Ngày 27-3, Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) đã ra thông cáo cho biết PVN, tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) và tỉnh Quảng Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án mỏ khí Cá Voi Xanh.
Tin kinh tế: Bản tin Tài chính tiền tệ 08-04-2016
- Cập nhật : 08/04/2016
Giá USD rục rịch đi xuống
Giá USD tại các ngân hàng thương mại bắt đầu nhúc nhích khi tỷ giá trung tâm có phiên giảm thứ hai liên tiếp.
NHNN vừa công bố tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ, áp dụng cho ngày 8/4/2016 là 21.846 đồng, giảm 6 đồng so với hôm qua, nối tiếp mạch giảm với ngày hôm qua lên 10 đồng.
Với biên độ +/- 3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 22.501 đồng và tỷ giá sàn là 21.190 đồng/USD.
Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại giảm nhẹ từ 5 – 10 đồng theo chiều hướng của tỷ giá trung tâm. Cụ thể, Vietcombank và BIDV hiện đang niêm yêt giá mua – bán USD ở mức 22.250 – 22.320 đồng/USD, theo đó Vietcombank giảm 5 đồng và BIDV giảm 10 đồng theo cả chiều mua - bán. ACB và Eximbank hiện đang giao dịch ở mức 22.240 – 22.320 đồng, theo đó ACB giảm 5 đồng theo cả hai chiều còn Eximbank không đổi.
Tăng chậm hơn, vàng trong nước lại thấp hơn thế giới
Nỗi lo Brexit cộng hưởng với việc đồng bạc xanh và chứng khoán toàn cầu sụt giảm đã đẩy giá vàng thế giới bật tăng mạnh lên sát 1.240 USD/oz. Trong khi giá vàng SJC sau khi đã tăng gần 100.000 đồng/lượng trong phiên hôm qua lại quay đầu giảm trở lại trong sáng nay (8/4).
Cuộc trưng cầu dân ý tại Hà Lan về hợp tác thương mại giữa EU và Ukraine thất bại lại làm dấy lên nỗi lo về cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về việc nước này có thể rời khỏi EU. Điều đó đã khiến các nhà đầu tư lo sợ rời bỏ các tài sản rủi ro cao như chứng khoán để tìm đến các tài sản an toàn hơn như vàng, qua đó hỗ trợ kim loại quý này bật tăng trở lại.
Đà tăng của vàng càng được hỗ trợ trong bối cảnh đồng USD tiếp tục suy yếu khi mà kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng này đã không còn sau khi Biên bản cuộc họp chính sách tháng Ba của FOMC được công bố.
Hiện giá vàng kỳ hạn tháng Sáu đã tăng lên 1.238,50 USD/oz; giá vàng giao ngay cũng đang xoay quanh 1.237 USD/oz.
Trong khi giá vàng SJC sau khi đã tăng gần 100.000 đồng/lượng trong phiên hôm qua lại quay đầu giảm trở lại trong sáng nay (8/4). Vì thế hiện giá bán ra vàng SJC tại nhiều DN đang thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi.
Theo đó, sáng nay Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã giảm giá mua và bán vàng SJC của mình 30.000 đồng/lượng, đưa giá giao dịch trên thị trường TP.HCM xuống 33,05 – 33,30 triệu đồng/lượng, còn tại Hà Nội và một số địa phương khác là 33,05 – 33,32 triệu đồng/lượng. Hiện giá bán ra vàng SJC của DN này đang thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 10.000 đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI cũng giảm nhẹ giá mua và bán vàng SJC 20.000 đồng/lượng xuống còn 33,16 triệu đồng/lượng (mua vào) và 33,23 triệu đồng/lượng (bán ra). Hiện giá bán ra vàng SJC của DOJI đang thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 60.000 đồng/lượng.
Theo các nhà phân tích, đà tăng của vàng trong phiên phục hồi hôm qua là không bền vững, nhất là khi các quan chức Anh đã lên tiếng phủ nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Hà Lan có thể tác động đến cuộc trưng cầu dân ý của nước này.
