Giá vàng SJC mới nhất từ công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC
Ngân hàng thương mại đang ép lãi vay xuống
- Cập nhật : 06/04/2016
(Tin kinh te)
Lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết lãi suất cho vay đang ổn định và có thể nhiều NHTM sẽ giảm xuống thấp hơn mức hiện tại
Sau khi có quy định chấm dứt cho vay vốn bằng ngoại tệ của NHNN từ tháng 4/2016, nhiều DN cho rằng không quá sốc nếu lãi suất cho vay tiền đồng giữ ổn định ở mức trên dưới 10%/năm.
Ông Phan Đức Chiến, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Đức Hoàng cho rằng, tỷ lệ vay USD của công ty ông hiện chiếm 70% với lãi suất bình quân khoảng 4,5%/năm. 30% còn lại công ty vay bằng tiền đồng với lãi suất 9% -10%/năm.
Nhiều NH bắt đầu tiết giảm mạnh chi phí trước xu hướng các sản phẩm tài chính quốc tế tràn vào Việt Nam
“Với lãi suất cho vay tiền đồng như hiện nay, công ty có thể chuyển hết các khoản vay USD sang tiền đồng vẫn có thể cân đối được. Có điều, tôi lo rằng nếu tất cả các công ty trong nước đều chuyển qua vay tiền đồng, nhu cầu tăng cao thì lãi suất cho vay tiền đồng sẽ tăng”, ông Chiến nói.
Chuyện lo lắng lãi suất cho vay tăng không chỉ của riêng ông Chiến, mà là nỗi niềm chung của nhiều DNNVV trong nửa đầu năm nay, khi lãi suất huy động trong NH tăng lên rõ rệt. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, lạc quan khi nói rằng, “năm nay có một số yếu tố có thể kiềm chế lãi suất cho vay tăng”.
Năm qua ngoài các NH phải tái cấu trúc để giảm chi phí, song song đó vẫn tiếp tục tuyển dụng, điều chỉnh tăng lương, nhưng giá trị tiền lương trên giá trị doanh thu đang có xu hướng giảm.
Theo đó, thời gian qua các NH đã tập trung đầu tư tăng năng suất lao động lên giúp cho chi phí hoạt động giảm xuống. Đây là yếu tố tích cực quan trọng cho lãi suất cho vay thời gian tới. Cụ thể: chi phí hoạt động cấu thành nên giá sản phẩm của NH gồm: lãi suất đầu vào, chi phí hoạt động, chi phí rủi ro, cộng biên lợi nhuận sẽ hình thành chi phí cho vay.
Theo các NH, hiện nay chi phí rủi ro đã giảm nhiều so với những năm trước, nhiều khoản nợ xấu là bất động sản đang được một số NH thu hồi khá tốt. Áp lực nợ xấu hiện tại không lớn như nửa đầu năm ngoái trở về trước, nhiều NH tỷ lệ nợ xấu xuống dưới mức 2% tổng dư nợ, một số NH đã bán nợ cho VAMC tạm thời yên tâm.
Những điều này giúp cho áp lực chi phí trong hoạt động của các NH giảm bớt và kiềm giữ lãi suất cho vay để giữ vững thị phần. Điều này vô cùng quan trọng khi tới đây các hiệp định thương mại tự do sau khi hoàn tất, các sản phẩm tài chính nước ngoài sẽ chính thức phân phối trên thị trường Việt Nam thông qua hình thức liên kết. Lãi suất ngoại tệ trên thị trường quốc tế hiện chỉ quanh mức 3%/năm đối với cho vay có tài sản thế chấp, sẽ là lợi thế cạnh tranh khi bước vào Việt Nam.
NH của Singapore – UOB, vừa tuyên bố xác định thị trường Việt Nam là thị trường quan trọng, họ sẽ cho ra hàng loạt sản phẩm mới cạnh tranh với NH nội trong đó có lãi suất thấp. Chưa kể nhiều DN trong nước có thể phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế để giảm chi phí tài chính… buộc các NHTM trong nước phải tiết giảm chi phí để có lãi vay cạnh tranh.
Ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, suốt từ đầu năm đến nay, định hướng của NH ông phải chuyển dịch cơ cấu tín dụng. Tập trung vào việc giảm chi phí hoạt động để kéo giảm lãi suất cho vay. Theo tính toán của ông Tùng, bình quân chi phí huy động ở mức 5%/năm, chi phí hoạt động 2,8% và chi phí rủi ro khoảng 1%. Tính chung giá vốn của NH ở mức 8,8%. Với mức lãi suất cho vay hiện tại trung bình 9-9,5%/năm, tiền lãi của NH thu được chỉ khoảng 0,8-1%.
Trong bối cảnh lãi suất huy động tăng, muốn kéo giảm lãi suất cho vay xuống các NH buộc phải giảm chi phí hoạt động tối đa, có NH dự định giảm chi phí hoạt động đến gần 30% so với trước đây.
Cùng với đó NH phải thanh lọc và nâng cao chất lượng nhân sự của mình mới có thể kiềm giữ được lãi suất cho vay thấp. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận để giảm chi phí hoạt động, NH cần có thời gian chứ không thể một sớm một chiều.
Một lãnh đạo ACB cho rằng điều chỉnh tư duy, tái cơ cấu lại năng lực là một quá trình của các NH, trước mắt các NH phải thực hiện những nghiệp vụ về tín dụng hoàn chỉnh.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, đến nay lãi suất cho vay vẫn giữ ở mức ổn định. Cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 6-7%/năm, trung dài hạn 9-10%/năm. Đối với lãi suất cho vay thông thường 6,8-9%/năm các khoản vay ngắn hạn, 9,3-11%/năm trung dài hạn. Lãi suất huy động tăng trong thời gian qua là do nhu cầu vốn của các NH trong việc đảm bảo cơ cấu tỷ lệ nguồn vốn.
Quỳnh Chi
(Thời báo Ngân hàng)