Giá điện và áp lực đầu tư; 3 tháng đầu năm, Petrolimex lãi 1.300 tỉ đồng; Thủ tướng yêu cầu giảm tối thiểu 20% số báo cáo định kỳ không phù hợp; Dự án tỷ USD “ngấp nghé” vào Long An
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 25-04-2017
- Cập nhật : 25/04/2017
Singapore, Việt Nam - hai nhà đầu tư nước ngoài lớn ở Myanmar
Theo truyền thông ở Yangon, Singapore đứng đầu trong bảng xếp hạng các nước đầu tư vào Myanmar và giữ vị trí thứ hai là Việt Nam.
Số vốn mà Singapore đã "rót" vào thị trường Myanmar là 3,82 tỷ USD trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2017, tiếp theo đó là Việt Nam (với 1,38 tỷ USD).
Trung Quốc (482,59 triệu USD), Thái Lan (gần 423,06 triệu USD) và Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc, với 213,7 triệu USD) là những cái tên còn lại trong bảng xếp hạng.
Đầu tư từ nước ngoài vào Myanmar chủ yếu đổ vào lĩnh vực vận tải, thong tin liên lạc, với tổng vốn lên tới 3,08 tỷ USD trong tài khóa vừa qua. Các lĩnh vực khác như chế tạo, điện lực. bất động sản, khách sạn và du lịch, chăn nuôi, ngư nghiệp và một số dịch vụ cũng nhận được nhiều vốn đầu tư.
Myanmar đã thu hút tổng 6,874 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong tài khóa vừa qua. (TTXVN)
------------------------------------
Giai đoạn 2016 - 2018, nợ công không được quá 65% GDP
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2016-2018 với mục tiêu nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Mục tiêu chung của Chương trình là tổ chức huy động vốn vay với chi phí và mức độ rủi ro phù hợp, đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; việc phân bổ, sử dụng vốn vay phải đúng mục đích, đảm bảo khả năng trả nợ; duy trì các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia ở mức an toàn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Chương trình đặt mục tiêu cụ thể vay trong và ngoài nước để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm dần, trong đó bội chi ngân sách nhà nước năm 2016 là 5,4% GDP, bội chi ngân sách trung ương năm 2017 khoảng 3,38% GDP và bội chi ngân sách trung ương năm 2018 là 3,3% GDP.
Quyết định nêu rõ, huy động vốn vay của Chính phủ cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước khoảng 606,4 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2016 khoảng 247,2 nghìn tỷ đồng, năm 2017 khoảng 172,3 nghìn tỷ đồng và năm 2018 khoảng 186,9 nghìn tỷ đồng.
Vay để trả nợ gốc ngân sách Trung ương khoảng 414,4 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2016 là 132,4 nghìn tỷ đồng, năm 2017 khoảng 144 nghìn tỷ đồng và năm 2018 là 138 nghìn tỷ đồng. Mức vay mới để trả nợ gốc hàng năm sẽ được Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định, thể hiện trong Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước hàng năm trên cơ sở tổng hợp, cân đối nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư và đảm bảo các chỉ tiêu nợ Chính phủ, nợ công trong giới hạn cho phép theo các Nghị quyết của Quốc hội.
Vay về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 118,4 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2016 khoảng 32 nghìn tỷ đồng, năm 2017 khoảng 42,4 nghìn tỷ đồng và năm 2018 khoảng 44 nghìn tỷ đồng.
Cắt giảm mạnh bảo lãnh Chính phủ
Về bảo lãnh Chính phủ, thực hiện Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội phê duyệt kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, cắt giảm mạnh bảo lãnh Chính phủ theo hướng: Đối với phát hành trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội, khống chế hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hàng năm để ổn định dư nợ. Đối với các khoản vay nước ngoài đã được cấp bảo lãnh Chính phủ và đang giải ngân, thực hiện khống chế hạn mức rút vốn ròng hàng năm là 1 tỷ USD/năm.
Tạm dừng toàn bộ việc cấp mới bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước; đồng thời rà soát danh mục các chương trình, dự án ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ để xây dựng hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 2016-2020 và hàng năm, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ trong giới hạn đã được Quốc hội phê duyệt.
Về vay nợ chính quyền địa phương, khống chế hạn mức bội chi và nợ của chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, theo đó bội chi ngân sách địa phương năm 2017 khoảng 6.000 tỷ đồng, năm 2018 khoảng 11.100 tỷ đồng.
Hạn mức vay thương mại nước ngoài (vay ròng) của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay, tự trả tối đa khoảng 5,5 tỷ USD/năm. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ mức dư nợ nước ngoài ngắn hạn của quốc gia, tốc độ tăng hàng năm tối đa 8-10%/năm.
Chủ động bố trí nguồn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ; các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có trách nhiệm, nghĩa vụ sử dụng vốn vay đúng mục đích, không sử dụng vốn vay ngắn hạn cho đầu tư các chương trình, dự án trung và dài hạn, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn.(TTXVN)
--------------------------------------
Mỹ khó có thể “ghìm cương” Trung Quốc trong xuất khẩu thép
Các nhà phân tích nhận định rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump "bắn tiếng" cảnh cáo về hoạt động xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ làm nóng thêm cuộc tranh chấp thương mại kéo dài nhiều năm giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Năm 2016, Trung Quốc đã xuất khẩu 620.000 tấn thép trực tiếp vào thị trường Mỹ và chỉ chiếm một phần nhỏ trong số 800 triệu tấn thép nước này sản xuất mỗi năm. Xuất khẩu thép của Trung Quốc đã giảm từ 112,4 triệu tấn năm 2015 xuống còn 108,49 triệu tấn năm ngoái.