Trên thực tế, giá vàng thế giới cũng đang có xu hướng điều chỉnh nhẹ trở lại. Bởi vậy theo các nhà phân tích, nhiều khả năng giá vàng sẽ giữ xu hướng đi ngang, giảm nhẹ để chờ các thông tin mới.(TBNH)
Nhiều ngân hàng giảm nhẹ tỷ giá USD 5-10 đồng
Sáng nay (8/4), nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm giá mua – bán USD. Tuy nhiên, mức giảm không đáng kể, chỉ từ 5-10 đồng.
Cụ thể, Vietcombank vàVietinBank đều giảm nhẹ 5 đồng ở cả 2 chiều mua vào – bán ra. Hiện giá USD tại 2 ngân hàng này tương ứng là 22.250/22.320 đồng/USD và 22.250/22.330 đồng/USD.
Tương tự, BIDV giảm 10 đồng ở cả giá mua và giá bán xuống 22.250/22.320 đồng/USD.
Agribank giảm giá mua vào 5 đồng xuống 22.240 đồng/USD, đồng thời giảm giá bán ra 10 đồng xuống mức 22.320 đồng/USD.
Với khối NHTMCP, 3 ngân hàng Eximbank, Sacombank, Techcombankđồng loạt giữ nguyên biểu giá mua - bán USD. Hiện giá mua – bán đồng bạc xanh tại 3 ngân hàng này tương ứng lần lượt ở mức 22.240/22.320 đồng/USD, 22.240/22.330 đồng/USD và 22.240/22.340 đồng/USD.
22.240/22.320 đồng/USD cũng là tỷ giá USD mà 2 ngân hàng ACB màLienVietPostBank đang niêm yết, giảm nhẹ 5 đồng so với phiên trước.
Tương tự, DongA Bank cũng điều chỉnh giảm nhẹ 5 đồng ở cả 2 chiều mua vào – bán ra xuống mức 22.250/22.320 đồng/USD.
Như vậy, giá mua vào thấp nhất trên thị trường sáng nay là 22.240 đồng/USD, giá mua cao nhất là 22.250 đồng/USD. Trong khi giá bán ra thấp nhất trên thị trường là 22.320 đồng/USD, giá bán cao nhất là 22.340 đồng/USD.
Sáng nay, tỷ giá trung tâm được NHNN Việt Nam giảm 6 đồng xuống mức 21.846 đồng/USD. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 22.501 đồng và tỷ giá sàn là 21.191 đồng/USD.
Sở Giao dịch NHNN sáng nay vẫn giữ nguyên giá mua vào USD ở mức 22.300 đồng/USD, song giá bán được điều chỉnh tương ứng với mức giá trần mới là 22.508 đồng/USD.
BoJ có thể tiếp tục nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ
Một nguồn tin cho biết, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) nhiều khả năng sẽ cân nhắc về việc tiếp tục nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào cuối tháng này, giữa bối cảnh những số liệu kém khả quan về nền kinh tế Xứ hoa hoa Anh đào đang đe dọa tham vọng đưa lạm phát lên mức mục tiêu 2% của Tokyo.
Trong những phương án nhằm can thiệp vào thị trường, khả thi nhất đối với Tokyo lúc này có lẽ là tăng cường mua tài sản thay vì tiếp tục điều chỉnh hạ lãi suất vốn đã được đưa xuống mức âm kể từ tháng Một.
Tuy nhiên, các quan chức của BoJ vẫn tỏ ra quan ngại về việc phải tái sử dụng các công cụ chính sách quá sớm, nhất là khi chính sách lãi suất âm mà ngân hàng này đang áp dụng "không được lòng" công chúng.
Trước đó, hồi tháng 1/2016, BoJ đã khiến thị trường bất ngờ khi ban hành chính sách lãi suất âm bên cạnh chương trình mua tài sản khổng lồ có tên “nới lỏng định lượng và định tính” của mình để ngăn chặn nguy cơ nền kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực từ những “cơn gió ngược” bên ngoài. Tuy nhiên, biện pháp này đã không thật sự phát huy hiệu quả khi không thể giúp thị trường chứng khoán khởi sắc và chặn đà lên giá của đồng yen.
