Bộ Công thương cho biết cuối năm nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải trả hết khoản nợ gốc 3.000 tỷ đồng cho Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
SCIC rút vốn khỏi Vinamilk: Tốt, nhưng kiểm soát thế nào?
- Cập nhật : 08/09/2015
(Tin kinh te)
Quyết định rút vốn khỏi Vinamilk là hoàn toàn đúng, vấn đề còn lại là kiểm soát lợi ích nhóm thế nào?
Quyết định đúng
Tại diễn đàn M&A 2015 được tổ chức tại TP.HCM, Bộ KHĐT cho biết SCIC sẽ rút hết vốn khỏi Vinamilk. Việc SCIC buông “con gà đẻ trứng vàng” là quyết định mà giới chuyên mong mong đợi từ lâu.
Bày tỏ sự hoan nghênh với quyết định trên, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây là quyết định hoàn toàn đúng nằm trong tiến trình thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, những lĩnh vực tư nhân có thể quản lý thì nhà nước nên rút vốn và trả lại cho thị trường.
Vinamilk, không phải là lĩnh vực liên quan tới an ninh, quốc phòng, không phải lĩnh vực nhạy cảm vì vậy việc trả lại cho thị trường là hoàn toàn hợp lý. Việc này cho thấy quyết tâm trả doanh nghiệp về với thị trường theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ hiện nay.
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp tư nhân khi hoạt động theo cơ chế thị trường bao giờ cũng có được sự chủ động hơn nhất là trước những quyết định kinh doanh mang tính táo bạo, rủi ro cao. Là cơ hội thành công cho các doanh nghiệp này. Như vậy, nếu doanh nghiệp có điều kiện phát triển tốt hơn, thì cơ hội đóng thuế sẽ nhiều hơn và ổn định hơn. Khi đó, Vinamilk không còn là “một con gà đẻ một quả trứng vàng” nữa mà sẽ là “một con gà đẻ hai quả trứng vàng”.
Ai được mua?
Vấn đề của Vinamilk bây giờ là bán thế nào? Ai sẽ được mua cổ phần của mình để tạo ra được động lực cho Vinamilk tiếp tục phát triển?
Tính theo giá trị thị trường, 45% cổ phần của Vinamilk mà SCIC đang nắm giữ có trị giá gần 57.000 tỷ đồng, tương đương 2,6 tỷ USD. Đây là số vốn khổng lồ so với thị trường vốn èo uột của Việt Nam hiện nay. Vì vậy, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thoái vốn tại thời điểm này có vẻ không phải là thời điểm thuận lợi nhất với Vinamilk. Tuy nhiên, thoái vốn vẫn là quá trình lâu dài, dù việc thoái vốn không được thuận lợi Vinamilk vẫn phải làm.
Để quá trình thoái vốn được thuận lợi, Vinamilk không nên ngần ngại hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài. Có thể cho các nhà đầu tư nước ngoài được tham gia và mua cổ phần với thế áp đảo, tối đa là 51%. Vì các doanh nghiệp nước ngoài khi mua lại cổ phần với số lượng lớn họ đều có tính toán rất cẩn trọng. Cùng với việc đầu tư, họ sẽ mang theo công nghệ, kinh nghiệm quản trị hiện đại, năng động hơn. Vấn đề của Vinamilk là tìm được nhà đầu tư xứng đáng cả về năng lực, tiềm năng để “chọn mặt gửi vàng”.
Tất nhiên, cũng không tránh khỏi những lo ngại doanh nghiệp nước ngoài sẽ thâu tóm các tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam thì nguy cơ làm khuynh đảo, thống lĩnh thị trường nội có thể xảy ra. Nếu không cũng sẽ phải chịu sự chi phối của các tập đoàn nước ngoài này. Vinamilk cũng không là ngoại lệ. Nhưng đứng trước hai lựa chọn một là thoái vốn nhanh chóng, chấp nhận rủi ro hay phải kéo dài thời gian cổ phần hóa, chịu thiệt hại lớn hơn cho toàn nền kinh tế thì có lẽ nên chấp nhận rủi ro, mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài được tham gia.
Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở chỗ có nên cho doanh nghiệp nước ngoài mua cổ phần hay không mà chúng ta phải quản lý và kiểm soát những doanh nghiệp này thế nào? Giải pháp để kiểm soát được những doanh nghiệp này rất đơn giản, không có gì khó khăn.
