Các đồng tiền kỹ thuật số, tiền ảo (coin) dễ dàng sinh ra nhưng cũng dễ mất đi, tăng giá hay giảm giá vô tội vạ. Đây là miếng đất màu mỡ cho những hoạt động lừa đảo, rửa tiền.
Nhà đầu tư nước ngoài muốn mua nhiều doanh nghiệp Nhà nước
- Cập nhật : 11/08/2017
Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài trong việc mua bán, sáp nhập…còn Chính phủ đang điều chỉnh thể chế cho phù hợp để vốn chảy về "vũng trũng".
Sắp tới, Nhà nước sẽ thoái vốn, giảm dần tỉ lệ sở hữu trong một loạt doanh nghiệp lớn trên thị trường, tạo thêm nguồn hàng cho thị trường M&A VN. Trong ảnh: dây chuyền sản xuất sữa bột của Vinamilk tại Bình Dương - Ảnh: T.T.D.
Tại diễn đàn mua bán và sáp nhập (M&A) 2017 do báo Đầu Tư chủ trì tổ chức ở TP.HCM chiều 10-8, một số nhà đầu tư nước ngoài thể hiện sự quan tâm đến các DNNN, đồng thời "phê" nhiều DNNN ì ạch trong niêm yết lên sàn chứng khoán sau phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Thông qua các thương vụ M&A, Chính phủ muốn thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Bộ trưởng NGUYỄN CHÍ DŨNG
IPO nhiều nhưng ngại lên sàn
Là người có kinh nghiệm 28 năm trong lĩnh vực M&A, ông Jeffrey Pirie, phó tổng giám đốc Deloitte Đông Nam Á, cho biết trong khu vực ASEAN, Việt Nam là một trong những thị trường có hoạt động IPO năng động nhất khu vực, nhưng bày tỏ lo ngại phần lớn các DNNN IPO xong rồi dừng lại chứ số lên sàn rất ít.
Ông Jeffrey Pirie cho biết tổng giá trị các thương vụ M&A khu vực Đông Nam Á khoảng 115 tỉ USD. Riêng tại Việt Nam con số này là 5,8 tỉ USD trong năm 2016, chiếm khoảng 5% giá trị giao dịch của toàn khu vực ASEAN.
Ông Đặng Quyết Tiến, phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài chính, thừa nhận hiện nay có 747 doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng chưa tiến hành niêm yết.
Ông Tiến nhìn nhận đó sẽ là một trong những nguồn hàng mà các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm cho hoạt động M&A thời gian tới.
Nhiều chuyên gia quan tâm đến việc bán vốn nhà nước tại các DNNN và cho rằng M&A có mặt tích cực là sẽ thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam thay đổi quản trị, hoạt động bài bản...
Trong khi đó, theo ông Seck Yee Chung (Công ty luật Baker & McKenzie), thị trường M&A Việt Nam đang chứng kiến làn sóng thứ 2 với tăng trưởng nhanh của hoạt động này trong ngành hàng tiêu dùng, sản xuất hàng hóa.
Năng lực cạnh tranh của Việt Nam hiện không còn chỉ dựa trên sản xuất hàng giá rẻ mà có sự dịch chuyển sang lĩnh vực công nghệ cao, giá trị gia tăng cao hơn, điều này đang thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến nhộn nhịp trong 2 năm gần đây.
Tuy nhiên, vẫn có những trục trặc trong pháp lý như quy trình đăng ký đầu tư phải qua nhiều khâu phê duyệt, mất thời gian của nhà đầu tư hơn cho dù các thủ tục này hoàn toàn có thể rút ngắn được.
Chưa kể nhiều thủ tục trước đây không có nay lại được cơ quan quản lý yêu cầu thêm.
“Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thay đổi môi trường đầu tư, kinh doanh nhưng chúng ta cần vươn tới chuẩn mực cao hơn” - ông Seck Yee Chung nói.
Bộ KH-ĐT đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập gắn với cổ phần hóa DNNN lớn trong nhiều lĩnh vực. Trong ảnh: Tổng công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn - một DN đang được tính toán thoái dần vốn nhà nước - Ảnh: Q.Đ.
VN sẽ thúc đẩy M&A với DNNN
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định chủ trương của Việt Nam là thông qua các thương vụ M&A, Chính phủ muốn thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...
Trước các phản ảnh của nhà đầu tư, ông Dũng khẳng định quan điểm của cơ quan quản lý là những quy định chưa phù hợp thì hoàn toàn có thể điều chỉnh đảm bảo tính thực thi của pháp luật.
Cho rằng đặc điểm của dòng vốn quốc tế là sẽ chảy vào “vùng trũng”, vì vậy theo ông Dũng, thể chế pháp luật của Việt Nam hiện đang được thiết kế nhằm tạo “vùng trũng” thu hút đầu tư.
Trong quá trình đó, có nhiều điều chưa làm được hoặc làm chưa tới sẽ cần được sửa đổi để môi trường Việt Nam cạnh tranh hấp dẫn hơn, với tinh thần Nhà nước phục vụ doanh nghiệp.
Nhấn mạnh Chính phủ VN rất quan tâm tới việc thu hút các dòng đầu tư thông qua hình thức M&A, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động M&A gắn với cổ phần hóa DNNN lớn trong các lĩnh vực, như: vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng...
Đến 2020, sẽ bán hết vốn tại 103 DNNN
Theo ông Đặng Quyết Tiến, trong danh sách được công bố, từ nay đến năm 2020 Nhà nước sẽ cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, trong đó 103 doanh nghiệp bán hết 100% vốn.
Ông Tiến tiết lộ Chính phủ đang rà soát danh mục Nhà nước sẽ hạ dần tỉ lệ nắm vốn tại các công ty cổ phần, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Vinamilk, Sabeco…
NHƯ BÌNH
Theo Tuoitre.vn