BMI cũng không cho rằng ngành khai thác than có thể phục hồi được trong thời gian tới.
Doanh nghiệp ngoại tăng đầu tư vào công nghiệp đóng tàu
- Cập nhật : 03/04/2017
Trong 5 - 10 năm tới, sẽ chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của lĩnh vực hàng hải tại Việt Nam, trong đó, công nghiệp đóng tàu chiếm một vị trí quan trọng và được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Hendrik G. Lacet, Giám đốc Công ty Maritime-Consult Lacet (Hà Lan) có những nhận định khả quan về tương lai phát triển của ngành hàng hải Việt Nam, nhất là công nghiệp đóng tàu. Theo đó, với vị trí thứ 8 thế giới về các nhà máy đóng tàu mới, Việt Nam sẽ có nhiều đơn hàng hơn trong thời gian tới và ngành đóng tàu đang có tái cơ cấu mạnh mẽ để đón cơ hội này.
“Một phần của sự tái cơ cấu này là cho phép các nhà đóng tàu nước ngoài, như các nhà máy đóng tàu Damen từ Hà Lan, Vard từ Na Uy, Pilion từ Pháp và Triyards từ Singapore, có ảnh hưởng lớn hơn ở Việt Nam... Cơ cấu sản lượng cho Việt Nam là 70% tàu chở hàng rời, nhưng đã thay đổi sang các loại tàu khác, như tàu chở dầu thành phẩm, tàu tuần tra, tàu chở ô tô, tàu đánh cá…”, ông Hendrik G. Lacet nói.
Chia sẻ về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, ông Tom Chant, Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp hàng hải của Vương quốc Anh cho biết, việc mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác mới đang là nhu cầu bức thiết của các doanh nghiệp đóng tàu Anh. Vì vậy, Triển lãm Hàng hải Quốc tế lần thứ 6 (INMEX Việt Nam) vào cuối tháng 3/2017 tại TP.HCM có sự tham dự của 3 doanh nghiệp đóng tàu hàng đầu của Anh là B. Hepworth & Co, Chartco, HAES Systems.
Trong khi đó, theo bà Xue Hua, Giám đốc Công ty Wei Chai Việt Nam, là một doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất động cơ thủy, Tập đoàn Wei Chai đã có mặt tại Việt Nam khoảng 30 năm nay và đang là một thương hiệu được nhiều khách hàng Việt Nam lựa chọn. “Trong khoảng 5 - 10 năm tới sẽ là giai đoạn phát triển bứt phá của thị trường Việt Nam và Tập đoàn Wei Chai sẵn sàng là nhà đầu tư sát cánh với sự phát triển này”, bà Xue Hua nhận định.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành hàng hải, trong đó có công nghiệp đóng tàu. Dự kiến đến năm 2020, các khoản đầu tư để phát triển ngành hàng hải sẽ lên tới 1,5 tỷ USD và ngành này sẽ phát triển nhanh chóng để giải quyết áp lực khi trao đổi thương mại gia tăng.
Được biết, chương trình đóng mới 300.000 tàu cá vỏ thép mà Chính phủ đưa ra hiện nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp đóng tàu và nhà đầu tư nước ngoài. Mới đây, Công ty Maritime-Consult Lacet đã nhận được đơn đặt hàng đóng mới 61 tàu cá vỏ thép. Các nhà máy, đối tác của Công ty tại Việt Nam đang khẩn trương thực hiện các đơn hàng này và dự kiến sẽ bàn giao tàu trong giai đoạn 2017 - 2018.
“Nhằm thúc đẩy các kế hoạch hợp tác, đầu tư tại Việt Nam để đóng các tàu cá vỏ thép, chúng tôi đã khảo sát tại Hà Nội, Hải Phòng… với mong muốn có thêm đối tác, tìm kiếm địa điểm đầu tư nhà máy đóng tàu”, ông Hendrik G. Lacet nói và tin tưởng rằng, Công ty sẽ có nhiều cơ hội hợp tác và thành công tại thị trường Việt Nam.
Trong một diễn biến liên quan, gần đây khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Thanh Bình, Phó giám đốc Công ty VARD (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, Tập đoàn VARD (Na Uy, là một trong những nhà thiết kế và đóng tàu chuyên dụng, phục vụ ngành công nghiệp dịch vụ thăm dò và khai thác dầu khí xa bờ lớn trên thế giới) có ý định mở rộng nhà máy tại Việt Nam để xây cầu tàu dài hơn, cũng như nâng công suất lên 9 tàu/năm.
Hồng Sơn
Theo Báo Đầu Tư