Kinh tế Nhật Bản đang vấp phải nhiều khó khăn khiến thị trường nghi ngờ những lập luận của ngân hàng trung ương rằng việc mạnh tay nới lỏng các chính sách tiền tệ sẽ giúp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và từ đó giúp lạm phát khởi sắc.
Mặc dù vậy, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda vẫn lạc quan khẳng định rằng kinh tế Nhật Bản vẫn đang trên đà phục hồi và cho hay nguyên nhân khiến lạm phát của nước này chưa thể bứt phá là do giá dầu giảm mạnh.
Giới chức Fed bất đồng về lộ trình tăng lãi suất cơ bản tại Mỹ
Trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu không mấy tích cực có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới, các quan chức của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang bất đồng về thời điểm thể chế tài chính này quyết định cho lần tăng lãi suất cơ bản tiếp theo.
Theo biên bản của Fed công bố ngày 6/4, trong cuộc họp thường kỳ ngày 15-16/3 vừa qua, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đã thống nhất tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất cơ bản hiện ở mức 0,25% - 0,5% trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu khó khăn đòi hỏi mức lãi suất thấp.
Hầu hết trong tổng số 17 quan chức Fed tham gia cuộc họp cũng bày tỏ sự hài lòng đối với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới, đồng thời nhất trí rằng kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ diễn ra "chậm và từ từ" trong thời gian tới và quyết định điều chỉnh lãi suất sẽ phụ thuộc vào những đánh giá đối với tình hình kinh tế Mỹ và thế giới.
Cuộc họp vừa qua của FOMC cũng chứng kiến sự chia rẽ giữa giới chức Ngân hàng Trung ương Mỹ khi các quan chức đều bày tỏ những quan điểm khác nhau về thời điểm tăng lãi suất cơ bản.
Một số nhà hoạch định chính sách bày tỏ thận trọng về việc điều chỉnh lãi suất trong tương lai do lo ngại những nguy cơ tài chính và kinh tế toàn cầu, trong đó có tốc độ tăng trưởng chững lại của nền kinh tế Trung Quốc, có thể đe dọa đến triển vọng của hoạt động kinh tế và thị trường lao động tại Mỹ. Họ cũng lo lắng về hoạt động đầu tư kinh doanh trong nước đang bị chững lại và các kế hoạch chi tiêu nguồn vốn hạn chế tại khu vực doanh nghiệp.
Do đó, nhóm quan chức này cho rằng thậm chí nếu Fed tăng lãi suất cơ bản vào tháng 4 tới vẫn sẽ là hành động vội vàng và "không hợp lý."
Trong khi đó, một số thành viên khác cho biết họ ủng hộ việc nâng lãi suất vào tháng Ba vừa qua, đồng thời bày tỏ lo ngại việc kéo dài lộ trình này có thể khiến Fed đẩy nhanh việc điều chỉnh lãi suất trong tương lại, khiến nền kinh tế bất ổn.
Biên bản cuộc họp của Fed được công bố gần hai tuần sau khi Chủ tịch Fed Janet Yellen có bài phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế New York về triển vọng kinh tế Mỹ, trong đó nhấn mạnh thể chế tài chính này sẽ không vội vàng tăng lãi suất cơ bản trong bối cảnh những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa chấm dứt.
Bà khẳng định các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương sẽ "hành động một cách thận trọng" trong việc nâng lãi suất bởi những nguy cơ đối với kinh tế toàn cầu vẫn đang hiện hữu.
Bà cũng đề cập đến 2 rủi ro - tình trạng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc trong khi nước này đang gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng; và triển vọng không mấy tích cực của thị trường hàng hóa, đặc biệt là giá dầu, vẫn "phủ bóng đen" lên nền kinh tế toàn cầu.
Trước đó, hồi cuối năm ngoái, Fed đã công bố quyết định nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau gần 1 thập kỷ, theo đó tăng lãi suất cơ bản lên mức 0,25%-0,5%.
Lãi suất thấp ở mức tượng trưng gần 0% từng được Fed duy trì từ cuối năm 2008 tới nay, như là một công cụ nhằm khuyến khích đầu tư và tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007-2009.