coi thường quyền lợi của các nước khác cũng như luật pháp quốc tế. Bắc Kinh đang đơn phương thay đổi hiện trạng ở khu vực.
Dự kiến PCA sẽ ra phán quyết cho vụ kiện trên vào giữa năm 2016. Philippines không đơn độc trong vụ kiện này vì một loạt các nước như Úc, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đều cử quan sát viên theo dõi vụ kiện. Nhật Bản và Mỹ thậm chí còn bày tỏ ủng hộ cho việc dùng các công cụ pháp lý để giải quyết các tranh chấp.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã tẩy chay vụ kiện này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu, một ngày sau khi Philippines khép lại 1 tuần tuần trình bày chứng cứ, rằng: “Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào từ tòa và phiên tòa không đi đến đâu”.