tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tổng tài sản của ACB 'phục hồi' 100.000 tỷ sau 5 năm bầu Kiên bị bắt

  • Cập nhật : 22/08/2017

Tròn 5 năm kể từ khi đại án Bầu Kiên – biến cố lớn nhất với Ngân hàng Á Châu (ACB) xảy ra, và cũng phải mất 5 năm để chính ngân hàng này lấy lại 100.000 tỷ đồng tổng tài sản “đã mất”. Tuy nhiên, để trở lại vị thế như xưa lại là điều không hề dễ dàng.

Ngày 21/8 cách đây tròn 5 năm, Bầu Kiên - ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB - bị bắt. Phiên giao dịch ngày hôm đó, VN-Index giảm 20,44 điểm (-4,67%), còn VN30 giảm gần 25 điểm (-4,8%), cổ phiếu ACB giảm sàn.

ong nguyen duc kien

Ông Nguyễn Đức Kiên

3 ngày sau, đến lượt Tổng giám đốc Lý Xuân Hải sau khi vừa từ nhiệm đã bị bắt tạm giam. Hơn 1 tháng sau đó, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị - Trần Xuân Giá và 3 nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB lần lượt từ nhiệm và bị khởi tố.

5,6 tỷ USD vốn hóa thị trường chứng khoán mất đi sau 3 phiên giao dịch, 100.000 tỷ đồng tổng tài sản của ACB bốc hơi sau chưa tới một năm là những con số thể hiện mức độ nghiêm trọng của sự việc, điều mà trước đó khó ai có thể nghĩ sẽ xảy đến với một ngân hàng có vị thế như ACB. Bởi chỉ cách đó chưa đến một năm (năm 2011), ACB còn là “cánh chim” đầu đàn của nhóm ngân hàng tư nhân với lợi nhuận trước thuế hơn 4.200 tỷ đồng và hơn 280 nghìn tỷ tổng tài sản.

Rúng động

Ngày 30/06/2012 theo BCTC bán niên sau soát xét, tổng tài sản của ACB đạt xấp xỉ 256 nghìn tỷ đồng. Đến ngày 30/09/2012, con số này được ghi nhận còn hơn 214 nghìn tỷ đồng. Sau đó hơn 1 năm - ngày 31/12/2013, tổng tài sản của ACB còn lại hơn 166 nghìn tỷ đồng.


Tổng tài sản của ACB trong 6 năm qua

“Bầu Kiên, vàng và Huyền Như đã nhấn chìm con thuyền ACB”, lời một chuyên gia đã nói vào thời điểm đó.

Hơn 22.000 tỷ đồng tiền gửi đã bị rút ra chỉ trong hơn 1 tháng khiến số dư tiền gửi của khách hàng tại ACB giảm từ 145 nghìn tỷ xuống 123 nghìn tỷ chỉ từ 30/6 – 30/9/2012. Hơn 9.400 tỷ đồng dư nợ có liên quan đến nhóm 6 công ty của bầu Kiên đứng trước nguy cơ không thể thu hồi là những con số đơn giản để hình dung về tác động của sự việc.

Chưa hết, ngay cuối năm 2012, NHNN yêu cầu các ngân hàng buộc phải chấm dứt hoàn toàn trạng thái vàng trước 30/6/2013. Trong danh sách này, ACB là một trong những ngân hàng có dư nợ lớn nhất.

Trên thực tế, số vàng này đã huy động trước đó, một phần sử dụng cho khách vay lại, phần khác mang đổi ra tiền đồng để cho vay với lãi suất cao hơn. Tuy nhiên để đảm bảo thời gian tất toán, ngân hàng buộc phải mua vào 100.000 lượng vàng để trả hết vàng huy động cho dân, với giá mua lúc này đã bị đẩy lên cao hơn nhiều so với thời điểm họ bán vàng lấy tiền đồng cho vay (giá mua 46 – 48 triệu đồng/lượng so với giá bán từ 40 – 41 triệu đồng/lượng).

