Phần lớn trong danh sách là những doanh nghiệp được nhà đầu tư nước ngoài săn đón.
SCIC xin giữ lại vốn tại một số doanh nghiệp lớn nhưng không được chấp thuận?
- Cập nhật : 21/10/2015
(Doanh nghiep)
Việc Tổng Cty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xin giữ lại vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk, FPT, Dược Hậu Giang… chỉ là quan điểm nhất thời, còn mục tiêu cuối cùng Thủ tướng phê duyệt đó là vẫn phải đảm bảo đúng định hướng của SCIC, thời điểm thoái vốn khi nào mới là quan trọng.
Đây là quan điểm của ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) - xung quanh việc Nhà nước đang chủ trương thoái vốn khỏi 10 DN lớn trong nước.
Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông để tìm hiểu rõ hơn những chủ trương chính sách của Nhà nước liên quan đến vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào việc liền một lúc đưa ra quyết định thoái vốn khỏi 10 DN lớn như vậy, sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường?
Đưa ra quyết định này phải hiểu trên 2 nghĩa, đây là phê duyệt thoái vốn của SCIC trong một giai đoạn. Việc thoái vốn Thủ tướng quy định cho SCIC phải chọn thời điểm thích hợp và phải có phương án cụ thể, trong đó có việc cổ phần hóa (CPH) phải đảm bảo vấn đề lao động. Không làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN, việc làm của NLĐ, không gây biến động trên thị trường.
Với trường hợp của Vinamilk, giả sử Vinamilk là một trong những DN đang đối trọng với các hãng nhập khẩu, để đảm bảo giá sữa cho người dân, cũng như công tác bình ổn giá thì rõ ràng một mặt vẫn thoái vốn, mặc dù có thể là nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, nhưng khinhà đầu tư nước ngoài hay Việt Nam nắm giữ vẫn phải cam kết các nội dung trên, đó là một trong các yêu cầu bắt buộc.
Việc thoái vốn SCIC có phải nằm trong lộ trình tái cơ cấu đầu tư của SCIC không thưa ông?
Việc thoái vốn của SCIC nằm trong tổng thể chung chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trong đó Nhà nước khẳng định quyết tâm, thông điệp của Chính phủ, việc này đã được quy định trong Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư SX cho DN. Đó là Nhà nước thu hẹp lĩnh vực mà khu vực tư nhân làm được, có nghĩa những danh mục này thành phần kinh tế khác làm rồi và làm tốt nhà nước vẫn rút vốn về để đầu tư vào những lĩnh vực khác mà nhà nước cần phải nắm giữ trong vấn đề an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, và những vấn đề cần vốn lớn.
Đối với SCIC là Cty 100% vốn nhà nước, được Nhà nước giao quản lý danh mục đầu tư vốn nhà nước theo mô hình DN thì SCIC vẫn phải có một kế hoạch để thoái khoản vốn, tập trung nguồn lực lại để đầu tư theo mục tiêu mà Chính phủ đã quy định, đây là việc bắt buộc SCIC phải làm.
Có thông tin, trước khi phê duyệt danh sách 10 DN thoái vốn, SCIC đã xin giữ lại Vinamilk, FPT và Dược Hậu Giang nhưng không được thông qua. Ông đánh giá thế nào về việc này?
Việc SCIC xin giữ lại các DN này, không có nghĩa không thoái vốn. Có rất nhiều quan điểm là, ở thời điểm này bán đi, có quan điểm, tại sao thời kỳ hưng thịnh lại không bán… Tất cả thời điểm bán như nào, bán khi nào, gắn liền với kế hoạch phát triển của SCIC. Chính vì thế, việc SCIC đưa ra quan điểm này chỉ là nhất thời, còn mục tiêu cuối cùng Thủ tướng vẫn phê duyệt đó là kiên quyết và đảm bảo theo định hướng của SCIC, thời điểm thoái vốn khi nào mới là quan trọng.
Đầu năm, mục tiêu của Quốc hội đưa ra trần bội chi ngân sách là 5%. Có thể hiểu việc thoái vốn này sẽ mang lại nguồn ngân sách cho Chính phủ để đảm bảo mục tiêu này không, thưa ông?
Việc trần bội chi ngân sách và cân đối ngân sách là các giải pháp liên quan đến Luật ngân sách và phụ thuộc vào điều hành chung của Chính phủ và Bộ Tài chính, việc này có nhiều giải pháp khác nhau, còn đối với nguồn thu thoái này sẽ được quy định trong Nghị quyết của Đảng, từ Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX, trong đó có vấn đề là việc bán vốn nhà nước sẽ để tập trung tại một quỹ.
Chính phủ đã quy định rõ việc thoái vốn sẽ sử dụng thế nào. Mục tiêu của việc thoái vốn chủ yếu để tái đầu tư lại các ngành nghề, những lĩnh vực mà nhà nước phải nắm giữ khi thành phần kinh tế khác không được làm, không muốn làm, chưa đủ sức làm, việc thoái vốn nhằm mục tiêu để tái đầu tư cho nền kinh tế.
Nghị quyết của BCH Trung ương vừa qua, Tổng Bí thư đã nói việc thoái vốn dùng để đầu tư phát triển, nhưng cho những mục tiêu mà nhà nước cần nắm giữ, trong đó ưu tiên đầu tư cho những lĩnh vực cần nắm giữ, ví dụ như vấn đề an sinh xã hội, bệnh viện, trường học, an ninh, quốc phòng, năng lượng… Khi dùng vốn này để đầu tư thì ngân sách không phải bỏ ra, đầu tư này mang tính vốn “mồi”, sẽ dùng một phần vốn của nhà nước, còn kêu gọi xã hội hóa.
Sau khi CPH, các Cty sẽ là các Cty tư nhân. Ông đánh giá thế nào về cơ cấu, kế hoạch kinh doanh, triển vọng phát triển của các Cty này?
Khu vực kinh tế tư nhân bao giờ cũng sáng tạo, cách quản trị của họ phải tốt mới tồn tại được. Cụ thể, với các DN đang thoái vốn, hiện những DN này đang là những DN tốt, như vậy rõ ràng việc bàn giao lại cho khu vực kinh tế tư nhân sẽ có lợi thế là họ sẽ giữ được nhân tài, huy động thêm nhiều nguồn lực và họ có thể phát minh sáng tạo ra nhiều cái mới hơn để tạo ra giá trị gia tăng.
Còn các Cty này hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, những ngành nghề kinh doanh ảnh hưởng đến người dân, ảnh hưởng đến cộng đồng phải có sự quản lý của nhà nước. Chẳng hạn như với Vinamilk sau này, sữa vẫn phải đảm bảo yêu cầu là phục vụ cho người dân tốt hơn, chứ không phải độc quyền sẽ làm cho người dân phải mua sữa với giá cao hơn.
Xin cám ơn ông.