Cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 được kỳ vọng tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu.
"Trông" Nhân dân tệ lại nghĩ đến ... Euro
- Cập nhật : 03/12/2015
(Tai chinh)
Sự trỗi dậy của đồng Nhân Dân Tệ và những kỳ vọng giới tài chính đang đặt vào đồng tiền này sẽ khiến người ta nhớ lại những kỳ vọng mà giới tài chính quốc tệ từng đặt vào đồng Euro trước đây.
Thời điểm khi Euro chính thức ra mắt, người ta đặt vào đồng tiền này rất nhiều kỳ vọng, rằng euro sẽ trở thành đồng tiền dự trữ chủ chốt của thế giới, kiềm chế tầm ảnh hưởng của USD. Tuy nhiên, đến nay đã là hơn 15 năm, Euro vẫn không thể thay thế được USD và thậm chí còn rơi vào nguy cơ đổ vỡ.
Ngày 1/1/1999, euro ra đời với vai trò là đồng tiền được dùng làm chuẩn đo lường giá trị tài sản, hàng hóa…được giao dịch giữa các nước trong EU, thay thế cho rổ tiền tệ “Đơn vị tiền tệ châu Âu” – ECU. Chính thức lưu hành vào năm 2002, euro được nhiều nhà phân tích kinh tế dự đoán sẽ trở thành đồng tiền dự trữ chính tiếp theo của thế giới.
Quả thật, ở thời điểm đó, có nhiều lý do hợp lý để người ta lạc quan về tương lai của đồng Euro. Quan trọng nhất đó là đồng tiền này dựa trên sức mạnh tài chính chung của gần như toàn bộ châu Âu, trong đó có các nền kinh tế mạnh hàng đầu thế giới như Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha... Vì vậy người ta cho rằng Eurozone là khối sức mạnh kinh tế duy nhất và đủ lớn để cân bằng sức mạnh với Mỹ, xa hơn nữa là và có thể loại đồng USD khỏi vị thế đồng tiền dự trữ của thế giới.
Euro sau đó đã nhanh chóng trở thành đồng tiền dự trữ quan trọng thứ 2 trên thế giới, sau đồng USD. Nhưng tính tới nay đồng tiền này vẫn thất bại trong việc thay thế USD. Hiện tỷ lệ dự trữ ngoại hối trên thế giới dưới dạng tiền tệ và các tài sản thanh bằng đồng Euro chiếm 20,5% so với mức 63,8% của đồng USD (theo dữ liệu mới nhất tính tới quý III năm nay 2015).
Con số suy giảm đáng kể từ năm 2008. Điều này không quá khó hiểu nếu tính đến những yếu tố như tính thanh khoản, sự ổn định tài chính của Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Eurozone nói riêng, khủng hoảng nợ công của khu vực Eurozone, khủng hoảng tài chính 2008 và sự vượt lên nhanh chóng đầy hứa hẹn của đồng Nhân Dân Tệ.
Cùng nhìn lại một số điểm hạn chế đã khiến đồng euro thất bại:
Thanh khoản của đồng euro
Tổng số lượng Euro trong lưu thông được giới hạn bởi các chính sách quản lý tiền tệ chặt chẽ của NHTW châu Âu (ECB) lẫn sự giám sát tài chính của Ủy ban châu Âu – EC. Những chính sách tiền tệ này có thể xem là ngặt nghèo vì nó nhằm duy trì lạm phát ổn định ở mức thấp. Mục tiêu này phù hợp với triết lý muốn duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức ổn định, không cần đẩy nhanh của ECB cũng như một số nước có ảnh hưởng lớn nhất trong EU hay Eurozone mà điển hình là Đức.
Có thể thấy sự kiềm chế thanh khoản còn được thể hiện cả qua cách đối phó với khủng hoảng của ECB. NHTW châu Âu đã cố chấp không muốn bơm tiền vào nền kinh tế và duy trì chính sách thắt lưng buộc bụng trong một thời gian dài.
Tính ổn định của EU nói chung và Eurozone nói riêng
Một vấn đề có liên hệ mật thiết với vấn đề thanh khoản của đồng Euro bên trên đó là tính ổn định kinh tế tổng thể của EU. Cuộc khủng hoảng nợ công của EU và Eurozone nói riêng vẫn đang hiện hữu. Giảm phát luôn đe dọa châu Âu và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế rất thấp khiến tỷ lệ nợ trên GDP ngày càng tăng cao hơn tại nhiều thành viên trong Eurozone.
Bắt nguồn từ Hy Lạp, khủng hoảng nợ công đã lây lan tới cả các nền kinh tế hàng đầu trong khu vực trong đó có Đức. Nền kinh tế Đức mặc dù vẫn là nền kinh tế mạnh nhất EU nhưng lại đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm chạp. Hệ thống ngân hàng châu Âu vẫn chịu áp lực liên tục từ nợ và các yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn, trong đó có nhiều ngân hàng đang rơi vào tình trạng thâm hụt vốn nghiêm trọng.