Kết thúc quý II/2012, ACB vẫn còn báo lãi trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đến quý III, ngân hàng này bất ngờ báo lỗ trước thuế gần 700 tỷ đồng – lần đầu tiên kể từ khi niêm yết trên HNX. Nguyên nhân chính đến từ khoản lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng hơn 1.140 tỷ. Khoản lỗ này tiếp tục được ghi nhận trong quý cuối của năm 2012 với hơn 600 tỷ đồng. Tổng khoản lỗ thuần từ ngoại hối và vàng trong nửa cuối năm lên tới 1.750 tỷ đồng.

Cơn bão này chưa qua, sóng gió khác đã ập tới. Trong khi sự vụ bầu Kiên khiến ngân hàng phải lao đao với hàng nghìn tỷ dự phòng đang “treo” chờ trích lập, thì ACB lại vướng vào một vụ án khác khi Bộ Công an đề nghị truy tố siêu lừa Huyền Như vào ngày 15/12/2012. ACB ước tính thiệt hại hơn 700 tỷ đồng.

Chủ tịch 34 tuổi, sự trở lại của "Trần Gia"

Ở giữa tâm bão thời điểm đó, ACB nhận được hậu thuẫn từ gia đình người tiền nhiệm Trần Mộng Hùng, Chủ tịch hội đồng sáng lập ACB, với 19 năm trực tiếp tham gia điều hành và quản trị ngân hàng. Hiểu và có kinh nghiệm, nhưng ông Hùng chỉ giữ vai trò cố vấn quản trị, còn chức Chủ tịch HĐQT ACB do con trai Trần Hùng Huy đảm nhiệm, và trong cơ cấu HĐQT ACB thời điểm đó còn có thêm một người của "Trần Gia" là bà Đặng Thu Thủy, vợ ông Hùng.

Ở tuổi 34, ông Huy ngồi vào chiếc ghế được xem là nóng nhất ngành ngân hàng khi đó. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra hoài nghi về người lãnh đạo mới với tuổi đời rất trẻ này, tuy nhiên nhiều người lại xem đó là hy vọng của ngân hàng. Không chỉ bằng kinh nghiệm 10 năm làm việc tại ACB trước khi tiếp quản ghế nóng (ông Huy bắt đầu làm việc tại ACB từ năm 2002 với vị trí chuyên viên), Chủ tịch 34 tuổi của ACB còn được “chống lưng” từ một trong những người am hiểu nhất về ACB– ông Trần Mộng Hùng.

Cũng vì lý do đó, khi ngành ngân hàng đang trong giai đoạn cơ cấu, rũ bỏ tình cảnh sở hữu chéo và thiên hướng quản trị mang yếu tố gia đình, ACB lại được chính các cổ đông ủng hộ việc đi ngược lại xu thế này. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm đó, nhiều cổ đông đã đồng tình với mô hình quản trị mang hơi hướng “gia đình trị” của Trần Gia với hy vọng ACB sẽ có người lãnh đạo đủ vững để vượt qua sóng gió.

5 năm trích lập dự phòng, giải quyết hậu quả sau "cơn bão"

Trước những khó khăn đó, kế hoạch 5 năm sau khủng hoảng đã ban lãnh đạo ngân hàng đề ra với mục tiêu trong thời gian nhanh nhất xử lý những tồn dư của “cơn bão”. Bên cạnh việc thu hồi các khoản nợ từ nhóm 6 công ty có liên quan đến Bầu Kiên, ACB cũng dồn lực để trích lập dự phòng với mục tiêu thoát khỏi “cục nợ” này trước năm 2018.

Trong báo cáo phân tích giữa năm 2016, CTCK Bản Việt (VCSC) đánh giá, ACB đã từng không thực hiện được các giải pháp xử lý liên quan đến khoản nợ của “nhóm 6 công ty” trong quá khứ, tuy nhiên ngân hàng đang quyết tâm giải quyết vần đề này trong thời gian gần đây.

