Dù Bộ Tài chính khẳng định nợ công của Việt Nam vẫn ở mức an toàn nhưng Chính phủ đang phải vay để đảo nợ, cho thấy sự thiếu bền vững
Thêm “quyền” cho trái phiếu đặc biệt
- Cập nhật : 04/11/2015
(Chung khoan)
Ngày 22/10, NHNN chính thức ban hành Thông tư 18/2015/TT-NHNN (Thông tư 18) với những quy định mới về tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).
So với những quy định hiện hành, Thông tư 18 có điểm mới cơ bản là mở rộng đối tượng các TCTD được vay tái cấp vốn. Theo đó, đối với các TCTD đang thực hiện tái cơ cấu, mức tái cấp vốn có thể lên mức tối đa 100% tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt (các TCTD khác không quá 70%).
Với quy định mới trong Thông tư 18, có thể nhận thấy trong vòng 3 tháng trở lại đây, NHNN liên tục tạo ra các cơ chế thuận lợi cho các TCTD đang gặp khó khăn để hỗ trợ các đơn vị này đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, ổn định thanh khoản và tạo điều kiện tập trung nguồn vốn phục hồi tăng trưởng tín dụng.
Trước đó, trong tháng 8/2015, với các quy định tại Thông tư 14, NHNN đã “khoan sức” một lần đối với các TCTD đang gặp khó khăn về tài chính. Theo đó, văn bản này cho phép các TCTD đang thực hiện phương án tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn về tài chính khi bán nợ xấu cho VAMC, nhận thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt có thể kéo dài thời gian trích lập dự phòng đến 10 năm, thay vì 5 năm như quy định cũ.
Ngoài ra, các TCTD này cũng được phép tạm trích dần số tiền trích lập dự phòng rủi ro hàng năm đối với từng trái phiếu đặc biệt vào các kỳ trích lập dự phòng rủi ro trong năm. Điều này tạo ra sự chủ động cho TCTD trong việc cân đối các con số lợi nhuận tại các kỳ báo cáo, vì có thể trích dần hoặc trích gộp dự phòng rủi ro tùy theo tình hình kết quả kinh doanh của mình.
Cũng trong hoạt động hỗ trợ các NH khó khăn về tài chính, sau khi mua lại 3 NHTM CP với giá 0 đồng, NHNN đã tích cực hỗ trợ các TCTD này huy động từ các nguồn vốn để ổn định thanh khoản mà không phải dùng đến ngân sách.
Thông tin từ Cơ quan Thanh tra giám sát NH chia sẻ vào đầu tháng 10 cho thấy rằng, 3 NHTM là OceanBank, GP.Bank và CB đã có sẵn nguồn vốn khoảng 11.000 tỷ đồng. Với nguồn vốn này việc chi trả cho người dân và mở rộng các phương án kinh doanh mới là hoàn toàn có thể.
Ghi nhận riêng tại GP.Bank cho thấy, hiện NH này đang có dự trữ thanh khoản khoảng 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó tại đợt phát hành trái phiếu đặc biệt diễn ra ngày 14/10 vừa qua, VAMC đã chính thức phát hành cho GPBank 179 tỷ đồng, thời hạn 5 năm.
Như vậy, trong điều kiện đảm bảo thanh khoản như hiện nay, với các quy định mới về vay tái cấp vốn, rõ ràng GP.Bank có thể vay được một nguồn tiền khá lớn từ NHNN để phục vụ các hoạt động tái cơ cấu và mở rộng phương án kinh doanh của mình.
Xem xét rộng hơn, từ đầu tháng 10 đến nay, VAMC đã tiến hành mua nợ xấu của một loạt các NH bao gồm Agribank, PG.Bank, SCB, SHB và SouthernBank với tổng giá trị khoảng hơn 3.800 tỷ đồng. Đến nay VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt cho SCB với giá trị gần 548 tỷ đồng và SHB khoảng 74,65 tỷ đồng.
Điều này cho thấy, khi Thông tư 18 chính thức có hiệu lực vào tháng 12/2015 thì các tháng đầu năm 2016 nhiều TCTD yếu kém hiện nay sẽ không còn phải quá lo lắng với khoản nợ xấu đã bán cho VAMC vì họ đã có thể dùng trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn ở mức tối đa nhằm hỗ trợ thanh khoản và mở rộng kinh doanh.