Nợ xấu chưa được giải quyết về bản chất
- Cập nhật : 03/11/2015
(Tai chinh)
Chính phủ cần có các giải pháp quyết liệt đối với vấn đề nợ xấu vì thực tế nợ xấu chưa được giải quyết một cách bản chất.
Đây là ý kiến của Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang Thân Văn Khoa trước Quốc hội tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội năm 2015 sáng nay 2.11.
Không quy trách nhiệm cụ thể khó tăng hiệu quả vốn đầu tư
Nêu ý kiến về việc làm thế nào để đạt hiệu quả vốn đầu tư đặc biệt với nguồn vốn ngân sách nhà nước, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Thân Văn Khoa băn khoăn trước việc đánh giá sử dụng vốn thể hiện hệ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư). Theo ông Khoa, so sánh với một số quốc gia đã trải qua giai đoạn phát triển tương đồng thì hệ số này của Việt Nam hiện đang ở mức cao.
Dẫn chứng cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), ĐB Khoa cho biết trong giai đoạn 2001 - 2005 chỉ số ICOR của Việt Nam thuộc loại thấp (4,88) nhưng đến giai đoạn 2006 - 2010 chỉ số này đã là 6,96. Trong giai đoạn 2011 - 2015 chỉ số này là 6,92 chỉ đứng sau Ấn Độ.
Theo ĐB KHoa, bên cạnh các nguyên nhân Bộ Kế hoạch - Đầu tư nêu ra như Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tư mạnh hạ tầng, đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, xóa đói giảm nghèo..., còn có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến ICOR cao. Các nguyên nhân này theo ĐB Khoa là những thiệt hại do quy hoạch treo, quy hoạch không đồng bộ, quyết định đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp, thất thoát, lãng phí, thanh tra, kiểm tra giám sát không hiệu quả, chế độ trách nhiệm chưa rõ ràng…
Theo ĐB Khoa, việc quy định chế độ trách nhiệm trong quản lý điều hành chưa cụ thể từng lĩnh vực, vị trí nên trách nhiệm chưa rõ ràng. Do đó chưa nêu được những cán bộ làm tốt để khen thưởng, cán bộ không hoàn thành trách nhiệm để xử lý. ĐB Khoa đề nghị Chính phủ có các biện pháp xử lý vấn đề này tránh tình tránh quy trách nhiệm chung chung không cụ thể, không rõ ai là người kiểm tra, xử lý, cuối cùng không ai có trách nhiệm gì…
Nợ xấu chưa được giải quyết bản chất
Cũng theo ĐB Khoa vấn đề nợ xấu thực chất chưa được giải quyết triệt. ĐB Khoa cho biết báo cáo mới nhất cho biết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại giảm còn 3,72% (6.2015) so với 4,83% (12.2014), đến tháng 9.2015 nợ xấu đã về xuống dưới 3%.
“Nếu nhìn vào số liệu nói trên có thể thấy nếu cứ tiến triển nhưng vậy nợ xấu không còn là nỗi lo của chúng ta nhưng thực tế nợ xấu được xử lý như thế nào?”, ĐB Khoa đặt vấn đề.
Dẫn chứng thông tin từ Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ĐB Khoa cho biết từ ngày 1.10.2013 đến tháng 10.2015 các tổ chức tín dụng đã bán cho VAMC hơn 226 nghìn tỉ đồng dư nợ gốc với giá mua hơn 191 nghìn tỉ đồng.
VAMC xử lý thu hồi bằng các hình thức được hơn 16.000 tỉ đồng, đạt tỷ lệ rất khiêm tốn so với dư nợ gốc. “Như vậy có thể khẳng định phần lớn số nợ VAMC mua mới chỉ đươc gom lại tại VAMC mà chưa được thu hồi, xử lý tận gốc. Bản chất nợ xấu còn đó. Đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt vấn đề này”, ĐB Khoa nói.
Bài học trách nhiệm người đứng đầu
Phát biểu tại hội trường, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) đánh giá cao kết quả công việc của một số thành viên Chính phủ. ĐB Lê Nam cho biết ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đã kỳ vọng một thế hệ bộ trưởng mới mặc dù cơ chế hiện nay không thuận lợi cho sự thể hiện cá nhân.
ĐB Lê Nam dẫn chứng một số ví dụ cụ thể để lại dấu ấn tích cực như tư duy đổi mới của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cải cách hành chính ở ngành thuế ở Bộ Tài chính, chỉ đạo phá các vụ án đặc biệt nghiêm trọng của Bộ Công an, việc tạo ra các động lực phát triển đô thị khôi phục thị trường bất động sản gắn với nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng… Vai trò của Bộ Ngoại giao trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, vai trò của ngành Ngân hàng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô kìm chế lạm phát… Theo ĐB Lê Nam, Chính phủ cần tổng kết thêm bài học trách nhiệm bản lĩnh các đồng chí Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ và người đứng đầu ở các địa phương.
ĐB Lê Nam cũng thẳng thắn chỉ ra rằng xã hội còn quá nhiều bức xúc quá nhiều yếu kém. “Có nhận xét không thiện thí rằng Việt Nam là đất nước không chịu phát triển. Nếu dám tự chỉ trích thì chúng ta thấy nhận xét đó cũng có lý của họ”, ĐB Lê Nam nói. Những bức xúc được ĐB tỉnh Thanh Hóa nêu ra như nền kinh tế với cái gốc là sản xuất không ngừng tụt hậu, đời sống nông dân khốn khó, ngư dân mong có tàu lớn ra biển khơi nhưng 1,5 năm qua vẫn chưa xong tàu mẫu, môi trường sống ngày càng tồi tệ…
Vấn đề chống tham nhũng cũng chưa qua thời kỳ cầm cự mặc dù đã hơn 10 năm trôi qua. “Những bức xúc trên có nguyên nhân khách quan nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan là trách nhiệm các bộ trưởng, những người đứng đầu địa phương, thậm chí là trách nhiệm người đứng đầu Đảng, Nhà nước. Nhiệm kỳ này chúng ta đã chứng kiến nước mắt của đồng chí Tổng bí thư rơi vào lịch sử”, ĐB Lê Nam nói.