Giá vàng SJC mới nhất từ công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC
Chính sách phù hợp, giúp tăng dự trữ ngoại hối
- Cập nhật : 08/04/2016
(Tin kinh te)
NHNN đã mua vào một lượng ngoại tệ khá lớn, nhưng không gây áp lực lên lạm phát
Chặng đường không yên ả
Nếu nhìn vào con số dự trữ ngoại hối Nhà nước (năm 2010 chỉ là 9 tỷ USD, và đến nay con số này khoảng 40 tỷ USD), có thể thấy các giải pháp điều hành tỷ giá của NHNN trong 5 năm qua đã đạt mục tiêu kép: kiểm soát thị trường và nâng dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Theo một chuyên gia NH, có thể thấy dựa trên cơ sở cung cầu ngoại tệ và diễn biến kinh tế trong nước cùng thị trường tài chính quốc tế, NHNN đã có những sự điều chỉnh linh hoạt.
Từ cuối tháng 8/2011, thị trường ngoại hối và tỷ giá có biến động, để bình ổn thị trường, tâm lý DN và người dân, NHNN đưa ra cam kết về mức điều chỉnh tỷ giá không quá 1% trong các tháng cuối năm 2011.
Căn cứ cung - cầu ngoại tệ và diễn biến trên thị trường, NHNN đã linh hoạt điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên NH (BQLNH) với biên độ khoảng từ 5-15 USD/VND. Tổng mức điều chỉnh của tỷ giá BQLNH trong những tháng cuối năm 2011 khoảng 1%, theo đúng cam kết đã đề ra.
Đồng thời, NHNN tiếp tục bán ngoại tệ can thiệp và có các biện pháp mạnh mẽ bình ổn thị trường vàng, qua đó hạn chế tác động bất lợi của thị trường này đối với thị trường ngoại tệ, làm tiền đề cho sự ổn định tỷ giá giai đoạn sau này.
Tiếp theo sang năm 2012, nhằm tăng cường tính minh bạch, định hướng và dẫn dắt thị trường, tạo điều kiện cho các DN chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, NHNN chủ động công bố định hướng điều chỉnh tỷ giá không quá 2-3% trong năm 2012 và 2013; không quá 1-2% trong năm 2014; và năm 2015 là không quá 2%.
Trên thực tế, trên cơ sở điều kiện thị trường, năm 2012, NHNN không điều chỉnh tỷ giá, năm 2013 và 2014 điều chỉnh tăng 1%. Riêng trong năm 2015, trước những diễn biến bất thường trên thị trường quốc tế, đặc biệt là sự kiện đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất, NHNN đã điều chỉnh tăng 3% tỷ giá bình quân liên NH, đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ ±1% lên ±2% (ngày 12/8/2015) và lên ±3% (ngày 19/8/2015).
Đồng thời, ngày 31/12/2015, NHNN chính thức ban hành cách thức điều hành tỷ giá mới (quyết định số 2730/QĐ-NHNN) theo hướng công bố tỷ giá trung tâm (thay cho tỷ giá BQLNH), biến động linh hoạt hàng ngày (áp dụng từ ngày 4/1/2016) theo diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước, biến động trên thị trường thế giới, nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của NHNN theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ.
Lợi cho cả NH và DN
Phân tích của giới chuyên gia NH cho rằng, nếu thực hiện theo phương thức điều hành tỷ giá cũ thì thường vào thời điểm kết thúc năm (31/12), NHNN sẽ phải bán ra lượng ngoại tệ rất lớn. Nhưng với phương thức điều hành mới này, áp lực đã giảm đi rõ rệt khi NHNN bán ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng.
Như vậy, trong thời gian 3 tháng đó, NHNN đã tính về mặt mùa vụ. Chẳng hạn, sau Tết Nguyên đán thì ngoại tệ bao giờ cũng dồi dào cho nên giá có thể xuống, và trước Tết thì bao giờ cũng căng thẳng, nhưng các TCTD đã mua kỳ hạn rồi nên rất yên tâm.
