Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm thu không đủ bù chi, thâm hụt 82,9 nghìn tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế Ngân hàng Standard Chartered: Tỷ giá, lãi suất sẽ ổn định
- Cập nhật : 29/06/2016
Trao đổi với báo giới, ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm nay, đồng thời cho rằng tỷ giá sẽ ổn định và lãi suất khó có dư địa giảm thêm.
Nhìn nhận của ông về triển vọng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay không được như cùng kỳ năm trước?
Chúng tôi vẫn giữ nhận định Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ 2 trong khu vực châu Á trong năm nay, chỉ đứng ngay sau Ấn Độ.
Cụ thể, dù tăng trưởng 6 tháng đầu năm thấp hơn nhưng cả năm sẽ vẫn đạt 6,9% như dự báo chúng tôi đã đưa ra vào đầu năm nay. Bởi, dù lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng không tích cực và đã kéo tăng trưởng chậm lại nhưng các lĩnh vực sản xuất và xây dựng vẫn là các động lực mạnh của tăng trưởng trong 6 tháng còn lại của năm nay, cũng như trong tương lai gần sắp tới.
Có rủi ro nào đối với dự báo khả quan trên không, thưa ông?
Tất nhiên cũng có một số rủi ro. Đơn cử, những rủi ro và biến động gia tăng trên các thị trường toàn cầu như giá dầu, hàng hóa cơ bản… có thể ảnh hưởng đến Việt Nam.
Trong đó, tôi cho rằng rủi ro lớn nhất là nhu cầu yếu đi từ các nền kinh tế lớn, ví dụ như kinh tế Mỹ dự báo tăng trưởng chậm hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu đối với hàng hóa các nước, trong đó có Việt Nam.
Thế nhưng nếu nguồn vốn FDI vẫn chảy vào Việt Nam mạnh mẽ thì sẽ tiếp tục hỗ trợ tốt cho tăng trưởng. Và về cơ bản thì các yếu tố giúp kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt vẫn cao hơn so với các rủi ro có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng.
Một điểm quan trọng nữa là chúng ta cần sự tăng trưởng ổn định hơn là tăng trưởng quá nhanh vì như vậy sẽ không bền vững. Thế nên điều tôi muốn nói là Việt Nam có những động lực tốt để tăng trưởng nhanh nhưng chúng ta không phải cố gắng tăng trưởng bằng mọi giá. Theo nghĩa đó, nếu trong trường hợp các yếu tố rủi ro tiêu cực thì chúng ta cũng phải chấp nhận tăng trưởng thấp hơn.
Ông nói FDI là một động lực tốt cho tăng trưởng, vậy nhìn nhận cụ thể về vấn đề này thế nào?
Chúng ta thấy, lượng vốn FDI vào Việt Nam rất tốt trong những năm vừa qua. Chúng tôi dự báo năm 2016, vốn FDI sẽ còn mạnh hơn năm 2015, qua đó hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế cũng như sự ổn định của VND.
Chưa kể, do chi phí nhân công ngày càng cao tại Trung Quốc, nên có rất nhiều công ty muốn chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc, và Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất đối với họ…
Với dòng chảy vốn đó, ông dự báo gì về thị trường ngoại hối của Việt Nam thời gian tới?
Chúng tôi dự báo VND sẽ khá ổn định trong năm nay. Một số cơ sở cho nhận định này là:
Thứ nhất, việc NHNN áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm điều chỉnh theo ngày từ đầu năm nay là một động thái tích cực, cho phép NHTW đối phó nhạy bén, kịp thời hơn với các biến động của thị trường, tránh được các điều chỉnh tỷ giá một cách bị động và thường ở mức lớn như trước đây.
Thứ hai, việc dòng vốn FDI sẽ vẫn chảy vào mạnh và chủ yếu hướng đến khu vực sản xuất, điện tử một mặt tiếp tục là một động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai gần của Việt Nam, mặt khác sẽ hỗ trợ tốt cho ổn định tỷ giá.
Thứ ba, chúng tôi cũng nhận thấy, kỳ vọng về việc Fed tăng lãi suất trong thời gian qua đã giảm đáng kể, với chỉ 50% thị trường nhận định khả năng Fed sẽ tăng lãi suất một lần trong năm nay. Hơn nữa với các biến động mạnh trên thị trường toàn cầu hiện nay, như vấn đề Brexit thì chúng tôi cho rằng, Fed sẽ không tăng lãi suất một lần nào trong cả năm nay. Hơn nữa, với sự kiện Brexit xảy ra, thậm chí Fed có thể sẽ giảm lãi suất vào đầu năm tới. Điều này cũng giảm bớt áp lực đối với tỷ giá trong nước.
Vậy với đồng NDT của Trung Quốc thì sao, liệu có biến động lớn?
Tôi cho rằng ít có khả năng này. Vào thời điểm cuối năm nay, chúng tôi dự báo NDT sẽ ở mức 6,56 NDT/USD. Sở dĩ chúng tôi nhận định như vậy vì Trung Quốc cũng đã thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm theo ngày. Nếu trước đây chỉ dựa vào đồng USD thì nay dựa vào một giỏ tiền tệ. Mặt khác, NHTW Trung Quốc cũng rất muốn duy trì được tỷ giá ổn định.
Thêm một vấn đề mà người dân và DN Việt Nam đang quan tâm là lãi suất. Theo ông, với bối cảnh vừa nêu thì mặt bằng lãi suất có thể giảm thêm?
Tôi không thấy cơ sở để NHNN giảm lãi suất hơn nữa, vì hiện mặt bằng lãi suất đã rất thấp rồi. Thêm vào đó, tín dụng đã tăng khá tốt trong những tháng đầu năm và tôi tin tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục tăng tốt hơn nữa trong nửa còn lại của năm nay, qua đó phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đặt ra.
Tôi cho rằng đó cũng là mức tối ưu - mức vừa đủ cho các DN đầu tư kinh doanh và không quá cao để có thể gây tổn thương cho hệ thống. Với cách nhìn như vậy chúng tôi dự đoán, lãi suất sẽ ổn định từ nay đến cuối năm.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Lê lược ghi
(Thời báo Ngân hàng)