Hàng loạt đại gia Việt bí ẩn chi hàng trăm cho tới cả ngàn tỷ đồng để mua cổ phiếu của những thương hiệu nổi tiếng được Nhà nước thoái vốn. Một lớp người giàu mới sắp lộ diện.
'Đua lãi suất sẽ báo trước cái chết trong tương lai'
- Cập nhật : 28/03/2017
Sáng nay (28/3), đồng thuận với thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) quyết định giảm lãi suất huy động VND trên toàn hệ thống.
Trước lần giảm này, lãi suất huy động VND của LienVietPostBank nhỉnh hơn khối “Big 4” - các ngân hàng thương mại lớn có sở hữu Nhà nước chi phối. Nhưng sau khi giảm từ 0,1-0,4%/năm, biểu mới của họ đã về sát khối này, xuống nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có lãi suất huy động thấp nhất.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Thường trực LienVietPostBank nói, đặt trong mặt bằng chung, quyết định giảm lãi suất trên toàn hệ thống nói trên phần nào cho thấy thực tế là áp lực với lãi suất trên thị trường hiện nay không lớn.
Áp lực chủ yếu ngân hàng tự tạo
Ông đánh giá thế nào về áp lực tăng lãi suất nói chung hiện nay?
Nói không áp lực thì không phải, nói áp lực cũng không hẳn vậy.
Có áp lực nhưng tôi thấy chủ yếu do các ngân hàng tự gây ra. Ngân hàng nào cũng sợ thiếu nguồn, nên cứ muốn nhích lên hơn các ngân hàng khác một chút để thu hút khách, chứ chưa phải do nhu cầu thực sự.
Cũng có một số biểu hiện như một số tổ chức tài chính huy động vốn qua trung tâm, huy động nhỏ lẻ, huy động theo hợp đồng, lãi suất có cao hơn các ngân hàng thương mại.
Nhưng nhìn chung, tôi thấy đó không phải là áp lực từ nền kinh tế, áp lực từ chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Thậm chí Ngân hàng Nhà nước còn định hướng có thể giảm được lãi suất nếu các ngân hàng đồng lòng.
Còn với một số trường hợp tăng lãi suất, thì trước mắt có thể mang lại lợi nhuận cho ngân hàng, nhưng nó báo hiệu một dấu hiệu nguy hiểm trong tương lai.
Tức là, từ đó có những trường hợp khách hàng rồi đây phải vay lãi suất cao, thậm chí lãi suất cho vay tăng lên, cao hơn nữa họ cũng vay. Hiện tại những người vay đó vẫn trả được, nhưng vài năm tới thì dễ chết.
Bản thân LienVietPostBank chúng tôi không muốn đẩy lãi suất lên, vì như trên chúng ta đã có nhiều bài học trước đây rồi. Doanh nghiệp mà vay trên 50% nhu cầu vốn thông thường và lãi suất nào cũng vay thì báo hiệu cái chết trong tương lai.
Còn diễn biến một số ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao gần đây thì sao?
Đó là một hình thức huy động vốn dài hạn. Huy động được nguồn vốn dài hạn này để cho vay trung dài hạn, đáp ứng yêu cầu hiện nay là thực hiện giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Nó là một cách làm của ngân hàng. Nó có ảnh hưởng nhưng không lớn đối với thị trường.
Bởi vì hiện nay khách hàng có tiền nhàn rỗi gửi ngắn hạn mới là lượng lớn. Còn nguồn để gửi trung dài hạn không nhiều lắm, nên việc thu hút được lượng vốn trung dài hạn này là cần cho bất cứ ngân hàng nào.
Nhưng chúng ta cũng cần xem xét, nếu không cẩn thận thì đây lại có thể là một sự biến tướng. Ngân hàng thu hút vốn trung dài hạn nhưng thời hạn thực tế có khi lại ngắn, hoặc tính lãi cho các kỳ ngắn. Ví dụ như huy động 3 năm, tính lãi và rút cuối kỳ thì khác, nhưng nếu cho rút định kỳ hoặc bất cứ lúc nào thì lại rất khác.
Nhưng ở diễn biến trên, rõ ràng là có áp lực khi có khá nhiều ngân hàng tham gia vào đợt huy động lãi suất cao này?
Nó có áp lực nhất định. Có những ngân hàng thời gian trước cho vay ra khó khăn, họ tìm khách, hứa và ký trước các hợp đồng. Nay cần nguồn đề bù đắp cho các hợp đồng đã ký trong quá khứ.
Thêm nữa, có áp lực để cân đối giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Mặt khác, người ta thấy triển vọng phát triển của nền kinh tế tốt hơn, cầu tín dụng mạnh hơn. Họ dự tính trước và chủ động cho nguồn cung. Và có những dự án dài hạn chấp nhận vay lãi suất cao, một số ngân hàng cũng cho vay vào đó để cải thiện đầu ra, cũng như để có lãi biên cao hơn.
Nếu có những dự án như vậy thì tiềm ẩn sự nguy hiểm, vì vay với lãi suất cao rồi có thể chết bất cứ lúc nào. Chúng tôi thấy nếu họ sẵn sàng vay lãi suất cao thì lại không dám cho vay.
