Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo dự thảo luật hợp thức hoá khung pháp lý để đón đầu làn sóng đầu tư mạo hiểm, biến Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp mới.
Lãi suất huy động tăng “nóng”, người vay méo mặt
- Cập nhật : 09/04/2016
(Tin kinh te)
“Cuộc đua” lãi suất ngân hàng lại tiếp tục nóng khi vài ngày gần đây nhiều ngân hàng nhỏ tiếp tục tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn lên kịch trần.
Cuộc đua kỳ thú
Sau khi đẩy lãi suất huy động dài hạn lên tới 8%/năm, gần đây, một số ngân hàng TMCP đã niêm yết kịch trần lãi suất 5,5% tại các kỳ hạn dưới 6 tháng. Và mới đây nhất, các ngân hàng thương mại (NHTM) khối quốc doanh cũng đã chính thức góp mặt vào cuộc đua này.
Vietcombank - NH giữ mức lãi suất huy động thấp nhất thị trường trước đây khá bình thản trước biến động lãi suất - nay cũng đã tăng. Huy động kỳ hạn ngắn của Vietcombank tăng 0,2%, kỳ hạn 2 tháng hiện ở mức 4,8%/năm, 3 tháng 5%/năm và 6 tháng 5,4%/năm, từ 12 tháng trở lên ở mức 6,5%/năm, từ 24-60 tháng 6,2%/năm. BIDV cũng vừa tăng lãi suất huy động khoảng 0,3%. So với mặt bằng chung, lãi suất huy động VietinBank cũng đang ở mức cao, trong đó kỳ hạn 12-24 tháng huy động với lãi suất 6,8%/năm, 3-6 tháng 5,5%/năm, 6-9 tháng 5,8%/năm, 24-36 tháng tăng lên 6,8%/năm, trên 36 tháng 7%/năm.
Động thái liên tục tăng lãi suất huy động của các NHTM trong thời gian gần đây đang đặt ra câu hỏi dòng vốn đang chảy đi đâu khi các chỉ báo đang cho thấy tăng trưởng kinh tế trong quý I cũng như nửa đầu năm 2016 nhiều khả năng sẽ gặp không ít thách thức.
Theo các chuyên gia kinh tế, động lực chính của cuộc đua này bắt nguồn từ những đồn đoán liên quan đến sửa đổi Thông tư 36. Theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đang được Ngân hàng Nhà nước công bố để lấy ý kiến, các NHTM được phép sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn với tỷ lệ tối đa là 40% thay vì 60% như hiện nay. Do đó, có thể chính việc này cũng khiến các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn trung dài hạn nhiều hơn để đáp ứng tỷ lệ 40%, và vẫn có thể tiếp tục cho vay trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, có thể các NH vẫn đang phải nuôi nợ xấu trong khi vẫn đang phải chịu áp lực trang trải lãi tiền gửi cho người dân, còn lãi NH cho vay là tiền thật mới chỉ ghi nhận dự thu chứ chưa thu được trên thực tế. Do lãi dự thu chưa thu được nên NH chưa có tiền nên phải liên tục huy động tiền gửi mới để trả lãi tiền gửi cũ.
"Cuộc đua lãi suất huy động này xem ra người gửi không được hưởng lợi, nhưng lại làm dấy lên lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng. Khi đó, người đi vay lại chịu thiệt thòi", một chuyên gia kinh tế nhìn nhận.
Lãi suất vay rục rịch tăng
Hiện nay, các khoản cho vay trung và dài hạn, các ngân hàng thường áp dụng theo phương thức thả nổi lãi suất. Nghĩa là lãi suất được điều chỉnh theo từng thời kỳ, thay đổi theo biến động thị trường tài chính. Mức điều chỉnh và kỳ hạn điều chỉnh sẽ theo thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo của một NHTM cổ phần nhận định, việc các NH tăng mạnh lãi suất tiền gửi 12 tháng và 13 tháng là một chiêu thức tăng lãi suất cho vay đối với người đã vay tiền mua nhà, mua xe hơi... Bởi lẽ, từ cuối năm 2015, hầu hết các NH cho vay dài hạn với lãi suất ưu đãi từ 7%-9%/năm áp dụng trong 6 tháng đến 12 tháng. Sau đó, lãi suất cho vay được tính bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng hoặc 13 tháng cộng với biên độ 3%-4%.
Theo vị này, hiện các NH đang có mức lãi suất tiền gửi 7%/năm đối với kỳ hạn 12, 13 tháng đang nhìn nhau để tăng thêm lãi suất trong thời gian tới. Thị trường sẽ hình thành mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà ở mức 10%-13%/năm.
Chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, hiện nay mặt bằng lãi suất có xu hướng gia tăng, mặc dù chủ trương của chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân đi vay và để hỗ trợ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với những diễn biến gần đây, lãi suất cho vay khó có thể giảm trong thời gian tới.
Doanh nghiệp méo mặt
Chứng kiến cuộc đua lãi suất giữa các NH, nhiều doanh nghiệp không khỏi ái ngại khi xảy ra kịch bản xu hướng tăng lãi suất huy động kéo dài khiến lãi suất cho vay tăng diễn ra trong năm 2016.
Ông Dương Chí Thành - Phó tổng giám đốc Công ty CP giấy Vĩnh Tiến - cho biết, vừa vay 10 tỉ đồng làm nguồn vốn lưu động với lãi suất 10 %/năm và được điều chỉnh sau ba tháng, chưa kể một khoản vay trung dài hạn để sắm thiết bị tự động dán keo gáy tập với lãi suất 12 %/năm. “Lãi suất đã thấp hơn trước nhưng đang lo là sau mấy tháng đầu ưu đãi, lãi suất cho vay sẽ tăng lên do lãi suất huy động đang có dấu hiệu tăng”, ông Thành nói.
Trước những lo ngại lãi suất huy động tăng kéo theo lãi suất cho vay cũng “té nước theo mưa”, các chuyên gia cho rằng cần bình tĩnh đánh giá xem việc tăng lãi suất này có diễn ra trên diện rộng và tạo ra một mặt bằng lãi suất huy động mới hay không. Nếu việc tăng lãi suất chỉ dừng lại ở một số ngân hàng thì chưa phải quá lo ngại về việc lãi suất cho vay sẽ sớm tăng trở lại. Mặt bằng lãi suất cho vay phân hóa rất lớn, tùy thuộc vào tình trạng “sức khỏe” của từng doanh nghiệp.
Cụ thể, nếu là doanh nghiệp lớn, có độ tín nhiệm cao, không vướng nợ xấu, dự án khả thi, tài sản thế chấp tốt, sử dụng nhiều dịch vụ của NH... thì lãi suất cho vay sẽ chỉ 6 - 6,5 %/năm. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp phải vay lãi suất đến 9 - 9,5%/năm.
Theo Báo Lao Động