Trong trường hợp sau Tết Nguyên đán (giai đoạn tháng 2) tỷ giá ổn định thì TCTD hoàn toàn có thể mua ngoại tệ trên thị trường, nếu giá rẻ hơn mua kỳ hạn. Còn nếu thị trường “xấu”, TCTD không mua được từ thị trường thì thời điểm ngày 31/12 đã mua được của NHNN.
“Cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm giúp các NHTM yên tâm, luôn có lựa chọn theo hướng có lợi, không sợ âm trạng thái, đồng thời có thể lựa chọn giá thị trường rẻ hơn” - Lãnh đạo một NHTM lớn chia sẻ.
Về phía NHNN, đáng lẽ phải bán lượng ngoại tệ lớn vào những thời điểm thị trường căng thẳng thì với cách thức này, nhà quản lý đã tạo điều kiện cho NHTM chủ động. Các NHTM có thể mua trên thị trường với giá thấp tối thiểu, giảm thiểu lượng ngoại tệ NHNN phải bán ra để ổn định thị trường.
Qua một thời gian thực hiện, diễn biến của thị trường cho thấy với cơ chế tỷ giá mới này, cơ quan quản lý đã phần nào đạt được mục tiêu để các TCTD và cả DN thích nghi với các thách thức trước biến động không ngừng của thị trường thế giới và tác động đến thị trường trong nước.
Trong thời gian tới, dự báo sẽ còn nhiều biến động phức tạp hơn. Chính vì thế bước “làm quen” vừa qua là những kinh nghiệm quý báu cho cả nhà điều hành lẫn đối tượng chịu tác động chính sách. Trên thị trường, sau hơn một quý triển khai điều hành theo tỷ giá trung tâm đã có nhiều tín hiệu tích cực.
So với ngày đầu tiên bắt đầu điều hành bằng cơ chế mới (ngày 4/1), tỷ giá trung tâm ở mức 21.896 đồng/USD và tỷ giá niêm yết của NHTM quanh mức mua vào 22.461 đồng/USD – bán ra 22.535 đồng/USD, thì ngày 31/3 tỷ giá trung tâm đã giảm 39 đồng; giá bán ra của NHTM đã giảm 210 đồng.
Ông Nguyễn Văn Hưởng – Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Tâm cho rằng, trước đây khi ký hợp đồng với nước ngoài, DN luôn phải nhìn ngó và phán đoán tỷ giá sẽ thay đổi như thế nào vào thời điểm thanh toán. Tỷ giá biến động khó lường luôn là rủi ro lớn đối với DN. Với cơ chế mới, mức biến động tỷ giá sẽ nhỏ hơn và không gây sốc cho DN như trước.
Thị trường ngoại hối quốc tế cũng đã thay đổi rất nhiều trong thời gian qua, và những biến động cũng khó lường đoán hơn, độ dao động lớn hơn. Đặc biệt, trong báo cáo của HSBC từng nhận định: “Việc Trung Quốc thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá, việc FED tăng lãi suất đã làm thay đổi cuộc chơi với các NHTW các nước”.
Về diễn biến của tỷ giá trong thời gian qua, TS. Trần Hoàng Ngân – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng, điều này cho thấy cách điều hành tỷ giá theo phương thức mới của NHNN đã đảm bảo phù hợp với thị trường, và chúng ta phải phát huy, tiếp tục duy trì các giải pháp để minh bạch và tạo niềm tin cho thị trường.
Theo NHNN, điểm nổi bật trong giai đoạn 2011-2015 là mặc dù đã mua vào một lượng ngoại tệ khá lớn để bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước, nhưng NHNN đã kịp thời sử dụng các biện pháp trung hòa để không gây áp lực lên lạm phát. Điều này, khác với năm 2008, quy mô dự trữ ngoại hối tăng là một trong những nguyên nhân làm tăng áp lực lạm phát do tăng cung tiền.
Chí Kiên
(Thời báo Ngân hàng)