Đồng thuận, sẽ giảm được lãi suất
Ở trên ông có nói đến tình huống các ngân hàng nói chung vẫn có thể giảm được lãi suất nếu đồng lòng…
Vẫn có thể giảm được lãi suất nếu các ngân hàng đồng thuận, vì hiện nay chưa có áp lực lớn để buộc phải đẩy mạnh huy động vốn. Lạm phát, các yếu tố xoay quanh tiền tệ, hay kinh tế thế giới… chưa có gì thực sự gây áp lực lớn cả.
Nếu có thì theo, tôi là do chúng ta tự gây nên mà thôi!
LienVietPostBank không chạy theo xu hướng đẩy lãi suất lên. Nhà điều hành hẳn cũng nhìn thấy rõ, hiện nay chưa có gì để chạy đua lãi suất. Đến lúc nào đó lãi suất rồi sẽ điều chỉnh, và chúng tôi giảm trước thì đỡ mất chi phí nhiều hơn, không mất chi phí chạy đua.
Nhưng giảm lãi suất huy động lúc này sẽ ảnh hưởng tới nguồn vốn đầu vào, như với quyết định hôm nay của LienVietPostBank, thưa ông?
Có thể có ảnh hưởng, nhưng rất ít. Chúng tôi vẫn cạnh tranh mạnh về các tiện ích, cạnh tranh các dịch vụ chứ không phải chỉ cạnh tranh bằng lãi suất huy động. Làm sao để người gửi tiền thấy rằng không vì một chút lãi suất thôi mà đi khỏi LienVietPostBank.
Chúng tôi cũng nói với khách hàng của mình rằng, những ngân hàng kia tăng lãi suất chỉ là tức thời, chứ không phải là xu hướng. Mặt khác, khách hàng gửi vào rút ra như vậy thì lợi ích thực cũng bị hạn chế.
Chưa nên bỏ trần ngắn hạn
Liên quan đến diễn biến lãi suất huy động gần đây, cơ chế trần lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước đang áp ở các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đối với VND, theo ông có tiếp tục thực hiện hay không, thời gian qua một số chuyên gia có kiến nghị bỏ?
Về lý thuyết, theo cơ chế thị trường, thuận mua vừa bán. Việt Nam vẫn theo cơ chế thị trường nhưng có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước.
Thực tế vẫn có những doanh nghiệp, ngân hàng không chơi sằng phẳng, họ vẫn có những tiểu xảo nhất định. Nên trần lãi suất vẫn là một công cụ quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Theo tôi nghĩ trước mắt là chưa nên bỏ.
Vì hiện nay mình vẫn chưa có một sân chơi sằng phẳng, tất cả các thành viên trên sân chơi này không phải là văn hóa giống nhau, có những người vẫn nghĩ về mình quá nhiều mà không nghĩ về người khác, không nghĩ về xã hội. Nếu có quá nhiều người như thế thì xã hội bị ảnh hưởng.
Và chúng ta cũng thấy, thỉnh thoảng thị trường lại có những cơn sóng. Nếu như không có công cụ như trần lãi suất nói trên thì không kiểm soát được.
Tất nhiên, tôi thấy sự đồng thuận vẫn là quan trọng nhất. Sự đồng thuận trước tiên cần có ở các ngân hàng lớn. Nếu có 10-12 ngân hàng lớn nhất trong hệ thống đồng thuận, thì nếu có ngân hàng nào đó phá rào thì chẳng có tác dụng gì.
Còn triển vọng lãi suất VND thời gian tới, ông nhìn nhận thế nào?
Tôi vẫn đánh giá rất cao sự đồng thuận trong hệ thống về bình ổn lãi suất. Như vậy cũng chính là giúp cho ngân hàng, vì nếu cho vay lãi suất cao có thể thu lãi tốt dăm ba tháng một năm, nhưng như trên, sẽ lại hẹn cái chết trong tương lai.
Như hiện nay tôi thấy, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp từ 10% trở lên là một gánh nặng rất lớn. Có thể họ vẫn trả được, bóc cái này gối cái kia để trả, nhưng trong tương lai lâu dài với gánh nặng đó rất dễ bị khựng lại, rồi nảy sinh nợ xấu.
Liên quan thì về giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, thực tế thời gian qua và hiện nay, nhu cầu vốn trung dài hạn lớn và nhô lên khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi và phát triển, ngân hàng đáp ứng, nay phải co về để tuân thủ.
Tôi nghĩ, nên chăng Ngân hàng Nhà nước xem xét nới việc hạ giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 50% đầu năm 2017, giãn ra xét bình quân cả năm là 50% chứ không áp luôn từ đầu năm mà có phần áp lực.
Và tôi cũng mạnh dạn đề xuất Ngân hàng Nhà nước, để tránh áp lực cho vốn VND thì phải hút thêm ngoại tệ, giảm tải cho cầu vốn VND, bằng việc đưa lãi suất USD “lên mặt đất”.
Trần lãi suất huy động USD 0%/năm hiện nay có thể lên 0,25-0,5%/năm, như vậy vừa “đào đô la dưới đất lên”, vì nhiều nhà chôn cất thật, và nữa là thu hút kiều hối.
Minh Đức
Theo Vneconomy.vn