Trong năm 2014, M&A trong ngành bán lẻ, công nghiệp tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn nhất cả về giá trị và số lượng thương vụ.
Khuyến khích các ngân hàng cho vay không thế chấp
- Cập nhật : 30/07/2017
Các ngân hàng cần thay đổi triệt để về tư duy, không nên nhìn nhận DN không đủ điều kiện tiếp cận vốn là rủi ro, mà nên lọc ra để tìm những khách hàng tiềm năng.
Không thiếu vốn, chỉ thiếu niềm tin
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 70% DN tư nhân chưa tiếp cận được tín dụng ngân hàng. 98% các DN này khi không tiếp cận được vốn họ phải huy động tích lũy từ quá trình kinh doanh hoặc vay của người thân, nhưng hai kênh này không bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi nếu vay ngoài sẽ phải trả lãi suất quá cao.
Việc tín dụng không tới được DN trước hết ảnh hưởng trực tiếp đến DN và bản thân các ngân hàng. DN không có vốn để mở rộng sản xuất, ngân hàng bị giảm thị phần và giảm doanh thu. Điều này dẫn đến việc toàn bộ nền kinh tế sẽ giảm sức cạnh tranh.
Theo ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng ngân hàng (NHNN), nguyên nhân của việc DNNVV khó tiếp cận tín dụng ngân hàng là năng lực của DN còn hạn chế; báo cáo tài chính chưa được kiểm toán; hoạt động chưa được công khai minh bạch. Do đó, bên cạnh nỗ lực của ngành ngân hàng, bản thân các DN cũng phải cố gắng để các ngân hàng quyết định cho vay.
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DNNVV, các ngân hàng hiện nay không thiếu vốn, nhưng họ thiếu niềm tin với các DN. Tuy nhiên, có một điều nghịch lý ở chỗ tỷ lệ nợ xấu của khu vực này lại thấp hơn so với khu vực DN lớn. Hạn chế dẫn đến nghịch lý này là bởi DN không chứng minh được hiệu quả kinh doanh một cách rành mạch; phương án kinh doanh không có sức thuyết phục cao; bị gặp cản trở chuẩn của ngân hàng về báo cáo tài chính, trong khi các DNTN nhỏ rất khó đảm bảo yêu cầu của ngân hàng, tài sản thế chấp có giá trị thấp, một phần là do các ngân hàng.
Ông Tô Hoài Nam thẳng thắn chỉ rõ: “Tôi cảm nhận các ngân hàng chưa hướng đến việc thay đổi cho phù hợp. Họ không có chính sách nào dám đột phá. Muốn đột phá phải là đột phá ở tài sản đảm bảo. Khung pháp lý cho việc vay tín chấp là có đủ nhưng NH không dám hành động. Nhân viên ngân hàng e sợ hình sự hóa, họ quá thận trọng và không dám đột phá là do pháp luật”.
Theo đó, các ngân hàng cần thay đổi triệt để về tư duy, không nên nhìn nhận DN không đủ điều kiện tiếp cận vốn là rủi ro, mà nên lọc ra để tìm những khách hàng tiềm năng.
Khuyến khích cho vay không thế chấp
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, bản thân nhân viên ngân hàng và các sếp ngân hàng cũng thích cho vay đối với các dự án lớn vì “nhàn” hơn, được “lại quả” cao hơn, đồng thời chỉ tiêu tín dụng cũng nhanh hoàn thành hơn.
Tuy nhiên, ông Tô Hoài Nam lại không cho là như vậy, vấn đề chính là các ngân hàng không đám đột phá: “DN cần mở lối ra để vay tín chấp, cho họ được tiếp cận nhiều hơn đối với vốn trung và dài hạn. Hạ lãi suất thì tốt rồi nhưng DNNVV cần được tiếp cận nhiều hơn với vốn trung và dài hạn, và cần được tiếp cận nhiều hơn lối quan hệ tín dụng theo cách tài sản bảo đảm được hình thành từ vốn vay”.
Ông Trần Văn Tần khẳng định ngành ngân hàng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho DN tư nhân tiếp cận vốn, trong đó sẽ khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay không cần tài sản đảm bảo.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho DNTN tiếp cận vốn, ông Tần cho rằng việc đầu tiên là phải tổ chức tốt Luật Hỗ trợ DNNVV vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ ba, đồng thời làm rõ các quy định về việc tổ chức quỹ bảo lãnh tín dụng. NHNN sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan tổ chức tốt việc này.
“NHNN đã và sẽ có những chính sách khuyến khích TCTD cho vay không tài sản đảm bảo, đi liền trình độ thẩm định của các ngân hàng và đánh giá lại tín nhiệm của DN. Đây sẽ là những bước đột phá, đẩy mạnh đầu tư đối với lĩnh vực này. NHNN cũng kết hợp với Chính quyền địa phương tổ chức tốt các chương trình NH với DN”, ông Trần Văn Tần nói.
Ông Tần đã đưa ra các con số khả quan: Tín dụng cho vay đối với DNNVV tăng 6,5% trong 6 tháng đầu năm nay, chiếm 22% tổng dư nợ của nền kinh tế. Đến cuối tháng 5/2017 tín dụng BĐS chỉ còn chiếm tỷ trọng 6%, tín dụng đối với các dự án BOT chiếm 1,4%.
Tuy nhiên, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cảnh báo nếu không có cơ chế giám sát kịp thời, rất có thể tín dụng cho vay đối với những lĩnh vực ưu tiên sẽ lại chảy vào bất động sản hay những lĩnh vực rủi ro khác. Do vậy, cần bịt chặt các kẽ hở, kiểm tra vốn sau khi giải ngân để nhận diện, bắt lỗi kịp thời.
Ngân Giang
Theo Infonet.vn