Có hai vấn đề bắt buộc phải giải quyết là thể chế, chính sách và tình trạng tham nhũng. Hiện nay, chính sách của Việt Nam đang thiên về ưu đãi quá nhiều cho doanh nghiệp nước ngoài, vì vậy việc lo ngại doanh nghiệp nội bị chèn ép, nền kinh tế bị thống lĩnh là lo ngại chính đáng. Trước mắt, phải thay đổi chính sách theo hướng có lợi hơn, tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước phát triển. Việc này hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Việt Nam.
Quan trọng hơn cả là đẩy được nền kinh tế trong nước mạnh lên, các doanh nghiệp phải tự nâng cao nội lực của mình, nâng cao năng lực phát triển tạo ra những lợi thế cạnh tranh mới, cạnh tranh toàn diện hơn thay vì chỉ ngồi lo sợ sẽ bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm, thao túng mà không làm gì. Việc cố tạo ra các rào cản nhằm bảo hộ cho nền kinh tế trong nước không phải là thượng sách về lâu dài.
Nên ưu tiên nhà đầu tư trong nước
Dù vậy, ông Hiếu vẫn cho rằng cần thiết có những cơ chế nhằm ưu tiên trước hết cho các nhà đầu tư trong nước nếu có đủ năng lực mua lại số cổ phần của Vinamlik nhưng điều này rất khó.
Tại thời điểm này, nếu chỉ trông chờ vào các nhà đầu tư trong nước Vinamilk khó lòng đạt được mục tiêu cổ phần hóa nhanh chóng trong một thời gian ngắn. Với khoản vốn lên tới gần 3 tỉ USD thì khó có nhà đầu tư trong nước nào có đủ khả năng mua nổi. Vì vậy, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước nhưng cũng không nên quá kỳ vọng.
Chắc chắn phải có sự kết hợp giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài hoặc khả năng có một nhóm người cùng thâu tóm cả doanh nghiệp, hoặc một nhóm doanh nghiệp liên kết thâu tóm doanh nghiệp tức là nó có quan hệ thân hữu, quan hệ nhóm lợi ích… Đó mới là điều đáng lo ngại.
Vậy phải ngăn chặn tình huống này thế nào? Theo ông Hiếu, bản thân lợi ích nhóm không phải hoàn toàn đều là tiêu cực. Bất kể nhóm nào khi bỏ vốn đầu tư họ cũng phải tính toán tới lợi ích của họ trước. Tiêu cực chỉ phát sinh khi DNNN bị biến thành động cơ theo đuổi các mục đích không lành mạnh.
Ví dụ trong lĩnh vực ngân hàng, lẽ ra việc sử dụng ngân hàng để huy động tiền của người dân đưa vào nền kinh tế là điều tích cực. Tuy nhiên, do tình trạng sở hữu chéo, lợi ích nhóm chi phối mà nguồn tiền đó lại được đầu tư ngược cho những doanh nghiệp sân sau của các thành viên quản lý. Đây là bất cập.
Với Vinamilk cũng vậy, đây là doanh nghiệp có thương hiệu quốc gia, đủ khả năng giúp Việt Nam tham gia hội nhập sâu – rộng vào thị trường thế giới. Khi đó, sự thành công của Vinamilk, thương hiệu Vinamilk cũng chính là thành quả của cả nền kinh tế. Vì vậy, để Vinamilk tiếp tục duy trì được thương hiệu và phát triển tốt sau cổ phần hóa rõ ràng vấn đề lợi ích nhóm cần phải được đặt ra và phải kiểm soát chặt chẽ. Tránh tình trạng, ưu đãi quá nhiều cho nhà đầu tư, nhưng cuối cùng Vinamilk lại bị biến thành cơ hội trục lợi, làm giàu cho cá mỗi nhân lãnh đạo. Ở đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Rõ ràng, kiểm soát lợi ích nhóm không hề khó, chỉ là có muốn làm và có làm hay không mà thôi. Ngay cả trong lĩnh vực ngân hàng cũng vậy, cơ quan quản lý hoàn toàn biết rõ có lợi ích nhóm, biết rõ những bất cập đang tồn tại nhưng không xử lý.
"Vì vậy, thái độ của các cơ quan quản lý bây giờ là phải kiên quyết tiêu trừ lợi ích nhóm. Kiên quyết, nghiêm túc ngăn chặn bắt đầu từ Vinamilk", ông Hiếu nói.
Lam Lam
Theo Đất Việt