Khủng hoảng tài chính 2008 – Vai trò của đồng USD và khủng hoảng nợ công Eurozone
Kể từ thời điểm ra mắt vào năm 1999 cho đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, giá trị đồng Euro đã đi lên so với đồng USD theo một quỹ đạo ổn định, với mức tỷ giá hối đoái EUR/USD trung bình trong khoảng thời gian này ở khoảng 1 Euro đổi 1,6USD. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 gần như ngay lập tức đã đánh đắm đà tăng giá của đồng Euro so với đồng USD.
Từ sau 2008 tới nay giá trị đồng tiền này đã giảm dần so với USD, và tính tới thời điểm năm 2015 này thì Euro đã mất khoảng 1/3 giá trị, hiện đứng ở mức 1 Euro đổi 1,05 USD (cập nhật ngày 2/12) và đang trên đà suy giảm trước việc FED sắp nâng lãi suất còn ECB tăng thêm kích thích. Thậm chí một nhà kinh tế cho rằng đồng Euro sớm muộn cũng sụp đổ và Eurozone sẽ tan rã như Cơ chế tỷ giá hổi đoái châu Âu - ERM trước đây.
Thực tế thì mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đã tích cực hỗ trợ giá trị cho đồng USD do tâm lý tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn tăng cao. Khủng hoảng 2008 cũng chứng minh rằng thế giới vẫn xem việc duy trì giá trị của đồng USD là nhiệm vụ quan trọng để tránh kịch bản khủng hoảng lặp lại. Nòoài ra, một phần vì các NHTW trên thế giới đã tích một lượng USD rất lớn. Nếu không muốn tài sản quốc gia hao hụt thì không còn cách nào khác đó là phải giữ giá trị của đồng USD.
Tóm lại, sức khỏe nền kinh tế châu Âu được coi là nguyên nhân chính khiến thế giới vẫn chưa muốn có bất cứ sự thay đổi nào trong hệ thống tiền tệ quốc tế. Để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ tài chính toàn cầu, Mỹ cần có khả năng bán – đi đôi với đó là khả năng bảo lãnh thanh toán, chi trả hàng nghìn tỷ USD nợ (trái phiếu do chính phủ nước này phát hành). Điều đó khó có thể xảy ra nếu đồng USD mất đi vị thế đồng tiền dự trữ hàng đầu như hiện nay.
Sự nổi lên của Trung Quốc và đồng Nhân Dân Tệ
Sự nổi lên nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc trong thế kỷ 21, thậm chí nếu sử dụng phương pháp tính ngang giá sức mua – PPP giữa đồng Nhân Dân Tệ và USD thì Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này có tác động tiêu cực đến vị thế của đồng Euro trong các giao dịch thương mại quốc tế cũng như trong dự trữ ngoại hối của NHTW các nước.
Sự nổi lên đầy hứa hẹn của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu đang đi cùng những mong muốn, nỗ lực thúc đẩy quốc tế hóa đồng Nhân Dân Tệ của chính phủ nước này với hứa hẹn thay thế vị trí thống trị của đồng USD. Đồng nhân dân tệ cũng ngày càng được sử dụng nhiều trong giao dịch thương mại và đầu tư quốc tế. Sự kiện nhân dân tệ lọt vào rổ tiền tệ dự trữ của IMF với tỷ trọng 11% càng thúc đẩy lòng tin của nhà đầu tư.
Trung Quốc đã thiết lập rất nhiều các trung tâm liên kết tài chính nhằm hoán đổi, thanh toán trực tiếp đồng Nhân Dân Tệ với nhiều NHTW trên thế giới bao gồm cả các NHTW lớn như NHTW Anh – BOE, NHTW Canada – BOC và NHTW Thụy Sĩ - SNB.
Nhân Dân Tệ thậm chí từng vươn lên vị trí là đồng tiền được giao dịch nhiều thứ 2 trong giao dịch thương mại, tài chính quốc tế - tính theo tổng giá trị giao dịch vào tháng 10/2013, với tỷ trọng 8,69%. Mức này chỉ sau đồng USD và tất nhiên đã vượt qua cả đồng Euro, Yên Nhật, Bảng Anh. Tất nhiên thành tích này có sự đóng góp đáng kể từ các giao dịch có quy mô rất lớn của các nhà đầu tư và đối tác thương mại của Trung Quốc. Mặc dù đến nay Nhân Dân Tệ đã tụt xuống vị trí số 5, trong tương lai gần mức này hoàn toàn có thể tăng lên khi Trung Quốc đẩy mạnh các cam kết hoán đổi tiền tệ.
Có một lý do khác để Nhân Dân Tệ của Trung Quốc nhận thêm được ủng hộ: lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ có thể xem như một loại tài sản đảm bảo đằng sau cho giá trị, uy tín của đồng nhân dân tệ. Như vậy có thể trong tương lai không xa, mức độ ưa chuộng nắm giữ Nhân Dân Tệ có thể vượt qua đồng Euro và thậm chí hướng tới đe dọa cả vị thế số một của đồng USD.