Việc buộc Trung Quốc phải hạn chế công suất hay sản lượng dư thừa và giảm xuất khẩu thép giá rẻ vẫn là một vấn đề đầy thách thức và phức tạp. Ngành công nghiệp thép khổng lồ của Trung Quốc và phần lớn được trợ cấp bởi nhà nước, ít có khả năng bị ảnh hưởng bởi các biện pháp của chính quyền Tổng thống Trump khi Bắc Kinh đẩy mạnh xuất khẩu.
Số liệu hải quan được công bố hồi đầu tuần trước cho thấy các nhà máy Trung Quốc đã sản xuất ra lượng thép thô kỷ lục kỷ lục 72 triệu tấn trong tháng 3/2017. Sau đó ngày 19/4, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch tăng cường xuất khẩu của gần 80 ngành công nghiệp, trong đó có thép.
Các nhà quản lý ngành thép của Trung Quốc vẫn lặp lại câu “cửa miệng” rằng tình trạng dư thừa công suất không chỉ là vấn đề của riêng nước này mà cần sự phối hợp toàn cầu để giải quyết.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội sắt và thép Trung Quốc (CISA), ông Li Xinchuang, cho biết chính phủ nước này sẽ không áp đặt hạn ngạch xuất khẩu cho các nhà máy thép, và cũng không thể theo dõi được tất cả các nhà máy này.(Baotintuc)
--------------------------------------
Ngân hàng muốn tăng phí ATM
Một số ngân hàng (NH) thương mại vừa gửi kiến nghị lên NH Nhà nước về việc có lộ trình điều chỉnh tăng phí giao dịch qua ATM nhằm bảo đảm bù đắp một phần chi phí cho các NH có đầu tư hệ thống ATM.
Hiện các NH thương mại đang tiến hành thu phí giao dịch qua ATM theo thông tư 35/2012 của NH Nhà nước quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa (ATM), áp dụng từ tháng 3-2013. Theo đó, từ ngày 1-1-2015 các NH được thu tối đa phí rút tiền nội mạng và ngoại mạng là 3.000 đồng/giao dịch (chưa bao gồm thuế GTGT).Tuy nhiên, theo phó tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô lớn tại TP HCM, với chi phí đầu tư cho một giao dịch rút tiền qua ATM khoảng 7.000 đồng (tùy theo mức đầu tư của từng NH) thì mức thu phí rút tiền như hiện nay NH đang bị lỗ. Với 3.300 đồng/lần phí rút tiền thu từ chủ thẻ, NH chỉ nhận được 1.650 đồng còn lại trả cho trung gian thanh toán nên đề nghị tăng phí nhằm bù đắp một phần chi phí cho NH đầu tư hệ thống ATM là dễ hiểu.
Trong khi đó, nhiều chủ thẻ cho rằng sử dụng thẻ ATM hiện đã phải gánh nhiều loại phí như nhắn tin tài khoản, in sao kê, rút tiền nội - ngoại mạng, mở thẻ, duy trì số dư trong tài khoản, SMS Banking... Nay tiếp tục đề xuất tăng phí giao dịch qua ATM là không hợp lý. Một trong những lý do khiến chi phí duy trì hoạt động hệ thống ATM của NH bị đội lên cao do lượng giao dịch rút tiền mặt vẫn quá lớn.
Chị Võ Thị Nga (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết gần đây, chị mới để ý phí giao dịch khi rút tiền trên máy ATM và thấy rằng NH đã thu tối đa 3.300 đồng/giao dịch. Thậm chí, cách đây vài ngày chị nhận tiền qua chuyển khoản từ người thân còn bị thu phí 1.100 đồng/giao dịch. "Tôi có xem trên biểu phí của NH nơi phát hành thẻ thì không thấy có loại phí nào là phí nhận tiền qua giao dịch chuyển khoản, vì thường chỉ người chuyển tiền mới bị trừ phí. Nếu nhận được tiền mà tôi rút ngay thì tính phí kiểm đếm, còn đây nhận tiền mà bị trừ là NH lạm thu” - chị Nga thắc mắc.
Theo các chuyên gia, trong thời điểm này các NH thương mại chưa nên tăng phí giao dịch qua ATM mà có thể bù đắp chi phí qua các kênh khác như bán thêm sản phẩm dịch vụ, khuyến khích chủ thẻ thanh toán qua máy cà thẻ (POS) khi đi mua sắm hàng hóa, dịch vụ...
Đại diện NH Nhà nước cũng cho biết hiện nhiều NH thương mại vẫn chưa sử dụng hết lộ trình tăng phí giao dịch qua ATM trong thông tư 35 nên chưa đề cập đến việc điều chỉnh lộ trình tăng phí vào lúc này. Thống kê của NH Nhà nước cho thấy hiện có khoảng 13 NH áp dụng thu phí rút tiền nội mạng từ 500 đồng - 3.000 đồng/lần giao dịch, các NH áp dụng nhiều mức phí khác nhau và chưa sử dụng hết trần cho phép nên NH Nhà nước chưa nghiên cứu lộ trình tăng phí tiếp theo.(NLĐ)