Cuối năm 2012, tổng dư nợ cho 6 công ty có liên quan đến Bầu Kiên được xác định hơn 9.400 tỷ đồng, trong đó với tài sản đảm bảo bao gồm số dư tiền gửi, cổ phiếu, bất động sản và vàng (chủ yếu là cổ phiếu của các ngân hàng ACB, EIB và STB mà nhóm 6 công ty này đã đầu tư từ năm 2012).

Trong giai đoạn 5 năm (2012-2016), theo ước tính của HSC, ACB đã trích lập tổng cộng 6.352 tỷ đồng, thực hiện hoán đổi hơn 2.400 tỷ đồng nợ xấu với trái phiếu đặc biệt VAMC. Ngoài ra, ước tính ACB cũng đã xử lý xóa nợ tổng cộng 1.893 tỷ đồng (tương đương 1,16% tổng dư nợ tính đến cuối năm 2016). Nhờ động thái mạnh tay trong trích lập và thu nợ, đến cuối quý II/2017, dư nợ của nhóm 6 công ty có liên quan đến bầu Kiên tại ACB chỉ còn gần 560 tỷ đồng. (xem thêm)

Nguồn lực cho quá trình này, theo nhận định của các CTCK là đến từ hoạt động cốt lõi của ngân hàng. “ACB đã bước vào năm thứ năm của nỗ lực tái cơ cấu và quá trình kéo dài này có thể khiến các NĐT cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, khi phân tích các chỉ số cốt lõi của ngân hàng như tăng trưởng tín dụng, NIM và xu hướng dự phòng cho thấy hoạt động ngân hàng cốt lõi khá tích cực”, báo cáo của VCSC viết.

 

Tuy nhiên, vấn đề với ngân hàng là việc dồn lực vào xử lý tồn dư trong giai đoạn cuối năm 2012 khiến việc trở lại cuộc đua trở nên khó khăn hơn.

Trước khủng hoảng, ACB là ngân hàng xây dựng định hướng hoạt động cốt lõi là lĩnh vực bán lẻ và nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), với nền tảng đầu tư mạnh vào công nghệ thông tin. Nhưng trong giai đoạn ACB đối mặt với khó khăn và tập trung vào xử lý những vấn đề tồn tại, “sức ép” từ việc các ngân hàng quốc doanh đang thâm nhập lĩnh vực ngân hàng bán lẻ ngày càng rõ rệt.

“Việc lãi suất cho vay của ACB giảm 120 điểm cơ bản so với cuối năm 2014 - mức giảm mạnh nhất trong số các ngân hàng mà chúng tôi theo dõi - đã cho thấy nhận định này là đúng (số liệu dự phóng trong 6 tháng đầu năm 2015)”, VCSC nhận định trong báo cáo đưa ra hồi năm 2015 và cho biết thêm mức lãi suất của ACB hiện là một trong những ngân hàng cao nhất do đặc thù rủi ro của phân khúc khách hàng hướng đến – điều này có thể làm giảm sự cạnh tranh của ngân hàng.

Sau khi lợi nhuận chạm đáy vào năm 2013, kết quả kinh doanh của ACB đã phục hồi trở lại. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân chỉ khoảng 12-15% mỗi năm do lợi nhuận từ hoạt động được dồn vào chi phí dự phòng. Điều này khiến lợi nhuận năm 2016 dù tăng gần 60% so với năm 2012 nhưng chưa tới một nửa so với giai đoạn ACB còn ở “đỉnh cao”.

Sự trở lại của ACB sau tâm bão khủng hoảng là điều không thể phủ nhận. Nhưng để ngân hàng này trở lại vị thế như trước đây sẽ tiếp tục là bài toán khó cho ban lãnh đạo và những người chèo lái ngân hàng này.

 

 

Cẩm Tú
Theo NDH.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục