Tổng công ty đặt mục tiêu nâng tổng tài sản lên 22,5 tỷ USD vào năm 2020, với mức tăng trưởng 40% một năm.
Cái giá của nợ xấu
- Cập nhật : 23/10/2015
(Tai chinh)
Gần 10 tỉ đô la Mỹ nợ xấu đang “nằm chết” khiến nền kinh tế mất đi bao cơ hội để đầu tư, phát triển. Đó là cái giá phải trả của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Khách quan mà nói cho đến thời điểm này, ngành ngân hàng đã góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bình ổn thị trường vàng; ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ; không để đổ vỡ ngân hàng, bớt đi mấy ngân hàng yếu kém, bảo toàn được đồng vốn của người gửi tiền; ở một số ngân hàng, nợ xấu đã về 3% như mục tiêu đã định.
Trong khi hai trụ cột tái cơ cấu còn lại là đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước còn đang bị coi là tiến triển không đáng kể thì kết quả bước đầu của việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng như vậy là đáng trân trọng.
Nhưng công luận băn khoăn đằng sau những thành công ấy, cái giá phải trả của nền kinh tế là bao nhiêu? Cho đến nay chưa có câu trả lời đầy đủ!
Có thể liệt kê ra đây một số khía cạnh: (i) Cái giá phải trả để đưa lạm phát về một con số (ổn định kinh tế vĩ mô) là hy sinh tăng trưởng, hàng loạt doanh nghiệp ngưng hoạt động, nhiều người lao động thất nghiệp. (ii) Cái giá phải trả của việc xóa “vàng hóa” trên bảng cân đối của ngân hàng thương mại là sự thua lỗ lớn do lúc đó, các ngân hàng phải mua vàng với giá cao ngất ngưởng để trả cho người gửi vàng và ngân hàng nào “dính” nặng món này thì phải sáp nhập, kiểm soát đặc biệt; (iii) Cái giá phải trả cho ổn định tỷ giá là làm cho tỷ giá thực của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ tăng cao, bất lợi cho sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu…
Nhưng có lẽ cái giá nổi bật nhất là đống nợ xấu trên 465.000 tỉ đồng (số liệu đến tháng 9-2012). Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), các ngân hàng thương mại tự xử lý được 60%, còn lại bán cho VAMC theo dư nợ gốc hơn 224.000 tỉ đồng và các ngân hàng thương mại được trả bằng trái phiếu đặc biệt khoảng hơn 190.000 tỉ đồng. Loại trái phiếu này lãi suất là 0% và chỉ có một tác dụng duy nhất là có thể mang đến Ngân hàng Nhà nước để được tái cấp vốn khi cần thiết. Vừa rồi VAMC tích cực xử lý nợ xấu, thu hồi được khoảng 7% con số này. Việc xử lý, thu hồi số nợ xấu còn lại cực kỳ nan giải, đến mức ông Hùng phải thốt lên “kể cả bây giờ có tiền thật mua về để xử lý cũng chưa làm được” vì nút thắt quan trọng nhất vẫn là hành lang pháp lý chưa có.
Đến bao giờ mới giải phóng được đống tiền “nằm chết” này để cho nó quay lại phục vụ nền kinh tế? Cái giá phải trả ở đây, một lần nữa, là việc các ngân hàng thương mại phải tăng trích lập dự phòng rủi ro và đương nhiên phần trích lập này đội vào giá vốn cho vay ra, cơ hội giảm lãi vay hỗ trợ nền kinh tế cũng mất đi.
Theo thời gian thì khoản nợ đó cũng bào mòn bằng lạm phát. Mười năm nữa, cứ cho là lạm phát mỗi năm 5%, thì khối nợ này chỉ còn phân nửa. Đến lúc ấy, việc xử lý nợ xấu sẽ là chuyện nhỏ nhưng nền kinh tế thì mất đi bao cơ hội để đầu tư cất cánh. Các nước trong khu vực bị khủng hoảng năm 1997 đã phải trả cái giá là sụt giảm từ 15-20% GDP qua việc bỏ tiền ngân sách hoặc đi vay IMF để xử lý dứt điểm nợ xấu, phục hồi tăng trưởng. Còn với cách làm riêng biệt chưa có tiền lệ của Việt Nam, có lẽ cái giá phải trả lớn nhất là kéo lùi sự phát triển của đất nước.
Mong rằng Quốc hội, Chính phủ sớm có quyết sách đặc biệt bằng một văn bản luật đầy đủ, đồng bộ để xử lý nhanh, dứt điểm việc này, nhằm trả lại nguồn lực cho phát triển kinh tế.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)