Ưu thế về môi trường đầu tư kinh doanh cùng với việc ký kết các FTA, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã khiến Việt Nam trở thành "thỏi nam châm" thu hút các nhà đầu tư từ các quốc gia Châu Á.
Cần thêm cơ chế bảo vệ người vay
- Cập nhật : 14/08/2017
Giảm lãi suất, đa dạng hóa sản phẩm, tạo dựng hành lang pháp lý thông thoáng, an toàn cho các công ty tài chính và khách hàng... là những giải pháp có thể đẩy lùi nạn tín dụng đen...
Giảm lãi suất, đa dạng hóa sản phẩm, tạo dựng hành lang pháp lý thông thoáng, an toàn cho các công ty tài chính và khách hàng... là những giải pháp, theo các chuyên gia, có thể đẩy lùi nạn tín dụng đen, cầm đồ, cho vay nặng lãi đang bùng phát hiện nay.
Dẹp cho vay nặng lãi
Với tỷ trọng tiêu dùng trên tổng sản phẩm nội địa của VN tăng từ 52,5% vào năm 2005 lên 78,34% năm 2016, có thể nói thị trường cho vay tín dụng cá nhân, hộ gia đình tại VN đang vô cùng hấp dẫn và nhiều tiềm năng. Ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước, cho biết thị trường tín dụng tiêu dùng từ năm 2011 - 2015 có tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm. Tổng dư nợ cho vay cấp cho khách hàng lên tới gần 600.000 tỉ đồng.
Vẫn theo ông Tú Anh, tốc độ phát triển thị trường vẫn đang khá nhanh, trong đó các ngân hàng thương mại chiếm vai trò chủ đạo với 90% thị phần. Do đó, trong thời gian tới cần mở rộng cho vay tiêu dùng qua các công ty tài chính, đây cũng là giải pháp rất hiệu quả để đẩy lùi tín dụng đen, cho vay nặng lãi.
Ủng hộ quan điểm này, theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Xuân Nghĩa, VN hiện nay tồn tại rất nhiều quỹ của các hiệp hội, các hụi họ… len lỏi trong cuộc sống hằng ngày của người dân. Điều này cho thấy một nền kinh tế có nhiều cơ hội làm ăn, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính. Tín dụng đen tồn tại được là do pháp luật không nghiêm, vẫn đặt ngoài vòng pháp luật. Có những trường hợp chuyên làm tín dụng đen mà quy mô lên tới vài trăm tỉ đồng.
Thậm chí, theo ông Nghĩa, quy mô tín dụng đen của cả nước lên tới hàng chục triệu USD. Trong khi đó, luật lệ chế tài quá yếu kém nên tín dụng đen không những hoạt động ngoài vòng pháp luật mà còn “lộng hành” khủng khiếp; là “gánh nặng” về mặt xã hội và “ung nhọt” của tài chính Việt Nam, phản ánh sự yếu kém về hệ thống pháp luật trong việc xử lý vi phạm tài chính.
“Cần phải đẩy lùi tín dụng đen bằng cách cấp phép, tạo điều kiện cho các công ty tài chính hoạt động minh bạch nhưng chịu sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan luật pháp, bảo vệ người tiêu dùng”, ông Nghĩa đề nghị.
Bảo vệ người vay
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, cũng cho rằng do sự hạn chế trong phát triển dịch vụ tài chính nên nhiều người phải đi vay tại các tiệm cầm đồ, thậm chí tìm đến cả tín dụng đen với lãi suất rất cao.
“Đối với những người dân có thu nhập thấp và không ổn định, không thể tiếp cận dịch vụ tài chính từ ngân hàng thì tài chính tiêu dùng tại các công ty tài chính gần như là “cứu cánh” cho họ, vì nếu không có các công ty tài chính thì họ phải trông vào tín dụng đen”, ông Đặng Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm tiếp thị FE Credit, phân tích.
Tuy nhiên để phát triển, các chuyên gia cũng khuyến cáo ngoài việc giảm lãi suất, đa dạng hóa sản phẩm, rút ngắn thủ tục, pháp luật hiện nay cũng phải sửa đổi theo hướng bảo vệ được cả người cho vay và người đi vay. Luật sư Trương Thanh Đức đề nghị, các quy định của luật phải chặt chẽ, rõ ràng. Bản thân công ty tài chính cũng xác định kinh doanh phải bài bản. Quan trọng hơn phải có quy trình tư vấn đầy đủ, hệ thống quy định thẩm định chất lượng để chọn những khách hàng có khả năng thanh toán mà cho vay, cần có hệ thống văn bản pháp lý bảo đảm nội dung, câu chữ trong hợp đồng không gây thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo Thanh Niên