tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Danh mục đầu tư của SCIC: Một mình Vinamilk 'chấp tất'

  • Cập nhật : 13/08/2017

Không chỉ mang về 3/4 thu nhập từ cổ tức năm 2016, cổ phiếu của Vinamilk còn kéo giá trị tài sản nắm giữ của SCIC tăng mạnh trong nửa đầu năm nay.

Báo cáo tài chính năm 2016 của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã được kiểm toán bởi Hãng Deloitte cho thấy, trong năm qua, lợi nhuận trước thuế của SCIC đạt 7.941 tỷ đồng, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến 31/12/2016, tổng tài sản của SCIC đạt 66.000 tỷ đồng, giảm hơn 7.300 tỷ so với đầu năm. Nguyên nhân là do số dư tại Quỹ hỗ trợ Sắp xếp và Phát triển Doanh - một khoản phải trả nhà nước do SCIC quản lý bị cắt giảm hơn 10.500 tỷ xuống còn 27.300 tỷ đồng vào cuối năm 2016.

 

Chiếm phần lớn tổng tài sản của SCIC là đầu tư tài chính ngắn hạn (35.800 tỷ) và đầu tư tài chính dài hạn (27.300 tỷ đồng).

Trong danh mục đầu tư tài chính của SCIC, khoản tiền gởi ngân hàng và trái phiếu nắm giữ của cả SCIC và Quỹ hỗ trợ Sắp xếp và Phát triển Doanh nghiệp chiếm tổng cộng 40.471 tỷ đồng, tương đương 61% tổng tài sản của SCIC.

Ngoài ra, trong danh sách các công ty đầu tư liên kết được tính bằng phương pháp vốn chủ sở hữu có giá trị 1.511 tỷ đồng, giảm 500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: BCTC SCIC hợp nhất 2016

Nguồn: BCTC SCIC hợp nhất 2016

Trong năm 2016, nhóm công ty này đạt tổng doanh thu 9.364 tỷ đồng và 540,5 tỷ đồng lợi nhuận thuần, phần lãi của SCIC tương ứng với tỷ lệ vốn góp là 155 tỷ đồng.

Hiện SCIC đang nắm giữ vốn nhà nước tại 147 Công ty. Riêng với các DN có cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán, cách đây không lâu, SCIC cho biết danh mục cổ phiếu nắm giữ của SCIC trên thị trường chứng khoán có giá trị lên đến 130 ngàn tỷ đồng.

Dựa theo danh mục SCIC đang nắm giữ, 19 DN lớn nhất trong danh mục có cổ phiếu niêm yết trên 2 sàn HOSE, HNX và giao dịch trên UpCom của SCIC có giá thị trường hơn 120 ngàn tỷ đồng tính đến cuối tháng 7/2017.

Nguồn: SCIC, Cafef tổng hợp

Nguồn: SCIC, Cafef tổng hợp

Dù vậy, chỉ riêng phần vốn tại Vinamilk đã có giá thị trường lên đến 87,2 ngàn tỷ, chiếm đến 72,7% danh mục gồm 19 DN lớn trên sàn của SCIC. Với tỷ lệ nắm giữ 39,3% vốn, tương đương 571 triệu cổ phiếu lưu hành của Vinamilk, hàng năm SCIC thu về hàng nghìn tỷ cổ tức từ ông lớn ngành sữa này.

Được biết, trong 2 năm 2015-2016, Vinamilk trả cổ tức tiền mặt 60%/năm. Như vậy, năm 2016, SCIC đã bỏ túi hơn 3.400 tỷ đồng cổ tức từ VNM, chiếm 3/4 cổ tức được nhận và chiếm hơn 40% lợi nhuận trước thuế của SCIC.

Không những vậy, VNM còn là trụ cột giữ cho giá trị tài sản tính theo giá thị trường của SCIC ở mức cao. Hiện cổ phiếu VNM đang giao dịch ở mức 153.000 đồng/cổ phiếu, tăng 23,5% so với thời điểm đầu năm kéo theo giá trị tài sản của SCIC tăng thêm hơn 16 ngàn tỷ đồng so với thời điểm cuối 2016.

 

Theo Huy Nguyên - Trí thức trẻ, CafeF

Trở về

Bài cùng chuyên mục